Mắt ngọc đảo xanh

Thứ Sáu, 14/02/2020, 08:11
Gần nửa tiếng sau vượt sóng tàu chúng tôi đậu bến Hòn Dáu. Tên đảo sau này còn được gọi là Hòn Dáu có lẽ bởi đảo chính là nơi đánh dấu cột mốc cao độ số O quốc gia cho tiêu chuẩn Việt Nam. Nhà thơ Minh Trí giải thích thêm Hòn Dáu có vị trí địa lý vô cùng đặc biệt trên biển...

Trên đường ra Hòn Dáu (Đồ Sơn-Hải Phòng) nhà thơ Minh Trí (Hội Nhà văn Hải Phòng) căn dặn chúng tôi chớ lấy gì từ đảo mang về dù chỉ là một chiếc lá khô. Nghe nói không ít người đã bị thần vật ngã lộn xuống biển trước khi bước xuống tàu. Bởi họ đã cầm về những hòn đá óng ánh sắc màu hay một giò lan xinh xinh. Thậm chí có người sinh ngớ ngẩn cúng mãi không khỏi bệnh chỉ vì lòng tham bê một khúc gỗ về kê làm ghế ngồi.

Bí ẩn đảo Dáu

Chúng tôi đứng chờ tàu ở Bến Nghiêng (hay còn gọi là bến K15). Nhà thơ Minh Trí chỉ về phía trước rồi kể tại đây chuyến tàu không số của quân đội ta đã xuất phát chở vũ khí và hàng hóa vào chiến trường miền Nam vào đêm 11-10-1962. B

ến Nghiêng chính là vị trí khởi đầu cho đường Hồ Chí Minh trên biển từ đó. Gần một trăm chuyến tàu đã vượt qua bão tố sóng gió vận chuyển vũ khí đạn dược vào chiến trường miền Nam trong vòng mười năm (1962-1972).

Gốc đa lớn trên đảo Mắt ngọc.

Nhà thơ Minh Trí dẫn chúng tôi đến trước tượng đài “Di tích lịch sử bến tàu K15” rồi đọc những câu thơ đầy ắp những ký ức một thời: “Thành phố của tôi xù xì gan góc. Bay bổng những lời ca ngạo nghễ Bạch Đằng. Dàn cọc nhọn hòa trong biển lớn. Lịch sử ngàn năm vang vọng đất trời” (Duy Anh). Những trụ gỗ còn sót lại dưới ven biển Đồ Sơn là di chứng của cầu tàu ngày đó. Đúng lúc này chuyến tàu hú còi gọi khách.

Chúng tôi vội vã lên đường. Những cơn gió từ ngoài khơi dạt dào. Con tàu bồng bềnh trên sóng biển. Không hiểu sao lúc này những câu thơ về Hải Phòng của cố thi sĩ Văn Cao lại vang lên trong tôi. Không ai không nhớ đến những khổ thơ đầy khắc khoải trong bản trường ca “Những người trên cửa biển”. Ông đã viết về giấc mơ sau ngày biển động: “Đêm tắt đi tiếng ồn ào náo động. Cho đôi lứa yêu nhau. Những giờ phút ngày xưa chưa có. Những cái hôn luôn mới. Cái hôn đầu tiên…”.

Gần nửa tiếng sau vượt sóng tàu chúng tôi đậu bến Hòn Dáu. Tên đảo sau này còn được gọi là Hòn Dáu có lẽ bởi đảo chính là nơi đánh dấu cột mốc cao độ số O quốc gia cho tiêu chuẩn Việt Nam. Nhà thơ Minh Trí giải thích thêm Hòn Dáu có vị trí địa lý vô cùng đặc biệt trên biển.

Trong những biểu đồ thể hiện mực nước thủy triều Hòn Dáu hầu như có mặt trong nhiều sách “Hải dương học” trên thế giới. Bởi nơi đây được lấy làm ví dụ điển hình làm cơ sở đo mốc thủy chuẩn quốc gia. Chính vì thế, từ năm 1956 trạm khí tượng thủy văn Hòn Dáu đã được xây dựng làm nhiệm vụ đo đạc hàng ngày, theo những điều luật quốc tế.

Ngay sau đó chúng tôi vào thăm trạm khí tượng ở dưới chân núi. Chung quanh trạm là những hàng cây đa đỏ cổ thụ. Nhà thơ Minh Trí cho biết trong khu sinh thái của đảo có rừng đa đỏ lớn nhất nước ta. Đảo có tới hàng trăm cây đa. Trong đó có tới  45 cây hơn trăm năm tuổi và đa phần được chứng nhận là “Di sản Việt Nam”. Có gốc đa cổ với chùm rễ trải rộng hàng chục mét vuông hai chục người dang tay cũng không ôm hết nổi vòng thân cây.

Chúng tôi đang mải mê ngắm những cây đa dọc đường lên núi thì bất ngờ có tiếng người xôn xao. Một chàng trai hớt hải chạy xuống đền thờ Nam Hải tìm lại chiếc ví để quên ở một quán nước. Quả là anh ta gặp may. Bà chủ quán nước dưới một gốc đa trước cửa đền trả lại chiếc vì dày cộp cho chàng thanh niên rồi nói: “Mọi thứ ở trên đảo không thể mất đâu được. Đó là Ngài giữ hộ anh đó”. Ý bà nói đến thần đền Nam Hải (Đền thờ một tướng công đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông).

Lúc này nhà thơ Minh Trí mới giải thích thần Nam Hải khắt khe lắm. Ai tham lam lấy bất cứ vật gì cũng đều bị trừng trị. Ngài luôn bảo vệ đảo thiêng và thường đem lại niềm vui cho con người. Chả thế cứ vào mùa lễ hội (tháng Hai) cá tôm cũng về hàng đàn nhảy múa. Ngư dân Đồ Sơn tha hồ thả lưới đánh cá. Đặc biệt có năm một đàn cá voi quay về nhô đầu lên và cười rú rít như gửi lời chào rồi bơi ra biển. Thế dân gian mới có câu: “Hội về lắm cá nhiều tôm. Chim-Thu-Nụ-Đé nhảy chồm lên vai”.

Cây đèn biển cổ

Lên cây đèn biển chi có một con đường duy nhất. Chúng tôi vượt lên con đường đá xuyên qua cánh rừng nguyên sinh đủ ba tầng rừng cây. Nhờ sự gìn giữ của các chiến sĩ biên phòng trên đảo mà khu rừng đa đỏ và các môi trường tự nhiên cây gỗ tự nhiên ở đây được vẹn nguyên. Thấp thoáng những giò phong lan ăn trên thân cây thông và đa với đủ sắc mầu rực rỡ và tỏa hương thơm dọc đường đi. Xuân về cỏ hoa xanh tươi ngút tầm mắt. Những chùm rễ đa bò lan trên đường đi. Tiếng chim kêu ríu ran khắp chốn như bản nhạc hòa tấu với tiếng rì rào cây lá.

Quên cả mệt nhọc chả mấy chốc cây đèn biển hiện ra trước mặt. Đây là cây đèn biển vào loại cổ nhất vùng biển nước ta. Khi chúng tôi gặp anh Xuân, nhân viên trong tổ canh đèn biển, mới hay công trình hải đăng này đã bước sang tuổi 122.

Trao đổi thêm với chúng tôi, anh Xuân cho biết đội canh đèn biển gần hai chục người ở khắp các vùng quê. Anh dẫn mọi người lên phòng bảo tàng truyền thống. Nơi đây trưng bày khá nhiều những di vật từ hơn một trăm năm qua về đèn biển. Đó là chiếc bóng đèn cổ thời kỳ đầu tiên cùng những vật dụng trong thời kỳ chiến tranh.

Anh nói ngay từ khi máy bay giặc Mỹ đánh phá Hải Phòng (1964), những người công nhân đèn biển đã hạ quyết tâm với khẩu hiệu: “Còn đảo, còn người, Hải đăng còn cháy sáng”. Chúng đã oanh tạc cây đèn biển tới 116 lần suốt ba năm liền. Nhưng con mắt biển vẫn liên tục cháy sáng. Đầu năm 1967 cây đèn bị chúng thả bom đánh sập hoàn toàn. Nhưng mỗi công nhân đèn biển là một chiến sĩ kiên cường. Họ vừa tay súng vừa thắp lên ngọn lửa bừng sáng trong đêm.

Khách tham quan đèn biển.

Các chiến sĩ đã dựng cây đèn biển bằng những khung sắt và thắp đèn bằng chính ngọn lửa tâm hồn mình. Ánh sáng của cây đèn biển vẫn soi rọi cho những chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí lương thực vào miền Nam. Hàng trăm chuyến tàu hàng cũng từ đó mà tránh được những bãi cạn và đá ngầm. Họ nguyện thà hy sinh trước bom đạn chứ không để cây đèn tắt lửa hằng đêm.

Tinh thần quả cảm ấy đúng như bài ca đã cất lên: “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu, trăm trận đánh quê ta kiên cường. Hải Phòng ơi…”. (Lương Vĩnh-Hài Như). Chính vì thế đèn biển Hòn Dáu đã được vinh danh với hình tượng “Mắt ngọc Tổ quốc”.

Hiện nay các chiến sĩ biên phòng và công nhân đèn biển vẫn còn giữ giao thông hào trú ẩn và chiến đấu xuyên đảo. Đây cũng là một di chứng lịch sử của đảo Hòn Dáu. Họ là những chiến sĩ bám đảo, bám biển cùng nhau chiến đấu bảo vệ biên cương của tổ quốc. Tuy đảo chỉ rộng hơn 12ha nhưng Hòn Dáu là biểu tượng anh hùng của thành phố Hải Phòng.

Trước mắt chúng tôi là những vỏ bom của giặc Mỹ đã được giữ lại như một minh chứng cho cuộc chiến đấu bảo vệ cây đèn biển cùng với ngọn lửa quét sáng đêm đêm. Cây đèn làm dấu cho hàng chục chuyến tầu lớn vào ra trên đất Cảng Hải Phòng bao năm qua. Ngày nay với độ chiếu sáng xa tới 40 cây số cây đèn biển Hòn Dáu (cao 140 mét) là ngọn đuốc soi rọi khắp miền biển đông bao la.

Hướng tới chân trời

Đi với chúng tôi còn một số nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ. Khi lên tới đỉnh tháp đèn hướng về thành phố Hải Phòng chúng tôi mới thấy hết vẻ đẹp của vùng đất cảng này trước biển xanh mênh mông. Những đàn chim bay tao tác trước sóng biển tung bọt trắng xóa. Chúng lượn trên đoàn tàu neo đậu ở phía xa. Những toa hàng chất ngất chờ vào cập bến.

Thật bất ngờ một anh bạn trẻ mặc chiếc áo lá cờ đỏ sao vàng đã giơ tay chào thành phố và hướng ra khơi xa. Phía trước là đảo Bạch Long Vĩ anh hùng và đảo Long Châu xinh đẹp. Anh ta bỗng chỉ về phía xa nữa và nói đó còn là đảo Hoàng Sa thân yêu của chúng ta.

Một cảm xúc da diết khó tả trong lòng tôi khi thấy đôi mắt anh bạn trẻ ngời sáng với niềm hy vọng trong tương lai. Chúng tôi đều quay mặt về phía chân trời. Còn xa xa kia cây cầu vượt biển nối đất liền với đảo Cát Hải và Cát Bà thật hùng vĩ. Không khí hân hoan tràn ngập khi chúng tôi bất ngờ lại được nghe nhà thơ Minh Trí đọc những câu thơ nồng nàn của Duy Anh về thành phố: “Cuồn cuộn mê say hối hả những con đường. Như cánh cung vươn ra biển lớn. Hải Phòng trẻ trung dạt dào sự sống. Bay bổng ngang tàng khao khát chân trời”.

Vương Tâm
.
.