Lễ hội Áo dài 2019: Nâng niu lan tỏa giá trị truyền thống
- Nhiều hoạt động đặc sắc tại “Lễ hội Áo dài” lần 4
- Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh làm đại sứ chính thức cho Lễ hội áo dài 2017
- Lễ hội Áo dài Hà Nội 2016: Nồng nàn một tình yêu với áo dài
Một điều đáng mừng là giờ đây, áo dài không chỉ xuất hiện trên sân khấu, trong các sự kiện quan trọng, mà ngày càng có mặt nhiều trong đời sống sinh hoạt của người dân trong và ngoài nước, góp phần mang vẻ đẹp Việt đi xa.
Đã thành thông lệ, từ năm 2014 đến nay, "Lễ hội Áo dài" Thành phố Hồ Chí Minh thường được tổ chức vào đầu tháng 3 hàng năm với mục tiêu đưa áo dài vào đời sống, góp phần tôn vinh trang phục độc đáo này. "Lễ hội Áo dài" lần thứ VI năm nay có chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam" diễn ra từ ngày 2/3 đến ngày 17/3 với nhiều hoạt động đã được chính thức khai mạc tại sân khấu trung tâm phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là sự kiện do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố và công ty Cổ phần Dấu ấn Việt tổ chức. Nhiều hoạt động mang tính tương tác cao với cộng đồng như cuộc thi "Duyên dáng áo dài", "Ảnh đẹp áo dài online", các chương trình diễu hành, các chương trình truyền cảm hứng về áo dài...
Những đại sứ của “Lễ hội áo dài” 2019. |
Năm nay 15 đại sứ đồng hành cùng lễ hội là những nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực. Ngoài Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H'Hen Nie giữ vai trò đại diện hình ảnh là sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng như NSƯT Kim Xuân, NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Quế Trân, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Trang, MC Quỳnh Hoa, Á hậu Lệ Hằng, Hoa hậu Thế giới người Việt Thái Nhiên Phương, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, ca sĩ Chí Thiện, diễn viên Kim Tuyến, ca sĩ Kyo York, siêu mẫu Hồ Đức Vĩnh, giải nhất "Duyên dáng Áo dài" Thành phố Hồ Chí Minh Mai Phương và Lương Văn Thêm.
Lễ hội áo dài năm nay có nhiều hoạt động diễn ra tại nhiều địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh như đường đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Áo dài, các trường học, doanh nghiệp... với nhiều chương trình giao lưu, kết nối và tương tác xoay quanh chủ đề áo dài Việt Nam.
Ngoài ra, một tọa đàm về Áo dài cũng sẽ được tổ chức tại Pháp trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại - du lịch của Thành phố tại Pháp và Đức. Lễ hội áo dài năm nay còn ghi dấu sự tham gia của 26 nhà thiết kế áo dài hàng đầu trong nước và quốc tế.
Không chỉ các nhà thiết kế ở Thành phố Hồ Chí Minh mà từ các tỉnh, thành khác, đặc biệt có sự tham gia của 1 nhà thiết kế đến từ Hàn Quốc. 17 bộ sưu tập của các nhà thiết kế được trình diễn trong đêm khai mạc là những tác phẩm áo dài đặc sắc và đầy sáng tạo.
Những tuyệt phẩm ấy không chỉ cho thấy tài năng của các nhà thiết kế mà hơn tất cả là tình yêu, sự đam mê với trang phục truyền thống này. Không chỉ có vậy, hơn 300 cơ sở may đo, bán vải phụ kiện áo dài cũng đăng ký tham gia ủng hộ lễ hội thông qua hình thức giảm giá các dịch vụ.
Một điểm nhấn trong "Lễ hội áo dài" 2019 là màn đồng diễn với sự tham gia của hơn 3.000 người. Các phụ nữ ở nhiều lứa tuổi khác nhau tha thướt trong tà áo dài kết nối thành hình tượng một cây đại thụ khổng lồ ngay tại trung tâm Thành phố. Ngoài ý nghĩa biểu trưng về niềm tự hào dân tộc, sự trường tồn của vẻ đẹp truyền thống thì Ban tổ chức còn mong muốn truyền tải thông điệp về một thành phố xanh, sạch, yêu hòa bình
Sức hút của cuộc thi "Duyên dáng Áo dài" được chứng minh bằng số lượng thí sinh tham gia tới gần 500 người. Thí sinh tham gia cuộc thi ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Nhỏ nhất là thí sinh 17 tuổi, 3 thí sinh trên 70 tuổi, đặc biệt có thí sinh 79 tuổi. Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức mong muốn góp phần định hướng thẩm mỹ thời trang áo dài, khuyến khích và nêu cao tình yêu trang phục áo dài trong giới trẻ và người dân Việt Nam.
Có thể nói, trang phục áo dài ra đời và gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam, đặc biệt là người phụ nữ từ xa xưa. Từng có thời điểm, áo dài không xuất hiện nhiều trong đời sống sinh hoạt vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân vì mải chạy theo xu hướng thời trang thế giới, vì quan niệm áo dài vướng víu, không phù hợp trong một số hoạt động...
Tuy nhiên, một điều đáng mừng là những năm gần đây, khi đời sống xã hội ngày càng phát triển, hiện đại thì xu hướng mặc áo dài lại quay về mạnh mẽ. Những ngày tết, dù ở thành phố hay nông thôn, chúng ta cũng đều dễ dàng bắt gặp những tà áo dài tha thướt theo bước chân người phụ nữ Việt đi chúc Tết, đi lễ chùa. Như lẽ tự nhiên, áo dài đã và đang trở thành một phần của Tết, làm nên không khí Tết trọn vẹn, truyền thống trong từng gia đình và mọi nơi trên đất nước truyền thống.
Trong những sự kiện của gia đình: đám cưới, hỏi, tiệc sinh nhật hay những sự kiện của cơ quan, sinh hoạt cộng đồng hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài cũng ngày một nhiều hơn. Trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, Istagram... hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam cũng xuất hiện dày đặc hơn.
Trang phục áo dài vì thế cũng có nhiều thay đổi từ chất liệu tới kiểu dáng để phù hợp với người mặc trong từng sự kiện. Bắt kịp xu hướng đó, không chỉ có thêm các nhà may chuyên về áo dài mà ngay cả các hãng thời trang cũng dành cho áo dài một vị trí quan trọng trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Một ưu điểm của áo dài Việt Nam là phù hợp với nhiều vóc dáng và giá cả phải chăng nên hầu như người phụ nữ nào cũng có thể có được trang phục đó cho riêng mình.
“Lễ hội áo dài” ngày càng thu hút sự tham gia của nhiều phụ nữ ở mọi lứa tuổi. |
Trở thành chủ đề trong một bộ phim điện ảnh "Cô Ba Sài Gòn" của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, tà áo dài Việt Nam đã không chỉ tạo thêm một làn sóng mặc áo dài truyền thống mà còn khiến trang phục đó đến với nhiều nơi trên thế giới cùng bước chân của đoàn làm phim. Việc áo dài Việt Nam không chỉ được khai thác bởi các nhà thiết kế trong nước mà còn là niềm cảm hứng sáng tạo cho các nhà thiết kế danh giá trên thế giới không còn là chuyện lạ nữa.
Trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Seoul 2018, thương hiệu BNB12 đã có buổi trình diễn ra mắt bộ sưu tập Xuân - Hè 2019. Điều đáng nói là không ít thiết kế nằm trong bộ sưu tập có sự tương đồng lớn với áo dài Việt Nam.
Các mẫu trang phục này cũng được chia làm hai phần gồm thân áo với hai vạt dài chấm gót cùng quần ống rộng. Cách chiết eo hay phần cổ cứng cao từ 1 - 2 cm cũng được cho là giống với hình dáng của quốc phục của người Việt. Phần quần của thiết kế này cũng được may bằng chất liệu vải mềm mại, tạo cảm giác nhẹ nhàng, bay bổng khi bước đi. Điểm cải tiến duy nhất trên thiết kế của nhà thiết kế Hàn Quốc là cầu vai cao phồng và được may bèo nhún.
Hoặc mới đây, nhiều người khi chiêm ngưỡng bộ sưu tập của thương hiệu Jil Sander đến từ Đức trên sàn diễn thời trang Milan fashion Week tuần qua đã thấy thấp thoáng hình ảnh của tà áo dài Việt Nam. Những chi tiết quen thuộc như cổ đứng, áo vạt dài được xẻ tà trước sau cùng quần ống suông chấm đất cho thấy âm hưởng Việt Nam khá rõ nét.
Chất phóng khoáng đậm chất phương Tây được thể hiện bằng những đường cắt mới lạ, không may ôm sát cơ thể và thông qua chất liệu xù lông lạ mắt. Còn đối với thiết kế của thương hiệu Leonard Paris thì sự liên tưởng đến áo dài là chi tiết cổ đứng cùng phần thân có đường chiết eo tôn dáng...
Sự trở lại của áo dài trong đời sống sinh hoạt của người Việt chắc chắn không phải là sự quay lại của một trào lưu một sớm một chiều - như quy luật lâu nay của thời trang mà là thành quả của gìn giữ và tôn vinh gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đúng cách.
Rõ ràng, nếu chúng ta biết nâng niu vẻ đẹp truyền thống, thổi hơi thở hiện đại vào trong mỗi thiết kế thì vẻ đẹp ấy không chỉ lan tỏa trong nước mà còn vươn xa ra quốc tế. Cũng như những lo ngại về áo dài cách tân, không phù hợp về mặt kiểu dáng, chất liệu sẽ qua nhanh, điều gì thuộc về giá trị cốt lõi sẽ tồn tại mãi mãi. Và áo dài Việt Nam cũng không ngoài quy luật ấy.