Mô hình sân khấu học đường: Mỗi nơi một kiểu
Nỗ lực truyền tình yêu di sản dân tộc
Trước nguy cơ nghệ thuật truyền thống ngày càng nhạt nhòa trong nhịp sống hiện đại, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, bắt đầu từ năm 2006, ngành văn hóa TP Hồ Chí Minh triển khai mô hình "Đưa giáo dục nghệ thuật dân tộc truyền thống vào nhà trường" (còn gọi là mô hình "Sân khấu học đường").
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang được xem là "anh cả đỏ" đi đầu khi mô hình này khởi động. Giai đoạn năm 2007, Nhà hát đã giúp thầy cô và học sinh các trường THCS ở quận Gò Vấp, huyện Củ Chi, Hóc Môn… hiểu biết cặn kẽ hơn về quá trình hình thành và phát triển của đờn ca tài tử, ca ra bộ, sân khấu cải lương cũng như giới thiệu tính năng một số loại nhạc cụ như đờn kìm, cò, tranh, bầu, bộ gõ, song loan...
Đồng thời, các nghệ sĩ còn chỉ dẫn học sinh thể hiện một số làn điệu tiêu biểu như: Thu hồ, Long hổ hội, Nam xuân, Khốc hoàng thiên, Vọng kim lang… và dàn dựng, tập luyện một số trích đoạn cải lương ca ngợi lịch sử, truyền thống cha ông gồm "Sự tích bánh chưng - bánh giày", "Hào kiệt anh thư", "Hội nghị Diên Hồng"… Tham gia truyền dạy là những nghệ sĩ, nghệ nhân lão luyện, giàu kinh nghiệm. Tương tự, hằng tháng, Nhà hát nghệ thuật Hát bội thành phố nỗ lực duy trì 3 suất diễn nhằm phục vụ và giới thiệu đến thiếu nhi những kiến thức căn bản nhất của Hát bội.
Vở "Trần Quốc Toản ra quân" của Sân khấu kịch Idecaf phục vụ tại một số trường học. |
Khi nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013, Trung tâm Văn hóa thành phố đã triển khai nhiều hoạt động để loại hình nghệ thuật đặc sắc này đến với đông đảo thế hệ trẻ. Trong đó, nổi bật nhất có kế hoạch "Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và âm nhạc dân tộc phục vụ trường học", mở lớp truyền dạy ca tài tử cho các em học sinh. Hưởng ứng phong trào này, trung tâm văn hóa các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng triển khai trung bình khoảng 10 suất diễn về nghệ thuật dân tộc dành cho thiếu nhi mỗi năm.
Không chỉ đơn vị Nhà nước mà sân khấu xã hội hóa cũng tham gia tích cực nhằm thúc đẩy mô hình "Sân khấu học đường" phát triển. Nhiều năm nay, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu kịch Idecaf, bà bầu Hồng Vân của Sân khấu kịch Phú Nhuận và Superbowl đã chủ động dàn dựng kịch mục lịch sử lồng ghép nhiều yếu tố văn hóa truyền thống để đưa vào trường học.
Đầu tư kịch mục chất lượng nhưng các sân khấu này lấy giá vé rất ưu đãi. Chỉ tính riêng trong năm học 2015 - 2016, Sân khấu Idecaf đã tổ chức 120 suất diễn tại 55 trường tiểu học với giá vé chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng.
Thậm chí, năm học 2016 - 2017, Sân khấu này còn chuẩn bị 50 suất kịch rối phục vụ miễn phí ở 50 trường mầm non, tiểu học. Nhiều vở diễn tiêu biểu như "Sơn Tinh - Thủy Tinh", "Trưng Nữ Vương", "Đinh Bộ Lĩnh", "Trần Quốc Toản ra quân"... khiến các em rất thích thú. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết: "Để phù hợp và gần gũi với các em học sinh, chúng tôi lưu diễn tại các trường vào sáng chủ nhật hằng tuần.
Các vở kịch đều chọn lọc những câu chuyện lịch sử tiêu biểu, ca ngợi tinh thần yêu nước, các tấm gương anh hùng dân tộc, đặc biệt là tấm gương anh hùng thiếu niên, nhi đồng... gần gũi với các em. Chúng tôi bám sát những sự kiện và tính chất tiêu biểu của mỗi nhân vật lịch sử, khai thác nhiều câu chuyện hấp dẫn không có trong sách giáo khoa. Vở dàn dựng sinh động, súc tích, không lên gân, đao to búa lớn nên rất lôi cuốn các em".
Nhiều nghệ sĩ cũng không đứng ngoài cuộc. Để các em học sinh có thể hiểu và phân biệt được cổ nhạc Nam Bộ, từ năm 2015, nghệ sĩ Linh Trung phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ giáo dục trẻ em thiệt thòi Việt Nam cùng một số ''Mạnh Thường Quân'' thực hiện cả trăm suất diễn phục vụ miễn phí nhạc dân tộc trong học đường với chủ đề "Hãy nghe và cảm nhận nhạc dân tộc như lời ru của mẹ".
Nhà giáo Ưu tú Thúy Hoan và con gái là NSƯT Hải Phượng cũng tổ chức nhiều chương trình giới thiệu âm nhạc dân tộc đến thiếu nhi. Dịp hè 2018, hai mẹ con hợp tác với Trường Quốc tế Việt Úc và Trường Nhạc PMU thực hiện khóa dạy nhạc dân tộc cho cấp tiểu học của trường. Từ những lớp truyền dạy này, nhiều tài năng nhí được phát hiện để đào tạo, bổ sung vào đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân đang ngày càng vắng bóng.
Vẫn chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa"
Phải thừa nhận rằng ngành văn hóa và các nghệ sĩ đã có nhiều nỗ lực để gây dựng mô hình này đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả. Bước đầu, mô hình đã đem lại hiệu ứng tích cực không nhỏ đối với thế hệ trẻ, được xã hội hoan nghênh, kỳ vọng.
Tuy nhiên vẫn chưa thể nói rằng mô hình đã thành công. Dù triển khai được hơn 10 năm nhưng mô hình dường như vẫn giậm chân tại chỗ, chưa thực sự tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Các chương trình chỉ hoạt động cầm chừng, lẻ tẻ, "được chăng hay chớ" chứ chưa trở thành một hoạt động thường xuyên tại các trường.
Hiện tại, "Sân khấu học đường" vẫn bị nhà trường xem là hoạt động ngoại khóa cho học sinh, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Trong khi đó, chương trình giáo dục chính quy về âm nhạc ở bậc tiểu học và trung học cơ sở quá sơ sài. Các em chỉ được học về nhạc lý cơ bản, tập hát một số bài dân ca, nhạc thiếu nhi đơn giản chứ không hề biết về nghệ thuật hát bội, quan họ, chèo, cải lương... như thế nào, có gì đặc sắc.
Để thiếu nhi yêu nghệ thuật dân tộc, mô hình "Sân khấu học đường" cần xây dựng giáo trình thống nhất, bài bản. |
Không mấy ngạc nhiên khi những em học sinh mới 7, 8 tuổi đã có thể ra rả các bài hát yêu đương, sướt mướt của người lớn. Nói như NSƯT Hải Phượng: "Các em không được học, được hiểu và tiếp cận thì làm sao các em yêu nghệ thuật truyền thống, âm nhạc dân tộc?".
Đã vậy, khi thực hiện mô hình "Sân khấu học đường", mỗi đơn vị, mỗi nơi làm một kiểu chứ chưa xây dựng thành chuỗi chương trình thống nhất, bài bản, có chiến lược. Thậm chí, có nơi làm sai lệch mục đích, ý nghĩa của chương trình.
Thạc sĩ Phạm Thái Bình, Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho hay: "Thay vì giáo dục, hướng dẫn giúp các em học sinh phân biệt đặc điểm dân ca các vùng miền bằng việc minh họa các làn điệu dân ca gốc của vùng miền đó, ngược lại, những người thực hiện lại đưa vào chương trình những bài hát mang âm hưởng dân ca, không ăn nhập với chủ đích của chương trình.
Đó là chưa kể đến, vài chương trình lại đưa nghệ sĩ cải lương biểu diễn minh họa các tiết mục đờn ca tài tử, dẫn đến hệ quả các em lầm tưởng rằng ca tài tử cũng giống như ca cải lương. Một số vở kịch, tiết mục có nội dung chưa thật sự chuẩn mực, không phù hợp với trình độ, lứa tuổi học sinh".
Nguồn kinh phí hạn hẹp nên số lượng suất diễn cũng bị giới hạn. Thành phố có hơn 400 trường tiểu học, chưa kể các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ở 24 quận/ huyện, nhưng nhiều năm qua, mỗi nơi chỉ tiếp nhận được khoảng một hoặc hai suất diễn.
NSƯT Hải Phượng thẳng thắn nhận định: "Dù đã triển khai một thời gian khá dài nhưng mô hình vẫn dừng lại ở mức giới thiệu sơ lược. Các em dự theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", nghe cho vui vì không có tác phẩm phù hợp để học. Những bản sáng tác dành cho thiếu nhi được phát động gần đây lại không phổ biến rộng rãi, chủ yếu để tập cho các em trong sinh hoạt gia đình hoặc một số nhóm đờn".
Theo thạc sĩ PhạmThái Bình, ngoài việc chú trọng chọn lựa những tiết mục có nội dung gần gũi, phù hợp với lứa tuổi các em và xây dựng giáo trình một cách chuẩn mực, bài bản, chúng ta nên học theo cách làm hay của một số quốc gia đi trước. Bởi nhiều nước đã biết kết hợp dạy hát dân ca với các trò chơi dân gian cho trẻ em ở các vùng nông thôn khác nhau để tạo hứng thú vừa học - vừa chơi. Những trò chơi dân gian này ở Việt Nam có rất nhiều như: chơi sáo diều, nhảy dây, chơi ô ăn quan, đánh gụ, chơi chong chóng… Do đó, nếu biết kết hợp và sử dụng hợp lý thì sẽ đạt hiệu quả cao.