Làm báo văn nghệ thời đổi mới

Thứ Sáu, 19/08/2011, 08:10

Trước đây, thời kỳ bao cấp các báo và tạp chí trên cả nước với con số còn rất khiêm tốn. Với báo viết, ra hằng ngày chỉ có báo Nhân dân, Quân đội nhân dân; sau đó là Hà Nội mới, Sài Gòn Giải phóng. Báo ra hằng tuần cũng không nhiều, trong số này tờ Văn nghệ của Hội nhà văn được bạn đọc khá yêu thích.

Thời kỳ đổi mới các báo phát triển mạnh, nhất là các báo thời sự chính trị - xã hội đã biết bám sát vào đời sống, mở rộng phát hành, thậm chí giành giật độc giả để tồn tại và phát triển. Trong cuộc đua tranh này nhiều tờ báo đã nổi lên chiếm lĩnh thị trường độc giả, giữ được tín nhiệm đối với bạn đọc. Riêng các báo văn nghệ thì chạy chậm chạp hơn.

Thực ra, các tờ báo tạp chí văn nghệ của cả nước không phải là ít, cũng gần tới trăm tờ. Báo của các hội chuyên ngành thì tiêu biểu là báo Văn nghệ của Hội Nhà văn. Báo Văn nghệ của các bộ ngành thì tiêu biểu là tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Văn nghệ Công an. Báo văn nghệ của các tỉnh thành thì tiêu biểu là báo Người Hà Nội, Văn nghệ Tp HCM, báo Hạ Long, tạp chí Sông Hương, tạp chí Hồng Lĩnh... Số lượng phát hành của các báo, tạp chí này không thể so sánh với các báo chính trị - xã hội.

Báo chí văn nghệ thường được xếp ở một vị trí khiêm tốn trên sạp báo.

Sự phát triển khá khiêm tốn của các tờ báo văn nghệ có lý do của nó. Trước hết, thưởng thức văn học nghệ thuật không phải là yêu cầu thật cấp thiết, không phải là sở thích của tất cả mọi người. Đa số mọi người vẫn khá bình thường khi không thưởng thức văn học nghệ thuật, trong khi rất bức xúc khi thiếu thông tin về các vấn đề thời sự - chính trị - xã hội. Thứ hai là mọi người có thể thưởng thức văn học nghệ thuật qua nhiều kênh khác như: phát thanh, truyền hình, trang văn nghệ của nhiều báo chính trị - xã hội và các tờ báo cuối tuần, cuối tháng... Các chương trình và các số báo này phù hợp với yêu cầu hiểu biết văn học nghệ thuật của rộng rãi công chúng hơn. Thứ ba, là lý do chủ quan các báo, tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật còn chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu của đông đảo độc giả muốn tìm hiểu và thưởng thức văn học nghệ thuật. Một số báo và tạp chí văn nghệ vẫn chỉ đăng sáng tác của các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ. Mà sáng tác nhiều, chọn lọc chưa được kỹ nên chất lượng không cao, kém hấp dẫn độc giả.

Nhưng nhìn chung các tờ báo và tạp chí văn nghệ đổi mới chưa thật mạnh. Có lẽ nhân tố chủ quan này quyết định sự phát triển của mỗi tờ báo, tạp chí. Đây là một thách thức đối với những người làm báo văn nghệ mà lời giải không hề dễ dàng. Những người làm báo văn nghệ chắc không đặt ra vấn đề cạnh tranh với các báo thời sự - chính trị -  xã hội, bởi đây là một cuộc cạnh tranh không cân sức. Vấn đề là trên cơ sở tôn chỉ mục đích của mỗi tờ báo, những người làm báo văn nghệ phải làm sao tạo ra được nội dung phong phú và hình thức hấp dẫn và cải tiến không ngừng để đi vào lòng bạn đọc, giữ được bạn đọc và mở rộng độc giả mà từng bước phát triển, dẫu không phát triển nhanh thì cũng phải từng bước phát triển vững chắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của lĩnh vực văn học nghệ thuật và các văn nghệ sĩ: "Văn học nghệ thuật là một mặt trận, các văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Các báo văn nghệ là tiếng nói trực tiếp của các nhà văn, các nghệ sĩ tác động vào đời sống xã hội. Vì vậy các báo văn nghệ trong giai đoạn mới của cách mạng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngoài sự cố gắng của những người làm báo văn nghệ, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp từ Trung ương đến các Bộ, ngành, tỉnh, thành, hội đoàn về cả tinh thần và chế độ chính sách là rất quan trọng. Sự cổ vũ động viên của quần chúng yêu văn học nghệ thuật đối với các tờ báo văn nghệ cũng quan trọng không kém. Chỉ khi tất cả những yếu tố đó hợp lực thì các tờ báo văn nghệ của chúng ta mới kết đọng được thật nhiều hoa thơm trái ngọt

Nguyên Quỳnh Thư
.
.