Lim nhìn từ phía Tanglewood

Thứ Hai, 09/03/2015, 08:00
Ngày mai, 13 tháng Giêng, người tứ xứ mê văn hóa Kinh Bắc lại đổ về làng Lim để nghe những liền anh, liền chị giao duyên với nhau bằng câu quan họ. Cả năm mới có một mùa, người Lim cũng đợi đến mùa đó để mà xả hết những âu lo của năm, quên hết những nhọc nhằn của đời sống. Rồi sau đó thì sao? Rồi sau đó họ lại trở về với đồng áng, bán buôn và thậm chí là dạt đi tứ xứ để mưu sinh.

Đã biết bao lần, trong hơn 20 năm qua, chúng ta gặp những liền chị quan họ mỏng mày hay hạt đi hát ở các nhà hàng ăn nhậu, nơi mà những thực khách nghe thì ít, ngắm thì nhiều và suồng sã bỗ bã thì cũng ê hề. Đó là cái cách câu quan họ được sử dụng để kiếm tiền ư? Càng ngẫm càng thấy buốt lòng cho một di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần rất lớn tạo nên tâm hồn Việt.

Vậy mà chưa một ai đặt ra một câu hỏi lớn nhưng đơn giản rằng "Làm cách nào để quan họ trở thành thứ kiếm ra tiền một cách sang trọng, được trân trọng và người quan họ được thực sự sống bằng quan họ?". Đó là câu hỏi không khó trả lời và cũng không thuộc vào trách nhiệm của riêng người quan họ mà là của tất cả những người đang hoạt động, quản lý văn hóa hôm nay.

Ở tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, có một làng nhỏ mang tên Tanglewood và ngôi làng đó đã trở thành địa điểm nổi danh trên thế giới, với biệt danh "làng âm nhạc". Tanglewood vốn dĩ là một mảnh đất nhỏ được cấp cho Dàn nhạc giao hưởng Boston vào năm 1936 và kể từ đó, những người làm âm nhạc của Tanglewood đã nỗ lực không ngừng để biến nó trở thành một địa danh văn hóa. Và sau gần 1 thế kỷ tồn tại, nỗ lực của họ đã được đền đáp. Từ chủ đất đầu tiên là Dàn nhạc giao hưởng Boston, Tanglewood đã có thêm những "chủ đất" mới là Trung tâm âm nhạc Tanglewood; Trường Âm nhạc Days in the Art; Học viện Âm nhạc Boston Tanglewood với số đêm diễn sáng đèn luôn ở mức khoảng 250 đêm mỗi năm. Đó là còn chưa kể đến các festival âm nhạc khác được tổ chức bởi các "chủ đất" kể trên mà cụ thể là Tanglewood Music Festival.

Ngay từ khởi đầu, những người điều hành đã xác định rõ khán giả của Tanglewood chủ yếu là du khách thập phương. Họ biến Tanglewood trở thành "nơi phải đến" đối với mỗi du khách mỗi khi có dịp ghé Massachusetts nhờ vào chất lượng âm nhạc được trình diễn bởi những nghệ sỹ xuất thân từ chính những trường âm nhạc của Tanglewood như thể những con người ấy chính là "đặc sản" của vùng. Tiếng lành đồn xa, sau nhiều năm tồn tại, các buổi diễn tại Tanglewood luôn cháy vé và nhiều du khách thậm chí còn chấp nhận mua loại vé cực rẻ để ngồi ở bãi cỏ khuôn viên phía ngoài khu nhà hát để xem dàn nhạc trình diễn qua màn hình lớn.

Vậy thì chất lượng âm nhạc ở Lim có đủ thu hút du khách hay không? Chắc chắn là đủ vì nó là đặc thù riêng của người Bắc Ninh, thứ mà du khách không tìm được ở địa phương khác. Với một đặc thù riêng như thế, nếu Lim chỉ "sáng đèn" vào mỗi dịp hội đầu xuân thì quả là uổng phí.

Giả sử, ngành Du lịch đầu tư và khai thác các tour du lịch Kinh Bắc với "đặc sản không thể thiếu" là xem trình diễn quan họ thì việc làng Lim "sáng đèn" mỗi đêm cuối tuần là chuyện không khó chút nào. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ ai là người quan tâm tới chuyện ấy; ai là người sẵn lòng đầu tư một nhà hát ngay tại làng Lim và ai là người sẽ đứng ra tổ chức một đoàn nghệ sỹ quan họ hoạt động chuyên nghiệp với thành phần 100% là trai Nội Duệ, gái cầu Lim đây?

Sự quan tâm với văn hóa dân gian có lẽ không nên chỉ chăm chăm vào mỗi chuyện đệ trình lên UNESCO xin cấp bằng di sản mà hãy nghĩ xa hơn, nghĩ tới đời sống người làm nghề, nghĩ tới việc biến Lim và nhiều nơi khác trở thành những Tanglewood của Việt Nam.

Hà Quang Minh
.
.