Lễ hội kéo văn hóa thụt lùi?

Thứ Sáu, 24/03/2017, 08:09
Mở đầu lễ hội năm nay, cảnh chen chúc, tranh giành, chụp giựt… có vẻ đỡ hơn những năm trước. Song cũng chưa dám khẳng định chắc chắn vì mùa lễ hội mới đi được nửa chặng đường. Việt Nam là đất nước của lễ hội, không nước nào trên thế giới tranh giành ngôi quán quân với nước ta...


1.Có thể kể sơ sơ ra những lễ hội lớn: Đền Hùng, hội Gióng, hội Lim, hội chùa Bái Đính, hội Phù Đổng, Yên Tử, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Chọi trâu, Lồng Tồng (dân tộc Tày), Gâu Tào (dân tộc Mông), Nhảy lửa (Dân tộc Pà Thẻn), Đền Trần, Hội vật Liễu Đôi,  Nghinh Ông (Cần Giơ, TP Hồ Chí Minh), Đại đức Chi tôn đạo Cao Đài (Tây Ninh), Chùa Hương, Chol Thnam Thmây, Ok Om book (dân tộc Khmer), Ka Tê, Ponagar (dân tộc Chăm), lễ hội Đống Đa (Hà Nội)… và hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ có quy mô và cấp độ khác nhau  trải dài khắp dải đất hình chữ S.

Xem xét hình thức và nội dung (ngoại diên và nội hàm) tất cả các loại lễ hội của nước ta sẽ đưa đến một định nghĩa tổng quát như sau: Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần của một cộng đồng, dân tộc hình thành và phát triển qua các giai đoạn lịch sử của một quốc gia.

Là hình thức tôn vinh, ngưỡng mộ các thế lực siêu nhiên, nhân vật huyền thoại, thánh thần linh thiêng, nhân thần tên tuổi có thật trong lịch sử có công tích trong đấu tranh dựng nước, bảo vệ, xây dựng đất nước… mà ở họ có sức mạnh đặc biệt, siêu phàm, có đạo đức phẩm giá cao đẹp xứng đáng để người dân tri âm thờ phụng.

Cảnh tượng chen chúc, hỗn loạn khi sư thầy tung vòng đeo tay cho khách thập phương đi lễ tại chùa Hương.

Lễ hội cũng có thể là những tập tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo… giàu tính nhân văn hướng tới các giá trị CHÂN - THIỆN - MỸ. Theo đó hình dung về tổng thể ta có thể phân loại lễ hội có 3 loại lớn: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng.

Bởi lễ hội theo quan niệm của ta có nội hàm và ngoại diên rộng như thế nên Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện nay mới thống kê nước ta có tới gần 9.000 lễ hội - số liệu của Cục Văn hóa thông tin cơ sở năm 2004. Đến năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát thống kê lại còn 7.966 lễ hội. Ngỡ rằng từ đây bộ sẽ tiếp tục rà soát, co bớt số lượng lễ hội - ai dè không co được mà lại tăng lên. Trong 7 năm, từ 2009 đến 2016 đã tăng lên trên 8.000 lễ hội? Cứ đà này, chẳng mấy chốc lại trở về con số ban đầu 9.000 lễ hội?

Trăm hoa đua nở, mọi địa phương lớn nhỏ thi nhau xin đăng ký lễ hội,  quyết "ăn thua" không chịu "kém miếng". Và bộ cứ “hào phóng” “công nhận”, cấp phép.

2. Những thập niên trước đây, tuy nghèo về vật chất nhưng lễ hội trang nghiêm, trong sáng, giàu ý nghĩa nhân văn. Từ khi kinh tế khá lên, lễ hội đã mất đi nhiều giá trị nguyên bản, đích thực. Lễ hội giờ đây là nơi cờ bạc, rượu chè ăn uống thô tục. Lều quán bệ rạc, lộn xộn, chen chúc mua thần bán thánh, cầu khấn vụ lợi.

Cánh buôn lậu thì cầu cho công an, hải quan "có mắt như mù, có tai như điếc, có mồm như câm". Quan chức thì cầu cho thăng quan tiến chức, vinh thân phì gia. Đồ lễ là cả con lợn quay to đùng phải xỏ vào cây tre để khiêng; rượu, thuốc lá ngoại, xôi gà vật phẩm đầy mâm; tiền thật gài vào tay vào nếp áo, vào lòng phật để đút lót mua chuộc; tranh nhau sứt đầu mẻ trán cướp giật lộc Thánh… đủ thứ bát nháo, lộn xộn, bậy bạ không thể chấp nhận được?

Lễ hội ngày nay làm xói mòn, méo mó các giá trị truyền thống tốt đẹp, kéo theo bao hệ lụy làm hư hỏng con người, tốn kém tiền bạc, khuyến khích ăn chơi… làm tụt hậu nền kinh tế đất nước. Đã quá nhiều lễ hội, nhiều lễ hội lại kéo dài hằng tuần, hằng tháng liên miên làm cho các doanh nghiệp khốn khổ vì thiếu nhân lực trong khi hợp đồng giao hàng đã đến hạn; các cơ quan công sở vắng hoe vì thủ trưởng nhân viên kéo nhau đi lễ đầu năm; sản xuất đình trệ, giao thông loạn xạ, tai nạn gia tăng, xăng xe công thỏa sức sử dụng…

Một anh bạn nước ngoài lần đầu đến Việt Nam rất hứng thú với các lễ hội. Nhưng khi tâm trí đã lắng xuống, anh thắc mắc khi tôi tự hào khoe nước mình có tới trên 8.000 lễ hội trong một năm, anh kêu lên: "Vậy là bình quân nước bạn mỗi ngày có tới trên 20 lễ hội? Thật khủng khiếp! Thế thì còn thời gian đâu mà các bạn làm ăn, phát triển kinh tế?".

Theo thống kê của Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, Lễ hội Đền Hùng năm 2016 chỉ trong 5 ngày đầu đã thu hút gần 8 triệu du khách đến dự - gấp gần 5 lần dân số của tỉnh sở tại. Chỉ tính 6 lễ hội trong năm 2016 gồm: Yên Tử, Đền Trần, Phủ Dầy, Côn Sơn - Kiếp Bạc, núi Bà Đen, chùa Bà Xứ (còn gọi là Vía Bà - An Giang) đã có tới trên gần chục triệu người tham gia - đấy là chưa tính hơn 8.000 lễ hội còn lại đủ tầm cỡ kéo dài từ sau Tết Nguyên đán đến hết năm?

Hãy thử tính xem những thiệt hại, phung phí về nhân lực, sức lao động, của cải vật chất vào lễ hội? Chắc chắn sẽ là con số khổng lồ hàng trăm nghìn tỷ trở lên chứ dứt khoát không thể ít hơn? Trong khi nợ công chồng chất báo động đỏ? Chính phủ phải cân nhắc tiêu từng đồng thuế của dân như Thủ tướng từng phát biểu? Nhiều lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu sa sút, yếu kém còn thua cả nước bạn Lào và Campuchia?

Thời buổi thế giới cạnh tranh quyết liệt, chậm hơn nhau tính giờ, tính phút là đã tụt hậu, "thời gian là tiền bạc, là tỷ phú" mà Việt Nam lại đi ngược với bánh xe lịch sử trong một thế giới đan xen giữa cơ hội và thách thức thì đáng phải suy nghĩ.

Nhét tiền lên tượng phật, hành động vô cùng phản cảm trong mùa lễ hội.

3. Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý lĩnh vực này. Phải làm cho những lĩnh vực mình quản lý không ngừng phát triển lành mạnh thu về nhiều tiền bạc cho đất nước là nhiệm vụ của Bộ. Con số 10 triệu du khách đến Việt Nam năm 2016 chưa nói lên điều gì cả. So với các nước trong khu vực, tỉ lệ khách du lịch thế giới đến với Việt Nam còn thua xa?

Nên chăng, Bộ Văn hóa, Thể  thao và du lịch có chiến lược vĩ mô, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bền vững phát triển lĩnh vực văn hóa, du lịch. Phải xây dựng ngay tiêu chí lễ hội, phân loại lễ hội, quy hoạch lễ hội theo cấp độ quốc gia, vùng miền, địa phương, dân tộc, thời gian cho phép, lồng ghép phù hợp các hoạt động lễ hội nhỏ vào lễ hội lớn… đưa ra trong các cuộc hội thảo tranh thủ đóng góp của các nhà khoa học xã hội, văn hóa, lịch sử, các nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương và ý kiến đóng góp của nhân dân.

Đất nước ta có những vùng văn hóa lớn như Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Trung du Bắc Bộ, duyên hải Trung bộ dải Trường Sơn, Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ; có 54 dân tộc giàu bản sắc văn hóa nhưng không nhất thiết dân tộc nào cũng phải lấy một lễ hội để nâng lên tầm quốc gia, khu vực mà phải thật lạ, độc đáo, đặc sắc như Hội Gâu Tào của người Mông,  Lồng Tồng của người Tày Tuyên Quang…

Rà soát gạt bỏ những lễ hội không cần thiết, trùng lặp, có tính chất địa phương nhỏ hẹp. Chọn lựa thấu tình đạt lý và giải thích cho dân hiểu. Chớ để cho lễ hội phát triển "không phanh" như một thời loạn thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp tỉnh huyện, trong trường đại học, cao đẳng, phổ thông…

Cũng đừng chạy theo thứ "váng mỡ riêu cua" phù phiếm thi nhau lập kỷ lục guinness bánh chưng, bánh dày to nhất, cốc cà phê lớn nhất… tốn tiền bạc, nhân lực, thời gian mà chẳng có ý nghĩa và để lại dư âm gì. Để rồi bánh chưng thiu chia cho mọi người không ăn được, bánh dày thì độn xốp bên trong giả dối và mang tội nặng "báng bổ" lừa đảo cả thần thánh.

Cái thứ kỷ lục guinness không thực chất, phản cảm, không giá trị nên dẹp bỏ ngay. Trong khi nhiệm vụ chính là phải tham mưu, thiết kế những sản phẩm du lịch phong phú, đặc trưng từng vùng, miền, địa phương thì chưa đâu làm được. Đã xem cái cách các nước làm du lịch nên tôi tâm đắc với chiến lược làm du lịch của Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp là sao cho khách du lịch "đi sâu, ở lâu, ra chậm". Khách đến đâu cũng muốn xem, muốn mua; càng đi sâu nội địa càng thấy thú vị không thể bỏ qua nên lưu trú nhiều ngày ở khách sạn, tiêu pha mua sắm nặng tay… và chúng ta mới rút được nhiều tiền từ hầu bao của họ.

Vì thế rất cần những cán bộ làm văn hóa, du lịch giỏi, thạo việc, chuyên nghiệp, có kiến thức sâu, tâm huyết và năng động sáng tạo mới có thể đưa văn hóa và du lịch nước ta cất cánh bay cao và bay xa…

Lưu Chí Thiện
.
.