“Mật mã Champa” và hành trình giải mã bí ẩn
Sau nhiều năm trùng tu thánh địa Mỹ Sơn, kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ người Pháp Paul Morierre đã phát hiện ra nhiều mật mã bằng chữ Phạn khắc trên bia đá tiết lộ các lễ hiến tế thần bí. Điều làm ông bất ngờ và sợ hãi là những bí ẩn kho báu Champa và lễ hiến tế người gắn liền với một hội kín tà giáo có từ thời trung cổ. Lúc ông quyết định thám hiểm vào sào huyệt của hội kín thì bị sát hại đúng theo cách mà ông từng biết qua bia kí. Rất may, trước khi chết, ông đã kịp để lại một mật mã.
Ngay lập tức, kiến trúc sư Kì Phương, một học trò và cũng là đồng nghiệp của Paul đã vào cuộc truy tìm nguyên nhân. Anh được giúp sức bởi Thi Nga - con gái của Paul và cả hai bắt đầu giải chuỗi mật mã mà nhà khảo cổ kì cựu này để lại.
Bìa cuốn tiểu thuyết “Mật mã Champa” của tác giả Giản Tư Hải. |
Các manh mối đã dẫn dắt họ vào một cuộc thám hiểm sang đến tận xứ sở đền tháp Ăngkor. Do có mặt tại hiện trường với nhiều dấu vết và động thái đáng ngờ, họ đã bị tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế truy đuổi.
Sau cái chết đột ngột của nhà khảo cổ, một cuộc du khảo tại Campuchia cũng do nạn nhân chủ trì đã bị đình chỉ. Kì Phương phát hiện ra một âm mưu giết Paul không chỉ để hiến tế mà còn ngăn chặn nhà khảo cổ này khai quật kho báu đang bị một hội kín chiếm giữ hàng mấy thế kỉ qua.
Đối mặt với nguy cơ bị phát hiện và tiêu diệt, những thành viên cuối cùng của hội kín Naga khét tiếng đã dùng nhiều mưu mô thủ đoạn để dập tắt và ngăn chặn những người muốn tìm ra sự thật. Những nhà thám hiểm khác vào cuộc cũng lần lượt bị sát hại. Tuy nhiên, những cái chết đó không hề ngăn chặn được Kì Phương và con gái nạn nhân truy tìm đến tận sào huyệt của chúng. Đó là một thánh địa Balamon cổ xưa chứa nhiều báu vật đang nằm trong lòng đất. Tại đó, Kì Phương và con gái nạn nhân đã sập bẫy rồi bị đưa lên đài hiến tế đúng như hủ tục man rợ cổ.
Sau nhiều diễn biến kịch tính tại hang ổ của hội kín, vô số bí ẩn và sự thật về hội kín Naga và kho báu cũng như tục hiến tế người của vương triều Champa và Angkor lần lượt được mang ra ánh sáng sau hàng thế kỉ chìm trong bí ẩn.
Bí ẩn pha lẫn với hành động, hiện đại đan xen với cổ xưa, cuốn sách đã mang đến khá nhiều những kiến thức về văn hoá bổ ích và lý thú. Giản Tư Hải có cách xây dựng nhân vật và tình tiết truyện lôi cuốn, đồng thời gợi hứng thú ngay từ đầu cho người đọc nhờ những yếu tố kỳ bí trong nền văn hóa Champa cổ. Ngay từ trang đầu tiên, tác giả đã sử dụng các thủ pháp gây tò mò, cuốn hút, ngôn ngữ và cách hành văn giản dị, tinh tế. Điểm đặc biệt trong tác phẩm này còn ở chỗ đã truyền cho người đọc cảm giác như đang trực tiếp tham gia vào hành trình giải mã và truy tìm kho báu, rất hồi hộp và đầy rẫy hiểm nguy.
“Mật Mã Champa”cũng thể hiện được tài năng kể chuyện đặc biệt lôi cuốn của Giản Từ Hải khi anh khéo léo đan cài những chi tiết liên quan đến truyền thuyết, lịch sử, khoa học, những cuộc săn đuổi rợn người hay những âm mưu tinh vi thâm hậu của hội kín Naga và hành trình tìm kiếm kho báu của các thế lực. Đó có lẽ là những nét chủ đạo làm nên sức hấp dẫn cho cuốn sách viết về vùng đất thiêng dưới góc nhìn thám hiểm.
Không chỉ là tác phẩm trinh thám với những vụ án rùng rợn, cuộc rượt đuổi kinh hoàng, hành trình giải mã bí ẩn, “Mật mã Champa” còn là câu chuyện cảm động về tình người. Đó là những mối quan hệ trong công việc, tình thân, tình yêu, tình bạn. Là sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa tiền tài danh vọng và tình thương đồng loại của con người…
Cuốn sách này sẽ là một món quà lý tưởng cho những ai yêu thích văn hoá, khoa học và ưa thám hiểm.
Tác giả cuốn tiểu thuyết là Giản Tư Hải - cây bút gốc Nghệ An có nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích. Với tiểu thuyết trinh thám “Ổ buôn người” (xuất bản năm 2011), anh nhận giải C cuộc thi viết Tiểu thuyết và Ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” (2007-2010) do Hội Nhà văn và Bộ Công an tổ chức. Những tác phẩm đã xuất bản: - “Những con giời leo” - Tập truyện ngắn (NXB Văn học, 2010) - “Ổ buôn người” - Tiểu thuyết trinh thám (NXB Công an nhân dân, 2011). - “Âm mưu thay não” - Tiểu thuyết trinh thám (NXB Văn học, 2011) |