Lời nguyền hai bút danh

Thứ Năm, 27/08/2015, 08:00
Nguyễn Thái Hải là tên thật của người đàn ông có sắc da nâu đậm và mái tóc hoa râm, năm nay vừa tròn 65 tuổi. Nguyễn Thái Hải quê gốc Thái Bình nhưng sinh ra ở Hà Nội, và theo gia đình di cư vào Biên Hòa từ năm 1956. Nguyễn Thái Hải nói giọng Bắc, nhưng cốt cách Nam Bộ. Gặp Nguyễn Thái Hải, chỉ cần chào câu trước là câu sau đã thành bạn bè.

Viết lách thì hầu như ai cũng thích dùng bút danh. Càng viết nhiều thể loại, lại càng nhiều bút danh. Thế nhưng, để có được một bút danh nổi tiếng không hề đơn giản. Độc giả văn chương chắc không quá xa lạ với bút danh Nguyễn Thái Hải viết cho thiếu nhi, và có lẽ càng không quá xa lạ với bút danh Khôi Vũ viết cho người lớn. Chủ sở hữu của cả hai bút danh ấy là một người có bằng dược sĩ hẳn hoi!

Nguyễn Thái Hải là tên thật của người đàn ông có sắc da nâu đậm và mái tóc hoa râm, năm nay vừa tròn 65 tuổi. Nguyễn Thái Hải quê gốc Thái Bình nhưng sinh ra ở Hà Nội, và theo gia đình di cư vào Biên Hòa từ năm 1956. Nguyễn Thái Hải nói giọng Bắc, nhưng cốt cách Nam Bộ. Gặp Nguyễn Thái Hải, chỉ cần chào câu trước là câu sau đã thành bạn bè.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải (Khôi Vũ).

Nguyễn Thái Hải yêu mảnh đất đã cưu mang mình và gia đình suốt sáu thập kỷ qua, nên có thể diễn thuyết suốt ngày về lịch sử Trấn Biên đến huyền sử Cù lao Phố. Nhiều đồng nghiệp của Nguyễn Thái Hải đã lên Sài Gòn, nhưng Nguyễn Thái Hải vẫn cương quyết bám trụ Đồng Nai, dẫu lắm lúc hân hoan dẫu lắm phen đọa đày!

Nguyễn Thái Hải vẫn ở trên cái nền nhà mà ngày xưa bố mẹ của ông từng ở, bây giờ đã nhô ra mặt tiền con đường Nguyễn Ái Quốc rộng thênh thang. Nơi ấy, Nguyễn Thái Hải đã tập tành viết truyện ngắn khởi bút "Nắng lên" được in hai kỳ trên Báo Tuổi Hoa, vào năm 15 tuổi. Dù tác phẩm của mình được thừa nhận, nhưng Nguyễn Thái Hải vẫn giấu kín vì ông biết hai đấng sinh thành muốn đứa con trai theo ngành khoa học. Cái cảm giác ngây ngất trước quả ngọt văn chương đầu mùa nhưng không dám khoe với ai, thật sự khó chịu lắm, Nguyễn Thái Hải vẫn âm thầm chấp nhận.

Mỗi ngày, sau khi hoàn thành bài vở các môn tự nhiên, Nguyễn Thái Hải lại lén lút sáng tác trên những cuốn tập mỏng. Rồi cũng đến ngày Nguyễn Thái Hải trúng tuyển vào Khoa Dược - Đại học Sài Gòn và được xa nhà sống đời sinh viên.

Sau những phút giây bỡ ngỡ làm quen với giảng đường, Nguyễn Thái Hải đạp xe đến Báo Tuổi Hoa để… tự giới thiệu mình. Tất nhiên những nhà văn đàn anh chỉ ừ à cho qua chuyện, và hào hứng mời cộng tác. Tuổi trẻ giàu nhiệt huyết, Nguyễn Thái Hải gò lưng ở ký túc xá cả tuần lễ để hoàn thành tập truyện "Hoa tầm gửi" và mang đi nộp. Chờ mãi, chờ mãi, chả nghe động tĩnh gì, Nguyễn Thái Hải đánh bạo đến tòa soạn để hỏi thăm hòng… xin lại bản thảo. Ai dè, vừa thấy mặt Nguyễn Thái Hải thì chủ bút ngoắc luôn vào phòng riêng và bảo: "Tác phẩm của cậu đã in thành sách. Nhuận bút đây! Viết tiếp nhé!".

Trái tim cậu trai 18 muốn nổ tung khi cầm tác phẩm của mình được in khổ nhỏ nhỏ xinh xinh mà dạo ấy học trò rất ưa chuộng. Chưa hết, khoản tiền bản quyền gần hai cây vàng là điều mà Nguyễn Thái Hải chưa bao giờ dám tưởng tượng. Vội vàng ra phố mua một cái áo để tặng mẹ, Nguyễn Thái Hải nhoáng nhoàng giữa trưa nắng đạp xe vượt 30km về Biên Hòa để báo cáo chiến công.

Người mẹ mừng lắm, còn người bố vẫn trầm ngâm. Khi Nguyễn Thái Hải xin phép quay lại Sài Gòn để kịp đến lớp ngày mai, người bố mới lấy cái máy đánh chữ đã theo ông hơn nửa đời công chức để đưa cho con trai: "Dùng thứ này mà viết văn, nhưng vẫn phải thành dược sĩ đấy nhé!".

Tháng 7/1973, Nguyễn Thái Hải chính thức nhận bằng dược sĩ, vừa làm việc cho hãng thuốc vừa sáng tác truyện thiếu nhi. Sau năm 1975, Nguyễn Thái Hải với gánh nặng thân phận của một người chế độ cũ nên rời xa chữ nghĩa một thời gian. Mãi đến năm 1982, Nguyễn Thái Hải mới được tham dự một khóa bồi dưỡng viết văn tại TP Hồ Chí Minh và phấn khích được quay lại với nghiệp cầm bút.

Cảm thấy bút danh trước đây của mình sẽ khiến nhiều người ái ngại, Nguyễn Thái Hải lấy tên con trai Khôi Vũ để ký dưới tác phẩm. Truyện ngắn "Đồng đội" được giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi sáng tác do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 1983 đã đánh dấu sự xuất hiện của một bút danh khác - Khôi Vũ!

Những năm đầu thập niên 1980 có rất nhiều khó khăn, Nguyễn Thái Hải dù được tuyển dụng vào làm việc trong cơ quan chính thức nhưng vẫn phải cùng vợ mở quán chè để kiếm thêm thu nhập. Nhìn ông nhà văn chạy tới chạy lui bưng ly bê chén, nhiều người dị nghị "làm mất mặt cán bộ Nhà nước". Không sao, Nguyễn Thái Hải nhường vai phục vụ cho con gái, còn mình ngồi phía sau bào đá.

Những ngày vất vả ấy cho Nguyễn Thái Hải sự quan sát và chiêm nghiệm về những người lầm lũi và thiệt thòi phải giở nhiều mánh khóe để tồn tại với xã hội. Và tiểu thuyết "Chuyện ở dãy phố 5 căn" ra đời. Sách in tuần trước thì tuần sau giông gió nổi lên. Các nguyên mẫu trong cuốn sách cho rằng "ông Khôi Vũ bôi nhọ chúng tôi", và thưa kiện rồi đe dọa đủ kiểu. Nhiều ngày nhà văn và vợ con phải đóng cửa cố thủ trong nhà vì sợ bị hành hung. Chính quyền phải họp mặt đôi bên để giải thích, đây là văn chương chứ không phải báo chí, xung đột mới lắng xuống.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải ký tặng sách cho thiếu nhi.

Sau sự cố "Chuyện ở dãy phố 5 căn", Nguyễn Thái Hải được hai tiền bối Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn kéo về Hội Văn nghệ Đồng Nai để theo đuổi văn chương chuyên nghiệp. Có môi trường tốt, cộng với không khí đổi mới, nhà văn Khôi Vũ lại ghi dấu ấn bằng tiểu thuyết "Lời nguyền 200 năm" viết về một dòng họ "chỉ đến khi tuyệt tự mới hết kẻ ác tâm".

"Lời nguyền 200 năm" được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990. Dạo đó, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam còn rất danh giá, nên tên tuổi Khôi Vũ nổi như cồn. Người ta đã tung hô Khôi Vũ, không lẽ còn đành lòng nghi kỵ… Nguyễn Thái Hải hay sao!? Được khích lệ, Nguyễn Thái Hải tái bản hàng loạt tác phẩm viết cho thiếu nhi, và tiếp tục sáng tác thêm nhiều sách khác, như "Thềm nắng", "Ba chàng thám tử", "Thằng đầu bò", "Chiếc lá thuộc bài", "Bên bóng Thái Sơn"… Đặc biệt, truyện vừa "Cha con ông Mắt Mèo" được đưa lên màn ảnh, và trở thành một bộ phim rất được khán giả nhí yêu thích!

Với cả hai bút danh Nguyễn Thái Hải và Khôi Vũ hoạt động song song, hầu như năm nào ông cũng có tác phẩm xuất bản. Đến nay, bút danh Nguyễn Thái Hải đứng tên trên 27 cuốn sách viết cho thiếu nhi, còn bút danh Khôi Vũ đứng tên trên 25 cuốn sách viết cho người lớn.

Kiểm kê tài sản viết lách của Nguyễn Thái Hải - Khôi Vũ, thật khó phân định ông viết cho thiếu nhi thành công hơn hay viết cho người lớn thành công hơn. Chẳng hạn, ở mảng sách thiếu nhi, Nguyễn Thái Hải có cuốn "Những sợi tóc sâu của mẹ" có dáng dấp như tự truyện, đã được NXB Kim Đồng in hơn ba vạn bản. Còn ở mảng sách người lớn, Khôi Vũ có hai tiểu thuyết "Những người nuôi lửa" và "Phù phiếm bên biển" đều lần lượt nhận Giải thưởng Trịnh Hoài Đức của tỉnh Đồng Nai.

Hỏi ông tâm đắc với bút danh nào? Nguyễn Thái Hải trả lời: "Tôi tình nguyện hầu hạ thiếu nhi, vì có thể ăn ké sự trong trẻo và thơ ngây của các em!". Mỗi khi nhận nhuận bút, Nguyễn Thái Hải luôn mua hàng trăm cuốn sách để tặng học sinh nghèo ở địa phương mình. Thế nhưng, nói chuyện Nguyễn Thái Hải dành nhiều tình cảm đối với thiếu nhi, phải kể đến tâm huyết của ông khi làm tập san "Dưới mái trường".

Khi chuyển từ Hội Văn nghệ Đồng Nai sang làm Báo Lao Động Đồng Nai, Nguyễn Thái Hải nghĩ ngay đến một ấn phẩm để tuổi thơ có thể vừa thỏa sức đọc vừa thỏa sức… viết. Mùa khai giảng năm 1998, nhân có trong tay một khoản tiền dự định sửa nhà, Nguyễn Thái Hải liền đầu tư in tập san "Dưới mái trường". Số đầu tiên lỗ vốn, vợ con vẫn chịu cảnh mưa giột nắng xiên hoàn toàn không trách móc gì, nhưng Nguyễn Thái Hải áy náy lắm.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, Nguyễn Thái Hải cầm tấm bằng dược sĩ cho người ta thuê để mở hiệu thuốc, và tiếp tục theo đuổi giấc mộng "Dưới mái trường". Đích thân Nguyễn Thái Hải chở báo đi phát hành ở khắp các huyện. Tiếng vang của "Dưới mái trường" ngày càng lan rộng và Sở Giáo dục  & Đào tạo tỉnh Đồng Nai đã đồng hành cùng Nguyễn Thái Hải. Suốt 10 năm đều đặn, "Dưới mái trường" trở thành món quà tinh thần của học trò từ vùng trái cây sung túc Long Khánh đến vùng cằn khô rát bỏng Định Quán! Năm 2008, vì nhiều lý do khách quan, Nguyễn Thái Hải ngưng làm tập san "Dưới mái trường", nhưng hầu như tháng nào ông cũng có chương trình giao lưu với học sinh để đánh thức tình yêu văn chương cho thế hệ tương lai!

Đã có trong tay hơn 50 đầu sách, Nguyễn Thái Hải - Khôi Vũ vẫn miệt mài viết lách. Mỗi sự vật, mỗi mảnh đời đều thôi thúc ông sáng tác. Ngay cả khi con gái lớn đang làm việc cho một tập đoàn quốc tế ở Singapore mời ông sang đảo quốc du lịch dài ngày, thì Nguyễn Thái Hải cũng tranh thủ nghiềm ngẫm chuyện xứ người mà có được tập truyện "Người giỏi hơn chưa chắc đã thắng".

8/2015

Lê Thiếu Nhơn
.
.