"La bàn" dẫn bước nhà văn Pháp đến với giải thưởng Goncourt 2015

Thứ Năm, 26/11/2015, 08:00
Trưa 3/11, nhà văn Pháp Mathias Enard, 43 tuổi, bước ra từ nhà hàng Drouant (Paris, Pháp) trong niềm sung sướng vỡ òa. Tác phẩm "Boussole" ("La bàn", phát hành bởi nhà xuất bản Actes Sud) với chủ đề xoay quanh góc nhìn của người phương Tây về văn hóa Trung Đông của ông đã nhận được sáu trên tổng số mười phiếu bầu của Hội đồng Giám khảo và vinh dự giành giải thưởng Goncourt năm nay, danh hiệu cao quý nhất của văn đàn Pháp trao từ năm 1903. Mặc dù tiền thưởng của giải chỉ là 10 euro nhưng danh tiếng của cuốn sách mới là giá trị thực sự mà giải Goncourt đem lại.

Mười một năm sau khi "Le Soleil des Scorta" (Mặt trời của Scorta) của Laurent Gaudé và ba năm sau "Le sermon sur la chute de Rome" (Bài thuyết giảng về sự sụp đổ của Rome) của Jérôme Ferrari đoạt giải Goncourt, đây là lần thứ ba nhà xuất bản Actes Sud vinh dự phát hành tác phẩm cũng đoạt danh hiệu danh giá này. Năm nay, các tác phẩm vào vòng chung khảo đều lấy thế giới Hồi giáo, văn hóa phương Đông làm chất liệu sáng tác.

Chiến thắng xuất sắc trước các tiểu thuyết  "Titus n'aimait pas Bérénice" (Titus không yêu Bérénice) - Nathalie Azoulai, "les Prépondérants" (Những người ưu thế) -  Hédi Kaddour và "Ce pays qui te ressemble" (Đất nước mang dáng hình em) - Tobie Nathan, "La bàn" đã đem lại niềm vui rất lớn cho tác giả Mathias Enard sau bữa trưa kết hợp công bố giải thưởng ở nhà hàng Drouant ngày 3/11.

Từ thời trẻ, Mathias Enard đã mang trong lòng niềm say mê văn hóa phương Đông, đặc biệt là vùng đất Trung Đông, cái nôi của Hồi giáo. Từng học tiếng Arab và Ba Tư, sinh sống và làm việc lâu năm tại các thành phố khác nhau của các quốc gia Tây Nam Á, vốn sống dày dặn cùng những chiêm nghiệm về giao thoa văn hóa đã giúp ông hoàn thành một tác phẩm mang chiều sâu tư tưởng như "La bàn".

Nhà văn Mathias Enard cùng tác phẩm "La bàn” đoạt giải Goncourt 2015.

Cuốn sách thứ chín của Enard dày 400 trang, là câu chuyện kể về một lần mất ngủ do chứng insomnia, kéo dài từ 23h10 đến 6h sáng của Franz Ritter, một nhạc sĩ người Áo sinh sống tại Vienne, "cánh cổng dẫn về phương Đông" thời xưa. Trong lúc cố tìm đến cơn buồn ngủ, những hồi tưởng về một chuyến du ngoạn phương Đông, đặc biệt là miền Trung Đông cứ len lỏi trong tâm trí anh. Những kỉ niệm về bao người từng gặp, bao nơi từng ghé qua: Istanbul, Alep, Damascus, Palmyra, Tehran… xuất hiện đầy kì diệu, ảo mộng, huyền bí, như thể người nhạc sĩ thực sự đang lạc bước vào xứ sở của "Nghìn lẻ một đêm".

Và dường như xuyên suốt tác phẩm còn có một nỗi mơ hồ mong manh được Franz cảm nhận trong tình yêu đơn phương của anh với Sarah, cô gái cá tính mạnh mẽ đem lòng say mê nền văn minh phương Tây, người đồng hành với anh trong những chuyến du hành. Mối quan hệ giữa họ có lẽ chưa thể bền chặt bởi những đam mê khác biệt, quan điểm trái chiều mà hai người bày tỏ với nhau…

"La bàn" được coi là tác phẩm uyên bác, chứa đầy khát vọng của tác giả và thành công hơn tất cả những cuốn sách tham gia tranh giải khác. Cuốn sách xoay quanh hàng loạt câu hỏi: Đông phương học là gì? Một khái niệm thuần túy tri thức? Một phát minh của phương Tây? Phương Đông bắt đầu từ đâu? Trung Đông huyền ảo còn bí mật nào vẫn đang che giấu?... Chúng luôn ám ảnh Franz Ritter và cả người đọc khi đắm mình vào từng trang giấy, để rồi khi gập cuốn sách lại, mỗi độc giả tìm được câu trả lời cho chính mình. Đây cũng chính là lí do tác giả lấy nhan đề cho cuốn sách: Sarah mất phương hướng trong công việc nghiên cứu của mình và đời sống tình cảm, Franz lạc lối trong những ảo mộng về chuyến du ngoạn và trong tình yêu, ngay cả người đọc cũng cần định hướng lại suy nghĩ của mình về nền văn minh phương Đông… Tất cả đều cần một kim chỉ nam.

Tác phẩm đề cập tới những va chạm văn hóa giữa phương Đông và phương Tây, điều mà Mathias Enard đã đúc kết được sau vô số lần du hành trải nghiệm của mình. Sở dĩ Enard đưa vào cuốn sách rất nhiều tư liệu chân thực bởi ông muốn xua tan đi những hình ảnh phiến diện, ảo tưởng, những suy nghĩ sai lệch của người phương Tây về Hồi giáo và nền văn minh phương Đông - chủ yếu là vùng Trung Đông. Thêm vào đó, những đóng góp của tôn giáo và nền văn hóa này cho nhân loại cũng được tác giả nêu bật lên trong tác phẩm của mình thông qua những trang văn miêu tả khung cảnh những thành phố Trung Đông, những nét văn hóa đặc trưng biểu hiện ở từng hành động của từng con người mà Franz cùng Sarah đã gặp ở những nơi ghé qua,…

Trả lời trang báo mạng Médiapart của Pháp vào tháng 1/2015, Mathias Enard từng chia sẻ: "Những người trí thức, đặc biệt là các nhà báo cần hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc truyền tải thông tin. Họ chưa đem đến cho độc giả cái nhìn thực tế và đúng đắn về nét đa dạng của nền văn minh Hồi giáo". Ảnh hưởng tiêu cực của những thông tin, lời nói sáo rỗng, không chính xác về chủ đề này đến nhiều người đọc chính là một phần động lực để nhà văn hoàn thiện tác phẩm được bầu chọn để giữ danh hiệu cao nhất ngay trong lần bỏ phiếu đầu tiên của Hội đồng văn học Goncourt.

Trong giây phút nhận giải thưởng, bao bọc bởi đám đông phóng viên và nhà báo, Mathias Enard không giấu nổi niềm vui: "Giống như tôi đang được trở lại những vùng đất quen thuộc ấy: Alger, Beyrouth. Rất có thể chính nhờ vận may được ngài Cheikh Abderrahmane, Thánh vùng Alger và Thánh Georges vùng Beyrouth phù hộ mà tôi vinh dự được nhận giải thưởng này hôm nay. Thực sự tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc".

Đa phần Hội đồng Giám khảo giải Goncourt đều đồng tình rằng: "La bàn" chính là một kiệt tác lộng lẫy, đầy tính uyên bác nhưng cũng chứa chan cảm xúc, phảng phất giọng kể nhẹ nhàng, hài hước nhưng cũng không khém phần sâu cay. Bernard Pivot, Chủ tịch Viện Goncourt đã gọi "La bàn" bằng cái tên "bách khoa toàn thư về văn minh Trung Đông dưới hình hài của một cuốn tiểu thuyết lãng mạn". Ông không tiếc lời ca ngợi chủ nhân tác phẩm: "Tôi nghĩ rằng trong hai mươi năm nữa Mathias Enard sẽ giành giải Nobel Văn chương! Một người luôn mang trong mình sự bác học, đa văn hóa, đa ngôn ngữ, luôn cống hiến hết mình xây dựng cầu nối giữa phương Đông và phương Tây chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, bởi bây giờ anh mới chỉ 43 tuổi thôi!". 

Đôi nét về giải thưởng Goncourt và tác giả Mathias Enard

Goncourt là giải thưởng văn học thường niên uy tín nhất nước Pháp, được sáng lập theo di chúc của nhà văn Edmond de Goncourt vào năm 1896. Các thành viên của Viện Goncourt họp vào trưa ngày thứ ba đầu tiên mỗi tháng trong phòng khách của họ tại tầng hai, nhà hàng Drouant ở quận 2, thủ đô Paris (Pháp). Các giám khảo sẽ bỏ phiếu để chọn ra tác phẩm xứng đáng nhất sau các buổi thảo luận và công bố vào đầu tháng 11 hằng năm. Viện Goncourt được thành lập chính thức vào năm 1900 và đến nay đã trao thưởng 112 lần cho tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm viết bởi các nhà văn Pháp. Ngoài giải thưởng chính này, Viện Goncourt còn trao các phần thưởng cho tác phẩm xuất sắc do học sinh phổ thông bình chọn, tác phẩm thơ xuất sắc, tác phẩm đầu tay xuất sắc và tự truyện xuất sắc,…

Sinh năm 1972 tại Niort, Pháp, nhà văn Mathias Enard có một tuổi thơ yên bình tại làng quê. Lớn lên với niềm đam mê văn hóa Trung Đông, chủ nhân giải Goncourt 2015 đã tới và có vô vàn trải nghiệm ở vùng đất này mà phần lớn được truyền tải vào các tác phẩm khác nhau do ông chắp bút. Sự nghiệp văn học của ông tuy chưa có nhiều tác phẩm nhưng các giải thưởng đoạt được khiến cái tên Mathias Enard trở thành điểm sáng trong làng văn chương Pháp và thế giới.

Khởi đầu với "La perfection du tir"(Phát bắn hoàn hảo) vào năm 2003, câu chuyện về một xạ thủ bắn tỉa có trái tim đang yêu ngay giữa chiến trường Liban đem về cho Enard giải thưởng Văn học của Cộng đồng Pháp ngữ năm châu lục. Nhà văn dần khẳng định vị trí của mình khi tác phẩm thứ tư mang tên "Zone" (Vùng đất), xuất bản năm 2008, gồm 500 trang mà mỗi trang chỉ chứa duy nhất một câu văn viết về những xung đột dân tộc đã đoạt giải Décembre và giải Inter, trở thành hiện tượng văn học thế giới.

Thành công tiếp tục đến với tác giả tài năng này vào năm 2010 khi "Parle-leur de batailles, de rois et d'éléphants" (Hãy nói với họ về trận chiến, những vị vua và những con voi) giành giải Goncourt dành cho tác phẩm xuất sắc do học sinh phổ thông bình chọn. Chưa dừng lại ở đó, hai năm trước khi đạt danh hiệu Goncourt với "La bàn", "Rue des voleurs"(Phố kẻ cướp), bức tranh một chàng trai Maroc trẻ giữa mùa xuân Arab là cuốn sách "ẵm" trọn giải thưởng Tiểu thuyết Mới, giải thưởng của Viện hàn lâm Văn học vùng Bretagne và Pays de la Loire (Pháp) và giải Lựa chọn phương Đông của Viện Pháp tại Liban và Cơ quan Đại học Pháp ngữ.

Hương Giang
.
.