Triển lãm “Sách quốc tế Việt Nam 2007”:

Lãng phí cơ hội tự quảng bá!

Thứ Sáu, 23/11/2007, 09:45
Là đợt triển lãm có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của ngành xuất bản, in và phát hành sách, Triển lãm "Sách Quốc tế Việt Nam 2007" thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả yêu sách ở mọi lứa tuổi.  Trong khi một số nhà xuất bản (NXB) tận dụng cơ hội này để quảng bá thương hiệu và các đầu sách mới xuất bản, thì nhiều đơn vị lại tỏ ra khá... thờ ơ với cơ hội đáng giá ngàn vàng này.

Đợt triển lãm - hội chợ này có sự tham gia của Hiệp hội xuất bản các nước ASEAN, đại diện xuất bản các nước Nga, Mỹ, Thụy Điển… với một số tên tuổi như NXB John Wiley, Mac Milian, Cambrige, Graw-Hill, Thomson…

Nhân dịp này, Đại sứ quán Mỹ tổ chức giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" bằng tiếng Anh của NXB Random House với tựa "Đêm qua tôi mơ về hòa bình". Tuy nhiên, sự tham gia của họ chỉ dừng ở mức độ giao lưu văn hóa và trao đổi về công nghệ xuất bản mà thôi. Triển lãm lần này cũng được ngành xuất bản gọi là "đợt cổ vũ cho văn hóa đọc Việt Nam".

Ngoài ra, có thể thấy đây là một cơ hội thuận lợi để các NXB tự "lăng xê" tên tuổi của mình cùng những đầu sách có giá trị, nhất là trong thời buổi mỗi cuốn sách ra đời đều bị cạnh tranh khốc liệt bởi sự bùng nổ của truyền hình và Internet.

Thế nhưng, dường như nhiều NXB chưa có sự quan tâm đúng mức đến điều này. Họ tham gia đợt triển lãm chỉ như một sự góp mặt cho đầy đủ tên tuổi của ngành xuất bản, theo kiểu "vui là chính". Và như thế đồng nghĩa với việc họ tự đánh mất một cơ hội quảng bá...

Điều dễ nhận ra là sự "thờ ơ" này phần nhiều thuộc về các đơn vị xuất bản phía Bắc - nơi được xem là chưa linh hoạt trong việc tìm đầu vào - đầu ra cho sản phẩm của mình. 

Một số NXB có danh hẳn hoi như NXB Văn học, NXB Văn hóa - Thông tin, NXB Thông tấn, NXB Thanh niên, NXB Thế giới… chỉ tham gia với những gian hàng nghèo nàn về cả nội dung lẫn cách thức trưng bày và không chứa đựng một yếu tố bất ngờ nào. Số lượng sách của nhiều gian hàng còn èo uột tới mức trống trải khiến người đi hội chợ cũng "ngán ngẩm" chẳng buồn dừng chân ghé vào.

Chính vì vậy, các cô "lễ tân" xinh đẹp với áo dài tha thướt có thời gian để ăn quà vặt, nói chuyện phiếm và rất… ngại trả lời các câu hỏi của khách tham quan. NXB Hà Nội có "trưng" một poster nhỏ quảng cáo cho dự án 100 cuốn sách hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thế nhưng khi hỏi các cô lễ tân về dự án này hiện nay đã thực hiện đến đâu rồi, thì chỉ nhận được các câu trả lời kiểu như: "đang làm", "em không rõ", "cái này phải hỏi lãnh đạo"…

NXB Phụ nữ - nơi gần đây vừa xuất bản những cuốn sách gây được sự chú ý như "Mẫu thượng ngàn" của Nguyễn Xuân Khánh, "Gia đình bé mọn" của Dạ Ngân, một số cuốn sách dịch như "Hoang thai", "Cửa hoa hồng"… cũng chỉ có một gian hàng trưng bày đơn giản như gian phòng giới thiệu sách mới vẫn đặt ở cổng NXB mà thôi.

Tuy rằng có một chiếc máy tính đặt trên bàn nhưng xem ra nó không phát huy tác dụng trong việc tìm tên sách, giá cả từng cuốn hay đơn giản là việc… tính tiền, khiến cho một cô bán hàng cộng tiền cho khách phải vất vả, lúng túng do sách được giảm giá chứ không còn nguyên giá bìa.

Công ty Nhã Nam - một thương hiệu xuất bản mới nổi, đại diện cho xuất bản tư nhân phía Bắc hiện có khá nhiều đầu sách gây chú ý và cả gây… sốc, nhưng xem ra cách tiếp cận với độc giả lần này cũng chưa thật ấn tượng so với những gì họ đã làm được.

Với hơn 130 đầu sách được làm khá kỹ lưỡng từ khâu vẽ bìa ra đời trong hơn 2 năm qua, nếu như gian hàng của Nhã Nam được "bày biện" theo phong cách có tính sắp đặt, chắc hẳn Nhã Nam sẽ thêm một lần gây ấn tượng với độc giả hơn

Việt Hà
.
.