Làng cổ bên sông Bái Giang

Thứ Bảy, 07/12/2019, 07:48
Hàng trăm năm trước sông Bái Giang là nhánh của sông Đuống. Vùng quanh sông, phù sa được bồi đắp thành những cù lao và bờ bãi nương dâu xanh biếc. Cù lao lớn nhất bên sông Bái Giang đã trở thành làng Đại Bái (Gia Bình-Bắc Ninh) ngày nay. Nơi có chiếc giếng cổ còn in dấu gót chân Thánh Gióng. Những bã trầu của Ngài bỏ lại làm nước giếng lúc nào cũng vời vợi màu son. Xưa, dân làng Bái vẫn xin nước giếng thần về cúng, cầu lộc cầu tài...


Em về làng Bưởi buôn đồng

Phải chăng nhờ cúng nước giếng thần mà dân làng Bưởi (tên nôm làng Đại Bái) nhanh chóng ăn nên làm ra nhờ nghề buôn bán đồng nát và đúc nồi, làm mâm. Có thể nói, Đại Bái là nơi hình thành nghề buôn đồng nát sớm nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ. 

Từ đây nghề đúc đồng ra đời cũng sớm nhất nước ta. Nếu tính về lịch sử từ khi làng được Tiền sư Nguyễn Công Truyền dạy nghề năm 1018, đến nay cũng đã hơn ngàn năm. Đây chính là làng tổ nghề đúc đồng ở nước ta. Cả vùng Kinh Bắc này đâu đâu cũng truyền những câu ca dao xưa: “Muốn ăn cơm trắng cá trôi. Thì về làng Bưởi buôn nồi với anh. Muốn ăn cơm trắng cá ngần. Thì về làng Bưởi cầm cân buôn đồng”.

Điều đặc biệt ở làng đúc đồng Đại Bái có sự phân công chuyên môn hóa rất sớm. Tiền sư Nguyễn Công Truyền đã thành lập các phường sản xuất riêng từng mặt hàng như: Phường chuyên gò nồi đồng, phường làm mâm, làm ấm; hay còn có phường làm chậu thau, phường làm việc rút dây đồng làm hàng bạc. Trong đó có phường chuyên mua bán để cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm do dân làng làm ra. Mỗi phường thường tập trung vào một xóm để tiện việc tổ chức sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.

Một tài hoa trẻ ở làng Đại Bái.

Nếp làm ăn ấy đã làm cho dân làng Bái sớm hình thành tư duy kinh doanh rạch ròi và biết tôn trọng nhau. Tới nay Đại Bái công việc xóm nào ra xóm nấy không chồng chéo. Phố hình thành trong làng lúc nào cũng sáng choang ánh đồng. Thú nhất là trên làng có tượng Phật Di Lặc lớn ngồi cười hể hả giữa đường ở xóm Ngoài. 

Có dịp vào xưởng sản xuất của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Lục (65 tuổi) ở xóm Sôn, chúng tôi mới hay giờ Đại Bái nghề đúc đồng đã khác xưa nhiều lắm. Nhất là những mặt hàng mỹ nghệ đồng phát triển mạnh mẽ. Gia đình ông đang hoàn thành một đơn đặt hàng khá lớn. Đó là những chiếc bình cao 1,6m được bày trong đình. Các thợ trẻ đang triển khai khâu chạm khắc “Ngũ khí” tô điểm các hình được đúc trên bình.

Đó là những bức tranh bốn mùa được thể hiện nghệ thuật chạm vàng, đồng đen, bạc, đồng xanh trên nền đồng đỏ. Người thợ được coi là họa sĩ vẽ bằng đục và màu sắc của họ là những cánh hoa ngũ sắc được chạm khắc trên nền tranh bằng đồng. Đó là những “Bàn tay vàng” đúng nghĩa với những giá trị nghệ thuật trên sản phẩm đúc đồng. Nghệ nhân cho biết cặp bình sau khi hoàn thành có giá trị 400 triệu đồng bán ra thị trường.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Lục, phố Hàng Đồng (quận Hoàn Kiếm) chính là do người làng Đại Bái và làng Nôm (Hưng Yên) lập nên từ khi mới hình thành 36 phố phường Hà thành xưa. Riêng trong làng Đại Bái hiện có 70 doanh nghiệp với tổng số gần 1.800 lao động chuyên làm các mặt hàng gò đúc và các sản phẩm mỹ nghệ đồng.

Phố trong làng kéo dài hơn 2 cây số với hàng trăm cửa hàng lớn tạo nên trung tâm buôn bán hàng đồng lớn nhất nước ta hiện nay. Giờ đây không ít người làng đi mở xưởng đúc làm ăn ở các tỉnh thành các vùng miền. Nhưng bao giờ cũng vậy, đến ngày hội làng là hầu như ai cũng về dâng hương và cầu tài, cầu lộc. Họ luôn luôn nhớ tới tháng Tư rằng: “Mồng bảy hội Khám, mùng tám hội Dâu. Mùng mười hội Bưởi không đâu vui bằng”

Alađanh và những cây đèn

Một trong những người lang bạt xa quê làm ăn đó là nghệ nhân họa sĩ Ngọc Hùng (52 tuổi). Chúng tôi gặp anh đúng phiên chợ Đại Bái. Ngọc Hùng là người say mê làm nhiều vật dụng bọc đồng như điếu, đèn, ấm, đĩa, bát… Đặc biệt là điếu bằng sứ, gỗ, tre, thủy tinh hay dừa đều được anh chế tác bọc đồng thật tinh xảo. Sau đó là mặt hàng đèn cũng hết sức đa dạng.

Họa sĩ Ngọc Hùng có biệt tài biến tất cả những vật liệu phế thải thành những cây đèn được bọc đồng rất quái dị. Anh làm những cái đèn dầu khá lớn cao chiếu sáng như một cây đèn biển vậy. Riêng quả điếu bát của anh được trám đồng cao gần một mét. Anh không coi đó chỉ là vật dụng mà còn là những tác phẩm nghệ thuật. Có thời anh say mê làm điếu bọc đồng nhiều đến mức chất đầy cả một gian nhà.

Nhưng sau đó duyên cớ anh chuyển sang làm đèn dầu bằng đồng chỉ vì một lần xem tranh của Bùi Xuân Phái. Đó là bức tranh tĩnh vật làm anh gợi nhớ đến làng quê Đại Bái trong đường đời tha hương làm ăn. Sau bao năm làm hết công việc này đến công việc khác bằng tay nghề chạm khắc tranh đồng. Anh còn là một thợ thúc chữ đồng rất thành thạo nhưng rồi cái đèn trong bức tranh quê kia làm anh đau đáu nỗi niềm muốn trả món nợ của làng nghề đã đào tạo nên mình.

Thế là đã hơn mười năm nay anh tập trung vào làm đèn. Đó là một thế giới sáng tạo bất ngờ đối với một họa sĩ như anh. Có thể coi đó là những cây đèn thần trong câu chuyện nổi tiếng thế giới “Ngàn lẻ một đêm”. Mỗi cây đèn của Ngọc Hùng là câu chuyện của một đêm.

Từ hàng trăm mẫu đèn bày ra trước mắt chúng tôi trên gian trưng bày trên sàn gỗ nhà anh. Có những cây đèn cao thủy tinh được bọc đồng trông rất cổ kính và có sức chiếu sáng xa. Họa sĩ Ngọc Hùng mở từng bộ phận rồi nói việc mình vận dụng kiến thức khí động học như thế nào để ngọn lửa sáng nhất, ít tốn dầu và không có muội đọng lại. Sau đó chúng tôi còn được xem chiếc đèn hình hoa sen tạo bởi những cánh hoa được gò bằng đồng rất tinh xảo.

Anh kể, có lần nhớ đến những kỷ niệm ở quê hương khi giúp mẹ thắp đèn soi sáng trên bàn thờ trước khi đốt hương lễ. Ngọn lửa trong chiếc đèn ám khói đầy trên nóc bàn thờ phả mùi khét lẹt. Ngọn đèn dầu nhỏ bé như đánh thức tiềm ẩn khám phá trong anh. Thế là từ đó cùng cây đèn gợi cảm từ bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái anh chế tác những cây đèn nhỏ bằng đồng.

Tranh đồng: “Vinh quy bái tổ”.

Theo họa sĩ nói, cho dù đèn điện đã phát triển mạnh mẽ nhưng khắp các vùng miền thôn quê đều dùng đèn dầu trên bàn thờ. Ngay ở các đền chùa đều chỉ dùng đèn dầu thắp hương cúng lễ. Từ đó anh hướng tới khách hàng của mình. Hàng ngàn chiếc đèn dầu bằng đồng ra đời. Quả nhiên khách hàng tìm đến. Bên cạnh đó, những chiếc đèn dầu bằng sứ hay thủy tinh được bọc đồng cũng làm cho khách có thêm sự lựa chọn. Trước mắt chúng tôi là những thùng hàng đèn dầu mang thương hiệu “Hungden” chuẩn bị lên đường.

Bản nhạc đồng quê

Chúng tôi đến gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Điền (60 tuổi), một danh hiệu “Tinh hoa đất Việt” của làng Đại Bái. Ông là người đầu tiên gò tranh dân gian Đông Hồ lên đồng. Nếu xem tranh của ông, ta có thể thấy những được nét thúc tranh rất gọn gàng và thanh thoát không kém gì tranh trên giấy điệp quen thuộc. Thúc tranh đồng đòi hỏi bàn tay khéo léo khi dùng đục và búa gò. Không những thế, nghệ nhân cần nắm vững những kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật tạo hình. Đó là một khả năng thúc ngược (đối chiều) những lá đồng tạo độ chìm nổi khác nhau để nổi bật hình tượng trên tranh. Nét mộc bản nổi để in tranh Đông Hồ được hiện lên tinh tế qua bàn tay nghệ thuật của một họa sĩ đích thực.

Không những thế, nghệ nhân Nguyễn Văn Điền còn nổi tiếng ở những tác phẩm tranh đồng cổ mang những tích chuyện và ý nghĩa nhân sinh. Hàng loạt tranh của ông được trưng bày như một phòng triển lãm vậy. Nào “Vinh quy bái tổ”, “Anh hùng tương ngộ”, “Mã đáo thành công”, hay “Phu thê viên mãn”, “Mừng thọ ông bà” 

Dãy cuối cùng của làng là một cửa hàng bán chuông đồng. Nghệ nhân Nguyễn Văn Lục giải thích đúc chuông bao giờ cũng là một thử thách đầy cam go đối với bất cứ người thợ đúc nào. Bởi gọi được tiếng chuông không dễ. Cái khó ngay từ bắt đầu làm khuôn sao cho thành chuông đều nhau nhưng phải tỉ lệ thích hợp với độ dày của đỉnh chuông để tạo âm thanh trong ấm và có độ ngân dài.

Trong ráng chiều mộng mị, một làn gió từ sông Bái Giang tràn về làm rung những chiếc chuông và những chiếc cồng bên xóm giữa làm xôn xao thanh âm khi va vào nhau. Tiếng chuông thanh ngân hòa trong tiếng cồng trầm ấm. Một bản nhạc êm đềm trôi trong hoàng hôn ửng hồng.

Vương Tâm
.
.