Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2018:

Liệu có tiếp tục cơn "mưa Huy chương"?

Thứ Năm, 08/11/2018, 09:28
Theo kế hoạch ban đầu, Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2018 diễn ra vào đầu tháng 10. Nhưng do trùng với lễ quốc tang cố Tổng bí thư Đỗ Mười nên Ban tổ chức đã phải dời lịch sang tháng 11. Nhưng cũng nhờ đó, các đơn vị tham gia biểu diễn có thêm thời gian để hoàn thiện, nâng cao chất lượng vở diễn của mình...


Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ III -2018. 

Có thể nói, năm 2018  là một năm khá trầm lắng của sân khấu trên địa bàn Thủ đô sau vài năm được "hâm nóng" với khá nhiều vở diễn lớn, được đầu tư công phu, kỹ lưỡng thu hút sự quan tâm của công chúng. Vì thế, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ III -2018 đang được xem như "một nốt trầm xao xuyến", góp phần xua đi không khí khá đìu hiu của đời sống sân khấu Hà Nội trong năm nay.

Ồn ào ở liên hoan; lặng lẽ ngoài đời sống

Theo kế hoạch ban đầu, Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2018 diễn ra vào đầu tháng 10. Nhưng do trùng với lễ quốc tang cố Tổng bí thư Đỗ Mười nên Ban tổ chức đã phải dời lịch sang tháng 11. Nhưng cũng nhờ đó, các đơn vị tham gia biểu diễn có thêm thời gian để hoàn thiện, nâng cao chất lượng vở diễn của mình.

Năm nay, các đơn vị tham gia Liên hoan với 10 vở diễn có: Nhà hát Kịch Việt Nam (vở diễn "Thế sự"), Nhà hát Tuổi trẻ (vở diễn "Tôi đẹp tôi có quyền"), Nhà hát Kịch Quân đội (vở diễn "Mùa hoa sữa"), Đoàn kịch Công an nhân dân (vở diễn "Bão của hoàng hôn"), Nhà hát Cải lương Hà Nội (vở "Đen trắng vòng đời"), Nhà hát Cải lương Việt Nam (vở "Lý triều dựng nghiệp"), Nhà hát Chèo Hà Nội (vở "Cô Son"), Nhà hát Chèo Việt Nam (vở "Thị Hến"), Nhà hát Kịch Hà Nội ("Ngôi nhà trong thành phố") và Trung tâm sân khấu và phát triển (vở “Họa tình”).

Theo thông tin từ đại diện Ban tổ chức, đây đều là các vở diễn có đề tài, nội dung về Hà Nội, gắn với Hà Nội và chưa tham gia bất kỳ liên hoan, hội diễn nào do các bộ, ban, ngành khác tổ chức.

Vậy là trong vong gần 1 tuần lễ, khán giả Thủ đô có cơ hội thưởng thức những vở diễn của các đơn vị nghệ thuật sân khấu hàng đầu của Thủ đô với đủ các loại hình: kịch nói, chèo, cải lương. Ngoài rạp Công nhân, các đoàn nghệ thuật còn công diễn tại rạp Kim Mã, rạp Đại Nam, rạp Nhà hát Tuổi Trẻ, rạp Nhà hát Kịch nói Quân đội.

Lãnh đạo hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng hoa cho đại diện các đơn vị nghệ thuật tham dự “Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2018”.

Nhìn vào danh sách các đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan lần này, công chúng yêu sân khấu hoàn toàn có thể hy vọng họ sẽ được thưởng thức những vở diễn có chất lượng nghệ thuật tốt, những màn biểu diễn của những nghệ sĩ tài năng hay những thông điệp có giá trị về cuộc sống con người thông qua các vở diễn.

Song, có lẽ vì những "lý do muôn thuở" mà kỳ vọng của Ban tổ chức kỳ Liên hoan năm nay tương đối giản dị là: "Tạo ra cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các đoàn nghệ thuật, để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng sự mong mỏi của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển...".

Như vậy có thể thấy, vấn đề "giao lưu - học hỏi" vẫn là mục đích chính yếu của các kỳ liên hoan mà Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2018 không phải là ngoại lệ. Câu hỏi, làm thế nào để kéo được khán giả đến với các nhà hát chứ không phải "chỉ toàn nghệ sĩ xem với nhau rồi lại khen ngợi, động viên và trao Huy chương cho nhau" dường như không còn được đề cập đến nữa, bởi vì nó đã trở thành một câu hỏi hóc búa và mãi chưa tìm ra lời giải.

Vậy là nối tiếp những công việc đã làm từ 2 kỳ liên hoan trước (năm 2014 và 2016), kỳ liên hoan lần này cũng vẫn có mục đích chính là tạo ra "sân chơi" cho các nghệ sĩ. Và với cách làm theo kiểu "đến hẹn lại lên" như thế, thật khó để có thể đòi hỏi và hy vọng sân khấu Thủ đô sẽ có những bước khởi sắc.

Tình trạng "tối lửa tắt đèn" ở các nhà hát sẽ vẫn tiếp tục diễn ra như hàng chục năm nay vẫn thế. Các nhà hát vẫn lại chỉ sáng rực lên, "dập dìu tài tử giai nhân" vào những đêm diễn tổng duyệt các vở diễn được nhà nước đặt hàng, sau đó sáng đèn thêm vài đêm nữa để rồi lại rơi vào lặng lẽ. Đó chính là nỗi buồn lớn của nhiều nghệ sĩ yêu sân khấu nhưng đành phải đứng nhìn rồi thở dài vì không làm gì được.

Nhiều quá hóa nhàm!

Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2018 bắt đầu khi Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018" vừa kết thúc hôm 28-10 tại Quảng Ngãi. Từ 15 vở diễn của 11 đơn vị nghệ thuật tham dự (trong đó có 9 đơn vị nghệ thuật công lập và 2 đơn vị nghệ thuật xã hội hóa), Ban tổ chức đã chọn ra 44 gương mặt nghệ sĩ để trao Huy chương Bạc và 26 gương mặt để trao Huy chương Vàng.

Cùng với các giải thưởng về tác giả, vở diễn khác, Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018 vẫn tiếp tục là một cơn "mưa Huy chương" như vẫn thường thấy sau khi các cuộc liên hoan sân khấu kết thúc.

Đành rằng ý kiến của nhiều nghệ sĩ là hợp lý khi cho rằng, nghệ thuật sân khấu ngày nay có nhiều thua thiệt hơn so với các ngành nghệ thuật khác nên cần có sự động viên, an ủi và khích lệ kịp thời để các nghệ sĩ trẻ có thêm động lực gắn bó với nghề. Thế nhưng, nhiều Huy chương Vàng - Bạc quá cũng "hóa nhàm", giải thưởng không chỉ bớt cao quý mà còn "mất thiêng" đi nhiều.

Trước Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018 chừng 1 tháng là Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc 2018 với sự tham gia của 25 đơn vị nghệ thuật trình diễn 32 vở cải lương. Kỳ liên hoan được đánh giá là quy mô, hoành tráng này đã kéo dài tới nửa tháng tại 2 địa điểm là TP. Hồ Chí Minh và Long An.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, kỳ liên hoan này vẫn "Thiếu vắng trên sân khấu những kịch bản lớn, xứng tầm với tư tưởng và thời đại hôm nay. Kịch bản viết về quá trình diễn biến, phát triển tâm lý con người trong xã hội và đời sống đương đại có khi còn thiếu sự hợp lý, sự giản dị tự nhiên và có phần gượng ép.

Có một số lời thoại, ca từ rơi vào tình huống nhạy cảm chính trị trong vấn đề biển đảo, đất đai, tình đồng đội… Chỉ đạo nghệ thuật của một số đơn vị còn thiếu sự phối hợp với đạo diễn nên đã ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm"...; thế nhưng không hiểu bằng tiêu chí chấm giải theo hình thức đặc biệt nào đó, mà ngoài 6 Huy chương Vàng và 7 Huy chương Bạc dành cho vở diễn ra, Ban tổ chức đã "hào phóng" trao...

49 Huy chương Vàng và 66 Huy chương Bạc cho các cá nhân nghệ sĩ! Trước đó, vào tháng 4-2018, tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, với 27 vở diễn của 22 đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa, ngoài các Huy chương Vàng - Bạc được trao cho các vở diễn ra, cũng đã có tới 39 Huy chương Vàng và 63 Huy chương Bạc được trao cho cá nhân các nghệ sĩ.

Chỉ cần làm một phép tính giản đơn, với 3 kỳ Liên hoan sân khấu đã kết thúc và các phần thưởng được trao, đã có tới 114 nghệ sĩ đoạt Huy Chương Vàng! Ấy còn là chưa kể đến kỳ Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần thứ III vừa kết thúc hồi trung tuần tháng 10  cũng có 5 Huy chương Vàng và 8 Huy chương Bạc được trao. Con số này quả là không nhỏ và nhiều người đang băn khoăn, sao giới sân khấu nước nhà nhiều nghệ sĩ tài năng đến thế mà khán giả lại vẫn quay lưng với sân khấu?

Ngay cả khi Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2018 chưa kết thúc, ai cũng đoán được chắc chắn sẽ lại có hàng tá Huy chương Vàng nữa sẽ được trao. Chỉ trong 1 năm, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với các cơ quan quản lý về văn hóa như Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, các Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch ở các địa phương đã tìm ra hàng trăm "gương mặt vàng" như thế này mà sân khấu cứ giậm chân tại chỗ, thậm chí còn có những bước thụt lùi thì quả là điều "khó hiểu".

Đã đến lúc, chính Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và các cơ quan quản lý về văn hóa nên xem xét lại những quy chế, quy trình tổ chức các cuộc thi cũng như việc chấm giải thưởng. Mỗi năm, có cần có nhiều cuộc thi đến thế không hay chỉ cần 1 cuộc? Việc trao nhiều Huy chương như vậy là nhằm mục đích gì nếu không phải vì căn bệnh thành tích và ảo tưởng trong sân khấu đã trở thành "thâm căn cố đế"?

Dân gian có câu "Quý như vàng", cũng có nghĩa cái gì ít, tinh và khó kiếm thì mới quý. Hội chứng Huy chương Vàng như nấm sau mưa  đã làm cho Giải thưởng "mất thiêng" trong mắt công chúng, khán giả và ngay cả với chính các nghệ sĩ.

Nguyệt Hà
.
.