Lang thang Phúc Sen

Thứ Sáu, 03/04/2020, 17:33
Người Nùng An ở Phúc Sen (Quảng Uyên-Cao Bằng) đi đâu cũng tự hào quê mình làm nhiều nghề nhất. Họ nói chỉ cái muối và cái dầu là dân không tự làm ra được mà thôi. 


Từ nửa thế kỷ qua ai cũng theo chủ trương "Ba nhiều" của xã: "Trồng nhiều cây-Nuôi nhiều con-Làm nhiều nghề". Riêng nghề rèn đúc Phúc Sen nổi tiếng hàng trăm năm qua vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (29-1-2019).

Những con chó đá và hàng rào bí ẩn

Xã Phúc Sen nằm sát bên quốc lộ số 3 trên cung đường chúng tôi đi tới thác Bản Giốc. Hướng dẫn viên nói Phúc Sen là điểm dừng chân đầu tiên sau khi đoàn khởi hành từ thành phố Cao Bằng. Xã có hơn 2000 người dòng Nùng An sinh sống.

Cả mười thôn bản ở tập trung ba thung lũng rộng lớn hàng ngàn ha có những dãy núi bao quanh. Khi vừa tới nơi ai cũng ngạc nhiên vì sự lạ lẫm với những quang cảnh không nơi nào có. Đầu tiên là những hàng rào đá bao quanh những ngôi nhà và trên những thửa ruộng. Hàng rào đá còn bao bọc những con giếng, dọc đường đi và trường học. Hầu như ai cũng tản ra bãi cỏ dưới tán cây đa lớn và ngồi trên những tảng đá đen bóng mát lạnh. 

Một góc lò rèn Phúc Sen.

Hướng dẫn viên nói đây là bản Phia Chang trung tâm của xã Phúc Sen. Những người Nùng An đã khéo léo sắp đặt những phiến đá thành hàng lối và hoa văn tự nhiên. Kể cả trên mộ chí họ cũng tạo nên những ngôi nhà đá độc đáo cho người yên nghỉ ngàn thu.

Chúng tôi được gặp ông Nông Văn Huynh ở bản cho biết xưa tại Phúc Sen đã có hệ thống thủy lợi được xây bằng đá từ thời nhà Mạc. Nguồn đá lấy trên núi từ xưa vẫn còn nằm rải rác khắp chân núi. Nên nhiều nhà làm xong đều chở đá về xây quanh vườn và làm hàng rào đá dẫn đường. Ông nói dân tộc Nùng rất coi trọng đá và đã tôn thờ "thần đá" ở mỗi gia đình. Họ coi đá là sự khởi đầu của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Con người sinh ra từ đá và sẽ hóa đá sau khi chết và linh hồn bất tử.

Chính vì thế ngoài hàng rào đá chúng tôi thấy trước nhà nào cũng có những con chó đá ở bên cửa ra vào. Có lẽ đây là tục thờ đá đặc biệt của người Nùng An ở Phúc Sen. Vì thế họ coi chó đá là những "Quan lớn Hoàng thạch" hay "Cụ thạch" mà họ thờ ngay trước cửa nhà.

Với tâm linh người Nùng quan niệm những con chó được nuôi trong nhà chỉ giữ được phần "Dương" còn muốn canh giữ bảo vệ phần "Âm" phải nhờ đến chó đá. Người dân Nùng An coi chó đá là vật linh thiêng luôn đem lại may mắn và xua đuổi ma tà. Đi vào những bản trong thung lũng nhà nào cũng có "Cụ thạch" riêng với những dáng vóc và thần thái khác nhau. Phần lớn các gia đình ở đây đều tự tìm đá và nhờ thầy cúng về cùng thợ đục thành những "Cụ thạch".

Theo bà Lương Thị Vin (bản Khao B) cho chúng tôi hay: "Tùy vào năm sinh và hướng nhà của gia chủ mà thầy sẽ chọn đá tạc theo kích cỡ to hay nhỏ và đặt hướng thờ phù hợp". Sau đó đến lễ đặt bát hương và buộc dây màu đỏ vào cổ chó đá. Như vậy mới coi đủ thủ tục gia chủ giao nhà cho "Ngài" ngự chính thức.

Thông thường chó đá thờ chỉ nặng chừng từ 5 đến 10kg. Đa số chọn dáng chó phục rình mồi và đôi mắt được tạc với tâm thế nhìn trực diện với sự chăm chú dò xét chung quanh. Sau khi chính thức được bày định vị những "Cụ thạch" được thờ quanh năm.

Vào những ngày rằm và mùng một "Ngài" đều được cho ăn gạo và muối. Tết đến "Ngài" phải được tắm rửa bằng nước lá bưởi, quét vôi và dán giấy đỏ trên lưng trước đêm giao thừa. Đó là thể hiện lòng biết ơn "Ngài" đã trông nom cõi âm của gia chủ suốt trong năm được bình an. Chính vì thế người Nùng An cũng như dân tộc Nùng nói chung không bao giờ ăn thịt chó. Đây là nét văn hóa tâm linh riêng biệt của người Nùng ở Cao Bằng.

Những búp lửa màu mận chín

Thêm một điều lạ ở Phúc Sen nữa khi chúng tôi chứng kiến những người phụ nữ Nùng quai búa cho chồng rèn dao. Dọc đường làng có nhiều lò rèn mọc lên. Ngay trên quốc lộ 3 cũng có hàng chục cửa hàng và lò đỏ rực than hồng cùng bễ thổi phì phò suốt ngày đêm. Đầu làng là Điểm du lịch bản Pắc Rằng cũng có nhiều lò rèn tấp nập người mua bán. Không ít xe khách đã dừng lại để tham quan và tranh thủ xem hàng.

Một ông chủ cửa hàng nói Phúc Sen có gần 200 chủ lò và hơn 500 người thợ rèn. Ông khoe làm cả ngày không hết việc. Nhất là cánh lái xe đường dài rẽ vào mua hàng trăm con dao các loại đưa đi các tỉnh bán. Thậm chí họ còn mang sang cả Trung Quốc.

Hướng dẫn viên dẫn chúng tôi vào tham quan lò rèn của Nghệ nhân kiêm thợ cả Long Văn Minh và được nghe những câu chuyện cổ tích nơi đây. Thì ra xa xưa nghề rèn đúc vũ khí đã hình thành ở Phúc Sen vào thời nhà Mạc trị vì ở Cao Bằng (1592-1677). Tính ra đã hơn 400 năm. Khi nhà Mạc bị tiêu diệt, những người thợ đúc vũ khí phải trốn tránh vì sợ bị nhà Lê truy bắt. Nghề rèn bị mai một. Mãi gần 200 năm sau nghề rèn kiếm và mã tấu mới khơi dậy lại ở nơi đây.

Nghệ nhân Long Văn Minh cùng vợ rèn dao.

Những chuyện hiện hữu cách đây chừng trăm năm thì ai cũng nhớ ông cha họ đã đúc súng cho các chiến sĩ chống Pháp như thế nào. Đó là một thời kỳ dậy sóng căm hờn tội ác của giặc Pháp. Từ đó Phúc Sen luôn đỏ rực lửa lò. Tiếng quai búa hối hả ngày đêm. Nghệ nhân Long Văn Minh cho biết Phúc Sen đã từng sản xuất các loại súng đại bác, thần công, súng kíp và vỏ lựu đạn đưa lên Pác Bó cung cấp cho lực lượng kháng chiến chống Pháp.

Giờ đây những người thợ rèn Phúc Sen chuyên bán dao kéo và đồ nông nghiệp như cuốc, xẻng, búa, liềm. Đặc biệt mặt hàng dao các kích cỡ được khách hàng ưa chuộng. Lâu nay thiên hạ đồn dao chặt củi ở Phúc Sen cũng có thể dùng cạo râu được là có lý. Bởi dao ở Phúc Sen được chế tác bằng thép nhíp ôtô. Thép nguyên chất chứ không pha chế chút nào. Thậm chí độ bền của dao chặt xương của Phúc Sen có thể chặt đứt thanh sắt phi 8 là có thật.

Ông Minh nhanh tay thực hiện ngay việc chặt sắt trước mặt mọi người để chứng minh dao mình làm sắc và cứng đến cỡ nào. Người thợ rèn Phúc Sen có biệt tài tôi thép và mài dao. Họ chỉ dùng đôi mắt quan sát theo kinh nghiệm. Khi nung thép đỏ đến độ nào là đập mỏng. Hoặc đến khi nào mới dúng nước tôi. Cái cảm giác thật kỳ lạ. Bất ngờ ông Minh bật mí đó là khi thép nung ửng sắc đỏ màu mận chín là đến độ tôi. Còn nếu để quá lửa thép bị nóng chảy là coi như hỏng.

Còn một bí mật nữa, thợ Phúc Sen chỉ dùng than gỗ ngay tại địa phương (cây mác rạc) chứ không dùng than đá bình thường. Than cây mác rạc cho nhiệt lượng cao và cháy lâu. Giờ đây nhiều nhà đã mua máy dập đỡ công quai búa rèn hoặc mài thô lưỡi dao. Nhưng riêng việc tôi dao và mài sắc thì vẫn phải trông vào bàn tay tài hoa của nghệ nhân.

Nghệ nhân Long Văn Minh lấy con dao nhỏ cắt ngang cạnh tờ giấy. Đúng là lưỡi dao sắc đến mức tờ giấy như bị chẻ thành từng sợi. Ông muốn chứng minh cho câu ngạn ngữ xưa ở Phúc Sen đã nổi danh: "Dao Phúc Sen chặt cây-cây ngã rầm rầm. Đụng vào đất đá-đất đá bật tung".

Nếp cổ phong trăm năm

Đó chính là tâm niệm của những du khách đến Phúc Sen muốn gửi gắm theo câu hát giao duyên của người Nùng An nơi đây. Mọi người đều thú vị khi tới nhà văn hóa xã và được nghe những lời hát trữ tình tại xứ sở này. Như một bản năng thiên phú, thanh niên và thiếu nữ ở đây đều có giọng hát rất ngọt ngào. Họ vẫn chỉ mặc áo chàm mà cha mẹ họ may cho chứ không thay đổi. Có lẽ vì ở cách xa thành phố và cuộc sống trong thung lũng luôn giữ cho mọi người nếp cổ phong trăm năm.

Đáng chú ý người Nùng An có riêng làn điệu "Gọi hát đôi" mà trong 13 dòng Nùng khác không có. Vào Tết Thanh minh đầu xuân được gọi là Tết tình yêu để tưởng nhớ đến mối tình bất tử của đôi trai gái Nùng An xưa. Họ đã cùng chết khi nước lũ về để sống trọn đời bên nhau. Lời hát đâu đó cứ văng vẳng bên tai tôi: "Anh đi, hồn anh vẫn mãi mãi ở lại cuối sàn nhà em. Nếu em có nghe lá rụng thì đừng giật mình em nhé". Những câu ca tình yêu tiếp nối làm tôi bịn rịn bước chân trước thung lũng đầy hoa.

Vương Tâm
.
.