Làm phim về bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở New Jersey

Thứ Hai, 14/01/2008, 14:15

Sau 10 ngày quay tại Bang New Jersey, hơn 3.000m phim (tương ứng với 25 phút dựng) đã được in tráng  tại New York. Chất lượng các cảnh quay, sự nhập cuộc ngọt ngào của các diễn viên Mỹ đã khiến Hãng phim Hội Điện ảnh (đơn vị sản xuất bộ phim) và đạo diễn Đặng Nhật Minh thực sự hài lòng.

Chọn Mỹ để khởi quay bộ phim về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, cái lý của đạo diễn là "thu vào ống kính cảnh mùa thu vàng tuyệt đẹp của Mỹ" làm đối trọng với những cảnh quay khốc liệt về cuộc chiến ở  chiến trường Đức Phổ gần 37 năm trước.

Trở về từ Mỹ, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh cho biết: "New Jersey  cách  Wasington và  New York  khoảng 3 giờ xe chạy. Một thành phố cực đẹp, phong cảnh trữ tình.

Tại đây, có những ngôi biệt thự của những gia đình giàu có nằm dọc ven biển. Mùa đông, các biệt thự để không. Chúng tôi thuê một số biệt thự để dựng bối cảnh ở tầng 1, còn tầng 2 làm chỗ ăn nghỉ của đoàn làm phim. Những ngày đầu đoàn đến Mỹ, New Jersey mưa tầm tã, cây cối vẫn xanh, nhưng khi bắt đầu bấm máy thì trời hửng nắng, lá cây chuyển màu vàng rực.

Khung cảnh mùa thu vàng nước Mỹ lãng mạn đến mức chỉ nhìn thôi đã thấy rưng rưng trong lòng. Trong suốt 10 ngày quay, trời nắng đẹp, thiên nhiên và thời tiết ở đó dường như đều chiều theo ý của đoàn phim".

Nội dung các cảnh quay ở Mỹ (chiếm khoảng 1/3 phim) xoay quanh nhân vật Fred Witehurst - một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Đức Phổ (1969-1970), người đã nhặt được cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và gìn giữ nó trong suốt 35 năm.

Từ thực tế này, Fred bước vào phim với số phận khá dày dặn với hai mảng hiện thực: quá khứ và hiện tại. Ngoài Fred, còn có những người thân của anh. Đó là bà mẹ, một nhà giáo kiêm họa sĩ, sau khi xem cuốn nhật ký mà Fred mang từ chiến trường về, bà đã khuyên con trai nên cất giữ cẩn thận vì "cuốn nhật ký đó có thể thiêu cháy cuộc đời con"; em trai của Fred - Robert Witehurst, một cựu chiến binh Mỹ từng hoạt động ở Đồng Bằng Sông Cửu Long và đã trở thành rể của vùng đất này.

Đóng vai Fred lúc trẻ là diễn viên Mathew M.Korsch. Cao 1m80, tóc nâu, đôi mắt màu hạt dẻ, Mathew M.Korsch có ngoại hình khá bắt mắt. Tốt nghiệp ngành giải trí, Đại học Temple, Mathew M.Korsch cũng đã học chơi trống tại Trường nhạc Settlement Bill Kerrigan.

Ngoài đóng kịch, phim, tổ chức sản xuất phim, anh cũng tham gia viết kịch bản, viết văn. Nặng 72 kg, ngoài đời Mathew M. Korsch không thích để râu và có phần "béo" hơn nhân vật Fred lúc vừa từ chiến trường Việt Nam về Mỹ. Để vào vai, anh đã nhịn ăn cho gầy và "nuôi râu" nhưng kết thúc cảnh quay là… cạo sạch.

Thế chân Mathew M.Korsch trong vai Fred lúc già là diễn viên Micheal Jarmus. Cũng có chiều cao 1m8, mái tóc nâu khá ấn tượng, Micheal Jarmus xuất hiện trong khá nhiều phim cũng như nhiều vở kịch với các vai diễn đa dạng về số phận và tính cách. Đặc biệt, Micheal Jurmus cũng là gương mặt nổi tiếng với vai trò người phỏng vấn, bình luận tin tức trên kênh truyền hình trực tiếp  Mỹ - Israel và tham gia dẫn chương trình “Mạng lưới gây quỹ New Jersey”.

Điều đáng nói, Micheal Jurmus cũng là một cựu chiến binh từng có 1 tháng ở chiến trường Đức Phổ. Cận cảnh những gì xảy ra tại Đức Phổ những năm tháng chiến tranh, có khá nhiều kỷ niệm với vùng đất này, khi được mời đóng vai Fred, Micheal rất phấn chấn.

Ông mang đến trường quay những bức ảnh chụp ở Đức Phổ, thẻ quân nhân, tư liệu về chiến tranh VN thu thập được trong những ngày tháng ở Việt Nam… Câu chuyện về cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" và những gì được viết ra bởi người nữ bác sĩ kiên cường khiến Micheal Jarmus rất xúc động. So với nguyên mẫu, tính cách của  Micheal Jurmus đằm hơn.

Nhưng ông vẫn  nhập vai ngọt ngào. Trong suốt quá trình quay, Micheal Jurmus luôn chứng tỏ một sự lao động nghệ thuật nghiêm túc. Trời lạnh cóng, trong lúc mọi người xo xúi trong những tấm áo khoác to tướng, Micheal Jurmus đã ở trần, tắm, gội theo đúng yêu cầu của kịch bản không một lời than vãn.

Trong thời gian đoàn phim quay tại New Jersey,  nguyên mẫu - ông Fred Witehurst đã đến trường quay và ở lại cùng đoàn phim trong suốt 3 ngày. Ông  kể cho các diễn viên những kỷ niệm về Đức Phổ, về những cảm xúc khi đọc và lý do tại sao lại gìn giữ cuốn nhật ký.

Sự có mặt của ông cùng những gợi ý, điều chỉnh về diễn xuất của diễn viên gần với nguyên mẫu hơn, thật hơn, đời hơn… đã khiến 2 diễn viên đóng vai Fred rất hào hứng.

Thấy ông bị cụt 2 ngón tay, các diễn viên đã hỏi ông về kỷ niệm của vết thương này. Ông bảo, đó không phải vết thương do chiến tranh mà là "sự cố" trong lúc lúng túng tỏ tình với một người  phụ nữ  sau này là bạn đời của ông. Khi đoàn làm phim ngỏ ý mời ông đóng một vai quần chúng (vai một luật sư đi lại trong phòng làm việc), ông nhận lời ngay. Lúc đó, Fred "diễn viên" lại  phải giúp Fred thật chỉnh sửa trang phục…

Cao lớn, tính cách ồn ã đúng với chất lính, nhưng đằng sau sự ồn ã ấy lại là một trái tim đa cảm. Fred tâm sự ông luôn bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh mà phía Mỹ đã gây ra ở Việt Nam nhiều chục năm trước; những ký ức chiến trường luôn hiện về dằn vặt ông. Ngày đó, ông quá mẫn cán với nước Mỹ và vì thế, hành xử của ông với cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" chính là một sự chuộc lỗi.

Ông tâm sự, mình đã khóc rất nhiều mỗi khi nghĩ về Việt Nam, về những dòng nhật ký của Đặng Thùy Trâm và những gì mình đã làm tại Đức Phổ. Bi kịch đã giáng xuống đầu ông như một cái giá tất nhiên phải trả - đó là chất độc da cam đã  khiến ông không còn khả năng có con. Ông đã nhận một bé gái người Ấn Độ làm con nuôi và bây giờ cô bé ấy đã 16 tuổi.

Trong thời gian ở cùng đoàn phim, cứ sáng sớm là Fred lại đi dạo biển và ông đã  sáng tác một bài thơ tặng đạo diễn Đặng Nhật Minh và đoàn phim ở nơi mà gió và cát thủ thỉ những lời tự tình say đắm. Ông bảo bối cảnh thị trấn trong phim đẹp hơn nhiều lần thị trấn nơi gia đình ông ở. Nơi đó, cả  thị trấn chỉ có duy nhất một ngã tư đèn xanh, đèn đỏ.

Một vai diễn khác cũng khiến đạo diễn Đặng Nhật Minh hài lòng là diễn xuất của Judy Sullivan (vai mẹ của Fred). Là một diễn viên chuyên nghiệp, Judy Sullivan diễn xuất khá tình cảm và để lại ấn tượng ở từng cảnh diễn.

Làm phim tại Mỹ, nhưng cả đoàn phim vẫn được ăn cơm Việt. Đoàn phim đã thuê một nhà hàng mà chủ là một người Mỹ gốc Việt làm những món ăn Việt chở đến trường quay. Những ngày cuối cùng, đích thân bà Giám đốc Nguyễn Thị Hồng Ngát nhập vai nội chợ. Một ngày ở Mỹ là ngốn cả đống tiền, nên đoàn phim phải tranh thủ từng phút.

Khẩu hiệu "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, tập trung cho công việc"… đã ngấm vào từng thành viên trong đoàn phim, bất kể đó là người Mỹ hay Việt. Đến giờ cơm, ai ăn cứ ăn, ai quay cứ quay, quay xong lại vào ăn.

Bà Ngát bảo: "Nếu không có sự giúp đỡ của công ty đối tác Freelanxe Video Servises (gần 20 người) trong đó vai trò chủ chốt là  cặp vợ chồng  Trần Anh Hoa (vốn là dựng phim của Hãng Phim truyện Việt Nam) - Richard Connors (quay phim), chưa chắc việc quay phim ở Mỹ của đoàn đã diễn ra thuận lợi, suôn sẻ như thế. Richard Connors từng sang Iraq làm phim tài liệu về chiến tranh. Là một tay máy cũng có tiếng,  Richard Connors được mời quay phim  này cùng  Vũ Đức Tùng. Đơn giản vì phim có diễn viên người Mỹ, Richard Connor hiểu tâm lý của họ nên trong những cận cảnh anh dễ dàng tìm được những góc máy thích hợp để tạo ra những khuôn hình ấn tượng, phù hợp với "tính cách Mỹ".

Còn Vũ Đức Tùng thì phát huy sở trường ở những cảnh quay ngoại tại bang  New Jersey. Theo kế hoạch, đầu năm 2008, Mathew M.Korsch và Micheal Jurmus sẽ sang Việt Nam để thực hiện các cảnh quay tại chiến trường Đức Phổ và ở Hà Nội. Khá hào hứng với kế hoạch này, cả hai diễn viên Mỹ đều khẳng định rất hồi hộp chờ ngày được sang Việt Nam đóng phim.

Với kinh phí đầu tư khoảng 11 tỉ nhưng hiện tại đoàn phim mới được cấp 3,4 tỉ để thực hiện những cảnh quay tại Mỹ và xúc tiến công tác chuẩn bị  bối cảnh tại Việt Nam. Vai diễn quan trọng nhất - Đặng Thùy Trâm - vẫn đang tiếp tục được tìm kiếm. Quan điểm của gia đình chị Trâm là không nên chọn các cô gái… chân dài đóng vai này.

Người đóng vai chị Trâm phải có gương mặt sáng, đôi mắt có hồn, toát nên vẻ trong sáng, tình cảm nhưng cũng đầy nghị lực. Nếu chỉ tìm một người có đủ tiêu chuẩn này không khó, nhưng "chìa khóa" của vấn đề là người đó phải diễn xuất "ra chất Đặng Thùy Trâm".

Đã có nhiều ứng cử viên nhưng theo tiết lộ của các thành viên trong Hãng phim Hội Điện ảnh thì ứng cử số 1 cho vai diễn này là Nguyễn Thu Thủy, một phát hiện của đạo diễn Đặng Nhật Minh trong phim "Mùa ổi" cách đây vài năm.

 Tuy nhiên, ông Minh vẫn khẳng định: "Thủy chỉ là một ứng cử viên. Tôi vẫn tiếp tục tìm và  chưa quyết định ai. Bối cảnh chiến trường Đức Phổ dự kiến sẽ dựng không xa khu căn cứ quân sự  Tân Sơn Nhất"

Chu Thu Hằng
.
.