Lại Văn Long: Viết tiểu thuyết như “lên đồng”?

Thứ Hai, 12/12/2016, 08:01
Sau 15 năm “biến mất” khỏi văn đàn, Lại Văn Long tái xuất hiện và liên tục trình làng tác phẩm mới, đặc biệt là các bộ tiểu thuyết được chuyển thể thành kịch bản phim hình sự nhiều tập. Vì sao tác giả của “Kẻ sát nhân lương thiện” im hơi lặng tiếng một thời gian dài rồi quay trở lại với một sức viết như “lên đồng” mà chủ yếu là tiểu thuyết? 


Tốt nghiệp cử nhân triết học nhưng say mê sáng tác văn chương, Lại Văn Long là cây bút đáng chú ý thuộc thế hệ 6x, chuyên viết về đề tài hậu chiến với tinh thần nhân ái, hoà hợp hoà giải, hàn gắn những vết đau thương của dân tộc do chiến tranh gây ra. Sau tập truyện ngắn “Thuỷ cơ” và tiểu thuyết “Thạch Đế”, mới đây anh lại trình làng tiểu thuyết “Đứa con thời hậu chiến” do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành, cùng 4 tiểu thuyết khác sắp xuất bản năm 2017.

- Anh là nhà văn đi làm báo, rồi là nhà báo tranh thủ viết văn. Nhiều người ngạc nhiên chẳng hiểu vì sao tác giả “Kẻ sát nhân lương thiện” đột ngột biến mất trên văn đàn một thời gian dài, rồi lại bất ngờ xuất hiện trở lại với sức viết mạnh mẽ. Đằng sau những sự đột ngột ấy là gì, thưa nhà văn?

+ Sau khi nhận giải thưởng của Báo Văn nghệ cho cuộc thi truyện ngắn năm 1990 - 1991, tôi rất muốn tiếp tục với văn chương, nhưng phải rẽ sang làm báo để nuôi thân và giúp đỡ gia đình. Đã lao vào làm báo thì viết văn rất khó. 15 năm tiếp theo tôi chẳng sáng tác được gì ngoài một, hai truyện ngắn dù đã được đăng báo vẫn không muốn đọc lại.

Thế nhưng vài năm gần đây tôi viết rất sung sức, bạn bè gọi là “viết như lên đồng”, một cuốn tiểu thuyết cỡ 200- 300 trang chỉ viết dưới 3 tháng là xong. Đó là chưa kể vừa viết thêm truyện ngắn, các bài báo để… lấy ngắn nuôi dài. Riêng trong năm 2016 này, tôi đã viết gần xong 2 tiểu thuyết với độ dày từ nghìn trang trở lên. Cuốn thứ nhất là “Mật danh Đ.9”, đã đưa vào dựng phim 45 tập trong series “Hồ sơ lửa” gồm 1.100 tập, và cuốn thứ hai “Gia tộc tướng cướp” đã viết được  hơn một nửa trong 60 chương (mỗi chương tương đương 1 tập phim 45 phút). Tôi hạ quyết tâm 2 tháng nữa là hoàn thành bộ tiểu thuyết mà nhà biên kịch Phạm Thuỳ Nhân đọc xong 15 tập đầu đánh giá là “có tính chất sử thi”.

-  Anh thường dành thời gian cho sáng tác vào lúc nào? Từ kinh nghiệm của mình, anh thấy có mối quan hệ ra sao giữa báo chí và văn chương?

+ Ban ngày đi làm báo, đưa đón hai con đi học, 8 giờ tối coi thời sự xong, tôi ngủ đến 12 giờ hoặc 1 giờ rồi dậy viết luôn đến 5 giờ, tập thể dục, sau đó đưa con đi học và vô cơ quan làm việc.

Nhiều người và bản thân tôi trước đây cũng nghĩ viết báo làm hư văn, nhưng thật ra nghề báo sẽ cho nguyên liệu dồi dào, phong phú và những cảm xúc rất mãnh liệt cho sáng tác văn học. Tôi có thể viết tiểu thuyết hay kịch bản phim hình sự rất nhanh (2 ngày có thể được 1 tập đủ chất lượng như các đạo diễn đánh giá) là nhờ vốn liếng, cảm xúc từ 25 năm làm Báo Công an TP Hồ Chí Minh.

- Khởi đầu viết truyện ngắn, anh chuyển sang viết tiểu thuyết. Trong lời tựa “Đứa con thời hậu chiến”, anh cũng cho biết tiểu thuyết này lẫn tiểu thuyết “Người khổng lồ đội mồ kể chuyện” sắp xuất bản, lúc đầu anh chỉ dự định viết thành truyện ngắn nhưng rồi không thoả mãn nên viết luôn tiểu thuyết. Vậy phải chăng tiểu thuyết là sự kéo dài của truyện ngắn? Và theo anh, đâu là cái khó để dựng nên một tiểu thuyết thành công?

+ Tôi đã có 3 tiểu thuyết được phát triển từ truyện ngắn là “Thạch Đế”, “Người khổng lồ đội mồ kể chuyện” và “Đứa con thời hậu chiến”… Lúc đầu, mỗi tác phẩm tôi tính viết 5.000 chữ trở lại, song càng viết càng say sưa, bút không dừng được nên tôi cho cảm xúc tuôn chảy tự do, để mình “nửa mê nửa tỉnh” với giấc mơ ngọt ngào kéo dài suốt cả trăm ngày đêm luôn… Tôi thích viết tay bằng bút kim mực đỏ, trên giấy đã in một mặt mà toà soạn báo thải ra. Mấy nghìn trang bản thảo trong 10 năm gần đây của tôi đều được viết như vậy, dù con cháu và bạn bè chê cười là “lạc hậu”.

Tôi chẳng được học một ngày về văn chương, báo chí, viết theo ý thích riêng của mình nên giờ hỏi lý thuyết về sáng tác văn hay viết báo tôi… “bó tay”! Hiện tôi có hơn hai chục giải thưởng báo chí, kể cả giải nhất, giải nhì báo chí TP Hồ Chí Minh, báo chí quốc gia và từng được mời thỉnh giảng các môn nghiệp vụ phóng viên, phóng sự điều tra ở nhiều lớp báo chí đại học.

Với văn chương tôi đã viết được bốn chục truyện ngắn, cùng 6 tiểu thuyết và một nửa số đó đều trên nghìn trang sách in một cách nhanh, gọn như vậy… Sáng tác văn hay viết báo đòi hỏi nỗ lực học tập ghê lắm. Cái gì còn lơ mơ phải đọc nhiều, đọc kỹ thì mới “thấu”, mới tuôn chữ được. Sợ nhất là viết ra bị người ta chê cười vì kém, vì lười, vì u mê…

- Điều anh bày tỏ cũng đúng với nhiều trường hợp trong giới văn chương. Có những người khởi đầu cầm bút có dấu hiệu tài năng, được ưu ái đưa đi đào tạo ở trường viết văn Nguyễn Du hay Gorki trở về không viết được cái gì ra hồn nữa. Vốn học triết nhưng được biết thời sinh viên anh rất mê đọc tiểu thuyết, vậy những nhà tiểu thuyết nào của Việt Nam và thế giới mà anh mến mộ?

+  Hồi nhỏ tôi đọc sách rất nhiều, thời sinh viên suốt ngày rỗi “ngồi đồng” trong Thư viện Quốc gia, Thư viện Khoa học xã hội và Thư viện Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Khi bắt đầu viết văn, tôi không đọc nữa vì sợ bị ảnh hưởng hoặc vô tình thành “đạo văn”. Tôi thích những bộ tiểu thuyết như: “Nhà thờ Đức Bà Paris”, “Những người khốn khổ” của văn chương Pháp; “Sông Đông êm đềm” của Nga; “Tam quốc chí”, “Thủy hử”, “Tây du ký” của Trung Quốc; “Đèn không hắt bóng” của Nhật Bản; “Bố già” của Mỹ… Tiểu thuyết Việt Nam tôi đọc nhiều nhưng không có tác phẩm đạt tầm như những cuốn tôi vừa kể. Đó là điều mà các nhà văn Việt Nam rất trăn trở, còn với tôi là nỗi buồn.

Bìa tiểu thuyết “Đứa con thời hậu chiến”.

- Vâng, nỗi buồn đầy tự trọng của một cây bút có trách nhiệm. Đối với hai tiểu thuyết đã xuất bản của anh, ở góc độ tác giả anh nhận thấy có sự khác biệt lớn giữa “Thạch Đế” với “Đứa con thời hậu chiến”?

+ Tôi viết tiểu thuyết “Thạch Đế” từ năm 1991 đến 2009 mới xong, dù chỉ 200 trang mà mất 18 năm. “Đứa con thời hậu chiến” cũng dày cỡ đó nhưng viết xong chỉ trong 9 tuần. Hai cuốn là hai phương pháp kể chuyện khác nhau. “Thạch Đế” nhiều “tham vọng” về triết, sử, thời cuộc và là cuốn tiểu thuyết đầu tay nên rất khó viết, khi phát hành, nhiều người đọc cũng cho là “khó nuốt” vì ẩn dụ nhiều quá, triết học nhiều quá, kể cả “khô” quá. “Đứa con thời hậu chiến” tôi viết theo kiểu “giảm duy lý, tăng cảm xúc” nên viết cũng dễ mà độc giả phản hồi cũng tích cực hơn. Thậm chí là lấy nước mắt của nhiều chị em. Nhưng với giới sáng tác và phê bình thì họ vẫn thích “Thạch Đế” hơn!.

- Chưa tới 200 trang sách nhưng thông qua câu chuyện số phận nghiệt ngã của hai mẹ con của Lê và Hoài, một bức tranh sống động sau ngày đất nước thống nhất năm 1975 đã được anh dựng lên trong “Đứa con thời hậu chiến”. Người đọc bất ngờ với cái kết mang tính thời sự hoà hợp, hoà giải. Hình như đây cũng là một thông điệp mà anh muốn gửi gắm?

+ Đúng như vậy. Từ thời mở cửa đến nay, nhất là từ khi Việt Nam có Internet, tôi có cái nhìn đa diện hơn về cuộc chiến 1954 - 1975. Nói như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Ở miền Nam dòng họ nào, gia đình nào cũng có người ở bên này, bên kia”. Tôi cũng như bất kỳ người Việt nào, đều khát vọng hoà hợp hoà giải dân tộc.

Trong những bài báo được giải thưởng của tôi, trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết đã viết, tôi đều tập trung cho khát vọng này dưới nhiều cách mô tả, kể cả cách viết huyền ảo như trong “Thạch Đế”, “Thánh Thi”, “Người khổng lồ đội mồ kể chuyện”; trong các truyện ngắn tôi đã in trên các báo như “Thằng Mới”, “Bố với Ba”, “Hồ Vạn Kiếp”, “Trường xưa”…, tôi đều nhắc đến hòa hợp hoà giải dân tộc với cách thức mềm mại, dễ cảm nhất. Thường thì khi viết về vấn đề này tôi rất cảm xúc, thậm chí vừa viết vừa khóc vì… thương cả hai bên! Tôi sẽ còn đeo đuổi đề tài này trong các sáng tác tiếp theo của mình.

Năm 2017, tôi định sẽ xuất bản 4 cuốn tiểu thuyết dày, nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, khó nói trước!

- Xin cảm ơn nhà văn. Mong sớm đón đọc những tác phẩm mới của anh!

Hùng Phan
.
.