Lụy một chữ tình

Thứ Hai, 29/05/2017, 13:33
Một sáng cuối xuân, chúng tôi tìm đến ngôi biệt thự cũ nằm trong ngõ 90B phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Vẻ lôi cuốn của căn biệt thự kiểu Pháp còn được nhân lên bởi chính đây lại là một bảo tàng cá nhân có một không hai ở Hà Nội hiện nay. 


Họa sĩ Nguyễn Thu Giang, chủ nhân của bảo tàng niềm nở tiếp đón chúng tôi, dẫn chúng tôi vào căn phòng ngay lối cầu thang lên. Bà cho biết: "Phòng này nhà văn Nguyễn Tuân từng sống". Đó là một căn phòng vuông vắn vẫn còn nguyên lối bày biện giản dị.

Chúng tôi dừng lặng trước bộ quần áo quen thuộc của "cụ Nguyễn" treo bên cửa sổ, phía dưới là tấm phản đơn làm bằng gỗ lim mát lịm, Nguyễn Tuân rất thích nằm nghỉ trên đó. Thoáng như vừa thấy ông nhà văn của "Vang bóng một thời" đang ngồi thong thả trong chiếc ghế bành bằng mây.

Ông nheo nheo đôi mắt, bập bập mấy hơi chiếc píp đang ngậm. Thoáng như còn thấy ông vừa quơ chiếc mũ phớt để chụp lên đầu, chống cây ba toong lặng lẽ đi hút ra ngoài cửa, để lại làn khói thuốc mỏng tang lởn vởn như chúng tôi vừa gặp một giấc mơ trưa.

Thật khó nói chính xác được tuổi của họa sĩ Nguyễn Thu Giang bởi chúng tôi có cảm tưởng như thời gian không có nghĩa lý gì đối với người đàn bà đa đoan nhưng lại cũng…. rất chung tình này. Thân hình nhỏ nhắn giúp bà trẻ lâu. Khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng. Đặc biệt là trang phục, họa sĩ Nguyễn Thu Giang luôn giữ cho mình một phong cách ăn mặc đẹp.

Họa sĩ Nguyễn Thu Giang (phải) bên một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân.

Ở tuổi ngoài 70 nhưng bà vẫn giữ nhiều nét thanh tân. Bằng một giọng nói ru êm và rất "con gái Hà Nội", họa sĩ Nguyễn Thu Giang "bộc bạch". Bà đã kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện tình yêu. Một chuyện tình yêu khởi nguồn từ một tình bạn. Đâu như năm 92 của thế kỷ trước, họa sĩ Nguyễn Thu Giang trở ra Hà Nội sau những năm tháng "ngao du" trên đất Sài thành. Bà tìm mua toan rồi tự tay căng toan, tự mình đi mua sơn màu, tự mình lựa chọn cọ.

Sau khi đã có đủ những thứ cần thiết, nữ họa sĩ tìm đến nhà danh họa Nguyễn Tư Nghiêm và nói: "Cháu muốn chú vẽ cho cháu chân dung của cháu". Nhà danh họa già ngước mắt nhìn lên, ông nhìn kỹ gương mặt vẫn còn thanh tú của người đàn bà tuổi đã gần năm mươi, sau hồi suy nghĩ rất mông lung, ông bảo "Con gái Nguyễn Tuân à? Được, chú sẽ vẽ cho nhưng cháu phải giúp chú một việc".

Họa sĩ Nguyễn Thu Giang đâu có ngờ rằng điều mà người danh họa đã ngoài bảy mươi muốn "nhờ" ấy chính lại là một "gửi gắm". Hình như con mắt tinh đời của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã "trông" thấy điều ông từng mong ước. Hình như con mắt, chỉ có con mắt của Nguyễn Tư Nghiêm, mới nhận thấy nữ họa sĩ bé nhỏ ngồi im lặng kiên nhẫn tự làm mẫu kia lại ẩn chứa những "tố chất" của một người có bản lĩnh và năng lực có thể thực hiện được điều ông ấp ủ.

Bức chân dung được hoàn thành sau mấy tháng. Họa sĩ Nguyễn Thu Giang sáng mang đến nhà danh họa chiều lại mang về nhà mình. Có lẽ danh họa Nguyễn Tư Nghiêm không muốn có người nào khác được "chiêm ngưỡng" nó trước khi nó được "trao" cho "người có yêu cầu". Họa sĩ Nguyễn Thu Giang kể: "Vẽ chân dung xong rồi danh họa Nguyễn Tư Nghiêm lại hỏi lại: "Cháu hứa sẽ giúp chú chứ?". Tôi lúc đó chưa hiểu ông muốn giúp chuyện gì nhưng tự tin trả lời "Cháu sẽ giúp".

Cảm thấy vững trong lòng nên danh họa Nguyễn Tư Nghiêm mới chính thức đặt vấn đề. Họa sĩ Nguyễn Thu Giang cho biết: Ông Nguyễn Tư Nghiêm là người rất chu đáo. Tự tay ông ngồi cắt cắt rồi dán dán nên một bộ bà ba bằng giấy. Ông bảo: "Ông Tuân ông ấy thích mặc bà ba. Làm cho ông ấy bộ bà ba chắc ông ấy rất hài lòng". Rồi danh họa Nguyễn Tư Nghiêm cùng họa sĩ Nguyễn Thu Giang thuê xích lô xuống nghĩa trang Văn Điển.

Lại cũng chính ông Nghiêm tự tay đốt bộ quần áo giấy đó để "gửi xuống cho ông Tuân". Hai người trở lại Hà Nội, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đến chính căn phòng ông Tuân từng sống, gặp bà Nguyễn Tuân, ông nói: "Em chào chị. Em hôm nay đến thăm chị", rồi ông xin phép thắp hương cho Nguyễn Tuân.

Không hiểu danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã nói những gì mà khói hương trên ban thờ cứ tụ lại thành vòng tròn chứ không tỏa đi. Rồi danh họa Nguyễn Tư Nghiêm lại nói với bà Nguyễn Tuân: "Em và Thu Giang vừa xuống Văn Điển về. Em muốn xin phép chị cho Thu Giang giúp em mấy việc". Cụ bà Nguyễn Tuân hiểu ý nhưng còn cấn cá, cụ trả lời: "Ông phải hỏi Giang chứ. Nó mới là người sẽ giúp ông".

Không lâu sau, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm và họa sĩ Nguyễn Thu Giang nên duyên chồng vợ. Ông lấy vợ lần đầu ở tuổi bảy mươi ba quả là "xưa nay hiếm" nhưng đó lại là một câu chuyện tình rất có hậu.

Họa sĩ Nguyễn Thu Giang cho biết: Một lần dọn dẹp tủ sách của nhà văn Nguyễn Tuân, bà chợt thấy hai bức ký họa chân dung nhà văn Nguyễn Tuân. Một bức vẽ năm 1947 ở chiến khu Việt Bắc và một bức vẽ năm 1966 ở Hà Nội. Cả hai đều do danh họa Nguyễn Tư Nghiêm vẽ và được nhà văn Nguyễn Tuân cất giữ khá kỹ. Nó cho thấy ở hai người nghệ sĩ nổi tiếng từ trước Cách mạng này có mối thân tình sâu chặt. Hồi nhà văn Nguyễn Tuân còn sống, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm thường đến chơi nhà.

Cụ bà Nguyễn Tuân hay "giữ khách" bằng món thịt chưng mắm tép, món mà danh họa Nguyễn Tư Nghiêm rất khoái ăn cùng với cơm. Khi về làm vợ ông Nguyễn Tư Nghiêm, họa sĩ Nguyễn Thu Giang cũng "học mẹ" mà thường làm món này cho chồng.

Hơn hai mươi năm chung sống cũng là hơn hai mươi năm ông bà gắn bó với nhau từng giây từng phút. Mỗi khi đứng ngắm danh họa Nguyễn Tư Nghiêm ngồi vẽ, họa sĩ Nguyễn Thu Giang lại thấy như người đang miệt mài kia chính là cha mình. Bà đã và đang luôn gặp ở đó: Sự chỉn chu trong cách sống. Sự nghiêm cẩn trong công việc. Sự chan hòa trong đối đãi. Và một phong thái đĩnh đạc. Dường như hai con người, hai bậc tài nhân, hai tâm hồn của hai nhân cách đã quyện vào nhau. Tình cảm cha con đã hòa trong tình yêu lớn. Họa sĩ Nguyễn Thu Giang thấy như cha mình đang ngày ngày mỉm cười với mình.

Hơn hai mươi năm chung sống, tài năng, nhân cách và niềm tin của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã "chuyển hóa" họa sĩ Nguyễn Thu Giang. Xa rồi một Nguyễn Thu Giang suy nghĩ "tự do", sống "thoải mái" để nhường chỗ cho một Nguyễn Thu Giang khác, biết chăm chút gia đình, tinh tế trong đời sống và tận tâm với công việc.

Và rồi sau bao nhiêu ngày trăn trở, sau bao nhiêu ngày gắng sức, sau bao nhiêu ngày được bạn bè động viên và chung tay. Bảo tàng "Tranh Nguyễn Tư Nghiêm trong sưu tập Nguyễn Thu Giang" được hình thành (tháng 12 năm 2011). Bảo tàng cá nhân của một danh họa đầu tiên trên đất Hà Nội. Nó ra đời không chỉ thỏa mong ước của người danh họa già, mà sâu xa hơn, mở ra một hình thức "Giao lưu thường xuyên giữa tác giả - tác phẩm với công chúng", cho phép công chúng yêu nghệ thuật hội họa có nhiều điều kiện hơn được tiếp xúc với tác phẩm, thay thế cho "Triển lãm tranh cá nhân" ít thời gian và khó thực hiện thường xuyên.

Và sau đó một tháng, bảo tàng cũng đã mở ra một không gian mới ghi khắc trong tim của bạn bè, độc giả tri âm những kỷ niệm đẹp về nhà văn Nguyễn Tuân và những cuốn sách đẹp. Độc giả sẽ có cơ hội như được "đồng hành" cùng những áng văn chương "vang bóng một thời". Họa sĩ Nguyễn Thu Giang đã quyết định chọn căn nhà của cha mẹ mình để làm một bảo tàng cá nhân có một không hai. Một hành động chỉ có thể nói gọn là: có tình, có hậu, thú vị, ý nghĩa và vô cùng độc đáo. Một bảo tàng nghệ thuật dành cho hai con người, hai nghệ sĩ lớn, hai người bạn cố tri và lại cũng rất gia đình.

Họa sĩ Nguyễn Thu Giang tâm sự: "Tôi coi việc thực hiện lời hứa với danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là một "nhiệm vụ" phải hoàn thành. Nhiệm vụ đó không chỉ như một hành động của nghĩa tình chồng vợ, mà sâu xa hơn, đó còn là trách nhiệm của một công dân đối với di sản nghệ thuật nước nhà".

Rồi bà hạ giọng, xa xăm: "Không hiểu sao lúc đó mình lại dám hứa sẽ có bảo tàng cá nhân cho ông Nghiêm". Cũng phải công nhận danh họa Nguyễn Tư Nghiêm quả là người "biết chọn mặt gửi vàng" khi ông tin tưởng, gửi gắm và trông đợi vào sự gìn giữ, bảo vệ và sưu tầm những tác phẩm đã thất lạc của mình. Và họa sĩ Nguyễn Thu Giang, người vợ thân yêu của danh họa đã không phụ niềm tin của người chồng mà bà vô cùng tôn kính.

Họa sĩ Nguyễn Thu Giang chợt im lặng. Chúng tôi biết câu chuyện của bà cũng đã đến lúc tạm ngừng. Nắng xuân ùa vào đem theo hương vị của lộc xuân thơm nhè nhẹ. Căn phòng Nguyễn Tuân ở khi xưa thoáng như có tiếng ai vừa lật sách. Tiếng lật sách mở sang trang nghe như đó là nụ cười hài lòng của "cụ Nguyễn". Hình bóng nhà văn Nguyễn Tuân với đôi mắt nheo nheo đầy khích lệ. 

Không phụ niềm trông đợi. Không phụ niềm gửi gắm.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm ở nơi chín suối (tháng 6 này là tròn một năm ông đi xa) đã có thể hài lòng với những gì mà vợ ông - họa sĩ Nguyễn Thu Giang đã và đang thể hiện.

Nhà văn Nguyễn Tuân ở nơi cực lạc đã có thể gật đầu và yên tâm về người con gái út của mình. Đúng như dự cảm "Bà yên tâm. Tôi có cách của tôi" của "cụ Nguyễn" hồi nào.

"Lụy một chữ tình" đầy khắc ghi, đầy nhớ thương, đầy trách nhiệm và cũng đầy nghĩa cả. 

Nguyễn Trọng Văn
.
.