"Món nợ" trái tim của nữ họa sĩ ngoại quốc trên đất Việt

Thứ Ba, 29/08/2017, 08:09
"Lúc em ra chào đời/ Mẹ cho một trái tim để yêu/ Líu lo ca lời đầu/ Quê hương trong lòng đó em...". Bài hát "Một trái tim, một quê hương" của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu qua giọng hát của diễn viên Quý Bình ngân lên ấm áp. Anh hát dành tặng Tim nhân ngày chị ra mắt cuốn sách "Nhà May mắn" kể lại cuộc hành trình yêu thương. Chỉ có điều, với Tim, không phải "một trái tim, một quê hương" mà là: một trái tim, hai quê hương.

Tim là cái tên Việt Nam của Aline Rebeaud. Khi nhập quốc tịch Việt Nam, chị lấy họ tên đầy đủ là Hoàng Nữ Ngọc Tim. Sinh ra ở Thụy Sĩ, Aline Rebeaud rong ruổi qua nhiều nước nhưng cuối cùng chị chọn Việt Nam để gắn bó gần 25 năm trời. 25 năm thanh xuân chị dâng hiến hết cho mảnh đất hình chữ S, trao hết cho hơn 300 người kém may mắn, người mồ côi, khuyết tật... dưới mái ấm mang tên "Nhà May mắn".

Chị bảo dường như kiếp trước mình có nợ với Việt Nam, nặng kiếp với những số phận khắc nghiệt, bị dòng đời nhấn chìm, thậm chí để họ biến mất hoàn toàn trên cõi trần này. Chị quyết tâm dìu họ quẫy đạp ngoi lên và sống tốt dưới vầng dương. Nhiều người thảng thốt: cô gái ngoại quốc nhỏ bé ấy lấy đâu ra sức lực và sự bao dung để từ giã cuộc sống sung túc ở Thụy Sĩ mà cưu mang từng đó con người ở một đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn?

Hồi 10 tuổi, Tim khiến mẹ vô cùng ngạc nhiên khi dán mắt vào cuốn sách ảnh đen trắng chụp năm 1951 ở một đất nước xa lạ mang tên Việt Nam. Với Tim, hình ảnh nghèo khó cùng cuộc chiến đau thương ở dải đất xa xôi chẳng bao giờ nguôi ám ảnh. Em trai kế của Tim bị điếc, mọi giao tiếp đều qua đôi bàn tay. Chị thương em trai vô cùng. Năm 12 tuổi, Aline quen một người bạn trai là trẻ mồ côi. 14 tuổi, chị quen Giampiero - một chàng trai Ý vạm vỡ, điển trai. Nhưng khi vừa chia tay người yêu để trở về Thụy Sĩ, Aline khụyu ngã khi nghe tin Giampiero bị tai nạn. Từ đó, anh bị liệt nửa người. Phải chăng do trải qua một tuổi thơ với những người thân chịu nhiều nghịch cảnh nên trái tim Aline hoài đau đớn trước mảnh đời khốn khó?

Sau này Aline quen bạn trai Thụy Sĩ là người gốc Việt Nam. Anh kể cho chị nghe rất nhiều về đất nước mình, mời thưởng thức món ăn bản địa và hát cho chị nghe những bản nhạc đặc trưng. Hình ảnh đen trắng trong cuốn sách thời thơ ấu quay về. Tất cả thúc giục nữ họa sĩ đến Việt Nam một lần khi tuổi đôi mươi vừa chớm.

Tim và em La Văn Thành tại buổi giao lưu, ra mắt tự truyện "Nhà May mắn".

Một đêm khuya năm 1993, Aline đi dạo bước trong con hẻm TP Hồ Chí Minh và phát hiện một cậu bé đen sì nằm vật vờ cạnh đống rác. Áo quần em rách bươm. Hơi thở hổn hển. Bà bán hủ tiếu cạnh đó nói: "Thằng bé này là người Miên, nó đi ăn xin trong khu vực này đã mấy tuần nay". Nỗi xót xa, thương cảm bóp nghẹt Aline. Chị cho thằng bé ăn mì. Cậu ăn như chưa từng được ăn. Cậu tên Dũng, ba mẹ Dũng bị quân Pôn Pốt giết nên cậu bỏ quê nhà lang thang đến đây. Aline đưa Dũng đến ở nhờ nhà một người bạn để tiện chăm sóc vì không trại mồ côi nào chịu nhận em, phần vì em quá lớn tuổi, phần vì em không phải người Việt. Từ đây, cơ duyên gắn bó với trẻ em đường phố, người khuyết tật, người lang thang cơ nhỡ... của Aline bắt đầu.

Trong trại tâm thần chị gặp một cậu bé nằm thở thoi thóp, người đầy vết ghẻ lở. Người ta bảo cậu sắp chết vì bệnh tim rất nặng nhưng Aline kiên quyết xin bảo lãnh để cứu bằng được cậu bé. Ngoài bị bệnh tim, gan sưng to, Thành còn đau khớp nặng. Aline là người duy nhất giúp em xoa dịu cơn đau. Chị ngủ ngay dưới chân giường để Thành có việc gì cần thì có thể gọi ngay. Có lẽ nhờ tình yêu thương vô điều kiện của Aline mà Thành thoát khỏi bàn tay tử thần. Ngày Thành xuất viện, có người đặt tay lên vai Aline bảo: "Aline ơi, trước khi cô đi qua khỏi cánh cổng này, chúng tôi sẽ đặt tên mới cho cô". Họ kêu Aline nhìn lên bảng tên bệnh viện. Từ ngày đó, Aline tên là Tim.

Chị thuê nhà ở ngoại ô để cưu mang Thành và sau này là các trẻ mồ côi khác. Tim dạy cho Thành sở trường của mình: vẽ. Những bức tranh đầu tiên của Thành thật khủng khiếp. Chỉ có hai màu đỏ và đen. Đó là máu và bóng tối. Như thể bị ám ảnh, cậu chỉ vẽ thánh giá màu đen rỉ chảy hay cuộc hấp hối của chúa Ki-tô. Hàng chục bức tranh chỉ có một chủ đề. Thành nói em vẽ những gì em thấy trước đây: cơn điên của người bị bệnh tâm thần, sự dữ dằn của kẻ đã mất hết phương hướng.

Số lượng người cần cưu mang ngày càng đông nên Tim mua một ngôi nhà và đặt tên là "Nhà May mắn" ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Ở ngôi nhà sơn màu xanh da trời ấy, một mình Tim phải đảm nhiệm nhiều vai trò: khi là y tá, khi là chị bếp, cô giáo...  Ở đó, họ gọi chị trìu mến: mẹ Tim. Bởi chắc chỉ có chị mới dám rửa vết thương sâu hoắm lở loét, mưng mủ lẫn máu, xương vụn mà ai nhìn cũng ớn lạnh. Những ngày đầu thành lập "Nhà May mắn", Tim đã chia sẻ năng khiếu hội họa của mình cho các thành viên như một liệu pháp chữa trị: hội họa giúp họ diễn tả cảm xúc sâu đậm nhất. Mong ước của chị vẫn là một ngày nào đó họ có thể cầm cọ tự sáng tác tranh và mang bán. Giờ đây, từ những lớp học vẽ thiệp bằng tay đầy vụng về, nhiều người đã trở thành họa sĩ, thợ vẽ có tranh được ưa chuộng.

Rồi những người trong "Nhà May mắn" nên duyên. Chị đứng ra làm chủ hôn cho họ. Tim biết, sau khi kết hôn, họ ra ngoài sống nhưng gặp nhiều khó khăn với kiểu nhà trọ vốn xây dựng cho người lành lặn. Từ trăn trở đó, chị lại dồn sức xây dựng "Làng May mắn". Nơi đây là khu căn hộ được thiết kế dành cho gia đình người khuyết tật. Rồi "Trung tâm Chắp cánh" ra đời để đào tạo nghề, cho họ có một chiếc cần câu cơm. Nơi đây dạy vẽ, dạy nấu ăn, làm bánh, dạy may, thủ công mỹ nghệ, dạy tiếng Pháp... Để giúp các con tốt hơn, Tim chăm chỉ học tiếng Việt.

Bìa sách "Nhà May mắn".

Thuở ban đầu khi mới xây dựng "Nhà May mắn", toàn bộ chi phí trông chờ vào tiền bán tranh của Tim. Về sau, số tiền để chăm lo cho đời sống của mấy trăm con người ngày càng nhiều nên chị thành lập các tổ chức xã hội ở quê nhà. Mẹ Tim là ca sĩ, bà có một tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ những người kém may mắn. Qua tổ chức này và các lớp dạy hát, bà cho nhiều người biết đến "Nhà May mắn" và kêu gọi mọi người giúp đỡ.

Thuở ban đầu, Tim gặp vô vàn khó khăn. Chị bị lừa, bị các con dối trá, trộm cắp... Nhưng sau khi nước mắt đã rơi, Tim lại chọn tha thứ: "Con người ta ai cũng có mặt tốt, mặt xấu. Làm thế nào để người ta phát huy mặt tốt ấy mà hạn chế mặt xấu lại". Diễn viên Quý Bình thú thật lần đầu tiên ghé thăm "Nhà May mắn", anh đã e dè khựng lại trước cổng. Ở trong đó là hàng trăm người với đủ thành phần khác nhau: bụi đời có, hút chích có, trộm cắp có, rồi người bệnh tật, người ngồi xe lăn... Vậy mà Tim cưu mang tất cả, yêu thương và tha thứ cho tất cả. Có lần, một số trẻ bụi đời ở "Nhà May mắn" lấy trộm xe đạp, xe lăn để bán lấy tiền ăn chơi. Các thành viên ban quản lý quyết định đuổi. Nhưng Tim khóc nức nở năn nỉ, xin họ tha thứ để các em sửa chữa lỗi lầm.

Với những người sống trong mái ấm ấy, mẹ Tim như một bà tiên. Tuổi 20 phơi phới, La Văn Thành choáng ngất khi bác sĩ thông báo em không còn sống  bao lâu nữa vì căn bệnh nan y. Em rơi xuống hố sâu tuyệt vọng nhưng mẹ Tim luôn bên cạnh động viên, an ủi, chăm sóc từng miếng cơm, viên thuốc... như ngày mẹ Tim chăm em hồi còn nhỏ xíu. Thấy mẹ khóc thầm những lúc vắng người, Thành tự hứa sẽ gắng sống thật tốt để không phụ lòng mẹ. Em chỉ mong ước mình sống được lâu, tốt nghiệp ra trường để sớm về san sẻ bớt gánh nặng với mẹ.

Thấy con gái làm nhiều việc thiện ở đất nước Đông Nam Á xa xôi mà chẳng thiết chuyện lập gia đình riêng, cha Tim - vốn là một nhà báo - đã gợi ý con gái viết sách kể lại câu chuyện "Nhà May mắn". Tim cười thoái thác: "Thôi ba à". Với cô, làm thiện nguyện xuất phát từ tâm. Viết sách khác nào mình khoe cho cả thiên hạ. Với lại, mình chưa già đã viết sách thì kỳ chết. Nhiều năm sau, thấy con gái chẳng đụng bút, bố cô lại thuyết phục. Rồi bạn bè, tình nguyện viên cộng tác với Tim cũng góp ý nên Tim dần suy nghĩ lại. Bản tiếng Pháp cuốn tự truyện "Nhà May mắn" ra đời. Sau đó là bản tiếng Việt và sắp tới sẽ là bản Tiếng Anh. Sách cũng là một phương tiện để truyền tải thông điệp yêu thương, một thông điệp mà Tim đã ôm ấp và dành cả đời phụng hiến không khác gì một đức tin tối thượng. Vậy sao không chia sẻ nó đến mọi người? Bởi cô tin chắc rằng "nếu tình yêu là một căn bệnh truyền nhiễm, hãy để nó lây sang trái tim của hàng triệu độc giả".

Mai Quỳnh Nga
.
.