Chuyện đời thường

Lỗi tại ai?

Thứ Năm, 08/09/2011, 08:00

Trong đám bạn của con, Phong nhiều tuổi hơn cả. Nó hơn con một tuổi. Con thích chơi với Phong nhất.

Phong là đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Bố Phong có tới năm vợ. Vợ nào cũng chỉ ở được ngôi nhà ấy một thời gian là lại phải bỏ đi. Mẹ Phong là người vợ thứ năm.

Nhà Phong rất nghèo. Bà nội Phong lúc nào cũng ra rả chửi rủa con cháu. Một ngôi nhà nho nhỏ mà nhiều thế hệ ở cùng cũng là một nỗi khổ. Phong là đứa trẻ được Quỹ Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tài trợ ăn học đến khi 18 tuổi. Phong có mẹ nuôi. Mẹ nuôi của Phong tên là Anna ở tận nước Pháp. Cách đây hai năm, mẹ Anna có sang Việt Nam thăm Phong. Bà đưa Phong đi chơi, tham quan một số thắng cảnh và mua sắm một số đồ chơi, áo quần cho Phong. Mẹ Anna đi đến đâu cũng có đoàn nhà báo, truyền hình quay phim, chụp ảnh rầm rộ. Người ta dựng cảnh mẹ Anna mặc quần áo mới cho Phong. Cảnh hai mẹ con đi bộ trên phố. Cả phố nhà mình ra xem. Người ta kháo nhau đợt này nhà thằng Phong giàu to, sẽ được bà Tây cho mấy trăm ngàn đô xây nhà. Hôm đó, trông Phong rất kiêu. Phong phớt lờ bè bạn. Đám bạn nhìn Phong đến oách. Nhiều đứa ước gì mình cũng có mẹ nuôi là bà Tây như Phong. Bố Phong có vẻ ngường ngượng. Mẹ Phong thì phấn khởi tự hào, tất bật ra vào rót nước mời khách. Khách là những ông bà đại diện các ban ngành, chính quyền, đoàn thể, các nhà báo đài, báo hình. Mấy cái ôtô đậu dài ngoài đường phố.

Ảnh mẹ Anna ôm Phong vào lòng được phóng to treo trong nhà. Vài tháng sau, bố mẹ Phong có tiền sửa nhà. Hình như không phải tiền của mẹ Anna. Tiền của một tổ chức phi chính phủ tài trợ. Trước cửa nhà mới của Phong có treo một cái biển vuông to bằng cái quạt nan có dòng chữ tên người tài trợ.

Sau mấy ngày đi thăm phố phường với mẹ Anna, mệt nhoài, Phong lại trở lại chơi với nhóm bạn cùng phố. Nó khoe: "Tuần nào tao cũng viết thư gửi sang Tây cho mẹ Anna của tao đấy". Nó mang đồ chơi mẹ Tây mua cho khoe với bọn trẻ.

Phong có hàm răng trắng đều, nước da đen như người châu Phi. Mắt nó nhiều lòng trắng, to, mi cong vút. Bọn trẻ gọi nó là Ronando. Phong khôn khéo nhất trong đám bạn cùng phố, lại có tài chống chế. Đến nhà bạn chơi, khi nào nó cũng soi xét thái độ của người lớn. Nó xưng anh với bọn trẻ rất ngon lành. Bọn trẻ còn gọi nó là Phong "đại ca".

Mùa hè, nắng khủng khiếp. Phong không ngủ trưa. Nó hay thơ thẩn chơi ngoài đường một mình. Phong phải chơi một mình vì đám bạn cùng phố, đứa nào cũng bị mẹ bắt đi ngủ. Bêu nắng giữa trưa, Phong bị ốm mất mấy ngày.

Mẹ Phong đưa Phong tới nhà anh họ chơi. Anh họ rủ Phong đi bơi ở bể bơi Tây Hồ. Cu cậu thích quá, không muốn về nhà. Mẹ Phong bảo, ở gần nhà mình cũng có bể bơi, về, mẹ sẽ cho con đi bơi .

Phong ốm, chưa khỏi hẳn nhưng vẫn đòi mẹ cho đi bể bơi. Chẳng hiểu nó năn nỉ thế nào mà mẹ nó chiều theo. Mẹ Phong chở Phong vào bể bơi, mua vé cho con và dặn bốn giờ tự đi bộ về. Mẹ phải lên chợ Đồng Xuân mua hàng, không quay lại đón được (từ bể bơi, Phong đi hết một con phố là về đến nhà). Mẹ Phong đi chợ, không về ngay. Bà đến nhà người vợ cả của chồng để tâm sự. Mải chuyện, tối mịt bà mới chia tay chị cả. Về nhà, không thấy Phong đâu, bà hối hả phóng xe vào bể bơi. Bể bơi vắng ngắt. Bà hỏi ông bảo vệ. Ông bảo vệ cho bà biết, trưa nay có một đứa trẻ bị cảm. Không ai biết nó là con nhà ai, ở đâu. Cán bộ bể bơi gọi xe cấp cứu đưa thằng bé vào bệnh viện Thanh Nhàn. Ông tả hình dáng thằng bé. Mẹ Phong nhìn cái quần đùi màu xanh vắt trên ghế đá. Bà nhận ra cái quần đùi của con mình. Bà ngất, ngã vật xuống sàn bê tông.

Người ta bảo Phong bị say nắng. Nó vừa cởi trần tụt xuống bể là chìm ngay. Những đứa trẻ trong bể bơi thiếu nhi kêu toáng. Người lớn chạy tới vớt nó lên, đưa vào bệnh viện.

Tám giờ tối, cái chết của Phong mới ầm cả phố. Cái chết rùng rợn, bất ngờ, lại đúng vào trời tối nên đứa trẻ nào cũng sợ. Chúng nó cảm giác như một cái gì đó do ma quỷ làm nên. Người lớn đi một bước chúng theo sau một bước. Vẫn sợ. Chúng bám riết theo mẹ. Tay nắm chặt tay mẹ như sợ mẹ biến đi mất. Ban ngày chúng cũng sợ ngồi nhà một mình. Ngồi học một mình một phòng chúng cũng sợ. Chữ đọc không vào đầu. Mắt đứa nào cũng nhớn nhác. Thằng bạn có nhà đi chung ngõ với Phong, đêm ngủ đòi nằm giữa, buồn đi tiểu không dám đi. Nó kể, thỉnh thoảng nó nằm mơ thấy Phong "đại ca" nằm bên cạnh. Mắt đại ca mở thao láo. Nó sợ run, nằm im không dám động đậy.

Đám ma Phong không tổ chức ở nhà mà ở Bệnh viện Thanh Nhàn. Trời nắng, với lại người lớn thường không quan tâm đến tình bạn của bọn con nít nên chẳng đứa nào được đi đưa đám ma, nhìn mặt bạn lần cuối.

Những người hàng xóm bận không tới bệnh viện đưa ma được, buổi tối, họ sang nhà thắp hương cho Phong. Ảnh Phong được phóng to, lồng trong một cái khung gỗ, đặt trên bàn thờ. Đôi mắt Phong mở to, trong trẻo. Cái chết tình cờ. Cuộc đời ngắn ngủi. Thương quá. Khói hương nghi ngút, căn phòng gác xép chật chội, ngột ngạt. Mẹ Phong ngất lên ngất xuống, mọi người xúm quanh chăm sóc. Chao ôi, lỗi tại ai, thằng bé mới tròn mười hai tuổi…

Yến Lê
.
.