Làm phim về các nhân vật có thật: Lối đi không ít gập ghềnh

Thứ Năm, 01/10/2020, 15:25
Làm phim về các nhân vật có thật đang trở thành một xu hướng mới, là sự lựa chọn dũng cảm của những người làm phim Việt, bởi để có được thành công là không ít gian nan.


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, các nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng... cùng một số người nổi tiếng khác đều đang là nhân vật chính của một số dự án phim điện ảnh đang trong quá trình hoàn thiện. Làm phim về các nhân vật có thật đang trở thành một xu hướng mới, là sự lựa chọn dũng cảm của những người làm phim Việt, bởi để có được thành công là không ít gian nan.

Cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. 

Với nghệ thuật thứ 7, khán giả từng thưởng thức bộ phim được làm về ông "Em còn nhớ hay em đã quên". Tuy nhiên, những câu chuyện cuộc đời, những "bóng hồng" đã ngang qua cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa hay nguồn gốc của những sáng tác trứ danh... vẫn luôn là những điều hấp dẫn các đạo diễn tìm tòi, khai thác. 

"Em và Trịnh" là một dự án phim mới về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và Nguyễn Quang Dũng đang được thực hiện, dự kiến sẽ ra mắt ngày 1-4-2021, đúng kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bộ phim thuộc thể loại tình cảm với mong muốn giúp khán giả hiểu hơn về mối tình của chàng nhạc sĩ trẻ họ Trịnh và cô gái người Nhật ở những năm 70 - 80 của thế kỷ trước.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (bên phải) và tạo hình nhân vật trong phim “Em và Trịnh”.

Sau sự thành công của bộ phim có đề tài chiến tranh chống Mỹ "Truyền thuyết về Quán Tiên", đạo diễn Đinh Tuấn Vũ bắt tay vào thực hiện bộ phim "Viên đạn cuối cùng". 

Bộ phim đưa một nhân vật nổi tiếng có thật lên màn ảnh rộng là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - người được mệnh danh là "xạ thủ số 1 Việt Nam" nhờ thành tích 2 lần liên tiếp giành chức vô dịch đấu trường châu lục và thế giới, trở thành người đầu tiên mang về những chiến tích đáng tự hào cho các xạ thủ bắn súng của Việt Nam. 

Ban đầu, phim có tựa đề "Sao vàng trên ngực áo" nhưng sau đổi tên thành "Viên đạn cuối cùng" bởi tại Thế vận hội năm 2016, nhờ phát bắn cuối cùng, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã mang về vinh quang cao nhất từ trước đến nay cho thể thao nước nhà. Bộ phim là dự án điện ảnh hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc với kinh phí đầu tư thuộc hàng "khủng". 

Theo đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, dù là bộ phim về nhân vật có thật nhưng bên cạnh những sự kiện quan trọng của cuộc đời nhân vật thì bộ phim vẫn có sự hư cấu nhất định. Tuy nhiên, mọi yếu tố hư cấu đều được xây dựng trên cơ sở tôn trọng sự thật. Những góc khuất ít người biết phía sau thành tích xuất sắc và những tấm huy chương. "Viên đạn cuối cùng" được bấm máy trong năm 2020 và dự kiến ra mắt trong năm 2021.

Cũng đang trong quá trình gấp rút chạy đua cùng thời gian là dự án phim "Trưng Vương" của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh. Sau thời gian dài trì hoãn vì dịch bệnh, Trương Ngọc Ánh và ê kíp mở casting cho dự án đã được ấp ủ suốt 4 năm qua. 

Phim kể về 7 nữ tướng thời Hai Bà Trưng với tài năng và những câu chuyện đặc biệt gắn liền với họ. Câu chuyện chính của phim Trưng Vương là câu chuyện về 2 vị vua bà đầu tiên của Việt Nam. Việc tìm kiếm các gương mặt diễn viên để đảm nhận 7 nữ tướng trong phim không hề đơn giản. 

Việc casting diễn viên cho phim “Trưng Vương” được tiến hành kỹ lưỡng.

Phim "Trưng Vương" thông báo tìm kiếm nam và nữ diễn viên từ độ tuổi 15 đến 50, các bé từ 5 đến 8 tuổi. Người tham gia thử vai phải chụp ảnh các thế võ, quay video nhân vật họ muốn đóng và tự sáng tạo câu thoại, tình huống cho nhân vật đó.

Vì nhân vật trong phim đều là những nhân vật có thật ngoài đời nên ngay từ khâu chọn diễn viên, các nhà làm phim đã gặp phải không ít khó khăn. Ê kíp thực hiện phim "Em và Trịnh" cũng đã đau đầu trong quá trình tìm diễn viên đủ sức hóa thân thành nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các "bóng hồng" trong cuộc đời ông. 

Ngoài việc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một ngoại hình với những nét đặc trưng riêng thì để toát lên được vẻ nhẹ nhàng, thâm trầm, tài hoa của người nhạc sĩ gốc Huế này là điều không dễ. 

Phim khai thác nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở hai giai đoạn. Giai đoạn trẻ, yêu cầu diễn viên ở tầm tuổi từ 19 đến 25, người gầy dong dỏng, nói giọng Huế hoặc có thể học nói được giọng Huế. Ngoài ra, ứng viên sẽ có lợi thế nếu biết hát, chơi guitar, nói tiếng Pháp... Ở giai đoạn 19 tuổi, nam diễn viên được yêu cầu thể hiện được hình ảnh chàng thanh niên xứ Huế với tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn, nhút nhát, nhã nhặn, yêu cái đẹp. 

Nhân vật Trịnh Công Sơn ở độ tuổi 45 đòi hỏi diễn viên phải thể hiện được chân dung nhạc sĩ lịch lãm, trầm tư và đầy cô đơn, chiêm nghiệm sau nhiều biến cố của cuộc đời. 

Mới đây, nhà sản xuất Galaxy M&E thông tin đoàn làm phim tìm được hai diễn viên thể hiện nhân vật Trịnh Công Sơn qua giai đoạn 19 tuổi và 45 tuổi. Ngoài nhân vật chính Trịnh Công Sơn thì tìm kiếm những diễn viên nữ hóa thân thành những người phụ nữ trong cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là điều khiến đoàn làm phim đau đầu. 

Chia sẻ trên báo chí, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng, tìm được diễn viên có ngoại hình giống với nhân vật nữ biết diễn xuất và lột tả được tính cách nhân vật là điều không hề dễ dàng.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cùng ê kíp của mình cũng đã mất nhiều công sức trong quá trình casting vai xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Là một dự án phim lớn nên đoàn làm phim nhận được khá nhiều đề xuất xin thử vai cho nhân vật chính.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ mong muốn tìm được một gương mặt toát lên được khí chất và phong thái của một vận động viên hàng đầu châu lục và chạm được tới đỉnh vinh quang của thể thao thế giới. Để hóa thân vào vai diễn này thì quan trọng nhất là thần thái. Khác với các môn thể thao khác, sự quyết tâm, tinh thần tập luyện có thể được thể hiện thông qua hoạt động. Nhưng với bắn súng thì mọi điều ấy đều diễn ra trong im lặng, chỉ có thể cảm nhận được ánh mắt, thần thái gương mặt. 

Nhan Phúc Vinh sẽ vào vai xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Cuối cùng, diễn viên Nhan Phúc Vinh được chọn vào vai xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Bên cạnh gương mặt nam tính, phong thái điềm đạm thì ngoại hình và thể lực của một người từng làm giáo viên dạy thể chất đã khiến nam diễn viên này vượt qua được các đối thủ khác.

Làm phim về các nhân vật nổi tiếng có thật không phải là điều hiếm gặp với điện ảnh thế giới. Nếu không muốn nói, đây còn là thế mạnh, là "mỏ vàng" mà nhiều nhà sản xuất phim tên tuổi trên thế giới khai thác và có được không ít thành công. 

Điện ảnh Việt Nam cũng đã ghi nhận một số bộ phim làm về các nhân vật có thật trong lịch sử như "Tây Sơn hào kiệt", "Long thành cầm giả ca", "Ván bài lật ngửa", "Người đẹp Tây Đô"... Gần đây, một số nhân vật trong giới giải trí cũng trở thành đối tượng khai thác của một số bộ phim như "Vòng eo 56" (phim về cuộc đời người mẫu Ngọc Trinh), hay "Sắc đẹp dối trá" (lấy cảm hứng từ một phần đời của Hoa hậu chuyển giới Hương Giang)... 

Tuy nhiên, chưa có nhiều phim Việt đạt được thành công xuất sắc vì kịch bản sơ sài, cách làm phim chưa kỹ lưỡng. Việc thực hiện những bộ phim này luôn là một thách thức với các nhà sản xuất từ chọn diễn viên, bối cảnh đến xây dựng kịch bản. Diễn viên thủ vai luôn bị so sánh với nhân vật về ngoại hình, biểu cảm. Làm thế nào để câu chuyện phim vừa chân thực, vừa mang giá trị nghệ thuật đảm bảo được thông điệp chính của tác phẩm luôn là điều khiến những người làm phim đau đầu.

Làm phim về các nhân vật có thật đang là xu hướng mới mà các nhà làm phim theo đuổi. Với muôn vàn khó khăn trong quá trình thực hiện nên phải nói đây là sự lựa chọn dũng cảm của các nhà làm phim. Gần đây, phim "Phượng khấu" (đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn) kể về cuộc đời của Phạm Hiệu Nguyệt (tức Từ Dụ Hoàng thái hậu) sau khi ra mắt đã gặp phải nhiều phản ứng gay gắt của khán giả xung quanh tạo hình nhân vật cũng như chọn diễn viên thủ vai. 

Thực tế cho thấy dòng phim này tốn kém, mất nhiều công sức, nhưng lại khá kén khán giả. Chọn lối đi không ít gian nan cho thấy sự dũng cảm của các đạo diễn. Tuy nhiên, đây là hướng đi cần được cổ vũ và khích lệ bởi cho thấy khát vọng sáng tạo không ngừng của các nhà làm phim. Hơn nữa, các nhân vật được dựng thành phim đều là những nhân vật có đóng góp hay tầm ảnh hưởng nhất định với xã hội. 

Thông qua nghệ thuật thứ 7, khán giả không chỉ được tiếp cận, được hiểu thêm về các nhân vật ở một góc nhìn khác, mà còn góp phần lan tỏa thông điệp tích cực tới công chúng.

Thảo Linh
.
.