Lối đi nào cho truyện tranh Việt?

Thứ Bảy, 09/05/2020, 08:32
Dăm năm trở lại đây, sự thành công của một số truyện tranh “made in Việt Nam” đã mở ra một hướng đi mới cho các tác giả trẻ. Bên cạnh đó, việc lần đầu Việt Nam có truyện tranh “xuất khẩu” ra nước ngoài còn phá đi thế mất cân bằng “nhập siêu” truyện tranh trong suốt gần 30 năm qua. Nhưng với dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây, một số người đang đặt câu hỏi, lối đi nào dành cho truyện tranh Việt Nam trong tương lai?


Sự sôi động khác thường

Trong những năm qua, độc giả Việt Nam đã có cơ hội đọc truyện tranh “madein Việt Nam” như bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” ra đời từ năm 2002.

Đến nay đã phát hành gần 200 tập “Thần đồng đất Việt” dù qua nhiều Nhà xuất bản tổ chức in ấn, nó vẫn là bộ truyện tranh Việt Nam gây tiếng vang và thành công nhất cho đến nay. Sau đó, bộ truyện tranh “Đất rồng” của nhóm tác giả Đinh Việt Phương - Đỗ Như Trang - Lê Lam Viên ra đời năm 2012 từng nhận được lời khen ngợi của truyền thông và đoạt giải trong một cuộc thi truyện tranh do Nhật Bản tổ chức, nhưng sau đó lại không có được sự thành công kéo dài như “Thần đồng đất Việt”.

Sau này, một số tác giả truyện tranh trẻ xuất hiện như Chi Còi với “Ma nữ nhà tôi” và “Các vị thần Hy Lạp”, Lâm Hoàng Trúc với “Đường hoa”, Phan Kim Thanh với “Cuộc sống của Vàng Vàng” và After Life (Sau cái chết), “Bad luck” của Nguyễn Huỳnh Bảo Châu...

Một số bạn trẻ hóa trang thành nhân vật hoạt hình nổi tiếng trong một số lễ hội dành cho giới trẻ.

Phải nói rằng, đến năm 2016, khi “Địa ngục môn” của Can Tiểu Hy và tập 1 của “Long Thần Tướng” được trao giải Bạc ở cuộc thi International Manga Award lần thứ 9 tại Nhật Bản thì truyện tranh “made in Việt Nam” mới thực sự khiến nhiều người để ý đến như một dòng truyện tranh được sáng tạo bởi người Việt Nam. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ sự kiện tập 1 của bộ truyện tranh “Long Thần Tướng” do nhóm tác giả Thành Phong - Khánh Dương ra mắt vào cuối năm 2014 với sự quan tâm của đông đảo độc giả và giới truyền thông.

Sở dĩ, “Long Thần Tướng” có được sự quan tâm của công chúng như vậy bởi vì đây là một dự án gây quỹ từ cộng đồng có tiếng vang, khi trong vòng 4 tháng kêu gọi đã nhận được nguồn kinh phí là 330 triệu đồng từ sự đóng góp của cộng đồng. Các tập 2, 3, 4 sau đó của “Long Thần Tướng” đều thu về từ 210 đến 280 triệu đồng và đến nay ê-kip sản xuất đang tiến hành sáng tạo, hoàn thiện tập 5.

Một trong những lý do khiến bộ truyện tranh “Long Thần Tướng” nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả là vì dự án đã xây dựng bộ truyện tranh dựa trên bối cảnh lịch sử rất đáng tự hào của dân tộc đó là đời nhà Trần với 3 chiến chiến thắng quân Nguyên Mông để kể lại những câu chuyện lịch sử với sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại. “Long Thần Tướng” (tập 1) từng được trao giải Bạc ở cuộc thi International Manga Award lần thứ 9 tại Nhật Bản - một trong những giải thưởng truyện tranh uy tín trên thế giới.

Tập 1 của tác phẩm còn có bản ebook bằng tiếng Anh và phát hành trên trang Amazon với tên “Holy Dragon Imperator”. Ngoài ra, “Long Thần Tướng” được nhà xuất bản Amok (Amok Ediciones) của Tây Ban Nha mua bản quyền và xuất bản tại quốc gia này từ tháng 10-2018”.

Ngoài một cốt truyện hấp dẫn, hình ảnh minh họa đẹp, chất lượng in ấn tốt, “Long Thần Tướng” đã có một chiến lược truyền thông cho dự án và tác phẩm rất hoàn hảo, phù hợp với xu thế hiện đại, cũng như đánh trúng vào tâm lý độc giả. Sau khi ra mắt tập 1, tác giả Nguyễn Khánh Dương cùng bạn bè và công ty do anh thành lập đã tổ chức thành công “Ngày hội truyện tranh 2015” (Comic Day 2015) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tạo nên một sân chơi mới lạ dành cho độc giả cũng như những người cùng chung chí hướng, yêu thích việc sáng tác truyện tranh.

Ngày hội truyện tranh sau đó còn được tổ chức vào các năm 2016, 2018, 2019 và trở thành một hoạt động được cho là mang tính “đặc thù” riêng biệt, tạo nên một ấn tượng mới với nhiều hoạt động giao lưu, tương tác giữa độc giả với người sáng tạo, đơn vị sản xuất khá thú vị. Ý tưởng về ngày hội truyện tranh không phải là mới, bởi nó đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Song khi được tổ chức ở Việt Nam, nó dường như đã tạo nên một dấu mốc quan trọng đối với mảng truyện tranh ở nước ta trên bước đường tiến đến sự chuyên nghiệp.

Truyện tranh cũng cần một “bản sắc văn hóa”?

Thực sự mà nói, có được những thành công trên là những dấu hiệu hết sức đáng mừng đối với mảng truyện tranh của nước ta. Mặc dù cho đến nay, vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi về ý nghĩa của truyện tranh trong đời sống, về việc nên hay không nên cho con trẻ đọc truyện tranh. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, ngày nay đọc truyện tranh đã là một phần nhu cầu của giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học đường. Nếu nó không có một giá trị nào đó thì hẳn truyện tranh đã không phát triển mạnh mẽ ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Bộ truyện tranh “Long Thần Tướng” của nhóm tác giả Thành Phong - Khánh Dương được nhiều độc giả yêu thích.

Và ở mỗi nước hay khu vực trên thế giới, truyện tranh lại có những “dòng” mang màu sắc khác nhau như: nói đến Manga là nói đến dòng truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản (sau có ảnh hưởng sâu sắc đến Hàn Quốc); nói đến Manhua là nói đến dòng truyện tranh mang dấu ấn của Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan)...

Đó chính là lý do các NXB ở Việt Nam đã mua bản quyền những bộ truyện tranh nổi tiếng như “Doraemon”, “Nữ hoàng Ai Cập”, “Dấu ấn rồng thiêng”, “Thủy thủy mặt trăng”, “Lucky Luke”, “Cuộc phiêu lưu của Tintin”... đã liên tục ra mắt độc giả trong suốt gần 30 năm qua.

Ở các nước đã “truyền thống” về truyện tranh, thì các dòng truyện tranh kể trên thực sự đã biến thành một bản sắc văn hóa đặc sắc của họ. Những bộ truyện tranh của Nhật Bản đã quá quen thuộc với độc giả thế giới, hay những bộ truyện tranh của Trung Quốc như “Tam Mao”, “Trung Hoa anh hùng”, “Phong Vân”, “Người trong giang hồ”, “Báo hắc liệt truyện”, “Thần Võ Kỷ”... đã khiến truyện tranh Trung Quốc trở nên có thế mạnh trong việc khẳng định dấu ấn dân tộc, văn hóa, lịch sử rõ nét qua hình thức truyện tranh. Riêng với Hàn Quốc, cũng do đặc thù ngành công nghiệp giải trí của họ phát triển mạnh, cho nên nhiều truyện tranh thành công lại được chuyển thể thành phim truyền hình như trường hợp của truyện “Ngôi nhà hạnh phúc” vốn không hề xa lạ với khán giả Việt Nam.

Việc làm này có thể trở thành một mô-tip rất hay, đáng tham khảo đối với Việt Nam. Như trường hợp của một số tác phẩm truyện tranh nổi tiếng như “Long Thần Tướng” đã kể ở trên, sẽ rất thú vị nếu bộ truyện tranh này được chuyển thể thành phim.

Tuy nhiên đối với Việt Nam, do lĩnh vực truyện tranh vẫn được xem là mới mẻ, nên các tác giả và nhóm tác giả chắc hẳn phải “vừa làm vừa nghĩ”, vừa mày mò, rút kinh nghiệm và học hỏi từ các nền truyện tranh lớn khác. Cho nên một “lối đi” riêng biệt, tạo dấu ấn riêng vẫn đang trong quá trình thai nghén, hình thành. Có thể nói, nếu tiếp tục với mạch lịch sử như trường hợp của “Thần đồng đất Việt” (lấy bối cảnh lịch sử thời Hậu Lê) và “Long Thần Tướng” lấy bối cảnh lịch sử thời Trần hay “Cánh hoa trôi giữa hoàng triều” của tác giả Tuyết Tuyết có lẽ cũng là một con đường rất đáng khích lệ. Nhưng vì đang trong quá trình hình thành và phát triển, cho nên truyện tranh Việt sẽ đương nhiên chịu sự tác động, ảnh hưởng của các dòng truyện tranh khác trên thế giới và cũng rất khó khăn để tìm được chỗ đứng cho riêng mình.

Ngoài đề tài lịch sử, gần đây một số tác giả trẻ đã dấn thân vào đề tài kinh dị, tình cảm, giả tưởng... Và con đường mà truyện tranh Việt Nam đi vẫn còn khá chông chênh, tuy nhiên, phải nhiều người đi thì mới thành đường. Sau một thời gian sáng tác truyện tranh “made in Việt Nam” nở rộ, gần đây xu hướng này dường như đang bị chững lại.

Hi vọng các tác giả trẻ như Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Huỳnh Bảo Châu, Phan Kim Thanh, Can Tiểu Hy, Đào Quang Huy, Hoàng Anh Trí, Vũ Đình Lân, Dương Thạch Thảo sẽ tiếp tục sáng tạo với những khám phá mới mẻ, độc đáo, thậm chí là... liều lĩnh để góp phần giúp truyện tranh Việt Nam có thể nhận diện được gương mặt của mình một cách rõ nét hơn nữa...

Nguyệt Hà
.
.