Lê Đình Nguyên – Gã điêu khắc “quái”

Thứ Ba, 09/02/2016, 08:00
Tôi thích ngắm Lê Đình Nguyên khi anh cười. Nụ cười bất chợt đến, trên gương mặt, như những chạm khắc phát sáng của Nguyên. Đó là lúc tôi bắt gặp nét tinh nghịch thơ trẻ hồn nhiên đến chân thành, mộc mạc. Có chút hóm hỉnh, láu lỉnh và tinh quái rạng rỡ ùa đến từ nụ cười của Nguyên, làm cho anh đáng yêu hơn sau vẻ ngoài lắm khi kiêu bạc, cực đoan, ngạo mạn của một gã điêu khắc có tài. 


1. Lại nói đến trâu. Anh nổi tiếng với danh hiệu này, đến mức nhắc đến trâu thì giới yêu nghệ thuật sẽ nhắc "Trâu Nguyên" đầu tiên, và nói đến Lê Đình Nguyên thì chắc chắn phải là Nguyên Trâu như thể cái danh xưng này gắn với anh từ tiền kiếp. Một người nghệ sĩ, khi anh tạo ra được một giá trị, một thương hiệu, một danh xưng để bạn bè trong giới, những người cũng tài hoa nhưng cũng ngạo mạn trong nghệ thuật chẳng kém cạnh gì nhau, khi nhận xét về tài năng của nhau phải thừa nhận nhau thì rõ ràng Lê Đình Nguyên đã tạc được bức chân dung riêng biệt của anh trong nghệ thuật điêu khắc. Điều khiến cho Lê Đình Nguyên nổi tiếng hơn nữa là bởi chất "quái dị" của anh trong nghệ thuật. Đó là nghệ thuật điêu khắc động, mà hình như ở Việt Nam anh là người đầu tiên khai sinh ra loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Sáng tạo nghệ thuật là thứ trời cho, tất nhiên cộng với tài năng và nội lực. Nguyên xuất hiện đúng thời điểm, nắm bắt lấy cơ hội của mình, mạnh mẽ, đĩnh đạc, đường hoàng mà tiến vào thế giới nghệ thuật bên cạnh những cây đa cây đề, những tên tuổi mờ bụi thời gian. Bằng chứng là chỉ sau một triển lãm TRÂU, anh có cái tên Nguyên Trâu. Và nếu nói đến trâu, bàn về trâu trong nghệ thuật điêu khắc, người ta sẽ nhắc nhiều đến Trâu của Nguyên, và chỉ có Nguyên Trâu mới tạo ra được một thế giới trâu sinh động, kỳ lạ, độc đáo, dị biệt, đầy cảm hứng sáng tạo nhưng cũng nhiều rung động đến thế. Làm được điều đó Lê Đình Nguyên là một trường hợp điển hình.

Lê Đình Nguyên không phải sinh ra từ làng. Tôi chắc, anh sẽ không biết nhiều về trâu, bởi đơn giản anh là trai thành phố. Nhưng phàm những gì anh ta không có, không được đắm mình cùng nó mỗi ngày, không gần gũi như cơm ăn nước uống, thì đó là thứ khiến cho anh rung động kéo dài và ám ảnh bởi khao khát. Nguyên tạo ra lũ trâu của Nguyên để thỏa mãn cơn ghiền, để khỏa lấp nỗi nhớ, để làm sống động lại cái ký ức đằm sâu của một thời bé dại khi đi sơ tán ở những miền quê. Những đứa trẻ thành phố mê gà, mê trâu, mê bò, mê những cánh đồng lúa trải dài bát ngát, mê tiếng sáo diều trên lưng trâu phơi bụng dưới vòm trời xanh, mê cánh én chao liệng trong khoảng mênh mông vô tận... mê cái cối xay lúa ù ù nuốt thóc, nhả gạo, phả trấu phù phù, mê cái cối giã gạo các cô các chị thay nhau dẫm thình thịch mỗi đêm đến mức cối mòn nhẵn bóng.

Một thế giới nông thôn lành hiền, mộc mạc, thân thương trong những ngày đi sơ tán đã chiếm trọn ký ức của cậu bé thành phố là Nguyên. Nguyên tò mò, nghịch ngợm, và say mê tìm hiểu. Ký ức đó găm sâu trong trí nhớ của Nguyên, để rồi, trong chuỗi thời gian sau này, một giây phút lóe sáng nào đó của cảm hứng sáng tạo, anh đã trở lại, gõ cửa và gọi tên từng ký ức một. Khi anh gọi đúng tên, khi anh gõ đúng cánh cửa, khi anh chạm vào cả một miền rung động, cả thế giới thuộc về anh sẽ mở ra chào đón chủ nhân.

Bởi vậy mà trong thế giới điêu khắc rối, đúng nghề nghiệp, đúng sở trường của anh, Lê Đình Nguyên đã chỉ chọn TRÂU như chọn thứ đầu tiên của cơ nghiệp. Như chọn một tiếng gọi thẳm sâu trong ký ức, chọn một miền suy tưởng để mà đắm mình. Trâu và những dụng cụ khí nông bầu bạn với trâu như chiếc cối xay lúa, chiếc cối giã gạo, chiếc áo tơi, ngọn đèn, chiếc nơm, gàu sòng, giậm, hom chày cối, chuông mõ là những đồ vật lành hiền anh đã tìm hiểu và thương quý và nâng niu trân trọng. Những giá trị cốt lõi đó đã cùng anh thăng hoa trong nghệ thuật. 

2. Ngôi nhà tuyệt đẹp của anh nằm sâu trong một con ngõ yên tĩnh gần đình làng Yên Phụ. Phải nói là ngôi nhà nghệ thuật của những chủ nhân nghệ thuật thì đúng hơn. Nếu như phía trên là phòng khách, là tiếng đàn piano vang lên mỗi khi nhà có đông bạn bè, là khoảng trời mát dịu màu xanh cây cối, là nơi thi thoảng Lê Đình Nguyên trổ tài nấu ăn, muối mắm, chưng diện những món quê tự tay anh tỉ mẩn mày mò làm cho bạn bè thưởng thức, thì phía dưới là ngổn ngang một xưởng điêu khắc với đủ các loại dụng cụ cơ khí.

Nếu như ai không hiểu về thế giới điêu khắc của Nguyên, lần đầu tiên đến đây sẽ ngơ ngác không hình dung nổi gia chủ đang làm cái quái gì với la liệt nào vỏ bom khủng, thứ bom tàn sát của chiến tranh thời đế quốc Mỹ rải xuống nhằm hủy diệt đất nước ta, hay những cuộn dây thừng to tổ bố, những cuộn dây xích sắt đen sì, to tướng lạnh lùng gợi nhớ đến những tình huống kinh dị như trong phim Mỹ và cơ man những hình thù tượng khổng lồ bày đặt ở giữa nhà.

Liếc thấy sự không hiểu gì của khách, anh cười hì hì chỉ vào: Trâu đèn đấy, trâu bom đấy, trâu tời đấy,.... Con này chưa gắn đầu, con kia chưa gắn chân, con kia chưa lắp đèn... Hóa ra người đàn ông có vẻ ngoài bụi bặm, lãng tử với những dụng cụ cơ khí này chính là chủ nhân của tất cả những chú trâu đặc biệt đang còn ngổn ngang, dang dở chờ bàn tay phù thủy và cái đầu đầy ắp những ý tưởng "quái dị" của anh hoàn thành cho triển lãm đặc biệt sau Tết Nguyên đán Bính Thân. Một triển lãm hứa hẹn sẽ quái hơn, dị hơn, thăng hoa hơn sau ấn tượng "Trâu Nguyên" năm 2010.

Quan sát và ngắm những chú trâu Nguyên điển hình, tôi không hình dung nổi, năng lượng nào để gã điêu khắc bé nhỏ kia có thể tạo tác ra nó và bồi đắp, thổi, hà hơi, gắn vào nó những số phận, những thông điệp, thậm chí cả những tư tưởng. Những đồ vật tiêu biểu của nền văn minh nông nghiệp, tiêu biểu của giá trị truyền thống đã được bàn tay tài hoa cộng với sự thông minh tinh quái của Nguyên phù phép làm cho mới mẻ hơn, hiện đại hơn.

Tác phẩm “Trâu cơm” của nghệ sĩ điêu khắc Lê Đình Nguyên.

Trong cuộc đối thoại giữa truyền thống và hiện đại trong tác phẩm của anh, khán giả, người xem sẽ thấu nhận được trọn vẹn sự dấn thân tận cùng, sáng tạo tận cùng trong niềm đam mê mãnh liệt của Nguyên về thế giới điêu khắc động. Anh đã đi đến tận cùng truyền thống để gặp hiện đại. "Cái cách anh tổ hợp khối bằng một loạt cặp liên kết ngược: sấp ngửa, đặc rỗng, thừa thiếu, kín hở, dài ngắn, lồi lõm, vuông tròn. Nghệ thuật từ đời sống đi ra rồi lại trở về bến đỗ ban đầu của nó" (lời của họa sỹ Lê Thiết Cương, bạn thân Lê Đình Nguyên).

Lê Đình Nguyên đủ quái dị, thừa thông minh và tài hoa để làm ra một loại hình điêu khắc động độc đáo. Nhìn chú trâu tời cần mẫn rướn cổ cúi mình, cái bụng quấn đầy dây xích sắt chuyển động một cách lì lợm, thong thả, cần mẫn, vừa như tận cùng của cam chịu, lại vừa như chứa đựng một nội lực của sức mạnh tự tại... Mặc cho thế giới có thể dịch chuyển, chú vẫn vẫn kiên nhẫn đi về phía trước. Những âm thanh phát ra từ sự chuyển động ấy như hàm chứa cả cái đời sống đang dịch chuyển, nhọc nhằn đấy mà bình thản. Lê Đình Nguyên quá quái dị, tài tình trong cách tạo ra những chú trâu điển hình của Trâu Nguyên.

Đứng trong ngôi nhà của anh, trong ngổn ngang trâu động của anh để lắng nghe những thanh âm đặc biệt thương nhớ vang lên từ làng quê, con trâu, cái cày, của cối giã gạo, cối xay lúa... Những âm thanh mộc mạc, sống động của những mảnh hồn làng quê kiểng, lành hiền, lạc phố, níu nhau lại ở nơi đây, trong một góc riêng của anh thấy đời sống này ấm áp bình yên đến lạ.

3.Nhưng còn có một thế giới trâu rất khác nữa của Lê Đình Nguyên. Những chú trâu nhỏ. Khách thập phương, đặc biệt là khách nước ngoài khi hoàn tất chuyến du lịch ở Việt Nam trong hành trang lưu niệm không thể thiếu những con giống của Nguyên, mà đặc trưng nhất là Trâu Nguyên. Bao lãng mạn, thông minh và tài hoa Lê Đình Nguyên thả hồn cho thế giới trâu đẹp này.

Ngắm nhìn thế giới trâu nhỏ của Nguyên, ta như bắt gặp những bài thơ, những khúc hát đồng dao vang lên sau mỗi tác phẩm. Như bắt gặp nụ cười thơ trẻ giòn tan, hay những ánh mắt trong veo, đen biếc, nghiêng xuống và gieo một thanh âm trong trẻo, mát rượi vào đời sống ồn ào. Bởi thế mà trâu nhỏ của Nguyên đắt hàng như tôm tươi, nó là nguồn sống, là khoản tiền để anh đổ vào thú chơi ngông cuồng của anh trong sáng tạo nghệ thuật.

Với Nguyên, người nghệ sĩ không thể nghèo, vì nghèo thì không thể có điều kiện tận hiến cùng sáng tạo. Nghệ thuật mà không sang chảnh, không đòi hỏi, không khó tính gắt gao thì không ra nghệ thuật. Nguyên sáng tạo ra tất cả xét cho cùng thì cũng là phục vụ mục đích tối thượng chinh phục nghệ thuật. Những mảnh hồn làng tuyệt đẹp trong ký ức của Nguyên, ám ảnh Nguyên, giày vò anh và thúc đẩy anh sáng tạo. Không thể không yêu những chú trâu nhẫn nại, bền vững như những chiếc cổng làng ôm hết yêu thương bình dị vào lòng. Khum tròn nâng niu cái đời sống giản dị chứa chan tình thương mến. Hay chú trâu mục đồng với bài thơ bằng miếng đồng lá chứa cơn mưa gắn trên bụng trâu mủm mỉm...

Thế giới trâu nhỏ của Nguyên đem đến cho người ngắm, người sở hữu một sự rung động nhẹ nhàng mà sâu lắng. Giúp cho họ yêu hơn cái hồn quê lạc nơi phố thị ồn ào. Giúp ta gột rửa hết những bụi bặm mệt mỏi của đời sống hằng ngày để thức tỉnh sự an nhiên tự tại trong tâm hồn. Nghệ thuật chính là cái cách mà anh đánh thức sự rung động trong tâm hồn những người khác. Sự đánh thức ấy có tính lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Lê Đình Nguyên đã làm được điều đó...

Như Bình-Xuân 2016
.
.