Làng năm nay vào hội

Thứ Năm, 21/03/2019, 08:55
Hội làng năm nay dường như nhộn nhịp hơn, dường như rộn rã hơn. Đành rằng "nhất niên nhất lệ", đành rằng năm nào chả hội nhưng hội mỗi năm mỗi khác...

Hội làng là một nét văn hóa của người Việt đã có từ lâu, sau những ngày Tết náo nhiệt thì dường như làng nào cũng có hội. Thường mỗi làng đều có một vị thành hoàng có công trong việc khai hoang, mở đất, đem lại sự bình yên cho xóm làng. Cũng có vị là một võ tướng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại sự bình yên cho xóm làng. Cũng có khi thành hoàng làng là người đem đến cho làng một nghề nhất định.

Hội làng năm nay dường như nhộn nhịp hơn, dường như rộn rã hơn. Đành rằng "nhất niên nhất lệ", đành rằng năm nào chả hội nhưng hội mỗi năm mỗi khác. Đám gái lớn năm ngoái giờ nhường chỗ cho đám gái mới lớn năm nay. Ngực xuân nây nẩy, má xuân hây hây. Đám con trai chợt vụt lớn đến ngỡ ngàng cũng tự thân bước vào lễ hội với những yêu cầu của lệ làng đã hẹn.

Hội làng năm nay dường như náo nức hơn. Mưa nhè nhẹ đủ làm thổn thức con tim. Gió chờn vờn đủ làm lay động những tâm hồn hé nụ. Tôi đứng từ xa để ngắm. Vẫn mái đình làng cũ thâm nghiêm mà chợt mới lên trong tâm tưởng. Vẫn những ngả đường ngõ xóm quen thân mà chợt dấy lên gấp gáp. Hội làng năm nào chả vậy mà sao cứ ngóng, cứ chờ, cứ mong, cứ đợi.

Hội làng (ảnh minh họa)

Người mong đến hội làng để gặp người xa. Người đợi đến hội làng để có dịp khoe bầy chút tài nhỏ mọn. Tiếng hát con trai ồm ồm vỡ giọng. Tiếng ngân thanh nữ nghe ngọt nghe bùi. Hát rằng "Hội làng mở giữa mùa xuân/ Người xa xôi bỗng thấy thân lúc nào".

Hội làng bao giờ cũng vậy. Hội mở ở sân đình. Ở cái sân đình rộng rãi thênh thênh vốn ngày thường lũ trẻ con huỳnh huỵnh đá bóng. Tiếng hò tiếng hét vang trời. Tiếng cười tiếng trêu chọc nhau cứ ồn, cứ ã. Vậy mà hôm nay bất chợt thiêng liêng. Bất chợt cúi đầu thành kính.

Trong cuộc đời mỗi người, hẳn ai cũng đã từng có dịp tham dự hội làng. Với mỗi người, cảm xúc khi tham gia vào ngày vui của cả làng là một niềm vui, niềm tự hào xen lẫn lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân. Hội làng giờ đây đã trở thành nét đẹp văn hóa cộng đồng không thể thiếu.

Tôi nhớ quãng hơn bốn mươi năm về trước. Bữa ấy cũng dịp giữa xuân. Bữa ấy cũng trên mảnh sân đình mưa xuân đẫm ướt. Anh bộ đội trẻ là tôi về quê nghỉ phép. Mẹ tôi chẳng nói chẳng rằng, bà kéo tay tôi ra đình làng.

Cũng phải nói thêm rằng, đình làng tôi dạo đó bị mai một khá nhiều. Hội đâu còn mở. Sân đình từ nhiều năm trước đã thành sân kho hợp tác. Trên mảnh sân vương vãi những chiếc lá đa rụng muộn và ướt nhèm nước đọng ấy mẹ tôi đã nhìn ngó trước sau rồi nói nhỏ vào tai tôi, giọng buồn ngắt nhịp "Đình là nơi thờ thành hoàng làng mình đấy con ạ".

Tôi biết chứ "Đức thành hoàng chính là người được làng tôn vinh tôn kính mà suy tôn để làng hàng năm mở lễ mở hội tri ân tri kỷ. Người đó nếu không có công dẫn dắt dân lành đi khai đất lập nên làng thì cũng có công rèn dũa kỳ công truyền dậy cho người làng thứ nghề thứ nghiệp để làng mở mày mở mặt với đời. Không như thế thì cùng là người tài đức vẹn toàn có công với dân có tâm với nước. Người đó cho làng niềm tự hào mãi mãi nên dân suy vinh rước vào trong đình để làng bảo ban con cháu noi theo".

Bởi thế nên chả cứ đình làng tôi mà bất cứ ngôi đình làng nào cũng đều là nơi ghi ấn dấu tích lịch sử văn hóa và tín ngưỡng thờ tụng đạo lý "ăn quả nhớ người trồng cây" của nhân dân ta.

Trong hội làng, mọi người cùng tham gia trình diễn, sáng tác, thưởng thức và hưởng thụ những trò chơi hoặc diễn xướng nghệ thuật sau những ngày lao động vất vả, không kể sang hèn. Vì thế, có thể cho rằng, hội làng đã tạo nên niềm cộng cảm sâu sắc giữa các thành viên trong cộng đồng, là sự nhất quán trong việc trao truyền các giá trị v#n hóa giữa các thế hệ.

Năm nay. Nắng xuân nhè nhẹ. Thời tiết quả biết chiều chuộng lòng người. Trên mảnh sân đình người tới người lui, kẻ vào người ra rộn rang nhộn nhịp. Trên sân khấu nhỏ đám trẻ lên bốn lên năm, áo hoa váy đỏ nhún nhẩy nhịp chân, bi bô múa hát. Góc phía sát vườn nhãn đang độ trổ hoa hương thơm ngây ngất là chục cô thanh nữ mặt phấn da hoa nghiêm cẩn đóng vai những quân cờ di động.

Ghé tai tôi nói bằng giọng hân hoan, người đàn ông vừa mới kịp quen nói rằng "Tôi trong đoàn ở bên huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên sang đây dâng lễ". Là ra vậy đó. Khách nơi khác đến hội làng đâu chỉ "để xem" đâu chỉ "để chơi" mà đâu đó còn có nghĩa là sang để kết "thâm giao" là sang để "anh em vốn gốc xa xưa đến để nhận họ nhận hàng, đến để thắt thêm tình nghĩa.

Từ lâu khắp xóm khắp thôn quanh huyện Gia Lâm xưa người dân hay nói "Thấy Xuân Quan là thấy làng. Thấy Bát Tràng là thấy chợ". Thì ra câu ca ấy muốn lưu muốn dặn lại một điều "Đất ven sông Hồng này vốn xưa lau sậy um tùm. Đất ven sông Hồng này vốn xưa hoang vắng. Những người dân từ mạn Văn Giang, Khoái Châu bên Hưng Yên bươn chải tảo tần mà ngược lên đây khai khẩn đất hoang.

Ngày qua ngày. Tháng tới năm. Những cái tên làng như Thổ Khối, Xuân Đỗ, Đông Dư. Những cái tên làng như Trạm như Ngô như Thượng Hội...vân vân. Những cái tên lâu dần thành xã thành phường nối nhau mà đông đúc như bây giờ.

Tiếng trống thùng thùng khích lệ. Tiếng cười tiếng hô gợn sóng giếng đinh. Đám trai trẻ tóc nhuộm hung hung, mặt trắng tươi hồng như tài tử phim Hàn đang ngụp đang bơi chơi trò bắt vịt. Những chú vịt ta nhỏ nhoi nhanh nhẹn thoắt ẩn thoắt hiện như cố thử tài những chàng trai ngỡ đã lâu rồi quên trò vui quê kiểng.

Tiếng loa vang vang. Giọng ai vừa hát câu mời trầu vừa ngọt vừa màu khiến ngơ khiến ngẩn. Ông Tuyên, thành viên ban tổ chức hội làng, một người tuổi ngoại bảy mươi, từng trải ba mươi nhăm năm quân ngũ, từng cơm bắc giặc nam hồi nào, miệng cười rõ tươi làm rớt nước trầu đo đỏ, ông hớn hở nói  thật to: "Hội làng còn thì chất làng còn".

Chất làng? Đầu tiên là làng dù đã lên phường nhưng mãi thẳm sâu người trước người sau vẫn không quên cội rễ. Người trước người sau vẫn đinh ninh một điều "không có tiền nhân lấy đâu bây giờ". Rồi cuộc mưu sinh. Rồi kế sinh nhai. Rồi bao phiêu lãng. Tất cả những điều đó không làm người làng phai nhạt tâm can.

Làng năm nay mở hội. Đám con gái làng ngày thường quần côn váy ngắn hôm nay mặc áo mớ bảy mớ ba, tóc vấn đuôi gà, nhìn lại tưởng cô Tấm trong quả thị bước ra; đám này lần đầu dự hội cũng lắm thẹn thùng ấy vậy mà cánh ấy khênh kiệu rước vong Thành  hoàng cứ gọi là mê cứ gọi là mải.

Chiếc kiệu rước vong như đã nhập hồn cố nhân quay quay xoay tít. Mấy cô trinh nữ đỏ mặt phừng phừng, nhẫn nại gồng vai vừa xuay theo kiệu vừa cố giữ cho kiệu khỏi nghiêng khỏi ngả. Ông Tuyên cười tít, nước trầu rớt xuống thấm mặt sân đình lát gạch Giếng Đáy nên đỏ lại thêm đỏ au au, ông bảo: "Giữ được kiệu vong thành hoàng tức là ngài đã ưng đã nhận. Mừng rồi. Làng năm nay chắc khá".

Tôi lắng mình vào tiếng trống tiếng chiêng, đắm hồn vào từng màn múa hát mà lòng tự hứa hân hoan như hồi còn trẻ "Năm sau lại tới hội làng".

Cho đến bây giờ, hội làng vẫn thực sự là nhu cầu của đời sống tinh thần, văn hóa, tín ngưỡng phục vụ người dân địa phương; là thành tố quan trọng bậc nhất của đời sống văn hóa cơ sở. Hội làng là tài sản quý giá đất nước cần gìn giữ và phát huy. Chúng ta mong rằng hội làng vẫn giữ nguyên sức cuốn hút, hấp dẫn của nó, giảm trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội. Bởi hội làng là tinh hoa văn hóa Việt Nam, là chìa khóa vĩnh cửu - một sự đảm bảo chắc chắn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguyễn Trọng Văn
.
.