Me khấu mẹ gạo*

Thứ Ba, 04/12/2018, 08:40
Với dân tộc Tày chúng tôi, cây lúa không chỉ như ân nhân, thực sự đó là ân nhân. Một ân nhân thật đặc biệt. Thậm chí chúng tôi gọi cây lúa bằng mẹ. Me khấu (mẹ gạo). 


Trên đời này không có gì thiêng liêng hơn tiếng mẹ. Một tiếng mẹ khi cất lên, thấy trong lòng ta rưng rưng biết bao nỗi niềm, biết bao tình trân quý, thân thiết và gần gũi. Loài người chúng ta ai ai cũng có mẹ. Mẹ là đấng sinh thành ra chúng ta. Mẹ là rốn của tất cả tình cảm yêu thương kính trọng mà cả loài người dành cho mẹ.

Thế thì người Tày chúng tôi gọi mẹ gạo là chí lý lắm. Nghĩa là mẹ gạo chỉ đứng sau người mẹ đẻ. Mẹ gạo tuy không sinh thành, nhưng có công nuôi dưỡng mình suốt đời.

Cây lúa bé bỏng mỏng mảnh yếu ớt, vậy mà quan trọng đến thế này sao? Đúng! Cây lúa cực kỳ quan trọng! Người mẹ quan trọng thế nào, cây lúa quan trọng dường ấy! Có lúc vui miệng, các bà các chị còn gọi hạt lúa là hột thịt (muôi khẩu khón nựa).

Thân thiết đến mức coi cây lúa cũng là cây cơm cây thịt. Nói thế chẳng đúng sao? Từ bé đến già, từ con dân áo ngắn ngang hông, đến vua quan áo dài chấm gót, cũng chỉ ăn cơm gạo mà sống mà thành con người lành lặn, có sức mạnh, có trí tuệ, có tình cảm… Con người chúng ta, ai ai cũng chỉ có ăn cơm ăn rau để nuôi thân nuôi xác.

Nhờ có cơm có rau mà thành trai thanh gái nụ. Nhờ có cơm rau mà họ yêu nhau khin khít. Nhờ cơm rau mà họ yêu nhau nừng nực giữa đất trời mênh mông. Nhờ có cơm có rau mà chúng ta làm chủ trong lòng trời đất. Nhờ có cơm có rau mà loài người mãi mãi sinh tồn, và sinh tồn bất tận.

Cây lúa bé bỏng ki còi mà quan trọng đến thế này sao? Đúng! Cực kỳ quan trọng!

Những cung đường lúa chín.

Người Tày chúng tôi xem cây lúa nước là hình ảnh chính nhân quân tử. Người quân tử hết lòng hết dạ vì nước vì dân. Người quân tử cả đời phục vụ mà không tính công, không kể thưởng, không đòi hỏi bạc tiền.

Đời cây lúa uyển chuyển thanh cao như người quân tử. Cây lúa có cách sống khôn ngoan như người quân tử. Nó biết tránh cho mình những điều không may xảy đến. Ví như gió chiều nào, dù cây lúa là gái tơ hay đã có chồng, đang trĩu bông chửa đẻ cũng không bao giờ đổ gục. Có bão bùng lúa cúi rạp giữ mình rồi thôi. Vậy hỏi rằng cây lúa sống khôn ngoan hơn hay con người sống khôn ngoan hơn? Hình ảnh cây lúa là minh triết bao đời nay của người Tày.

Cha ông chúng tôi dạy: Hạt thóc nhọn hai đầu. Nghĩa là con người ta ăn hạt thóc ắt phải thông minh hơn thóc. Vì thế người Tày chúng tôi biết lấy nhu mà thắng cương, lấy yếu mà thắng mạnh, lấy lòng nhân mà thắng bạo tàn. Lắm khi trà dư tửu hậu, có thi sĩ người Tày hiện đại nhìn bông lúa mà thành ra con cá. Hạt lúa lợp lên nhau như vẩy cá.

Đêm dưới trăng hạt lúa óng ánh vàng. Hạt càng mẩy thì bông càng cúi mình nhún nhường. Bông lúa như người hiền cúi mình sát đất. Người Tày từ đời này truyền cho đời sau, sống mà học theo cây lúa. Chân thành thực thà như cây lúa. Thiện lương nhân ái như cây lúa. Nhẫn nhịn nhường nhau như cây lúa. Nhân đức cao cả như cây lúa. Sống nghĩa là cho đi. Cho đi nghĩa là mãi còn.

Người Tày chúng tôi có nghề trồng lúa nước rất lâu đời. Kể từ cái ngày đất trời đang còn hỗn độn, không gian còn mù mờ tranh tối tranh sáng, cha ông chúng tôi đã biết cách thuần hoá cây khẩu phi (lúa ma) mọc hoang dại bên bờ suối, thành cây lương thực chủ yếu như bây giờ. Thuần hoá con trâu, con bò hoang giúp người nông dân cày bừa...

Cha ông chúng tôi để lại truyền thuyết Bao Luông Slao Cải để giải thích về những điều đó. Hai vợ chồng người to cao khổng lồ, thân lừng lững như cây gạo, tay dài ngoằng như cành gạo. Tóc râu tùm toà rậm rạp như rừng. Họ là những người đầu tiên gây dựng nên mảnh đất và con người Cao Bằng, cho đến tận ngày nay. Con cháu đời đời vẫn còn nhớ câu Báo Luông Slao Cải dặn lại: "Gặm hết nà / gà hết rẩy" (đại ý đại khái câu này hiểu như sau: Chỗ nào nước thì làm ruộng, chỗ nào không có nước thì làm rẫy).

Cha ông người Tày đã tận dụng từng milimét đất để canh tác cấy trồng lúa nước và các loại hoa màu khác. Người Tày chúng tôi quý đất lắm. Đất giá trị cao hơn vàng bạc. Chẳng thế mà dân gian Tày có câu: “Ngần zèn tang tôm nhả”. Bạc tiền chẳng bằng đất cỏ. Bởi vì vạn vật từ đất mà sinh thành. Trên đời này không gì mềm bằng đất, không ai nhẫn bằng đất, không gì bao dung bằng đất. Thuận theo đất thì muôn đời trường tồn. 

Lại nói về danh định người Tày. Ít ai ngờ lại chính từ chữ thây (cày) mà ra. Khởi thuỷ lấy công việc gần thây nà (người cày ruộng) để phân biệt với những người tức bết (người đi câu) tức thấu (người đi săn) gần au fùn (người đi củi)… Lâu dần, người ta lược bớt đi một chữ nà (ruộng) còn hai chữ gần thây (người cày). Mặc nhiên từ bao giờ người ta công nhận đây danh tộc người Tày. Và kể từ đấy đến nay, dân tộc Tày trở thành danh xưng chính thức.

Có một thời cha ông chúng tôi tự nhận mình là người Thổ. Thổ này là thổ địa, như người ta vẫn thường gọi: Niêm thổ là đất thó hay đất sét; sa thổ là đất cát; nê thổ là đất bùn… chứ không phải người Tày dân tộc Thổ, như một số người vẫn hay lầm tưởng, thậm chí tỏ ý miệt thị! Trên thực tế nước ta có một dân tộc Thổ, họ thuộc về ngữ hệ Việt Mường.

Còn chúng tôi thuộc ngữ hệ Tày Thái. Dân tộc Thổ họ sống rải rác ở miền tây hai tỉnh Nghệ An – Thanh Hoá. Còn người Tày chúng tôi sống chủ yếu tại những cánh đồng thung lũng, chuyên trồng lúa nước, tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên… và một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Đặc biệt, người Tày chúng tôi bất kể trai hay gái cũng thành thạo cày bừa cấy hái. Việc đồng áng, ai làm gì cũng được, không phân công giao cho một việc làm cụ thể nhất định nào cả, kiểu như “cha cày mẹ cấy con trâu đi bừa”.

Tôi nói khí không phải, nhưng đây là sự thật, khi lên tám tuổi tôi đã theo mẹ đi bừa. Lên mười hai tuổi tôi đã cùng cha đi cày. Cày bừa đã trở thành công việc quen thuộc khi tôi đang còn rất nhỏ tuổi. Đến khi mười lăm mười sáu tôi đã cùng mẹ, chị nhổ mạ, gánh phân, sửa mương đắp phai dẫn nước vào ruộng. Mười tám mười chín tôi đã là một anh nông dân lực điền thực thụ. Tiện đây tôi cũng xin nói thêm. Thuật ngữ mương phai là của người Tày, không phải của người Kinh. Trong từ điển Tiếng Việt đã nói rất rõ: Mương phai là hệ tưới tiêu của người Tày ở miền núi.

Điều đặc biệt nữa, dân tộc Tày chúng tôi còn có nông lịch. Đây là cách chia thời gian dành riêng cho nhà nông. Loại lịch này chỉ có ngày âm, không có ngày dương. Nông lịch được các nhà Nho viết tay bằng chữ nôm Tày, chữ to như miếng bánh đúc trên một tờ chỉa sla (giấy dó). Đây là lịch tươi, và họ cũng chỉ bán trong ngày ba mươi Tết thôi.

Ngoài đắp (ba mươi Tết) ra chợ không còn ai bán nữa. Nông lịch viết bằng chữ nôm Tày, ví dụ: “Bươn slam lồng chả, bươn hả bai nà”. Nghĩa là tháng ba gieo mạ, tháng năm cấy lúa. Thậm chí nông lịch còn tính từng ngày cụ thể. Mùng bảy ngâu đến, mùng chín thì ngâu về. Hai ngày ngâu không ăn. Ba đêm ngâu không ngủ. Ngâu để mắt còn chờ người thương. Chờ người thương đến mềm cả cổ, nhưng cuộc đời vẫn chưa cho gặp… Đại loại nói lặp lẹp ra là như vậy.

Nông lịch người Tày tuy to bằng bàn tay, nó ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin, khi nào nắng, lúc nào mưa xuống. Lịch người Tày còn nhắc nhở cháu con, đến ngày mùng sáu tháng sáu, nhớ làm cỗ làm bàn cúng hồn cây lúa. Cỗ cúng cho hồn lúa gồm một bát bún thang, một chú vịt luộc và một bát ôtô slai fò (xôi vò) có ngọn.

Lúc này cây lúa non như các bé mẫu giáo lớn. Các “cháu” lúa lúc này mới chớm lớn nên hồn vía thích chơi và mải chơi. Chơi chỗ này một lúc, chơi chỗ kia một lát, chơi tới chiều thì hồn quên đường về. Hồn không về là lúa mọc thẳng tưng bất khuất. Người ta bèn gọi nó là lúa lép. Lúa lép thuộc về loài hữu danh vô thực.

Người Tày quý cây lúa bằng mười, thì quý hạt cơm bằng một trăm linh một. Cha tôi thường dạy các con rằng: một hạt cơm cõng một lưng mồ hôi. Nên khi ăn ta cần phải nhai cho thật kĩ. Nhai để hạt cơm nát ra như cháo. Cháo là bùn đang tan trong người ta. Các con khi ăn không được làm rơi cơm là có tội với trời đất. Còn người làng Hiếu Lễ lại nói trắng phớ ra rằng: “Muôi khẩu chắp hi ma/ au gàn gà pây tẻp” Nghĩa là hạt cơm dính đuôi con chó, lập tức cầm đòn càn đuổi theo đòi lại.

(*) Me khấu mẹ gạo: Cây lúa.

Y Phương
.
.