Lao động nghệ thuật cần được tôn trọng

Thứ Bảy, 06/05/2017, 08:00
Lao động nghệ thuật có đặc thù riêng, không giống các lao động khác. Đó là ngoài lượng chất xám phải bỏ ra không ít, còn phải có sự can thiệp nhiều của trái tim, tức là yếu tố rung động, xúc cảm mãnh liệt. Một đặc điểm nữa của loại lao động này là không phải cứ chịu khó, nhiệt tình, nỗ lực làm việc là ra được sản phẩm mà phải có tài năng. Lại phải là tài năng đặc biệt mới mong có được sản phẩm xuất sắc, có giá trị. 


Tài năng là thứ trời cho. Tất nhiên cần sự rèn rũa thường xuyên với nghị lực và sự kiên trì, cố gắng vượt bậc để nuôi dưỡng lâu dài, nhưng yếu tố thiên phú là rất quan trọng. Điều này không dễ ai cũng có được. Bởi vậy mà tài năng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật (VHNT) là quý, hiếm.

Đó là xét về đặc thù của thứ lao động chúng ta đang bàn. Còn về hiệu quả, những tác động xã hội thì cũng vô cùng lợi hại, không thể cân, đong, đo, đếm. Một bài hát, bản nhạc, bài thơ, vở kịch, bộ phim... có thể thúc giục hàng triệu người ra trận, xông lên phía trước giết giặc như rất nhiều tác phẩm có giá trị trong nền VHNT cách mạng của chúng ta. Ngược lại, cũng có thể ru ngủ, làm nhụt, tiêu tan ý chí khiến con người muốn buông xuôi, đầu hàng. Tác dụng không thể lường được của VHNT đã hơn bất cứ lời hô hào nào.

Đảng và Nhà nước rất biết hiệu ứng lớn lao trên nên đã rất coi trọng các tác phẩm VHNT, coi trọng vai trò của văn nghệ sỹ bằng những chính sách, việc làm cụ thể, thiết thực nhằm tôn vinh, khích lệ đội ngũ này. Bằng chứng là việc phong các danh hiệu NSND, NSƯT cho giới nghệ sỹ biểu diễn và tặng các giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước cho giới sáng tác. Rất nhiều văn nghệ sỹ xứng đáng đã được nhận qua nhiều kỳ xét chọn kể từ năm 1984 đến nay.

Ở cấp độ Trung ương, Nhà nước là như vậy, tuy nhiên, ở các cơ sở, địa phương, điều này chưa được quán triệt. Không ít nơi chỉ biết khai thác, tận dụng tài năng của văn nghệ sĩ mà không biết đối xử chu đáo, xứng đáng với công sức họ bỏ ra và hiệu quả chính trị, xã hội từ các tác phẩm hoặc tài năng biểu diễn của họ. Có những bài hát được tác giả sáng tác về một địa phương, đơn vị nào đó trở nên nổi tiếng, được công chúng nơi đó rất ưa thích, truyền tụng.

Một chương trình văn nghệ mừng đảng mừng xuân của thành phố Hà Nội.

Có thể coi đó là những “tỉnh ca”, “huyện ca”, thậm chí là “xã ca” bởi ở tất cả các sinh hoạt chính trị của địa phương đó, lãnh đạo Đảng, chính quyền đều yêu cầu ngành văn hóa phải cho biểu diễn một cách long trọng. Và các diễn viên cũng đã tuân thủ, đáp ứng chu đáo, mỹ mãn yêu cầu này.

 Đó không chỉ là những bài hát truyền thống có nội dung tư tưởng, chính trị sâu sắc mà còn rất hay, rất hấp dẫn về phương diện nghệ thuật nên được bà con, đặc biệt là các bạn trẻ rất ưa thích. Họ hát ở mọi dịp có thể, thậm chí là trong cả những đám cưới.

Rõ ràng đó là những ca khúc có giá trị lớn trong việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tình yêu, niềm tự hào về quê hương, xứ sở. Ai có thể đo được trong những nguyên nhân dẫn đến sự thành công về việc vận động quần chúng nhân dân thực hiện nhiều phong trào cách mạng để đưa quê hương phát triển có sức mạnh cổ vũ của những bài hát như thế?

Có những bài “tỉnh ca” được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từ rất lâu nay nên có điều kiện đến được với công chúng cả nước, trở nên nổi tiếng như "Quảng Bình quê ta ơi!" (Hoàng Vân), "Thành phố hoa phượng đỏ" (Lương Vĩnh – Hải Như), "Dáng đứng Bến Tre", "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" (Nguyễn Văn Tý), "Huế - tình yêu của tôi" (Trương Tuyết Mai), "Hà Giang quê tôi" (Thanh Phúc)… Cũng có nhiều bài “huyện ca”, “xã ca”, “thôn ca” chỉ nổi tiếng trong phạm vi địa phương đó, vì tác giả chưa có dịp gửi đến đài phát thanh quốc gia nên công chúng cả nước chưa có dịp biết. Nhưng đó thực sự là những bài có giá trị giáo dục, tuyên truyền lớn, được tất thảy nhân dân trong địa phương ưa thích như đã nói. Song tác giả thì không nhận được bất cứ sự đối xử chu đáo nào về phương diện vật chất từ phía lãnh đạo địa phương.

Cứ như là bài hát từ trên trời rơi xuống, không có chủ nhân – tức tác giả. Và địa phương cứ việc khai thác mà sử dụng (làm nhạc hiệu đài phát thanh, có trong mọi chương trình biểu diễn tại các hội nghị lớn, nhỏ…). Tác giả còn sống sờ sờ, có người có cuộc sống khá khó khăn mà cứ như là đã qua đời vậy. Hiếm khi những người có trách nhiệm của địa phương biết tìm tới thăm hỏi tác giả bài hát và thưởng cho họ khoản tiền nào dù chỉ là ít ỏi, không thể tương xứng với giá trị lớn lao của bài hát.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý năm nay đã 93 tuổi (sinh năm 1925) đang có cuộc sống rất gieo neo: Vợ qua đời từ lâu. Hai con gái thì một sinh sống ở nước ngoài. Nhiều năm nay, ông chỉ loanh quanh trong căn phòng chật hẹp. Mọi sinh hoạt cá nhân phải thuê người trợ giúp. Lương hưu eo hẹp, không đủ trang trải mọi thứ sinh hoạt hàng tháng. Ông là tác giả hai bài “tỉnh ca” cực kỳ nổi tiếng đã nhắc ở trên. Ông cho biết, ngay sau khi viết xong hai bài trên cũng được chút tiền thù lao ít ỏi, chỉ mang tính tượng trưng, không đáng kể của địa phương.

Sau đó, không có gì nữa. Giá mà những năm tháng này, hai địa phương trên biết đến thăm ông và ủng hộ một khoản tiền đáng kể thì thật ý nghĩa. Nhạc sỹ Lương Vĩnh – tác giả "Thành phố hoa phượng đỏ" lúc còn sống cũng cho biết không nhận được bất cứ khoản tiền thù lao nào của Hải Phòng về bài hát. Tương tự như trường hợp này còn nhiều nhạc sỹ khác có những bài “tỉnh ca” nổi tiếng như Thanh Phúc "Hà Giang quê tôi", Xuân Hồng "Về Đồng Nai", Hoàng Hiệp "Đất mũi Cà Mau" cũng chung cảnh ngộ.

Một tiết mục múa dàn dựng công phu (ảnh minh họa).

Có lần, tôi tò mò hỏi vị Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa, xã hội một tỉnh có bài hát nổi tiếng về địa phương của vị thì được cho biết: “Nhạc sỹ đó có bài hát hay. Nhưng không do chúng tôi mời sáng tác mà tự viết lúc nào không biết. Vậy nên chúng tôi không thể trả nhuận bút”. Vậy là mặc dù bài hát đã có đời sống rất tốt trong lòng người dân, nổi tiếng cả nước, nhưng vì địa phương không “com-măng” tác giả nên đã không trả tiền công.

Tuy nhiên, ngay cả khi địa phương chính thức có lời mời (chỉ bằng miệng chứ không làm hợp đồng) thì sau đó tác giả cũng chỉ được trả một khoản rất không đáng kể. Bài hát về sau có số phận tốt, được công chúng rất ưa thích, trở nên nổi tiếng trong địa phương. Nhưng cũng không được nhận khoản thưởng nào thêm.

Người sáng tác thì như vậy. Diễn viên còn bị đối xử tệ hơn. Người viết bài này có nhiều dịp được dự các hội nghị long trọng của nhiều địa phương, đơn vị có phần biểu diễn văn nghệ - thường là ca, múa, nhạc mở đầu và chứng kiến từ đầu đến cuối sự tập tành, tổng duyệt rồi biểu diễn của đội văn nghệ “cây nhà lá vườn”.

Các bạn diễn viên vì gấp rút nên phải ráo riết tập đêm ngày, cả ngày nghỉ, có khi đến khuya. Nhưng cũng chỉ nhận được khoản bồi dưỡng chỉ đủ uống nước ngọt cho mỗi buổi tập và cả buổi biểu diễn chính thức. Một huyện nọ vừa tổ chức lễ kỷ niệm mấy chục năm ngày ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên. Khách mời tới cả trăm người từ Trung ương, trên tỉnh về và các đại biểu khác ở địa phương. Xe đưa đón nườm nượp. Ăn uống linh đình, thừa mứa. Đội văn nghệ của Trung tâm Văn hóa huyện được huy động phục vụ với sự tập tành rất công phu. Đến đêm hôm trước khi diễn ra lễ kỷ niệm vẫn còn thay đổi tiết mục theo lệnh của lãnh đạo. Thế là đội văn nghệ phải vắt chân lên cổ, tức tốc tập bằng được để đúng 7h30 sáng hôm sau biểu diễn chào mừng.

Các bạn hát múa hay, tuy là không chuyên nhưng do nhiều người được học âm nhạc nên đem lại hiệu quả tốt, ai cũng tấm tắc khen. Nhưng đến bữa liên hoan buổi trưa thì các bạn không được dự. Cũng không được tiền bồi dưỡng gì, kể cả người dàn dựng chương trình rất hiệu quả vì người này là cán bộ của trung tâm và các diễn viên đã ăn lương tháng.

Ở nơi khác, nếu thuê văn nghệ chuyên nghiệp thì một chương trình 45 phút như vậy phải mất vài ba chục triệu. Tuy chủ trương khai thác lực lượng quần chúng thay vì thuê chuyên nghiệp là cần thiết. Nhưng chỉ biết khai thác mà không biết tôn trọng họ là điều không thể chấp nhận.

Hiện nay, vẫn còn lỗ hổng về tác quyền đối với những sáng tác dạng “địa phương ca”. Vẫn chưa có chế độ cụ thể đối với diễn viên không chuyên ở địa phương mỗi khi biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị nơi sở tại. Vậy nên rất cần sự hiểu biết từ cấp lãnh đạo dẫn đến tôn trọng những người đã góp phần không nhỏ làm nên mọi thắng lợi của các phong trào chính trị tại địa phương.

Nguyễn Đình San
.
.