Lạm phát thư riêng khi xuất bản sách hồi ký, chân dung văn học

Thứ Sáu, 20/07/2007, 16:00

Gần đây, trong việc xuất bản các sách hồi ký, chân dung văn học (mà đa phần là của những nhà văn đã quá cố), nhiều nhà làm sách đã tranh thủ cho in thêm vào đó một số thư từ, hoặc trích đoạn nhật ký của các tác giả, thậm chí là những thư riêng của người này người khác gửi cho họ.

Việc làm này có thể giúp bạn đọc hiểu thêm phần nào cuộc sống thực cũng như những góc khuất trong tâm hồn các nhà văn, song vì có nơi, có chỗ đã quá lạm dụng cách thức trên, khiến cho sách in ra không nhận được sự đồng thuận, nếu không muốn nói là còn gây phản cảm trong tâm lý người đọc.

Còn nhớ, cách đây ít năm, khi tiếp xúc với bộ sách "Toàn tập" của một nhà phê bình văn học danh tiếng nọ, tôi đã hết sức bất ngờ khi bắt gặp những lá thư của ông gửi cho một nhà thơ thuộc hạng quyền cao chức trọng khi ấy. Theo người biên soạn (chính là con trai tác giả) cho biết thì sở dĩ thư gửi đi nhưng gia đình còn giữ lại được nội dung vì thân phụ ông đã "chép lại một bản vào sổ tay".

Đành rằng nội dung bức thư thể hiện sự khảng khái của nhà phê bình, song lại không gợi nên một sự hay ho nào từ người nhận bức thư đó (vốn cũng được dư luận coi là một nhân vật đáng kính). Chưa dừng ở đấy, cuối bức thư, người biên soạn còn tiết lộ với ý "hù dọa", rằng hiện gia đình ông còn lưu giữ được bản nháp hai bức thư nữa và "vào một dịp thuận tiện chúng tôi sẽ công bố… để bạn đọc tham khảo".

Không biết "dịp thuận tiện" ấy sẽ là bao giờ, song có một sự thật là, mấy lời "ghi chú" ấy đã khiến độc giả xì xầm, phỏng đoán theo chiều hướng xấu. Còn gia đình nhà thơ nói trên thì không khỏi phiền lòng, bởi một khi những bức thư ấy chưa thể công bố vào thời điểm bấy giờ, hẳn vấn đề đặt ra của nó "ghê gớm" lắm.

Một trường hợp khác: Cách đây ít tháng, nhà xuất bản H đã cho tái bản cuốn hồi ký, chân dung văn học của tác giả T. Cái mới của cuốn sách so với lần xuất bản trước là được tác giả cho bổ sung mấy bức thư, hầu hết là của bạn bè văn nghệ gửi chúc tụng ông. Tôi đặc biệt chú ý tới bức thư của biên tập viên N. Người này sau khi thông báo với ông rằng bản thảo của ông đã gây nên sự e ngại trong Ban giám đốc nhà xuất bản (họ muốn tước bỏ đi một số chương đoạn "nhạy cảm") đã bày tỏ quan điểm không đồng tình của mình với cấp trên và khuyên nhà văn T nên giữ nguyên câu chữ của mình và kiên nhẫn chờ in vào "một dịp khác" hoặc… “tìm một nhà xuất bản khác".

Cũng may là hiện thời, các vị lãnh đạo xuất bản nhắc tới trên đều nghỉ hưu cả rồi, chứ không thì không biết mối quan hệ công việc giữa họ và biên tập viên N sẽ ra sao. Dẫu thế nào chăng nữa, thiết nghĩ, nhà văn T cũng không nên đưa in trong cuốn sách của mình những bức thư hoàn toàn mang tính riêng tư như thế.

Cũng tên gọi vần T, nhưng nhà văn T nhắc dưới đây lại là một người đa tài, tên tuổi được nhiều người ngưỡng mộ. Sau khi ông tạ thế, nhà xuất bản H đã cho ấn hành một cuốn sách dày dặn để tưởng nhớ ông. Cuốn sách ngoài những bài viết bề thế, còn in kèm một số bức thư, trong đó có một bức thư chia buồn gửi gia đình ông, tác giả nhắc chuyện được gặp ông trong đám tang của một nhân vật "có vấn đề" và cảm thấy xúc động vì tình cảm của nhà văn T "hết sức trong sáng, không hề bị chi phối bởi bất cứ điều gì trái với tâm, với đức". Thật là, yêu nhau như thế bằng mười... hại nhau!

Một cuốn sách tập hợp những bài viết về thân thế và sự nghiệp của nhà thơ C (do nhà xuất bản G ấn hành) cũng in kèm 5, 6 bức thư ngắn của một số nhà báo, dịch giả nước ngoài viết gửi ông. Những mẩu thư chủ yếu là những lời giao đãi (họ cảm ơn vì nhận được sách tặng), kiểu như "Tập thơ đến lúc tôi đang ốm và đã tăng sức khỏe cho tôi" hoặc "Ôi niềm vui lớn được nhận và đọc những bài thơ rất đẹp...". Có thể nói, bên cạnh những bài phê bình nghiêm túc của các tác giả trong nước, những bức thư này đã làm tính học thuật của tập sách ít nhiều bị ảnh hưởng. Lỗi này là của người biên soạn và của cả tác giả - tức nhà thơ C.

Trong bối cảnh như vậy, việc xuất bản cuốn "Đối thoại tình yêu Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ" (do TS Lưu Khánh Thơ biên soạn, NXB Hội Nhà văn, 2007) là rất đáng biểu dương, trân trọng. Sách được chia làm ba phần. Phần đầu là thư của hai vợ chồng nữ thi sĩ. Phần thứ II là những bài của các đồng nghiệp viết về họ. Riêng phần III (gọi là phần phụ lục), người biên soạn dành để in một số bức thư Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ gửi cho nhau.

Điều đáng quý là từ nội dung những bức thư này, người đọc thấy được tình cảm yêu thương quấn quýt giữa hai người và tuyệt nhiên chúng không làm phương hại tới bất kỳ một người thứ ba nào. Điều này có thể do vợ chồng họ không có thói quen nghĩ xấu về ai? Nhưng theo tôi nghĩ, nguyên nhân cơ bản là từ ý thức của người biên soạn.

Từ sự việc trên, tôi lại nhớ tới cuộc trao đổi với ông Nguyễn Cừ - Giám đốc NXB Văn học xung quanh việc xuất bản các bộ “Toàn tập” của một số nhà văn. Ông Nguyễn Cừ tỏ ra không đồng tình với quan điểm của một vị tiến sĩ hiện đang công tác tại Viện Văn học khi ông này cho rằng, làm toàn tập là phải in tất tật, như ở Nga người ta in cả những bức thư có lời lẽ tục tĩu, thô bỉ với phụ nữ của đại thi hào Puskin.

Ông Cừ cho rằng, ở Việt Nam không thể áp dụng cách làm đó được. Dư luận và lương tâm không cho phép. Tôi cho quan điểm này của ông Nguyễn Cừ hẳn sẽ được nhiều người tán đồng

Phạm Nhật Linh
.
.