Làng giả trí thế giới năm 2006 và những sự cố

Thứ Bảy, 17/02/2007, 09:30
Làng giải trí thế giới trong năm 2006 đã có nhiều thành tựu đáng kinh ngạc. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít nhưng sự cố bất ngờ, đôi khi làm cho chính người trong cuộc phải lâm vào tình thế "giở khóc giở cười".

Đạo diễn phim về điệp viên 007… “bẻ nhầm hoa”

Nhà làm phim 55 tuổi người New Zealand Lee Tamahori, đạo diễn tập phim về điệp viên 007 (có tên “Hãy chết vào ngày khác”, từng giữ kỷ lục về mặt doanh thu gần nửa tỉ đôla một thời gian dài) đã phạm một sai lầm tai hại khi “bẻ nhầm hoa” hôm 8/1/2006.

Một sĩ quan của Sở Cảnh sát Los Angeles cho biết, Lee bị bắt khi đang mặc váy đen, đội tóc giả đến gạ gẫm bán dâm cho một thanh niên rồi leo lên xe của anh này mà không biết đó là một cảnh sát mặc thường phục.

Báo cáo của cảnh sát không tiết lộ số tiền mà đạo diễn Lee - người đã từng làm việc với những ngôi sao hàng đầu thế giới như Nick Nolte, Alec Baldwin, Pierce Brosnan và James Gandolfini - “chào hàng”.

Đạo diễn Lee Tamahori.

Bị bắt quả tang nên các ủy viên công tố Tòa án Los Angeles có đủ bằng chứng để truy tố Lee ở hai tội: gạ gẫm bán dâm và lêu lổng trên đại lộ Santa Monica danh tiếng ở Hollywood. Kết quả, ngày 24/2/2006 Lee bị tòa phạt 3 năm tù treo, 15 ngày lao động công ích và phải theo học một khóa tìm hiểu về căn bệnh thế kỷ AIDS.

Theo phán quyết của tòa, Lee phải đi dọn đường phố và xóa sạch những bức tranh vẽ vô tội vạ trên các bức tường trong chiến dịch làm sạch kinh đô điện ảnh Hollywood.

Xài đồ “second hand” đi nhận Quả cầu Vàng

Reese Witherspoon - “Nữ diễn viên chính xuất sắc” tại lễ trao giải thưởng điện ảnh Quả cầu Vàng ngày 17/1/2006 - thực sự bị sốc khi biết chiếc váy hiệu Chanel cô mặc đã được đồng nghiệp Kirsten Dunst xài từ 3 năm trước. Reese còn bị lừa rằng đây là chiếc váy nằm trong bộ sưu tập thời trang cổ điển.

Tại bữa tiệc ngay sau lễ trao giải Reese Witherspoon đã hỏi Maureen Chiquet, Giám đốc Hãng Chanel, lý do khiến họ cho cô trưng chiếc váy từng có một siêu sao khác mặc. Gretchen Fenton, đại diện thương hiệu thời trang danh tiếng này cho biết: Chanel đã không biết cô đào phim “Người nhện” từng sử dụng bộ trang phục đó và xin lỗi Reese vì sơ xuất.

Reese Witherspoon và chiếc váy "Second hand".

Trong thông cáo báo chí của Chanel về những bộ cánh lộng lẫy được các ngôi sao điện ảnh chọn để tới dự giải Quả cầu Vàng, chiếc váy của Reese được thông báo là thời trang cổ điển. Tuy nhiên, Fenton chữa lại rằng, đây chỉ là thời trang cao cấp và nằm trong bộ sưu tập năm 2002.

Vụ nhầm lẫn này tai hại cho cả Reese và Chanel. Nữ diễn viên tóc vàng xinh đẹp trở thành nạn nhân của thời trang, còn thương hiệu của Chanel bị một đòn chí tử vì đưa đồ “second hand” cho một nữ hoàng màn bạc. Dù sao Reese cũng gỡ gạc được ít nhiều khi đoạt luôn một Quả cầu Vàng.

Nữ ca sĩ Janet Jackson “khoe hàng”

Một sự cố hi hữu đã xảy ra đầu tháng 3/2006 trong một chương trình truyền hình phát sóng trực tiếp của Hãng truyền thông CBS. Số là khi đang biểu diễn cùng Justin Timberlake, đột nhiên chiếc áo của nữ ca sĩ da màu Janet Jackson bị nam ca sĩ nhạc pop này kéo xuống để lộ một khoảng ngực trần khiến hàng ngàn khán giả tại sân vận động Super Bowl và khoảng 140 triệu người khác ngồi trước màn ảnh nhỏ được “rửa mắt” ngoài mong đợi.

Janet Jackson "khoe hàng".

Sự cố trên đây đã gây ra những phản ứng dữ dội từ phía khán giả đến mức thanh tra hoạt động biểu diễn của Mỹ phải cam kết tìm hiểu đến nơi đến chốn ngọn nguồn vụ việc. Bộ trưởng Thông tin Liên bang Mỹ Michael Powell đã không kìm nổi tức giận.

Ông cho rằng đây là một trò hề lố bịch, thiếu văn minh, rằng trẻ em và công dân Mỹ xứng đáng được hưởng những tiết mục tử tế hơn thế. Cả Justin và Janet sau đó đã có lời xin lỗi trên các phương tiện truyền thông và cho rằng đây chỉ là một “tai nạn nghề nghiệp” và hoàn toàn không có chủ ý “khoe hàng”.

BBC cũng… nhầm

Trung tuần tháng 5, Guy Goma, một sinh viên Công Gô mới tốt nghiệp đến ở khu vực lễ tân chính của Trung tâm Truyền hình BBC chờ phỏng vấn xin việc làm. Cùng lúc đó Guy Kewney, một chuyên gia công nghệ người Anh, đang chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn truyền hình trực tiếp xoay quanh vụ kiện Hãng máy tính Apple về nhãn hiệu đĩa hát của băng nhạc The Beatle.

Nhà sản xuất chương trình được cử đi đón Guy Kewney  được thông báo anh này đang ở khu vực lễ tân chính. Đến nơi ông hỏi nhân viên lễ tân Guy Kewney ở đâu. Cô nhân viên lễ tân chỉ vào Guy Goma.

Trước đó nhà sản xuất đã được xem ảnh của Guy Kewney, nhưng chỉ vỏn vẹn 5 phút trước khi bắt đầu thực hiện chương trình. Thế là ông tiến lại phía Guy Goma và hỏi có phải anh ta là Guy Kewney không.

Chàng sinh viên Công Gô trong buổi "phỏng vấn"

Chàng trai Công Gô nghe được tên nhưng lại nghĩ ông người Anh kia phát âm nhầm họ mình nên đã gật đầu quả quyết. Thế là anh được dẫn tới Phòng quay Tin tức số 24 và được các nhân viên nhà đài trang điểm rồi đưa đến chỗ thu hình.

Tại đó anh được ngồi trước các máy quay và được đeo tai nghe. Mặc dù thấy rằng tình huống này cực kỳ bất bình thường, nhưng anh vẫn cố sức chuẩn bị cho những gì anh tin là cuộc phỏng vấn xin việc làm của mình.

Khi được người phỏng vấn giới thiệu là chuyên gia công nghệ thông tin Guy Kewney, chàng cả thộn bắt đầu choáng vì cuối cùng anh hiểu đã có nhầm lẫn nghiêm trọng. Nhưng biết rằng mình đang có mặt trong chương trình truyền hình trực tiếp nên anh ráng trả lời những câu hỏi được đưa ra  bằng chất giọng Pháp nặng chịch của mình.

Rất may cuộc phỏng vấn diễn ra xuôi chèo mát mái và khán giả (tất nhiên trừ những người biết Guy Kewney) đều không biết có sự cố. Thật khó mà diễn tả vẻ mặt Guy Kewney khi thấy có người đang trả lời phỏng vấn thay mình - lúc đó anh này vẫn đang dài cổ chờ được lên hình trong phòng đợi.

Phát biểu sau đó, Guy Goma cho biết cuộc phỏng vấn “ngắn quá”, anh sẵn sàng được quay lại và sẽ “rất vui được phát biểu trong bất kỳ tình huống nào”.

Ơn Chúa, thủ phạm chính là mình!

Ngày 30/9, trong lúc đang cao hứng giới thiệu với bạn bè, trong đó  có những nhân vật danh tiếng như Barbara Walters, Nora Ephron và Nicholas Pileggi về bức tranh “Giấc mơ” của danh họa Pablo Picasso tại văn phòng của mình, trùm cờ bạc Las Vegas (Mỹ) Steve Wynn đã vô tình thúc cùi trỏ vào giữa tuyệt phẩm, để lại một vết tròn cỡ đồng xu trên mặt bức tranh.

Cú thúc trỏ khiến tất cả những người có mặt hoảng hốt, bởi chỉ trước đó một ngày Wynn đã hoàn tất một hợp đồng bán “Giấc mơ” cho nhà sưu tầm nghệ thuật Steven Cohen với mức giá kỷ lục 139 triệu đôla. Tuy ruột đau hơn cắt nhưng Wynn vẫn hài hước.

Bức tranh “Giấc mơ”  của danh họa Pablo Picasso.

Ông nói: “Ơn Chúa, may mà thủ phạm chính là mình!”. Tất nhiên, sau đó hợp đồng bán tranh phải hủy bỏ và “Giấc mơ” được đem đi sửa.

Năm 1997 Steve Wynn đã mua bức tranh này với giá 48,4 triệu đôla. Ông cũng là một nhà sưu tập tranh khét tiếng và là người đã phát triển khu nghỉ dưỡng sang trọng gồm một quần thể khách sạn và sòng bạc mang tên The Mirage and Bellagio ở Las Vegas.

Tuy “thủ phạm chính là mình” nhưng hiện Wynn đã đâm đơn kiện Hãng bảo hiểm  Lloyd’s of London (Anh) vì không chịu trả ông 54 triệu đôla bảo hiểm. Tuy nhiên tòa cho rằng số tiền bảo hiểm sẽ ít hơn bởi giá của “Giấc mơ” sau cú thúc trỏ đã tụt xuống chỉ còn 85 triệu đôla

Lương Lê Giang
.
.