Làng của búa và đe

Thứ Sáu, 06/12/2019, 18:07
Gọi là “làng cục…cạc” vì khởi thủy ngành nghề truyền thống của An Tiêm là nghề rèn với những đe và búa; với những sắt thép cùng than hồng rực lửa; với những tiếng mài dũa, cắt gọt kim khí. Sử liệu cho hay, An Tiêm là một trong những địa chỉ nghề rèn lâu đời nhất trong cả nước, với tuổi đời hơn 731 năm.


Những năm 70 của thế kỷ trước, trường cấp 3 Tây Thụy Anh của tôi được dựng lên tại làng Bái Thượng thuộc xã Thụy Phúc. Thời khốn khó ấy, ăn còn bữa no bữa đói thành ra đám học trò trường huyện chúng tôi chả dám nằm mơ giữa trưa mà ước rằng có được cái xe đạp để đi học. 

Vậy nên, suốt ba năm trời, tôi buộc phải kiên nhẫn ngày hai buổi (có khi là ba buổi) nhọc nhằn chân đất cuốc bộ tới trường bằng con đường tắt dài 5km bắt đầu từ làng Gang qua xã Thụy Chính rồi thì làng An Tiêm thuộc xã Thụy Dân (Thái Thụy - Thái Bình) và một cánh đồng thẳng cánh cò bay của họ.

Ngày tôi còn là cậu học sinh trường huyện ấy, làng An Tiêm quanh năm sớm tối nhộn nhịp tưng bừng với những tiếng “cục…cạc” của tiếng búa tiếng đe rộn ràng, náo nhiệt còn hơn cả một nhà máy cơ khí “siêu to khổng lồ”. Thích thú với những tiếng “cục…cạc” đầy đặc trưng ấy, đám học trò chúng tôi “khai sinh” cho An Tiêm một tên gọi khác: “làng cục…cạc”.

Gọi là “làng cục…cạc” vì khởi thủy ngành nghề truyền thống của An Tiêm là nghề rèn với những đe và búa; với những sắt thép cùng than hồng rực lửa; với những tiếng mài dũa, cắt gọt kim khí. Sử liệu cho hay, An Tiêm là một trong những địa chỉ nghề rèn lâu đời nhất trong cả nước, với tuổi đời hơn 731 năm.

Hội thi tay nghề rèn hằng năm của người dân làng An Tiêm.

Lật lại những trang sử cũ thấy người xưa chép rằng, nghề rèn làng An Tiêm có từ trước năm 1288. Rồi khi Hưng Đạo Đại Vương lập doanh trại ở làng Cao Dương (nay là xã Thụy Hồng - Thái Thụy – Thái Bình) để sản xuất, tu sửa vũ khí cho quân đội đánh giặc Nguyên Mông. 

Nhằm thực hiện được việc trên, Hưng Đạo Đại Vương đã cho mở lò rèn. Thế là, bốn trong số năm người thợ cả chủ công của làng An Tiêm đã được gọi tới làng Cao Dương nói trên để mở bễ lò rèn phục vụ công cuộc chống giặc ngoại xâm của triều Trần.

Sau chiến thắng quân Nguyên Mông, ghi nhận sự đóng góp to lớn của nghề rèn và để ban thưởng cho tinh thần ái quốc của những người thợ rèn làng An Tiêm, đức vua anh minh Trần Nhân Tông đã phong sắc cho 5 người thợ cả tay rèn trứ danh ấy là “Ngũ vị sư tổ nghề rèn”. Kể từ đó nghề rèn làng An Tiêm phát triển, tồn tại cho đến tận thời 4.0 này.

Ngôi đình cổ kính làng An Tiêm được xây dựng vào năm 1830, trùng tu vào năm 1895 - năm  Thành Thái thứ 7 trên cơ sở tôn tạo nền đình cũ. Nơi đây không chỉ là chốn thờ phụng các bậc thành hoàng làng là những vị thần có công với nước với dân mà còn phối thờ 5 vị tổ sư nghề rèn được đức vua Trần Nhân Tông phong thưởng.

Để giữ lửa nghề rèn, hằng năm vào ngày 14,15, 16 tháng 3 âm lịch, ngày mở hội đình làng, người dân An Tiêm lại tổ chức Hội thi nghề rèn truyền thống. Hội thi không chỉ là dịp để các thợ rèn trong làng tri ân tưởng nhớ “Ngũ vị tổ sư nghề rèn” - những người đã có công tạo dựng nghề rèn ở An Tiêm, mà còn là dịp để người thợ rèn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cổ động phát triển nghề rèn truyền thống của người dân làng An Tiêm trước mắt cũng như lâu dài.

Các sản phẩm làm ra có “thương hiệu” mà một thời, nghề rèn An Tiêm từng thời thăng hoa đầy vàng son. Ngày đó, “trăm hoa đua nở”, nhà nhà lập bễ; người người đua nhau dốc sức quai búa và “trôi” các loại nông cụ cùng đủ loại đồ dùng sinh hoạt mong làm hài lòng muôn người tiêu dùng để có cơ hội làm giàu cho mình, và duy trì được nghề tổ.

Dạo đó, trừ những khi vào vụ thu hoạch, cấy hái,… còn không thì quanh năm ở An Tiêm bếp lò rèn liên tục thi nhau bền bỉ miệt mài đỏ lửa. Cả làng ngợp trong cái không gian đặc trưng đầy sinh động, náo hoạt bởi những tiếng lửa reo vui từ những bếp than hồng; bởi cái âm thanh phì phò khoan thai từ tốn bổng trầm của những ống bễ thổi lửa; của những tiếng nổ lép bép và những tia lửa hồng bắn ra từ lò than; âm vang những tiếng đe, tiếng búa hì hục chạm vào nhau lúc nhanh khi chậm; của những âm thanh mài dũa, cắt gọt từ lúc chỉ là những thanh sắt thô thiển cho tới khi mang hình hài của những chiếc liềm, con dao, cây kéo,.v.v…giữa một làng quê thuần phác, thanh bình như trong cổ tích.

Chỉ là những người nông dân thuần khiết chân lấm tay bùn, ấy thế nhưng khi ngồi trước lò biến những cục sắt vô tri vô giác trở thành những công cụ lao động có hồn, có vía, người làng An Tiêm trở thành những người thợ kim khí vô cùng chuyên nghiệp. Ngày chưa xa ấy, người An Tiêm đâu chỉ hành nghề trong cái làng bé nhỏ chật hẹp của mình mà họ còn chia nhau đi “kiếm cơm” trên “từng cây số” của miền quê Sơn Nam Hạ Thái Bình, thậm chí là cả các địa phương lân cận.

Đã tưởng những tháng năm hoàng kim ấy của người An Tiêm sẽ nối dài sự hưng thịnh mãi mãi để những lò rèn quanh năm đỏ rực nghìn độ lửa biến sắt thép thành dao, thành liềm,… giúp người nông dân “ăn nên, làm ra” nào ngờ, bỗng một lúc nọ, hàng loạt những lò than hồng thi nhau nguội dần, nguội dần rồi tắt ngấm. Đó là cái lúc giao thời chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường.

Đất nước mở cửa, cơ hội cho hàng nước ngoài tràn vào kích thích cái tâm lý “đám đông” sính hàng ngoại khiến cho những “con dân” của “Ngũ vị sư tổ nghề rèn” làng An Tiêm rơi vào thảm cảnh khóc cũng không xong mà cười cũng chẳng thể, bởi tốn không biết bao mồ hôi, trí lực mới có thể làm ra cây liềm, con dao,… nhưng rồi không thể bán được. Ấy là thời điểm làng rơi vào cảnh thanh bình đến đáng sợ. Không thể sống được với nghề, hàng loạt những tay thợ rèn “cao thủ” của An Tiêm đâm bất mãn, phá bỏ bễ lò xoay tìm nghề khác mưu sinh.

Nhưng rồi vì không muốn mắc lỗi với tổ nghề và muốn được tiếp tục khẳng định giá trị hữu cơ, giá trị tinh thần của làng nghề, một bộ phận không nhỏ người làng An Tiêm đã vịn vào nhau mà đứng dậy. Và điều đầu tiên mà người An Tiêm nghĩ đến: muốn tồn tại và phát triển thì trước hết phải biết tự đổi mới tư duy của bản thân!

Chia sẻ về những ngày tự “làm mới mình” ấy, ông Phạm Ngọc Trìu cho hay, muốn cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, những người thợ rèn An Tiêm buộc phải đưa những tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đồng thời dứt khoát tạm biệt phương thức sản xuất thủ công truyền thống bằng hình thức cơ khí hóa làng nghề. Nay thì ở An Tiêm đã có gần 60 cơ sở làm rèn được trang bị máy cán thép, máy cắt gọt kim loại, máy búa,… sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn và phát triển thị trường tiêu thụ.

Nếu như trước đây, với phương thức thủ công một ngày mỗi tổ thợ chỉ làm được 20 con dao đã là đạt năng suất “khủng”, nhưng nay nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chỉ trong một ngày người ta cắt được 200 con dao. Say chuyện, anh Anh Phạm Văn Quyền vui vẻ tiết lộ: “Làm nghề rèn bây giờ không còn sợ chết đói nữa rồi. Vì chúng tôi đã có thu nhập rất ổn định.  Nhờ có “cái anh 4. 0” mà mỗi ngày, mèng ra, chúng tôi cũng được từ 300 - 500 nghìn đồng. Người An Tiêm không còn nỡ ngoảnh mặt đi với nghề mà tiên tổ truyền lại nữa rồi bởi nghề đã nuôi sống người thật rồi!".

Ông Quang - một chủ xưởng rèn cho chúng tôi biết: Mỗi con dao có giá trung bình khoảng 30 ngàn đồng, tính ra doanh thu mỗi tháng lên đến cả tỷ đồng. Đặc biệt, từ lâu, sản phẩm của ông Quang đã được người tiêu dùng nước Đức - một trong những thị trường khó tính nhất nhì thế giới - chấp nhận. Nhờ đó, đều đặn mỗi tháng gia đình ông Quang xuất xưởng sang thị trường Đức hơn 4.000 sản phẩm gồm đủ các loại dao. “Trung bình tháng nào tôi cũng bán được gần 300 triệu đồng tiền dao sang bên Đức anh ạ!” - ông Quang khiêm nhường bộc bạch.

Sau cái cười hiền, người đàn ông thuần phác thế hệ 7x ấy bảo, thôi nhà báo chịu khó chờ cho tới tháng 3 Canh Tý khi hoa xoan nở tím biếc trời đất, làng An Tiêm mở hội đình và tổ chức thi tay nghề rèn, lúc đó gặp nhau sẽ “sướng” hơn. À phải, hội đình làng An Tiêm năm tới, nhất định tôi sẽ có mặt để được nghe câu hát truyền tụng muôn thưở nay, rằng: “Chẳng tham ao gỗ cá bè / Chỉ tham cái búa cái đe thợ rèn” vút lên phơi phới trong tiếng sấm tháng 3 và khi cầu vồng bảy sắc hiện ra sau cơn mưa đầu Hạ báo hiệu những mùa vàng phồn thực, viên mãn.

Lê Công Hội
.
.