Liên hoan phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ XI: Điểm hẹn kết nối các nền văn hoá

Thứ Năm, 08/10/2020, 10:17
Đến hẹn lại lên, Liên hoan phim (LHP) Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 11 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 10 - 10 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Dù được tổ chức muộn hơn so với mọi năm và ảnh dưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng thông qua những bộ phim tài liệu đặc sắc, giàu giá trị nhân văn, LHP vẫn thu hút được sự quan tâm đông đảo của công chúng.


LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 11 do Hiệp hội các Viện Văn hóa và các Đại sứ quán các nước châu Âu phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây là một trong những sự kiện văn hóa quốc tế thường niên được tổ chức tại Việt Nam, thu hút ngày càng đông đảo sự tham gia của các nghệ sĩ, các nhà làm phim nổi tiếng với những bộ phim có chất lượng cao, giành được nhiều giải thưởng tại các LHP trong nước và quốc tế. 

LHP lần này quy tụ 22 tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc của 10 quốc gia: Áo, Bỉ (Wallonia - Brussel), Pháp, Italia, Đức, Israel, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Cộng hòa Séc, Vương quốc Anh và Việt Nam. 

LHP Tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 11 quy tụ nhiều bộ phim đặc sắc.

Trong số đó có 10 phim quốc tế gồm "Nhà tắm công cộng" (Bỉ), "Cô bé" (Séc), "Dân chủ - Trong cơn cuồng phong dữ liệu số" (Đức), "Những ngón tay nhanh nhẹn" (Italia), "Thế giới bí mật của Lego" (Anh), "Đường lên dốc núi cheo leo" (Thụy Sĩ), "Xưa kia có một cậu bé" (Israel), "Bức tranh" (Tây Ban Nha), "Hậu trường Nhà hát Opera Vienna" (Áo). 

10 bộ phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương gồm: "Hành trình về phía bình minh", "Những ngả đường sáng tối", "Con đường không phẳng", "Cô đỡ thôn bản", "Hội An - trầm mặc phố", "Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Hoàng Thủy Nguyên: Nhà Virut học và chế tạo Vacxin", "Kho báu dưới đại dương", "Ánh sáng của con", "Hành trình thư pháp Việt", "Âm vang mãi nhịp hò khoan". 

Hai phim của tác giả độc lập gồm "Người mẹ" (đạo diễn Đoàn Hồng Lê) và "Cống ngầm" (đạo diễn Hương Na Nguyễn) được giới thiệu tại buổi chiếu riêng vào thứ 7 (ngày 3-10). Hai bộ phim được chiếu khai mạc là "Hành trình về phía bình minh" (Việt Nam) và "Nhà tắm công cộng" (Bỉ). Các phim tham gia LHP bắt đầu chiếu vào 19h tại 2 địa điểm: Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, 465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội và Trường Đại học Hoa Sen, TP Hồ Chí Minh.

Trong số những bộ phim được trình chiếu tại LHP năm nay, có nhiều phim đã giành được giải thưởng tại các LHP Việt Nam và quốc tế. Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, Chủ tịch LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam Wifried Eckstein cho rằng, kỳ vọng của người xem với các bộ phim tài liệu khác với khi xem phim truyện. Một bộ phim tài liệu luôn cố gắng nắm bắt thực tế, phản ánh những tình huống, con người và những điều thực sự tồn tại trên thế giới. Đặc trưng và yêu cầu của phim tài liệu là tính xác thực. Vì thế, phim tài liệu mang đến những góc nhìn mới lạ mà bình thường chúng ta không nhận ra. Đồng thời, chúng cũng đưa người xem đến những nơi họ chưa từng đặt chân đến. Phim tài liệu mang lại những kết nối đáng suy ngẫm và giúp chúng ta hiểu hơn về thế giới mình đang sống.

Qua 10 kỳ tổ chức LHP, khán giả Việt Nam ngày càng đánh giá cao chất lượng hàng trăm bộ phim tài liệu châu Âu và Việt Nam. Những bộ phim tài liệu đã tái hiện lại cuộc sống một cách chân thực, sinh động. Dù cách thể hiện và cái nhìn khác nhau nhưng đều mong muốn góp phần đưa cuộc sống con người tốt đẹp hơn cũng như các nền văn hóa trên thế giới xích gần nhau hơn. LHP thu một lượng khán giả lớn và điều đáng mừng là khán giả trẻ đến với LHP ngày một nhiều hơn. 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: "Việc tổ chức LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 11 càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID - 19 đã được khống chế tại Việt Nam và các sự kiện văn hóa, nghệ thuật được tái khởi động mạnh mẽ phục vụ người dân".

Một điều đáng tiếc là vì dịch bệnh COVID - 19 nên LHP lần này không thể đón tiếp những đạo diễn, những nhà làm phim quốc tế tới giao lưu cùng khán giả. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, BTC đã lựa chọn rất kỹ phim từ các nước bạn. Năm ngoái chủ yếu về đề tài môi trường, năm nay chủ đề chung của các nước tham dự là đời sống xã hội, yếu tố văn hóa và con người luôn có hàm lượng rất lớn ở mỗi tác phẩm trình chiếu. Như chuyện một gia đình phải đối diện với thách thức lớn lao khi một người con của họ bị bại não. Nỗi hoang mang của những người dân châu Âu về sự biến mất của không gian cá nhân trong thời đại tư bản số.

Một cảnh trong phim “Những ngón tay nhanh nhẹn” của đạo diễn người Italia làm về Việt Nam.

Mỗi bộ phim lại mang đến những góc nhìn khác nhau của một đời sống xã hội còn bề bộn nhiều vấn đề. Bộ phim "Cô đỡ thôn bản" nói về hành trình vất cả của những người làm công tác y tế, đã tạo nên một bước ngoặt trong việc giảm tỉ lệ tử vong của mẹ và bé tại các vùng rừng núi xa xôi. 

Phim "Người mẹ" nói về hành trình tìm con của bà Đẹp, một phụ nữ Việt yêu một trung sĩ quân nhạc người Mỹ năm 1969 và Phương Mai, con gái của họ ra đời năm 1972 sau khi anh trung sĩ được đưa về nước. Bà Đẹp đã gửi Phương Mai sang Mỹ trong chiến dịch di tản 3.000 trẻ em lai Mỹ và trẻ mồ côi Việt Nam sang Mỹ và các nước châu Âu khác. Trong 40 năm sau đó, bà không kết hôn, dành cả cuộc đời tìm kiếm con. 

"Hậu trường nhà hát Opera Vienna" lại mang đến cái nhìn chi tiết về những hoạt động hậu trường của nhà hát nổi tiếng thế giới này. Đạo diễn đã khắc họa công việc âm thầm của các nhân viên nhà hát để giúp những ca sĩ, nhạc trưởng và nhạc công nổi tiếng thế giới có thể cống hiến tài năng của họ tới công chúng.

"Cống ngầm" là câu chuyện của những công nhân Công ty thoát nước TP Hà Nội hàng ngày cần mẫn giữ gìn vệ sinh cho thành phố gửi vào trong đó câu chuyện xã hội, ý thức cá nhân. "Bức tranh" lại kể về những bí ẩn xung quanh bức tranh nổi tiếng "Las Meninas" của danh họa Diego Vela'zquez. Đây là bức tranh chứa đựng nhiều bí ẩn nhất trong lịch sử. 

"Hành trình thư pháp" kể về một loại hình nghệ thuật của chữ đã du nhập vào Việt Nam từ hàng ngàn năm qua. Qua câu chuyện của một nhóm người yêu nghệ thuật thư pháp đi tìm hiểu hành trình thăng trầm của nghệ thuật thư pháp, tiếp biến với những câu chuyện lịch sử - văn hóa - xã hội của dân tộc qua các triều đại phong kiến cho đến ngày nay. 

"Ánh sáng của con" lại là câu chuyện của 3 nhân vật khiếm thị nhưng luôn đặt niềm tin vào cuộc sống và theo đuổi ước mơ của mình. Những khó khăn chông gai và thử thách không khiến họ buông xuôi và từ bỏ mục đích sống bởi ngoài ý chí và nghị lực sống mạnh mẽ thì bên cạnh họ còn có sự động viên, định hướng đúng đắn của cha mẹ, người thân.

Đặc biệt, bộ phim "Những ngón tay nhanh nhẹn" (Ý) nhưng lại kể câu chuyện về Bảy - một cô công nhân rời bản làng của vùng cao nguyên phía Bắc về Hà Nội làm việc. Phim miêu tả điều kiện làm việc, nội quy nghiêm ngặt và những khó khăn mà Bảy và các công nhân như cô phải đối mặt. Ước mơ và nỗi lo lắng của những cô gái lên thành phố lập nghiệp...

Có thể nói, hơn 10 năm qua, qua 10 kỳ LHP, khán giả Việt Nam và những người bạn quốc tế đánh giá cao chất lượng của hàng trăm bộ phim tài liệu của châu Âu và Việt Nam. 

Ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết, LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa giữa các quốc gia châu Âu và Việt Nam, khẳng định sự hợp tác, giao lưu văn hóa giữa các nước thành viên châu Âu và Việt Nam ngày càng khăng khít, phát triển. Thông qua các bộ phim, khán giả sẽ có dịp tìm hiểu về văn hóa, con người và xã hội Việt Nam cũng như của các nước khác. Đây là cơ hội để hiểu biết hơn mối quan hệ giữa con người với con người, khám phá các vùng đất cũng như các vấn đề đương đại. Ngoài ra, mỗi kỳ LHP là cơ hội để người làm điện ảnh Việt Nam có dịp tiếp cận với nhiều xu hướng mới trong làm phim tài liệu.

Khánh Thảo
.
.