Lang thang K’ho

Thứ Hai, 06/05/2019, 08:35
Bản Lát còn được mệnh danh làng ca sĩ. Dường như nước suối Plah, cùng thảo nguyên bao la đã nuôi dưỡng tâm hồn của người K’ho nơi đây, nên ai cũng có giọng hát hay. Chị KRec còn kể, bất cứ ai cất tiếng hát đều trong trẻo vang ngân, tựa suối nguồn trên đỉnh núi. Đầu tiên phải nói đến già làng Plin, người đã đào tạo hàng chục giọng hát hay trong bản...

Người dân K’ho kể, chúng tôi bị thực dân Pháp dồn đống về chân núi Lang Biang, rồi muốn đi đâu thì đi. Họ lấy thung lũng và bản người K’ho để trữ nước làm thành hồ Xuân Hương. Chúng tôi tứ tán khắp chân núi. Dòng người Lạch (một nhánh của tộc K’ho) tụ lại hai bên đường làm nên trung tâm xã Lát ngày nay. Số còn lại tìm đến miền đất dọc suối Plah lập bản. Ngọn núi Lang Biang hoang vu. Gió rít như tiếng sói tru trên rừng núi mênh mang.

Bay trên thảo nguyên

Khi bị dồn vào chân núi cách xa thành phố Đà Lạt, người Lạch chỉ còn biết trồng cà phê, trà và ca cao bán cho người Pháp. Trên núi Lang Biang, những đồng cỏ thay dần bằng những rừng thông cao vút. Nhưng các chàng trai K’ho không chịu bó tay. Họ giành giật lại những đồng cỏ xanh non để thuần ngựa. Những đàn ngựa hoang vẫn quay về.

Đêm đêm tiếng hý cô đơn vang vọng cả núi rừng cao nguyên. Sáng nào cũng vậy, các chàng trai rủ nhau phi ngựa trên thảo nguyên, đua tài với những chú ngựa rừng mới thuần giống. Từ đó bản Lát hình thành cuộc đua ngựa hằng năm. Mọi người muốn thể hiện tài năng, huấn luyện ngựa hoang và phi nhanh đến thế nào, trên cao nguyên Lang Biang. Họ vừa phi ngựa vừa dang tay giống như đại bàng tung cánh bay lên đỉnh núi.

Cuộc thi đua ngựa của xã Lát thật hiếm có. Đó là nét hoang dã thuần chất K’ho. Nghĩa là không yên. Không bàn đạp. Không roi ngựa. Các chàng trai Kho ngồi kẹp chặt đùi vào thân ngựa để giữ thăng bằng. Một tay nắm bờm hay dây cương điều khiển ngựa đua hướng tới đích. Chỉ vậy thôi. Trong cuộc thi cấm bỏ cuộc.

Nếu ai ngã ngựa thì phải đứng ngay dậy, nhảy lên lưng ngựa đi tiếp chặng đường về tới đích cho dù chậm thời gian. Vậy nên những chàng kỵ mã đều phải học cách ngã cho khỏi gẫy xương và đủ sức đi nốt chặng đường. Theo như chị KRec dân bản Lát nói, người K’ho coi ngựa là anh em trong gia đình, nên không bao giờ ăn thịt chúng. Ngựa chở hàng. Ngựa đi lấy nước. Ngựa kéo mía làm mật. Ngựa làm du lịch. Hầu hết những người làm chụp ảnh ngựa trên núi Lang Biang đều là người của bản Lát là vì thế.

Đua ngựa ở bản Lát.

Bản Lát còn được mệnh danh làng ca sĩ. Dường như nước suối Plah, cùng thảo nguyên bao la đã nuôi dưỡng tâm hồn của người K’ho nơi đây, nên ai cũng có giọng hát hay. Chị KRec còn kể, bất cứ ai cất tiếng hát đều trong trẻo vang ngân, tựa suối nguồn trên đỉnh núi. Đầu tiên phải nói đến già làng Plin, người đã đào tạo hàng chục giọng hát hay trong bản.

Chính ông là ca sĩ của Đoàn Văn công Lâm Đồng một thời. Sau nhiều năm biểu diễn và gặt hái thành công, ca sĩ Plin xin về quê làm phong trào, dạy hát và sáng tác. Ca sĩ nổi tiếng Bonneur Trinh, đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh cách đây mười năm chính là người của bản. Cô đã trình diễn bằng bài hát của chính già làng Plin sáng tác.

Sau đó còn ca sĩ Krajan Sik cũng được cử đi thi và đoạt Huy chương Vàng dòng dân ca toàn quốc (2005). KRec nhấn mạnh, cả xã tính đến nay có 20 đội văn nghệ ngày đêm tập luyện, đón khách du lịch. Trong những đêm lửa trại, đội cồng chiêng cùng với những giọng ca của bản luôn đem lại hứng thú cho những người ở lại.

Có điều kỳ lạ, các nữ ca sĩ đều hát hay, bay bổng ngọt ngào giống như Bonneur Trinh vậy. Đó là bản năng thiên phú của người Lạch, tộc K’ho nơi đây. Kỳ thi giọng hát hay nào ở các nơi, đều có những giọng hát của bản Lát tham gia, với những ca khúc do chính người K’ho sáng tác. Với con số 300 nghệ sĩ ca múa, phục vụ và biểu diễn giao lưu thường xuyên khắp nơi, quả là một kỷ lục hiếm hoi trên đất Đà Lạt ngàn hoa.

Mơ mộng Cù Lần

Nói khó ai tin. Đến mới biết. Bản tên Cù Lần thuộc xã Lát có con Cù Lần và rừng cây Cù Lần. Chị KRec chỉ đường. Tôi chậm rãi đi men con đường nhỏ ven chân núi Lang Biang tìm tới bản. Vừa tới đầu bản, tôi đã nghe tiếng hát vang lên từ dưới thung lũng, rằng: “Cho anh nói lời yêu. Như đứa nhà quê thật thà. Xin em hãy nhận đi. Xác thân mẹ cha khôn lớn. Xin em hãy nhận đi. Trái tim mộng mơ. Trái tim Cù Lần”.

Thật không ngờ có một anh bạn trẻ cũng hát theo, bất ngờ ôm chầm lấy cô bạn đi cùng, rồi hát vang: “Cho anh nói lời yêu. Như đứa nhà quê thật thà”. Cô gái xinh đẹp kia cười phá lên giữa rừng cây xanh mướt hun hút dưới đồng cỏ. Mới chạm chân tới bản Cù Lần mà trái tim tôi đập nhanh với nhịp điệu âm nhạc Tây Nguyên đắm say đến vậy.

Nhưng cái tên Cù Lần đặt cho bản lại xuất phát từ một câu chuyện cổ tích đầy lãng mạn về tình yêu. Cô gái thuyết minh tên là KSuyên kể như đang hát một bài tình ca. K’ho truyền rằng, có một chàng trai tìm đến thung lũng mênh mông cỏ non này, định xây một lâu đài cho người mình yêu. Ngày ngày anh lên núi khuân đá về. Đêm đêm xây những bức tường cao dần lên. Tháng tháng ngôi nhà hình thành. Nhưng gió mưa lốc tố cuộn xoáy ngôi nhà đổ sập. Những đống đá chất chồng như than như khóc. Gió gào. Mưa lớn. Rừng cây xào xạc. Nhưng chàng trai vẫn kiên trì dựng lại ngôi nhà thiên đường của mình. Không biết bao phen tưởng đổ bên dòng suối Kplah.

Suối cạn. Chàng trai lại bắt đầu công việc của mình. Một hành trình phiêu lưu mộng mơ. Nhìn chàng trai ngày đêm dựng lâu đài cho người yêu dưới thung lũng, mọi người đều cho chàng là ngờ nghệch, một kẻ Cù Lần. Cho dù lâu đài không bao giờ hiện lên, nhưng người dân yêu chàng trai Cù Lần của mình, với trái tim đầy khao khát muốn tạo nên cõi thần tiên ở nơi đây. Sau này họ đặt tên cho bản là Cù Lần cũng vì mộng ước đó: “Xin đem cánh rừng hoa. Đem các đồi xanh tặng em. Dâng em lối nhỏ xinh. Uốn quanh hồ xanh suối vắng… Trái tim Cù Lần”.

Và giờ đây, dưới thung lũng bản Cù Lần đã hiện lên những ngôi nhà xinh như trong chuyện cổ tích. Những chàng trai cô gái K’ho ca múa quanh lửa trại. Đội cồng chiêng vỗ nhịp linh thiêng ngân vang khắp cánh rừng trên núi Lang Biang. Con suối Plah nước xối ào vào mùa mưa tháng Năm.

Cô gái hướng dẫn viên dẫn chúng tôi đi men con suối, bẻ những gốc cây Cù Lần (còn gọi là Cu Ly), để làm thuốc cầm máu của người Kho. Nhưng có lẽ thú nhất là khi chúng tôi trò chuyện với những con Cù Lần. Chúng tròn xoe mắt nhìn mọi người. Im lặng. Bất ngờ có con lấy hai chân trước che mắt, rồi nằm co tròn lại như một thú bông. Lông con Cù Lần vàng mượt óng ả. Hình dáng giống con gấu trúc. Nhỏ như một con mèo. Chúng thường thức đêm kiếm ăn rất nhanh nhẹn. Nhưng lại ngủ vào ban ngày và trở nên chậm chạp.

Nhiều chú bé đã nhặt Cù Lần về chơi. Chán lại thả chúng về rừng. Có người còn bắt chúng đem ra chợ bán. Nhưng nhìn đôi mắt tội nghiệp của chúng, du khách không nỡ mua về. Chúng nhớ rừng. Đêm đêm, chúng nhằn những quả trên cây chín đỏ, ríu rít với đôi lứa cùng bầy con tha thẩn bên suối vắng. Đó là những thú hoang thật thà như chàng Cù Lần vậy.

Lúc này tiếng cồng chiêng rung lên. Lời hát của chàng trai mộng mơ vẫn vang trên đại ngàn. Chúng tôi bồi hồi đi trong nhịp chiêng vỗ quanh đống lửa bập bùng. Ai nấy ngỡ như đang trầm mình dưới con suối Plah. Những con cá quẫy tung mình lên ngọn nước chảy ào từ trên núi Lang Biang xuống.

Lửa trại ở bản Cù Lần.

Đôi mắt K’ho

Khi đến với bản Lát hay Cù Lần, hoặc vào Thung lũng Vàng, chúng tôi đều gặp những bức tượng gỗ của những người K’ho bày rải rác bên đường hoa. Trong những ngôi nhà Rông luôn hiển hiện những đôi mắt của phụ nữ K’ho. Đăm chiêu. Khắc khổ. Nhưng bao giờ cũng ánh lên niềm khao khát một cuộc sống bình yên. Đã bao năm thăng trầm với những biến cố lịch sử. Họ phải chống chọi với thiên tai bão lũ. Cho dù cuộc sống du canh du cư đã chấm dứt, nhưng trên đôi mắt người K’ho vẫn ẩn giấu những nỗi trầm luân, khắc nghiệt trên con đường mưu sinh.

Đó là ánh mắt ngời sáng của cô gái ngồi dệt bên khung vải. Còn kia là nét xa xăm đục mờ của đôi mắt mẹ ôm con. Mẹ nuôi những ước mơ như chàng trai Cù Lần một thuở. Hãy sống với những mộng mơ cho tình yêu. Đặc biệt bức tượng một chàng trai lực lưỡng đứng bên con suối Plah. Đó là đôi mắt đam mê của chàng Cù Lần. Nghe như tiếng hát vẫn vang lên say đắm rằng: “Anh không có giầu sang, không có nhà cao cái phố. Xin đem cái rừng hoa, đem cái đồi xanh tặng em. Dâng em mái nhà tranh khuất trong màn sương chiều về…”. Bất ngờ đàn cò lửa vụt bay lên từ thung lũng. Những tia chớp màu đỏ bừng lên giữa không trung bao la.

Vương Tâm
.
.