Lòng tốt gửi vào thiên hạ...

Thứ Sáu, 21/08/2009, 08:45
Nhận xét về khuynh hướng sáng tác của Trần Nhuận Minh, em trai ông - nhà thơ Trần Đăng Khoa - đã cho rằng thơ Trần Nhuận Minh rất gắn  với đời thực. Thì trong bài thơ có tiêu đề "Gửi bác Trần Nhuận Minh", Trần Đăng Khoa chẳng đã viết:

Bác âm thầm chìm nổi
Cùng kiếp người lang thang
Em lông nhông bầu bạn
Với kiến đen chó vàng

Em quẩy bầu trăng gió
Bác gánh bao nỗi người
Sóng đôi mà đơn độc
Đi mang mang trong đời

Với thơ Trần Nhuận Minh, thực tình trước đây tôi không có điều kiện được đọc nhiều. Tôi chỉ thực sự ấn tượng về anh qua tập thơ chọn mang tên "Nhà thơ áp tải" (NXB Văn học ấn hành năm 1990).

Trong một bài đọc sách in ra vào thời điểm ấy, tôi đã có đôi dòng về Trần Nhuận Minh như sau: "Không phải thứ nước mưa bất thần từ trên trời ập xuống. Cũng không phải thứ nước ngầm từ trong đất bất chợt vọt ra.  Gần ba mươi năm nay, lặng lẽ như một dòng sông, thơ Trần Nhuận Minh bền bỉ chảy.

Với thiên chức của người nghệ sĩ là gắng áp tải sự thật đến những bến cuối cùng (như một ý thơ của anh), trong giai đoạn mới này, thơ Trần Nhuận Minh càng tỏ ra có sự chín chắn, đồng cảm được với những nỗi niềm sâu kín của người dân. Bằng sự từng trải của chính bản thân, ở một số bài thơ, anh đã nhìn thấu được nhân tình thế thái".

Kể từ lần đó, thi thoảng tôi lại được đọc thêm những tập thơ mới và thơ tuyển của Trần Nhuận Minh. Có tập anh gửi tặng qua ai đó, nhưng đa phần là do nhà thơ Trần Đăng Khoa "ký tặng" thay anh trai. Và vừa rồi là tập  mới nhất, khá dày dặn (tới 450 trang in, khổ 14,5 X 20,5 cm). Có lẽ tính tới thời điểm này, đây là tập tuyển thơ "hoành tráng" nhất của anh, cũng thuộc hạng "bề thế" so với những tập tuyển của bạn bè cùng trang lứa.

Điều đáng nói là nhìn vào cấu trúc tập sách, ta thấy cách sắp xếp của tác giả khá đặc biệt. Nó cho thấy một sự nghiêm khắc, rạch ròi đáng ngạc nhiên. Lấy tiêu chí chất lượng nghệ thuật (tất nhiên là theo quan niệm của tác giả) phải được đặt lên hàng đầu, phần thơ sáng tác suốt 25 năm (kể từ năm Trần Nhận Minh bắt đầu cầm bút - 1960 - đến trước giai đoạn Đổi mới - 1986) được tác giả sắp xếp ở những trang cuối của tập tuyển thơ, trong phần "Phụ lục thơ", và chỉ với vẻn vẹn 29 bài. Điều này cho thấy, mặc dù có điều kiện in, song Trần Nhuận Minh không "tham", không cố công "nhồi nhét" cho thật nhiều những bài thơ cũ mèm, lậc hậu, được viết từ những năm xa xưa ấu trĩ.

Với phần thơ đó, Trần Nhuận Minh chỉ xem như một thứ "nhật ký cuộc đời", nó lưu lại cho ông "những kỷ niệm khó quên của một thời cầm bút". Tất cả những gì tinh túy nhất, thăng hoa nhất ông chỉ thực sự xem như mình bắt đầu có được từ thời kỳ Đổi mới. Chính trong tập thơ này, ông cũng đã ghi chú: "Tôi rất biết ơn Công cuộc Đổi mới (từ 1986), bởi dưới ánh sáng của nó, tôi đã được sinh ra lần thứ hai".

Mở đầu cuốn tuyển thơ là phần có tiêu đề "Nhà thơ và hoa cỏ". Theo Trần Nhuận Minh cho biết, đây là tập thơ ông hoàn thành trong 15 năm, từ 1986 đến 2001. Đọc phần thơ này, nhất là với những bài tiểu biểu, tôi có cảm tưởng: Viết về sự biến đổi, trong đó có cả sự băng hoại về đạo đức - ở nông thôn ngày nay có lẽ là một sở trường của Trần Nhuận Minh. Trái tim luôn áp sát với đời khiến cho thơ ông đi vào được ngóc ngách của đời sống thôn dân, đã bật lên được những ngọn đèn cảnh báo:

Bà bán nước chè xanh không chỉ bán nước chè 
Có bán cả phụ tùng tên lửa.
                                                            
(Thoáng)

Ông cũng đưa ra được những nghịch cảnh:
Thanh niên uống rượu say trong quán
Ông già tập thể dục ngoài đường…

Nhưng nhiều hơn cả vẫn là việc tác giả bàn luận về thế thái nhân tình, về sự thay lòng đổi dạ của con người trước "đời thường muôn mặt". Cũng là bạn chơi từ thuở quàng khăn đỏ, vậy mà mỗi người mỗi cảnh, hoàn toàn cách biệt:

Đứa thì làm giám đốc ngành
Đi đâu cũng có nhân tình đi theo
Đứa thì áo túm, quần đeo
Tinh mơ vác gạo, xế chiều bơm xe...
Để rồi kết bài, tác giả phải ngậm ngùi ao ước:
Ước chi về tuổi chín mười
Vẫy khăn quàng đỏ giữa trời thẳm xanh" 
                                                     (Bạn chơi từ thuở quàng khăn đỏ)

Mới hay, tại sao Trần Nhuận Minh luôn tỏ ra "chi chút" trong những bài thơ ngợi ca tình bạn, và tại sao số lượng bài đề cập tới vấn đề này của ông tương đối nhiều: "Thăm bạn", "Tiễn bạn ở rạp chiếu bóng", "Bạn cũ", "Bạn chơi từ thuở quàng khăn đỏ", "Bạn hưu", "Với bạn", "Thơ xuân viết bên núi", "Bài thơ gửi các thi hữu"... Trong số này, bài tôi thích hơn cả là "Bạn hưu", với những câu đầy tâm trạng như:

Tuổi hưu mau hạt lệ
Buồn vui dễ chạnh lòng
Nhớ mình và thương bạn
Cuối đời thành tay không...

Ngoài mảng thơ thế sự mà tác giả không ngần ngại đưa vào cả những ngôn ngữ hết sức đời thường, từ "choác bia hơi" cho đến "thả phanh nhai thịt gà", Trần Nhuận Minh còn có không ít những bài đề cập tới những "mảnh tình riêng" của anh. Bài "Bâng khuâng" chỉ vẻn vẹn hai câu mà ngẫm đi ngẫm lại vẫn thấy bâng khuâng:

Bây giờ em có chồng rồi
Sao em vẫn mặc áo hồi anh may

Khác với những gì Trần Nhuận Minh đã thể hiện ở "Nhà thơ và hoa cỏ", ở phần trích tuyển  "Bản xônát hoang dã", ông đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Ông bắt đầu dùng thơ để ngao du trên khắp tầng trời. Cách cảm của ông cũng nhiểu ẩn ức hơn, câu chữ "ma mị" hơn. Đặc biệt, cách cấu trúc của tập thơ cũng lạ. Cả tập là một bài thơ dài nhưng không phải trường ca. Riêng đoạn đầu và đoạn kết có đặt tên, một để thay lời tựa, một để thay lời bạt. Theo tôi, đó cũng là những đoạn hay nhất trong tập. Xin trích một đoạn ở phần "Thay lời tựa":

Giao thừa đi như cô gái chưa chồng

Đẹp nức nở những muộn mằn đắng chát
Ta ở đâu giữa mùa xưa xanh ngát
Má trăng mờ run rẩy dấu môi hôn
Và một đoạn ở phần "Thay lời bạt":
Mây bây giờ, ngàn năm trước đã bay đi
Mọi giành giật rồi thành hư ảo hết
Chém sáng giữa vòm khuya
Ngôi sao đã chết
Có trái đất xanh tươi này
Chỉ là ngẫu nhiên thôi
Như ngẫu nhiên mà có cuộc đời tôi...

Ưu điểm thơ Trần Nhuận Minh là đôi khi - ở những bài thơ hay - câu chữ đã đạt đến độ hàm súc. Chẳng hạn, trước chén rượu mừng xuân (bài "Bạn hưu") anh viết:

Ngày xuân lên phía trước
Tuổi xuân lùi phía sau
Tháng hè loang dưới chén
Mùa đông ngưng trên đầu. 

Hay như ở bài "Dặn con", khi ông khuyên con phải biết chia sẻ với những người chẳng may lâm cảnh tha phương cầu thực, đoạn kết thực cảm động:

Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này

Đọc một số bài thơ hay của Trần Nhuận Minh, ta thấy chúng tích chứa sức mạnh như một châm ngôn:

Khi trời đất  bỗng dưng yên ắng lại
Neo nhà đi! Bão lớn sắp đến rồi

(Ngẫu hứng)

Có cảm giác như tác giả của chúng phần nào gần gụi với nhà thơ Đaghextan Raxun Gamzatốp... Chỉ tiếc là ở một số bài thơ khác, cái chất "diễn giải" trong thơ Trần Nhận Minh hơi nhiều, thể hiện qua những câu "Cảnh tình ấy phải nói là thảm thiết"; "Nỗi buồn ấy làm tôi thương anh lắm...”. Đọc những câu thơ ấy, người ta thấy mạch thơ của ông bị  phân tán ít nhiều.

Hà Khải Hưng
.
.