Lễ hội Áo dài Hà Nội 2016: Nồng nàn một tình yêu với áo dài

Chủ Nhật, 30/10/2016, 08:05
Lễ hội Áo dài Hà Nội 2016 diễn ra từ ngày 14-16/10 được đánh giá là một điểm nhấn văn hóa đáng chú ý, truyền đi thông điệp ý nghĩa về tà áo dài truyền thống. Có mặt tại Hoàng Thành - Thăng Long những ngày diễn ra lễ hội mới cảm nhận được tình yêu, sự háo hức của người dân Thủ đô với một tình yêu nồng nàn với tà áo dài Việt


Nối dài tình yêu với áo dài

Lễ hội Áo dài Hà Nội lần này được tổ chức với quy mô hoành tráng với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân Thủ đô tham gia. Đêm khai mạc diễn ra tại Quảng trường Đoan Môn hoành tráng, màu sắc với bộ sưu tập áo dài của 32 nhà thiết kế tên tuổi, gần 300 người mẫu tham gia, trong đó có cụ bà Nguyễn Thị Sính, 90 tuổi, phu nhân cố họa sĩ Bùi Xuân Phái cùng 17 nghệ sỹ tên tuổi hàng đầu của làng sân khấu - điện ảnh Việt, 80 người mẫu chuyên nghiệp cùng các tình nguyện viên đến từ Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Ba ngày diễn ra lễ hội đầy ắp những hoạt động nhằm tôn vinh tà áo dài truyền thống Việt Nam. 38 gian hàng trưng bày áo dài trong khuôn viên Hoàng Thành - Thăng Long là một điểm nhấn đáng chú ý. Mỗi gian hàng được trưng bày theo phong cách riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân của mỗi nhà thiết kế đến từ ba miền Bắc - Trung - Nam. 

Công chúng có thể đến đây, ngắm vẻ đẹp tinh tế trong những bộ áo dài, mặc thử, mua sản phẩm nếu yêu thích. Hội thi cắm hoa tạo hình cùng áo dài cũng thu hút đông đảo các nghệ nhân và người yêu nghệ thuật cắm hoa. Với sự tô điểm của hoa, lá, những bộ áo dài đơn sắc trở nên rực rỡ và bắt mắt hơn.

Lễ hội Áo dài Hà Nội 2016 đã "nối dài" tình yêu của người dân với trang phục mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Đêm trình diễn áo dài với chủ đề "Áo dài và âm nhạc truyền thống" là nơi hội tụ những mẫu áo dài mới nhất của 28 nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam. Ban Tổ chức lễ hội mong muốn rằng, những thiết kế áo dài này sẽ thể hiện được vẻ đẹp, tinh thần của tà áo dài Việt, khơi dậy tình yêu của mọi người với nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Một hoạt động hấp dẫn trong lễ hội áo dài lần này là diễu hành bằng xe đạp và xích lô trên đường phố Hà Nội.

Thông tin từ Ban Tổ chức lễ hội cho biết, 50 xe xích lô chở người mẫu mặc áo dài, 200 xe đạp của 200 nữ sinh mặc áo dài sẽ diễu hành qua nhiều con phố của Hà Nội sau đó trở lại sân khấu chính tại Hoàng Thành, Thăng Long.

Giữa tiết trời trong lành của mùa thu Hà Nội, trong cái nắng nhẹ hanh hanh, bắt đầu cảm nhận được cái se se lạnh, hình ảnh những thiếu nữ Hà Thành trong bộ áo dài thong dong đạp xe trên những con phố rợp bóng cây xanh - đẹp vô cùng. Không chỉ có người lớn, trẻ em đến với Lễ hội áo dài cũng có sân chơi riêng là cuộc thi vẽ tranh "Hà Nội và em".

Có thể nói rằng, Lễ hội Áo dài là ý tưởng độc đáo nhằm tôn vinh áo dài Việt và những hoạt động trong khuôn khổ liên hoan lần này tạo được ấn tượng mạnh mẽ hơn so với lễ hội lần đầu tiên được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hồi tháng 3 vừa qua.

Điểm đáng ghi nhận nhất của lễ hội không phải chỉ là việc tạo ra một "điểm đến văn hóa" cho người dân thủ đô và khách du lịch mà còn là sự tôn vinh, khẳng định những giá trị của áo dài truyền thống. Áo dài, đó là hiện thân của bản sắc văn hóa, hội tụ trong đó những giá trị văn hóa được chắt lọc qua nhiều thế hệ người Việt.

Thông qua những hoạt động trong khuôn khổ liên hoan, mọi người cảm nhận rõ hơn về giá trị của áo dài từ chiều sâu văn hóa, vẻ đẹp nền nã, thanh lịch, sang trọng nhưng cũng vô cùng quý phái mà không phải bộ trang phục dân tộc truyền thống nào cũng có được. Cũng chính nhờ những hoạt động như vậy, tình yêu với áo dài được "đánh thức" và nhân lên nhiều lần.

Mong đừng có những "thảm họa áo dài"

Trong khuôn khổ lễ hội, hội thảo với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của áo dài trong du lịch" là một nội dung đáng chú ý. Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu đề dẫn hội thảo, đại ý rằng, tà áo dài không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp, là di sản văn hóa cốt lõi, mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo. Nó giống như một cây cầu nối văn hóa giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Mỗi nhà thiết kế là một nhà sáng tạo và phong cách thiết kế áo dài chính là thứ ngôn ngữ riêng của mỗi người. Tuy nhiên, thiết kế ra sao, làm thế nào để giữ được bản sắc của áo dài truyền thống là bài toán không hề đơn giản.

Một hình ảnh đẹp trong Lễ hội Áo dài Hà Nội 2016.

Thực ra, không phải đến Hội thảo lần này, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của áo dài mới được đặt ra. Trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại, việc sử dụng những thiết kế áo dài theo lối xưa không còn phù hợp.

Xét cho cùng, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của áo dài truyền thống cũng bao gồm cả việc cách tân, cải tiến để áo dài có thể "hiện diện", bắt nhịp được với cuộc sống xã hội hiện đại. Không có sự tìm tòi, thiết kế mới cho áo dài, điều đó cũng đồng nghĩa rằng, chúng ta đang thất bại trong việc phát huy các giá trị truyền thống của áo dài.

Chính vì vậy, vai trò của những nhà thiết kế áo dài hết sức quan trọng. Không ít nhà thiết kế lên tiếng cho rằng, họ ủng hộ việc cách tân, cải tiến, thậm chí là "phá cách" áo dài nhưng sự "phá cách" đó phải nằm trong khuôn khổ, giới hạn nhất định.

Một câu hỏi đặt ra là, vậy, ai là người đặt ra những giới hạn trong sáng tạo nghệ thuật? Có lẽ, giới hạn đó phải là nền tảng tri thức, gu thẩm mỹ, cách cảm, cách nghĩ, ý thức, lòng tự hào dân tộc của nhà thiết kế cũng như tình yêu "không giới hạn" với áo dài Việt.

Thực tế cho thấy, những "thảm họa áo dài" bị dư luận "ném đá" trong thời gian qua chủ yếu xuất hiện trong giới showbiz hoặc là đại diện của Việt Nam tham dự các đấu trường sắc đẹp quốc tế. Điều này có lẽ là do sự xuất hiện của những người nổi tiếng ở bất cứ đâu luôn là tâm điểm của dư luận, mọi hành động, trong đó có phong cách thời trang của họ luôn có hàng triệu con mắt khán giả dõi theo.

Ca sĩ Mai Khôi không ít lần xuất hiện với bộ áo dài không tà ở phía trước, kết hợp với quần bò và giày cao cổ. Ca sĩ Hiền Thục kết hợp áo dài tà ngắn với quần short hay ca sĩ Đồng Lan kết hợp áo dài với váy hoa…

Không ít bộ áo dài của đại diện nhan sắc Việt tham gia các cuộc thi quốc tế gây nên những luồng dư luận trái chiều. Bộ áo dài "Con Rồng cháu Tiên" của Lệ Quyên - thí sinh đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2015, bộ trang phục của Thúy Vân tham gia chung kết cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015, bộ áo dài mang tên "Long Vũ Khúc" của Nguyễn Thị Loan tham Miss World 2014… đều bị đánh giá là "phá cách quá giới hạn", thiếu sự mềm mại, nữ tính đặc trưng của áo dài.

Điều đáng tiếc là, với những nghệ sỹ, họ có hàng triệu fan hâm mộ, những người đẹp đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi nhan sắc quốc tế không làm "tròn vai" của một "đại sứ văn hóa hình ảnh" cho áo dài Việt. Có thể công chúng và bạn bè quốc tế sẽ có cái nhìn khác, thiếu chuẩn mực về áo dài Việt Nam.

Rất nhiều vấn đề đặt ra trong hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của áo dài trong du lịch" như làm thế nào để áo dài thực sự là một sản phẩm du lịch, thông qua du lịch để quảng bá áo dài Việt… Xoay quanh vấn đề "thảm họa áo dài", nhiều nhà thiết kế đồng quan điểm cho rằng, muốn khắc phục được thảm họa này phải bắt đầu từ các nhà thiết kế.

Theo đó, các nhà thiết kế phải thực sự xem thiết kế áo dài là sáng tạo nghệ thuật, không được dễ dãi với khách hàng. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa nhà thiết kế và người sử dụng áo dài. Việc mặc áo dài cũng chính là cách tôn vinh bản thân vì thế không được cách tân áo dài một cách thái quá…

Phạm Thiên Giang
.
.