Lãng đãng như Bế Thành Long

Thứ Bảy, 07/11/2009, 15:30
Tính đến tháng chín này, nhà thơ "trẻ" Bế Thành Long tròn bảy mốt tuổi. Anh sinh năm 1938, tại Cao Bằng. Con số bảy mươi, hay tám, chín mươi chả nói lên điều gì cả. Nhà thơ vốn là một thực thể của thiên nhiên, của tạo hóa, là những người không câu nệ gì đến tuổi tác. Hồi còn sống, các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận vẫn muốn mọi người gọi mình bằng anh đó sao.

Bế Thành Long là người có một tâm hồn thực sự trong trẻo và trẻ trung. Cả nghĩa đen lẫn bóng. Tình yêu con người ở trong anh luôn nở nang và cất cao tiếng hát. Bế Thành Long có một giọng thơ hồn nhiên, nhưng đầy vẻ mộng mị. Nhất là khi anh tự đọc thơ mình. Những câu thơ bay nhảy hồng hào khỏe mạnh. Dường như chúng được thoát ra từ tóc, từ da thịt, từ móng tay, từ hàm râu...

Người nghe đều bị anh làm thôi miên bởi chất giọng trầm ấm và động tác nhịp nhàng của đôi tay phụ họa. Mười ngón tay nghệ sĩ. Khi thì chúng búng lên, lúc thì trúc xuống. Mười ngón tay như mười ngọn lửa thi nhau sưởi nóng cho bài thơ. Nhất là đám đàn bà con gái. Chả hiểu các vị mê thơ hay người.

Cả một lũ tóc dài phải dựa vào vách nhà để nghe Bế Thành Long đọc thơ. Nghe thơ xong, không ai muốn về nhà nữa. Họ cứ ngồi lỳ ở đó. Ai cũng muốn chạm tay tí ti vào người nhà thơ họ Bế.

Cái tài thơ nổi trội ấy đã mang đến cho anh khá nhiều phiền lụy. Nhưng tuyệt đối anh không bao giờ nhắc đến. Không bao giờ kể lại. Nhưng ai cũng biết, đó là thời kỳ văn nghệ Cao Bằng đang chập chững thành lập Hội và Bế Thành Long cho ra mắt bài thơ "Cái nghĩa đen của chợ".

Khi đó nhiều người có tâm, có tầm và sành thơ, liền tìm để đọc. Song họ chả thấy có ý tứ gì bêu xấu xã hội. Bài thơ chỉ nói thực trạng khó khăn về đời sống con người thời ấy. Thế mà tác giả bài thơ "Cái nghĩa đen của chợ" gặp dích dắc.

Từ đó đến nay, một loạt tác phẩm thơ và văn xuôi của anh chậm chạp ra đời. Tuy chậm chạp nhưng nở nang vuông vức. Bây giờ, hễ xướng tên Bế Thành Long, ở cơ quan Hội Nhà văn hầu như ai cũng biết. Nhất là anh em văn nghệ quân đội. Bế Thành Long ư? Đấy là một con người tuyệt vời! Bế Thành Long ư? Một nhà thơ độc đáo!

Có lần anh khoe mình từng đạp xe lên dốc còn phải phanh. Dù không nói ra, chắc các bạn cũng biết dốc núi Cao Bằng quanh co, dài thăm thẳm như thế nào. Người đi bộ dắt xe leo dốc còn chẳng nổi. Huống hồ ngồi lên đó mà đạp. Ai cũng biết đây là cách nói trạng đáng yêu. Nhưng có một phần đúng sự thật. Đó là sức vóc của Bế Thành Long cực kỳ tốt. Mỗi sớm mai, anh vẫn có thói quen  nhảy tùm xuống sông Bằng sông Hiến làm một hơi bơi lặn. Kể cả những hôm mưa lạnh, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới độ âm.

Tôi nhớ có lần anh kể, anh vốn là hậu duệ của dòng họ Đào Duy. Nhưng không hiểu vì sao lại mang họ Bế. Bế Thành Long. Dân tộc Tày.

Anh sinh ra trong một gia đình viên chức thời Pháp. Từ ngày còn nhỏ, anh đã được cha mẹ dạy dỗ  cẩn thận. Mẹ anh là một bà cụ đẹp lão, lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Bà là hiện thân sinh động của một kiểu người con nhà gia thế. Bà coi những bạn của con mình như người thân. Bà dành những miếng ngon nhất, lạ miệng nhất cho khách. Khi thấy chúng tôi gắp những miếng thịt thỏ nấu rôty theo kiểu người Thái, xuýt xoa kêu cay, bà mủm mỉm cười lấy làm hài lòng.    

Chẳng bao giờ tôi nghe thấy Bế Thành Long nhắc đến quá khứ của anh. Quá khứ vinh hay nhục đều bị anh cho vào túi pác mạ treo lên sàn nhà. Tôi chỉ được biết tuổi học trò Bế Thành Long qua lời kể nhà báo Nguyễn Như Mai, kiến trúc sư Đoàn Đức Thành, những người bạn thân thiết từ hồi cùng học trường cấp hai sơ tán ở Bản Đà, sau những năm chống Pháp.

Đó một chàng thư sinh, lịch thiệp, đẹp trai, tóc xoăn, học hành giỏi giang. Đặc biệt là môn văn. Nhưng anh cứ lãng đãng theo mây ngàn gió núi "Cầu bên núi xa chênh bóng nước/ mây ngàn gieo tải nắng phương xa", hồn thả theo đàn bò "Con bò không biết mình đường bệ/ đeo bầu vú nặng/ theo bầy chúc mũi nó đi nghiêng…", theo cỏ: "Cỏ non cứ bời bời không ngủ/ bước trâu chờ bước nghé lang thang", theo con ngỗng trời "quá khứ đêm thu về lớp lớp/ tiếng ngỗng trời co kéo không gian…", theo cơn mộng mị: "Về trong mộng/ mái chèo nước đục/ bãi bờ khô xác gió hoa lau/ ta thấy em/ em chẳng nói gì/ ta cũng chẳng nói gì/ đất nhẹ nở đầy hoa cúc dại/ hương thơm khắc khổ vậy ư/ em có dịu dàng nữa đâu mà anh đợi/ em về/ thoáng nhẹ/ áo trắng ngày xưa lạnh mỏng manh...".

Hoặc theo một cô gái, không có thực trong đời: "Tranh ai vẽ giang sơn diễm lệ/ ở thời xa vô tận/ sông xanh hững hờ/ trong tranh cô gái mang bình/ rực rỡ thơ ngây/ gió xốp nâng bềnh áo nhẹ/từ bờ sông em toan bước đi đâu", theo một làn nắng: "Em giặt áo bên dòng sông nọ/ mấy lần thơm lại nắng quê hương/ trẻ mỏ nhà ai quấy khóc/có ai xa đất mẹ cuối đời…".

Thưa nhà thơ họ Bế. Anh viết đến thế thì còn ai mà không vương vấn với quê hương. Tôi đã không nín được cơn buồn. Nỗi buồn của người tha hương. Nỗi buồn ấy nhìn cây cũng ra nước mắt. Nước mắt màu xanh.

Nhưng nỗi buồn về cái tôi bé nhỏ nhẹ nhàng tan ra, nhường chỗ cho cái ta rộng lớn, sang trọng và quý phái. Ấy là khi anh vẽ chân dung thi hào vĩ đại Tagor: "Râu tóc cũng phải lòng mây gió/ du hành, suy tưởng, trắng phơ phơ/ tương tư những đỉnh đời hóa đá/ trong hư vô, cũng lạ, trơ trơ".

Bế Thành Long là bạn thủy chung của muôn loài cỏ cây, của núi cao sông sâu và các bậc hiền nhân quân tử. Nhưng tịnh không thấy nỗi buồn tan nát với mối tình tay ba tay tư thường có trong đời. Ta thấy các bóng hồng thưa thớt xuất hiện trong thơ anh. Mà họ cũng chẳng nói gì.

Không có những âm thanh run rẩy va nhau lập cập. Người đọc có thể hiểu mọi cảm xúc đều được nhà thơ kiềm chế đến độ tối đa. Bóp bụng để yêu. Nín thở để yêu. Yêu như nén lò xo. Khi được dịp bung ra, tình yêu ấy sẽ nổi lên như cơn bão táp. Lúc ấy, họ chỉ có thể "tay nắm bắt vô cùng trăng sáng nhạt". Và lại trở về tâm trạng "bãi bờ khô xác gió hoa lau".

Ai đã từng lên miền núi Cao Bằng, chắc không còn lạ gì với gió mùa đông bắc tràn tới. Gió thổi rạc cả đá núi, bạc cả nước sông, mốc meo cả da người. Thổi mệt mỏi những cành lau. Thổi đến nỗi bãi bờ khô xác. Hai chữ khô xác ôm đủ, lãnh trọn một hiện thực thiên nhiên nơi đây nghiệt ngã đến chừng nào.

Ai đã từng tiếp xúc với nhà thơ Bế Thành Long, chắc khó lòng mà quên mọi cử chỉ, lời nói từ con người anh. Tất cả đều toát lên một vẻ đẹp thuần khiết của người miền núi. E thẹn và hay xấu hổ.

Tôi còn nhớ vào những năm giữa của thập niên 80 đầu 90 (thế kỷ XX). Khi ấy anh mới ngoài năm mươi một chút. Mọi người  thấy Bế Thành Long bỗng dưng để râu. Bộ râu đen nhánh xùm xòa che kín ngực. Anh bảo tớ chỉ ba tháng không cạo là được như thế này đây. Tôi nghĩ bụng, xem ra con người này còn có thể lấy thêm một bà vợ nữa. Y như rằng. Sau khi nhận sổ hưu, nhà thơ Bế Thành Long e thẹn thắt càvạt đi làm chủ rể thêm một lần nữa.

Nhà thơ Trần Hùng kể: Có một hôm anh đi cùng Bế Thành Long vào quán hàng cơm phở. Hai người gọi hai bát phở vịt. Bà chủ quán cung kính: "Dạ! Đây là bát của cụ. Không xương xẩu gì đâu cụ ạ". Hai người nháy mắt hích hích cười lấy làm thích thú. Rồi đột nhiên, bà chủ quán nghe thấy từ chỗ "cụ" Long ngồi kêu lên vài ba tiếng rột. Sau vài tiếng rột là hết nhẵn cả phần canh xương vừa sôi sùng sục, kèm lẫn bánh phở thái chỉ, lẫn thịt vịt thái quân cờ, lẫn mùi tàu thái rối. Bà chủ quán tròn xoe hai mắt, há to vòm miệng. Thấy phê quá, bà đon đả: "Dạ! Con mời cụ dùng thêm bát nữa nhé". "Thôi! Cảm ơn. Tôi đủ rồi. Trước khi qua đây, tôi đã tranh thủ làm hai thanh lương khô. Bát phở này là ăn thêm".

Ố! Thật phúc đức…

Bà chủ quán thốt lên đầy vẻ thán phục. Năm đó hình như bà ta đã ngoài sáu mươi. Còn nhà thơ Bế Thành Long, chắc chắn kém bà chủ quán đến cả chục tuổi

Y Phương
.
.