Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2018: Mòn mỏi những bứt phá

Thứ Sáu, 27/04/2018, 08:30
Diễn ra từ ngày 11 đến ngày 25-4 tại TP Hồ Chí Minh, "Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018" (do Cục Nghệ thuật - Biểu diễn và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp tổ chức) khoác lên mình một diện mạo mới đáng để hy vọng nhưng cũng bộc lộ lắm vướng mắc cần tháo gỡ.


Khán phòng đông nghẹt khán giả

"Yêu là thoát tội" (Sân khấu Thế giới trẻ), "Hiu hiu gió bấc" (Sân khấu Buffalo), "Đàn bà dễ có mấy tay" (Sân khấu Hồng Vân), "Thiên thần nhỏ của tôi" (Sân khấu Hồng Hạc)... là những vở diễn thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Buổi biểu diễn các vở này không còn một chỗ trống dưới khán đài. Thậm chí, nhiều khán giả chấp nhận đứng chen chúc để thưởng thức vở diễn. Kết thúc vở, tràng pháo tay vang dội không ngớt tán thưởng cho giây phút thăng hoa mà các nghệ sĩ mang đến. Đây là hiện tượng khiến người trong giới hồ hởi mừng rỡ. Bởi điểm lại các liên hoan trước đây, vấn đề khán giả luôn bị rơi vào cảnh chợ chiều.

Thêm một tín hiệu đáng mừng nữa là hiện tượng giám khảo "vừa đá bóng, vừa thổi còi" đã không còn. Khác với mọi năm, dàn giám khảo đến tận hôm khai mạc mới chính thức được công bố với mục tiêu tìm lại giá trị đích thực của nghệ thuật sân khấu kịch nói. Trong đó, những người cầm cân nảy mực đều là những tên tuổi uy tín, đáng để chọn mặt gửi vàng. Họ cũng không hề có "dây mơ rễ má" với tác phẩm dự thi nào nên đảm bảo tính minh bạch, công bằng.

Cảnh trong vở "Châu về hợp phố" của Sân khấu Hồng Vân.

Những mùa liên hoan trước, việc thành viên ban giám khảo có tác phẩm dự thi trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Điều đáng nói là những vở của các giám khảo này thường giành giải cao, thậm chí "càn quét" gần hết tất cả hạng mục giải thưởng khiến giới làm nghề bất bình.

Liên hoan có 22 đơn vị tham gia với 27 vở diễn trong đó có 13 đơn vị ngoài công lập. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi lâu nay rất hiếm có một cuộc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc nào có đông đơn vị sân khấu xã hội hoá tham gia như lần này. Trong đó, có khá nhiều gương mặt mới như: Sân khấu kịch Minh Nhí, Sân khấu  Buffalo, Sân khấu Trịnh Kim Chi, Công ty Sân khấu Điện ảnh Gia đình.. 

Đây là điều đáng ghi nhận bởi trong vài năm trở lại đây, sân khấu xã hội hóa phía Nam gặp vô vàn khó khăn, thậm chí nhiều sân khấu không cầm cự nổi phải đóng cửa. Ngay cả "anh cả đỏ" là Sân khấu 5B, để duy trì hoạt động, NSƯT Mỹ Uyên - Giám đốc Sân khấu 5B phải lấy danh nghĩa cá nhân để đi vay tiền.

Việc ban tổ chức linh động địa điểm biểu diễn được anh em nghệ sĩ hoan nghênh vì nó giúp các nghệ sĩ đỡ vất vả, đỡ tốn thời gian làm quen với sân khấu mới và tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở... Ngoài Nhà hát Quân đội, nhiều đoàn trong Nam được biểu diễn tại chính sân khấu của mình. Ngoài ra, nhờ ban tổ chức không hạn chế đề tài, thể loại nên các vở dự thi lần này vô cùng đa dạng về thể loại, nội dung.

Kịch mang tính thể nghiệm có "Yêu là thoát tội", "Gương mặt kẻ khác", "Dưới ánh đèn"; kịch hài có "Đám cưới chùm", "Mua chồng 30 vạn"; kinh dị có "Quỷ sống", "Oan hồn"; nặng tính chính kịch và tuyên truyền có "Bão tố Trường Sơn", "Khi con tốt sang sông", "Châu về hợp phố"...

Từng có ý định đóng cửa Sân khấu kịch Hồng Vân vì thu không đủ chi, giá mặt bằng tăng vùn vụt trong khi nghệ sĩ chạy show truyền hình, phim ảnh, "bà bầu" Hồng Vân vẫn góp mặt tại liên hoan lần này với hai vở "Đàn bà dễ có mấy tay" và "Châu về hợp phố".

NSND Hồng Vân tâm sự: "Hiếm hoi lắm mới có cơ hội anh em nghệ sĩ cả nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đem những vở diễn chất lượng ra thi thố, nhất là trong tình hình sân khấu gặp nhiều khó khăn hiện nay. Lâu nay, nhiều sân khấu phía Nam chỉ chăm chăm dựng những vở hài hước, dí dỏm hay mang yếu tố giật gân để cốt sao bán được vé, chạy theo thị trường. Về lâu dài, họ sẽ hỏng nghề, ngại bắt tay thực hiện các vở chính kịch, bi kịch, kịch về đề tài lịch sử, văn học..., từ đó kéo nhu cầu, thị hiếu của công chúng xuống.

Tôi cố gắng đầu tư cho các nghệ sĩ đi thi nhằm tạo cơ hội cho họ bước ra biển lớn, thỏa mái phá cách, so tài cùng các sân khấu chuyên nghiệp để biết khả năng của mình đến đâu, mình cần học hỏi những gì. Đây cũng là cơ hội để họ thử sức ở những vở lớn và khó thuộc thể loại chính kịch, bi kịch mang tính chuyên môn cao, qua đó khơi dậy tinh thần làm nghề".

Trăn trở những điều "muôn năm cũ"

Bên cạnh những tín hiệu vui, liên hoan vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở. Vấn đề dễ thấy nhất là việc khủng hoảng kịch bản. Dù xuất hiện nhiều vở hay, sáng tạo song vẫn còn tình trạng không ít đoàn "bổn cũ soạn lại". Có vở đã diễn từ hơn 20 năm trước, nay mang ra dựng lại thi thố như  "Hoa cúc xanh trên đầm lầy", "Lũ quỷ sống", "Người mẹ thứ hai", "Tiếng giày đêm" ...Lắm kịch bản của các đoàn công lập đi vào lối mòn, nặng tuyên truyền chính trị, hô hào khẩu hiệu với cách đặt vấn đề quá cũ, kiểu dàn dựng lạc hậu, diễn xuất lên gân. Xem phần đầu, khán giả đã đoán được kết thúc.

Ba vở "Thiên đường" (Đoàn kịch nói Hải Phòng), "Tình đồng đội" (Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn) và "Bản tình ca viết dở" (Đoàn kịch nói Nam Định) không tạo được ấn tượng, cách khai thác, thể hiện vở diễn sáo mòn. Trong khi đó, nhiều vở của sân khấu phía Nam bị chê là hài nhảm, lê thê và nhạt nhẽo. Đơn cử như "Đám cưới chùm" của Sân khấu Nụ cười mới.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam bức xúc: "Kịch bản sân khấu đang ở tình trạng báo động. Thời gian tới có lẽ chúng tôi phải tổ chức trại sáng tác. Trong đó phải yêu cầu các tác giả bám vào hiện thực đời sống nóng bỏng có rất nhiều điều đáng để nghệ sĩ sân khấu khai thác hiện nay".

Cảnh trong vở "Dưới ánh đèn" của Câu lạc bộ Sân khấu thử nghiệm - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Niềm vui không trọn vẹn khi lực lượng sân khấu xã hội hóa năm nay tham gia liên hoan khá hùng hậu thế nhưng vẫn thiếu vắng nhiều sân khấu chủ lực của phía Nam. Sân khấu IDECAF từ lâu luôn đặt mình bên lề các cuộc liên hoan, hội diễn, cuộc thi.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu kịch IDECAF, thẳng thừng nói rằng các cuộc thi, liên hoan đã không còn có ý nghĩa gì đối với đời sống sân khấu, ít nhiều bị nhuốm màu tiêu cực. Một số đề tài được khuyến khích và ưu tiên tại liên hoan lại nặng về tuyên truyền nên không phải sân khấu nào cũng hào hứng nhập cuộc.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh của "bà bầu" Ái Như lại không thể tham dự vì giới hạn giờ ngặt nghèo. Liên hoan quy định mỗi vở dự thi có thời lượng từ 90 phút đến không quá 120 phút trong khi các vở của Hoàng Thái Thanh đều trên 120 phút. Việc cắt gọt, ép vào đúng khung giờ là điều khó với sân khấu này khi nó không truyền đạt hết ý đồ nghệ thuật, thông điệp, nội dung vở diễn. Trả lời về vướng mắc này, đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho hay sẽ tham khảo ý kiến nhiều đơn vị để thay đổi giới hạn giờ vào mùa sau.

Một số sân khấu xã hội hóa khác không tham gia cuộc thi bởi họ không muốn mạo hiểm với miếng cơm manh áo của anh em nghệ sĩ. Tham gia cuộc thi, các đoàn xã hội hóa đều phải tự lo kinh phí "từ a đến z"  để dựng vở. Mà khi đã dựng vở thì phải thu hồi vốn.

Thực tế qua các kỳ liên hoan, các vở đầu tư kinh phí rất lớn, huy chương vàng hẳn hoi nhưng khi đưa về diễn tại "sân nhà" thì khán giả vắng như chùa Bà Đanh nên vở diễn đành xếp kho. Có chăng, cuộc thi cũng chỉ là cái cớ để các đoàn kiếm huy chương, bổ sung vào bảng thành tích xét tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú sau này.

Theo ý kiến của nhiều nghệ sĩ, để cải thiện hình ảnh, nâng cao uy tín của các cuộc thi, liên hoan trong lòng khán giả và giới làm nghề, liên hoan cần phải sâu sát thực tiễn. Nói rằng thi để cọ sát, học hỏi, nhưng ở rất nhiều cuộc thi, liên hoan, hội diễn chỉ có phó đoàn, trưởng đoàn ở lại xem còn hầu hết các nghệ sĩ diễn xong là khăn gói ra về.

Ông Huỳnh Anh Tuấn mong mỏi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên có những buổi hội thảo, gặp gỡ và trao đổi để nhìn nhận thẳng thắn, tháo gỡ vướng mắc còn tồn tại trong các liên hoan, hội diễn như: "mưa huy chương", hoài nghi tiêu cực trong cách chấm giải... Bên cạnh đó, cần có những buổi tọa đàm, hội thảo đánh giá các vở diễn dưới góc nhìn nghệ thuật để anh em nghệ sĩ học hỏi. Một số người còn để xuất: ngoài đánh giá của ban giám khảo, cần để các nghệ sĩ và khán giả bầu chọn vở dự thi để giải thưởng minh bạch và thuyết phục hơn.

Mai Quỳnh Nga
.
.