Lỗi không đáng có

Thứ Sáu, 02/03/2012, 08:00
Năm nay, nhân kỷ niệm 80 năm phong trào Thơ Mới (1932-2012), Hội Nhà văn Việt Nam đã có sáng kiến cho dựng tại sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) các cây thơ (còn được gọi là poster, hoặc áp phích), ghi tên tuổi, lời giới thiệu kèm ảnh và một bài thơ tiêu biểu của các tác giả đại diện cho phong trào này để khách tham dự Ngày Thơ Việt Nam có dịp thưởng lãm.

Có thể nói, đây là một điểm nhấn đáng chú ý trong Ngày Thơ năm nay, là một cách nhắc nhở thế hệ trẻ về một phong trào có ý nghĩa khai sáng cho nền văn học đương đại Việt Nam.

Tuy nhiên, dù không có điều kiện tiếp cận được hết các cây thơ, song chỉ với một số cây thơ mà tôi được mục sở thị, có thể thấy, việc làm này vẫn chưa thực sự được chuẩn bị chu đáo.

Tôi chỉ xin nêu mấy ví dụ nhỏ:

Dưới dòng tên tác giả, những người thực hiện cho ghi năm sinh và năm mất (nếu có) của họ. Hầu như tác giả nào cũng vậy. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bị bỏ trống một cách… vô lý. Như trường hợp của nhà thơ Tế Hanh, người xem chỉ thấy dòng con số ghi năm sinh (1921) mà không thấy dòng con số ghi năm mất của ông ở đâu, trong khi việc nhà thơ Tế Hanh qua đời năm 2009 thì hẳn người yêu thơ nào cũng biết. Điều đáng buồn là không chỉ riêng trường hợp của nhà thơ Tế Hanh mà với một vài nhà thơ khác cũng xảy ra trường hợp như vậy. Theo logic thông thường, nếu Ban tổ chức để trống năm mất như thế, người đọc hoàn toàn có thể nghĩ rằng các nhà thơ nói trên hiện vẫn còn sống.

Du khách chiêm ngưỡng các cây thơ được dựng tại sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong Ngày Thơ năm nay.

Về việc in ảnh của các tác giả cũng có điều đáng bàn. Nữ sĩ Hằng Phương đường đường sống trong một gia đình có nhiều người hoạt động văn hóa chứ không phải thuộc diện chân lấm tay bùn gì (phu quân của bà là nhà văn Vũ Ngọc Phan; con gái bà là họa sĩ Vũ Giáng Hương, con trai là giáo sư - viện sĩ, họa sĩ Vũ Tuyên Hoàng…). Vậy mà tấm ảnh của bà in trên cây thơ lại là một tấm ảnh nhòe mờ đến mức không thể chấp nhận được (như thể nó được chụp lại từ một tấm ảnh vốn dĩ đã ố, mốc, khuôn mặt bị mất nhiều đường nét nên trông rất phản cảm). Trong khi, chỉ cần nhấp chuột vào google là ta có thể có tấm ảnh khác của nữ sĩ đẹp hơn nhiều. Vả chăng, thiết nghĩ, với một gia đình có bề dày văn hóa như gia đình nữ sĩ Hằng Phương, chỉ cần ai đó chịu khó gặp gỡ các thành viên trong gia đình bà, hẳn sẽ không khó để có một tấm ảnh tươm tất.

Nhà thơ Xuân Tâm, người vừa tạ thế cách đây ít hôm lại rơi vào tình cảnh trớ trêu khác. Mặc dù mấy năm gần đây, ông được nhắc tới nhiều trên báo chí với tư cách là tác giả duy nhất còn sống trong những nhà thơ có mặt trong cuốn hợp tuyển "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân. Nhân cơ hội đó, ảnh của ông cũng xuất hiện tơi tới trên mặt báo (chỉ cần vào google gõ tên Xuân Tâm là rõ). Vậy mà, ở cây thơ Xuân Tâm, bạn đọc không hề được trông thấy ảnh ông, như thể ông là người đã khuất bóng từ thời xa xửa xa xưa nào.

Về việc chọn thơ in trên cây thơ cũng có điều cần nói. Đành rằng, có những tác giả, việc chọn một bài cho thật tiêu biểu là không dễ, và có những bài hay nhưng quá dài thì việc xuất hiện trên cây thơ quả cũng khó khăn. Song với trường hợp nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, nếu vì khuôn khổ không in được những bài trứ danh của ông như "Sơn Tinh, Thủy Tinh" hay "Chùa Hương" thì cũng nên chọn một bài nào đó trong tập "Ngày xưa" của ông (như bài "Giếng Trọng Thủy" chẳng hạn). Chứ chọn bài "Căn gác nhỏ" được công bố lần đầu trên tạp chí Bách khoa - Sài Gòn năm 1960 theo tôi là hơi gượng ép. Bài thơ không tiêu biểu cho giọng điệu và bút pháp của Nguyễn Nhược Pháp mà bạn đọc vẫn "quen hơi bén tiếng" từ trước tới nay.

Vài ý kiến như vậy, mong các nhà Tổ chức lưu ý hơn để những tiết mục tương tự ngày càng hoàn thiện…

Tường Duy
.
.