Đề tài công sở trong phim truyền hình Việt:

Làm không khó, để hay không dễ

Thứ Năm, 12/09/2019, 14:48
Qua những tập đầu tiên, "Những nhân viên gương mẫu" phản ánh bức tranh về đời sống công sở, nơi hội tụ của những người đầy rẫy những thói hư tật xấu, luôn ganh ghét hằn học lẫn nhau nhưng được thể hiện dưới góc nhìn hài hước, dí dỏm. 


Ngay sau khi "bộ phim quốc dân" "Về nhà đi con" kết thúc thì bộ phim về đề tài công sở "Những nhân viên gương mẫu" ra mắt khán giả đúng khung "giờ vàng" đó. Bộ phim nhận được sự kỳ vọng không nhỏ của khán giả khi đề cập tới một vấn đề thời sự: sự quy hoạch trong lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên, liệu phim có được sức hút như những bộ phim phát sóng trước đó hay không vẫn còn là điều băn khoăn dù phim đã phát sóng được gần 20 tập.

Cùng với những đề tài hôn nhân gia đình, hình sự hay nông thôn, đề tài công sở là một mảng khá quan trọng trong lĩnh vực phim truyền hình. Mỗi người đều có một gia đình để yêu thương và ai cũng có một công việc để nuôi sống bản thân mình. Thậm chí, với cuộc sống hiện đại ngày nay thì thời gian dành cho công việc, ở bên  các đồng nghiệp với một số người còn nhiều hơn thời gian dành cho gia đình. Và chốn công sở, vốn được coi như một xã hội thu nhỏ, với đủ kiểu người, đủ hỉ nộ ái ố đã và đang là mảnh đất màu mỡ để các nhà biên kịch, các đạo diễn khai thác.

Một cảnh trong phim “Những nhân viên gương mẫu”.

Chuyện đời, chuyện nghề của giới văn phòng tuy không phải là một đề tài quá mới hay quá "hot" trên màn ảnh nhỏ nhưng lại luôn có một vị trí nhất định và có tính chất lâu dài trong suy nghĩ của những người làm nghề.

"Những nhân viên gương mẫu" là bộ phim mới của đạo diễn, NSƯT Vũ Trường Khoa và NSƯT Lê Mạnh. Phim lấy bối cảnh chính ở một tòa soạn báo - Tạp chí Tinh Hoa - đang trong giai đoạn chuyển mình. Chuyện phim được bắt đầu từ việc thực hiện chủ trương sáp nhập 2 phòng nội dung của tạp chí. Từ đó, những câu chuyện phức tạp về tham vọng trong công việc, uẩn khúc trong cuộc sống riêng tư cũng như những mâu thuẫn từ tính cách của nhân viên dần được hé mở.

Theo như chia sẻ của đạo diễn Lê Mạnh, việc sử dụng bối cảnh là tòa soạn báo giúp cho bộ phim đỡ khô cứng, dễ thể hiện các góc cạnh của đời sống công sở. Một cơ quan báo chí đang trong giai đoạn chuyển mình, cái cũ và cái mới đan xen sẽ là cớ để phản ánh những câu chuyện thường thấy trong bất kỳ cơ quan nào.

Qua những tập đầu tiên, "Những nhân viên gương mẫu" phản ánh bức tranh về đời sống công sở, nơi hội tụ của những người đầy rẫy những thói hư tật xấu, luôn ganh ghét hằn học lẫn nhau nhưng được thể hiện dưới góc nhìn hài hước, dí dỏm.

Không khó để nhận ra những mẫu nhân viên văn phòng điển hình: Đó là bà Như Ý (NSND Lan Hương): một trưởng phòng khó tính, hay săm soi; đó là Nguyệt (Diễm Hương) một nữ phó phòng "thảo mai", xu nịnh cấp trên và thích bắt nạt cấp dưới; đó là Liên: cương trực, thẳng thắn, tự tin nhưng cuộc sống riêng đầy uẩn khúc; đó là Chi - mới ra trường ngây thơ, mơ mộng và hay bị bắt nạt...

Phim quy tụ một dàn diễn viên hùng hậu. Ngoài sự trở lại của những gương mặt quen thuộc và được khán giả yêu mến như NSND Lan Hương, NSƯT Minh Hằng, Tiến Lộc, Tiến Minh... phim còn có sự góp mặt của những gương mặt trẻ, cá tính như Diễm Hương, Thu Trang, Đỗ Duy Nam....

Trước đó không lâu, bộ phim "Mối tình đầu của tôi" cũng lấy bối cảnh chính là một tòa soạn, nơi các nhân viên làm việc dưới sự lãnh đạo của một người đứng đầu trẻ tuổi nhưng vô cùng khó tính Nam Phong (Bình An).

Mặc dù bộ phim xoay quanh hành trình có được tình yêu của cô nàng xấu xí An Chi (Ninh Dương Lan Ngọc) nhưng mọi buồn vui của dân văn phòng trong công việc, trong quan hệ với đồng nghiệp cũng được xây dựng khá thú vị. Những tranh cãi, những trăn trở áp lực của công việc, những chuyện yêu đương cưa cẩm đồng nghiệp được ê kíp tái hiện với một tinh thần hợp lứa tuổi thanh niên. Một trong những điểm cộng của bộ phim là dàn diễn viên trẻ trung xinh đẹp của hai miền Nam - Bắc hội tụ và hình ảnh đẹp, lãng mạn như trong các MV ca nhạc.

Ngoài ra còn có bộ phim "5S Online" là bộ phim sitcom xoay quanh nhóm bạn trẻ trong một văn phòng chuyên vẽ và sáng tác truyện tranh. Dưới sự chỉ đạo của anh sếp Quyết Đại ca (Mạnh Quân) - người có tính cách bủn xỉn và sở thích bắt lỗi nhân viên khiến văn phòng xảy ra không ít chuyện dở khóc dở cười. Năm thanh niên trẻ với tính cách, sở thích khác nhau lại làm việc trong môi trường sáng tạo với cái Tôi cá nhân đề cao nên mâu thuẫn là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, 5 mảng tính cách khác biệt ấy lại làm nên một bức tranh công sở đầy màu sắc trẻ trung, vui nhộn, dí dỏm...

Phim “Mối tính đầu của tôi” chuyển thể từ phiên bản Hàn Quốc.

Từ những bộ phim phát sóng trước và gần đây cho thấy bối cảnh công sở trong phim truyền hình Việt cũng khá đa dạng, từ môi trường dân IT trong "Lập trình cho trái tim", hay những công sở mang đặc thù riêng của môi trường báo chí đến những công sở hành chính "xịn", những công ty, xí nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, môi trường làm việc trong các cơ quan báo chí thu hút được sự quan tâm của các đạo diễn. Công việc làm báo với đặc thù riêng, nhất là trong bối cảnh báo chí nhiều biến động hiện nay thì lại chính là đề tài để các nhà làm phim tập trung khai thác.

Bên cạnh những bộ phim tâm lý xã hội về đề tài tình yêu, hôn nhân gia đình thì những bộ phim về đề tài công sở thường xuyên phát sóng đan cài trên truyền hình cho thấy đây là một mảng đề tài quan trọng. Cũng như những đề tài khác, các khán giả của phim truyền hình Việt luôn mong muốn có được những bộ phim chân thực, sinh động nói về 8 tiếng thời gian vàng bạc mỗi ngày của mình. Từ đó có thể tìm được sự đồng cảm, sẻ chia từ những tình huống, nhân vật trong phim. Dễ làm, dễ khai thác bởi sự đa dạng của môi trường công sở nhưng để tái hiện một cách chân thực lại là điều không dễ dàng với các nhà làm phim. 

Sự thật cho thấy, phim về đề tài công sở không ít, nhưng để phim tạo được dấu ấn trong lòng khán giả không nhiều. Bộ phim "Những nhân viên gương mẫu" dù được kỳ vọng trước khi ra mắt vẫn khiến khán giả có phần hụt hẫng. Khách quan mà nói, phát sóng ngay sau khi bộ phim "Về nhà đi con" kết thúc là một áp lực cho bộ phim này. Dù không muốn, phim cũng sẽ khiến khán giả so sánh với những bộ phim phát sóng cùng giờ vàng trước đó như "Sống chung với mẹ chồng", "Quỳnh búp bê"...

Nhưng đã chục tập phim trôi qua, "Những nhân viên gương mẫu" chưa tạo được sức hút như mong muốn. Như đạo diễn phim cho biết, sở dĩ chọn tòa soạn làm bối cảnh cho phim để kể câu chuyện công sở cho đỡ khô cứng và thể hiện được mọi góc cạnh của cuộc sống. Nhất là tòa soạn trong bối cảnh quy hoạch có sự đan xen giữa cái cũ và cái mới. Tuy nhiên, những gì thể hiện trên phim lại chưa được như khán giả mong đợi. Có lẽ vì đặc thù của nghề báo là di chuyển, ít khi ngồi một chỗ cho nên những câu chuyện điển hình của dân công sở "sáng cắp ô đi, tối cắp về" ghép vào bối cảnh ấy cho thấy sự không phù hợp.

Từ đó, những người làm báo không thấy mình trong câu chuyện phim đó. Ngược lại, ngay cả khi khán giả muốn xem một câu chuyện công sở điển hình thì bộ phim cũng chỉ đáp ứng được phần nào ở những tình huống cố gắn vào.

Ngoài ra, có ý kiến còn cho rằng, những người làm phim hơi ôm đồm khi cho vào phim quá nhiều vấn đề từ chạy quyền chạy chức, ghen tuông, chuyện nàng dâu mẹ chồng... nên các rối và giải quyết không thấu đáo. Bộ phim "Mối tình đầu của tôi" cũng gặp phải những lỗi tương tự như vậy. Tính cách, các mối quan hệ giữa các nhân vật trong phim luôn được đẩy lên tới mức lố và phi thực tế.

Phim truyền hình về đề tài công sở Việt chưa tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả so với các dòng phim về đề tài khác. Điều này trái ngược với nền công nghiệp điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc. Phim về đề tài công sở có thể coi như một đặc sản, thế mạnh của ''xứ sở kim chi''. Những câu chuyện về tham vọng quyền lực, tình yêu được lồng ghép khá khéo léo trong bối cảnh công sở cụ thể.

Khán giả không chỉ bị hút vào những câu chuyện đầy éo le, gay cấn mà còn cảm nhận được những môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại đất nước này. Để khắc phục được tình trạng lượng nhiều nhưng chất ít của dòng phim này, không có cách gì khác ngoài việc các nhà làm phim phải đầu tư kỹ lưỡng từ khâu kịch bản, như đã từng làm với các đề tài khác.

Khánh Thảo
.
.