Làng Vân mở hội... vật cầu
Người xưa có câu "Muốn ướt đi bơi, tả tơi đi hội", với những ai tham dự lễ hội vật cầu bùn làng Vân (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) diễn ra từ ngày 10 đến 12/5 vừa qua không chỉ bị ướt, bị "tả tơi" mà còn được khám phá một nghi lễ cực kỳ độc đáo của cư dân lúa nước.
Nghi lễ linh thiêng
Những trai đinh khỏe mạnh, vạm vỡ đóng khố cởi trần hào hứng lao vào để luồn lách tranh cướp một quả cầu bằng gỗ, đường kính khoảng 40cm rồi tìm cách đẩy vào hố ở phần sân đối phương. Một không khí sôi động, náo nức đã đi vào ca dao bao đời này rằng: "Làng ta mở hội cướp cầu/ Cầu cho lúa tốt sai cau/ Cầu cho làng xóm trước sau thuận hòa/ Cầu cho lúa tốt bông hoa/ Cầu cho trai gái trẻ già bình an".
Thật khó có ngôn ngữ, hình ảnh nào lột tả hết sự kỳ diệu, độc đáo của lễ hội vật cầu bùn làng Vân. Bởi vậy mà mỗi khi làng mở hội, hàng trăm du khách, những tay máy ảnh, phóng viên chẳng hẹn mà nườm nượp đổ tới đây đua tài, "khoe" máy, có người từng ví đây là như một "Lễ hội ống kính". Để nói về sự độc đáo của lễ hội, các cụ đời trước "họa" rằng: "Khánh hạ làng Vân hội vật cầu/ Khắp vùng Kinh Bắc chẳng có đâu/ Quan quân gắng sức giành cho được/ Sân chơi bùn nước họa một màu".
Thời tiết những ngày lễ hội năm nay vô cùng oi bức, nhưng không khí các trận cầu còn căng thẳng và "nóng" hơn rất nhiều. Tuy nhiên điều này không làm vơi nhụt ý chí, niềm tin và cả sự phấn khích của các "quân cầu" cùng đông ngjịt khán giả, bởi hàng trăm năm nay, người dân luôn tin vào một sự linh thiêng, huyền bí đằng sau hội vật cầu bùn. Để chứng minh cho điều kỳ diệu đó, ông Nguyễn Trung Quang (63 tuổi) - một người dân tại đây khẳng định, năm nào cũng vậy, khi lễ hội kết thúc kiểu gì trời cũng đổ mưa, tắm mát cho vạn vật.
Một pha tranh cầu quyết liệt. |
Trong ba ngày diễn ra hội vật, mọi nhà ngưng lao động, sản xuất, tất cả tập trung trước cửa Đền Chính (nơi thờ Đức thánh Tam Giang là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy). Ông Diêm Đình Lũy, Trưởng ban khánh tiết đền cho biết: Hội vật của làng không chỉ đơn thuần là trò chơi thể thao, sâu xa hơn đây chính là một tín ngưỡng truyền thống khá linh thiêng. Do vậy, việc tuyển chọn quân cầu chơi trong dịp này rất khắt khe.
Trước ngày cướp cầu, các thành viên trong ban khánh tiết đến tận nhà tuyển chọn người tham gia hội vật, đó là những trai đinh khỏe mạnh, vạm vỡ, phải là người đủ đức, nhiều tài và không có "bụi". Những trai đinh này phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của lệ làng, trong vòng một tuần trước khi diễn ra thi đấu các trận cầu họ không được ngủ với vợ, kiêng kỵ tuyệt đối không được ăn thịt chó, giết mổ động vật và phải tắm rửa sạch sẽ trước khi tham gia chơi vật…
Cũng theo ông Lũy, truyền thuyết kể rằng, vào thời kỳ giặc Lương xang xâm lược nước ta, Triệu Quang Phục đã cho mời bốn anh em nhà họ Trương (Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy) ra giúp sức, trên đường đi bốn anh em ngài gặp một bầy quỷ dạ xoa chặn đường và bắt anh em ngài phải vật cầu với chúng giữa bãi sình lầy, nếu thắng mới cho đi và cuối cùng anh em ngài đã thắng lũ quỷ. Cả bốn anh em đã tập hợp lực lượng theo Triệu Quang Phục đánh giặc và lập nhiều chiến công hiển hách, đuổi giặc Lương ra khỏi bờ cõi.
Sau khi cướp ngôi của Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử đã cho mời anh em họ Trương ra làm quan. Anh em ngài đã cự tuyệt và tuẫn tiết xuống sông Cầu để tỏ lòng tận trung không thờ hai chúa… Cảm phục trước công lao và khí tiết của anh em ngài, các triều đại phong kiến sau này ban sắc cho các làng dọc sông Cầu tôn thờ các ngài làm thành hoàng với mỹ hiệu: Đức Thánh Tam Giang. Hàng năm để tưởng nhớ công lao và ôn lại tích xưa, nhân dân làng Vân tổ chức hội đền và không thể thiếu trò vật cầu nước (còn gọi là hội Khánh Hạ) với ý nghĩa mừng chiến thắng. Đây còn là trò chơi mang nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Quả cầu tượng trưng cho mặt trời, cướp cầu cũng có nghĩa là cướp được năng lượng mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai tươi tốt.
Cuộc đấu quyết liệt
Nắng tháng năm "đốt" cháy da người, trong tiếng trống, chiêng giục giã, tiếng hò reo vang rộn của khán giả, các "quân cầu" lần lượt thực hiện các nghi thức tế Đức Thánh Tam Giang, mỗi người uống ba lưng bát rượu, ăn dưa hấu và xuống sân ra mắt khán giả. 16 "quân cầu" xếp thành 4 hàng, hai bàn tay đan vào nhau đặt trước bụng, rồi giơ lên ngang tầm mắt, đặt ở trước trán, cúi sát đất, quỳ gối, phủ phục lễ thánh. Sau đó chuyển thành vòng tròn, tay trái giữ bụng, tay phải giơ cao đi vòng quanh sân cầu 5 lần vừa đi vừa hô "hí hạ, hứ hẹ", tỏ rõ sự vui mừng phấn khởi, tinh thần thượng võ. Khi ông chủ tế vừa gieo cầu xuống sân, cũng là lúc trai hai giáp trong bộ dạng cởi trần đóng khố nhảy ào vào tranh cướp cầu giữa bùn đất lấm lem, ai cũng quyết giành vận may. Cứ như vậy họ tranh tài quyết liệt trong vòng 3 ngày, mỗi ngày "đánh" 1 trận, mỗi trận 2 giờ đồng hồ.
Trận đấu nhìn từ trên cao. |
Người làng Vân ai cũng nằm lòng câu ca: "Hội lệ tứ nguyệt, tiên giao diệt, hậu đả cầu" (Hội làng tháng tư, trước là đấu vật, sau là đánh cầu). Các cụ cao niên làng Vân kể, vật cầu bùn có từ lâu đời nhưng một thời gian dài trước đây bị gián đoạn do chiến tranh. Sau hòa bình thống nhất đất nước, trò chơi này được khôi phục lại nhưng cũng "kim nhật kim thì" và không thường xuyên.
Từ năm 2002 đến nay, chiếu theo lệ làng, cứ 4 năm sẽ tổ chức vật cầu một lần, năm nào làng có công to việc lớn, làm ăn gặp thắng lợi, điển hình như năm 2014 này, nhân việc khánh thành đình làng Vân với kinh phí hơn 6 tỷ đồng nên dù chưa đủ 4 năm nhưng làng vẫn cho tổ chức hội vật cầu. Trước mỗi trận cầu, làng tuyển các chị em nết na, hiền thục ra sông Cầu gánh nước đổ vào sân cầu cho ướt mặt sân. Đồ gánh phải là đòn gánh cong, quang song và gánh bằng hai chĩnh gốm Thổ Hà xưa.
Theo ông chủ tế (người điều kiển các "quân cầu"), mặc dù quyết liệt là vậy nhưng để đúng nghĩa đây là trò chơi mang tính cầu mùa, cầu hòa thuận nên ban tổ chức đã quán triệt các "quân cầu" không được xích mích, va chạm thái quá. Trận đấu càng lúc càng hay, cầu rơi xuống đất thì lập tức các "quân cầu" xúm đến bốc dựng lên đỉnh đầu, và cứ như thế cuộc giằng co mỗi lúc một hào hứng. Không ít khán giả cuồng nhiệt nhảy cả vào sân cầu để được đằm mình trong vũng bùn bốc mùi khai khái, nhão nhoét. Lại có những tay máy ảnh sẵn sàng xả thân cho nghệ thuật, trong lúc thăng hoa, nhiều người quên cả "xót ruột", đằm cả người lẫn máy xuống sân đầy bùn đất.
Một điều mà bao đời nay người làng Vân vẫn duy trì được là trước khi các trận cầu diễn ra một tuần, các bô lão trong làng sẽ tổ chức cho các trai đinh tập luyện "chiến thuật" một cách bí mật, dạy cho các "quân cầu" cách đi đứng, cách để tay, cách ngồi, cách chơi cầu - thể hiện cách "bày binh bố trận" của Đức thánh Tam Giang khi chiến đấu với lũ quỷ. Đặc biệt hơn, các trai đinh tham gia đánh cầu kể rằng, mặc dù toàn thân, mặt mũi bám đầy bùn đất nhưng bao đời nay chưa ai bị đau mắt. Quả cầu sau khi thấm nước nặng hơn chục kg nhưng chưa khi nào rơi trúng chân người chơi.
Sau mỗi trận đánh quần quật như vậy, không những không ai bị ốm mà họ càng cảm thấy thêm phấn chấn. Khán giả đứng xem trên bờ cũng bị bùn vấy bẩn hết người, nhưng tất cả đều vui vẻ, xem đó là một điềm may mắn của mình. Kết thúc trận đấu, đội nào đưa được càng nhiều cầu vào lỗ cầu của đội mình là thắng cuộc và được nhận phần thưởng. Theo quan niệm của người dân thì giáp nào có đội thắng cuộc sẽ gặp được nhiều may mắn, bình an, làm ăn phát đạt, giàu sang, thịnh vượng