Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo:

“Ký ức làng” là chân dung tâm hồn tôi

Thứ Hai, 19/10/2015, 08:00
Mới đây nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo, phu quân của NSND Như Quỳnh đã cho ra mắt công chúng triển lãm "Ký ức làng" và cuốn sách ảnh cùng tên. Hơn 60 bức ảnh, là hơn 60 câu chuyện với đủ cung bậc cảm xúc. Đó cũng chính là chân dung tinh thần của ông: hơn 60 năm trải nghiệm với cuộc đời.

- Thưa nghệ sĩ Nguyễn Hữu Bảo, ông có thể cho biết lí do chọn những ngày đầu tháng 10 để ra mắt triển lãm ảnh của mình?

+ Cách đây một năm, khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10, tôi và một nghệ sĩ nhiếp ảnh nữa mang những bức ảnh chụp của chúng tôi sang Pháp thực hiện một cuộc triển lãm ảnh đen - trắng về làng với tên gọi "Làng quê Việt Nam". Triển lãm với mục đích đưa một hơi thở mới tới công chúng Pháp, Việt kiều ở Pháp nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp. Gần đây, tình cờ tôi được xem triển lãm ảnh "Chốn quê" của ba nhà nhiếp ảnh là Ngọc Thái, Kim Sơn, Vương Niên thì  những hình ảnh trong triển lãm cũ hiện về. Đã mang chuông đi đánh xứ người, thử mang về nước mình gõ xem nó ngân vang thế nào, với tôi, ngẫu nhiên, đơn giản thế thôi.

- Vậy "Làng quê Việt Nam" triển lãm ở Pháp có gì khác với "Ký ức làng" lần này?

+ "Làng quê Việt Nam" triển lãm hơn 100 bức ảnh, tôi chọn ra 43 trong tổng số 52 bức ảnh đã triển lãm của mình, cộng thêm với mười mấy bức nữa để thành hơn 60 bức trong triển lãm lần này. Và đã ở Việt Nam rồi, tên gọi không cần ám chỉ địa danh nữa, chỉ là "Ký ức làng" nghe thật giản dị, thân thương.

Tác phẩm “Một thoáng Chiêu Quân” (Tại đám rước hội đền Đô, Bắc Ninh -1993). Ảnh: Hữu Bảo.

- Làng trong triển lãm, xưa và cũ đến mức nào để được gọi là ký ức, thưa ông?

+ Cái ký ức, nói về thời gian thì với hôm nay, hôm qua đã là quá khứ rồi. Có những bức ảnh trong triển lãm này mới chỉ chụp cách đây 2 - 3 năm, nhưng có những bức chụp cách đây những 23 năm. "Ký ức làng" mang một nghĩa ẩn, là một cảm giác, phù hợp với những bức ảnh của tôi: Nửa thế kỷ trước nó cũng thế này. Vả lại ở đây, triển lãm chủ yếu là hình ảnh về con người với những câu chuyện của họ. Trong cái nhìn của tôi, cảm xúc về những con người làng dường như vẫn vậy, họ gắn với làng - với cả ký ức đã sẵn có trong đó. Tôi chụp lại bằng chính giai điệu cảm xúc của mình.

- Thường thì trong nhiếp ảnh, người ta hay nói đến khoảnh khắc. Câu chuyện trong bức ảnh ở đây là gì, nó có giống với câu chuyện trong văn chương hay không?

+ Câu chuyện trong văn chương thường có mở đầu, có thân truyện, và kết thúc. Câu chuyện trong nhiếp ảnh không như vậy, nó là câu chuyện của cảm xúc. Chỉ cần gợi lên một cảm xúc gì đó đã là chuyện rồi.

Để tôi kể bạn nghe câu chuyện về một em bé xa lạ. Cách đây hai năm, trên đường đi mênh mông, mịt mù ở nơi nào tôi không nhớ, hai bên là cánh đồng. Chúng tôi ngồi trong ô tô, không rõ xe dừng lại giữa đường vì chuyện gì, rất nhanh. Bên ngoài cửa kính, một em gái độ 14 - 15 tuổi mặt đẹp như thiên thần đứng trong mưa bán bánh mì bỗng cất lời rao: "Bánh mì nóng… chú ơi". Tôi chụp rất nhanh, thấy đứa trẻ gần như đứa con của mình, cảm giác mình như có lỗi với thân phận này, một thằng đàn ông đi chơi, ngồi trong ôtô ấm và kín, còn ngoài kia… Điều đó ám ảnh tôi, cả chuyến đi sau đó tôi không chụp được gì nữa. Bức ảnh của em, gương mặt sau cửa kính còn đọng những giọt mưa, nếu không có vạch màu đen ở dưới người xem có thể khó hình dung đó là cửa kính ô tô. Và mỗi lần đến triển lãm của mình, tôi vẫn tránh đi qua chỗ treo ảnh đó, bởi sợ cảm xúc của ngày hôm ấy nó trào lên, có thể thần kinh tôi yếu chăng?

Câu chuyện thứ hai, về Ymoan - "con sói" Tây Nguyên, người bạn thân thiết quý mến của tôi. Bức ảnh tôi chụp Ymoan trong triển lãm là vào năm 1993, khi Ymoan đang ôm đàn hát cho dân làng nghe. Chúng tôi gồm bốn người, 3 người Hà Nội là Khúc Thanh Bình họa sĩ, Nguyễn Quang Dững kỹ sư Bách Khoa và tôi phóng viên ảnh, theo Ymoan (khi đó đã ở đoàn ca nhạc thành phố) về buôn làng dự lễ hội cồng chiêng và đua voi. Chúng tôi đi lạc trong rừng. Khát quá rồi, mùa đó lá rụng xác xơ lắm, trời nóng, đất đỏ, mà cái vũng nước bẩn không tưởng tượng được, không ai dám uống. Ymoan bảo: Bây giờ chỉ còn một cách ăn kiến rừng. Tôi nghe rợn tóc gáy. Thế rồi Ymoan bửa một cái bọc bằng quả bưởi con, trong đó có cả kiến và trứng kiến (trứng kiến trắng như gạo, dài hơn hạt đỗ xanh) bốc một vốc ăn làm mẫu. Tôi cũng bốc một vốc, nhai thật nhanh, nghe lép bép lép bép trong miệng mình chua loét, mồ hôi túa ra, tóc dựng ngược hết lên. Ăn xong thì đỡ khát hẳn. Đến tối chúng tôi ngủ ở nhà Izắc, hôm sau chúng tôi theo về cái bản làng, quê của Ymoan. Ymoan mang đàn về, hát tưng bừng cho bà con bản mình. Tôi chụp trong lúc ấy.

Đùng một cái Ymoan bị ung thư, ra Hà Nội, biểu diễn live show đầu tiên cũng là cuối cùng của mình, tôi phóng bức ảnh đó tặng cho Ymoan thay hoa. Dưới bức ảnh tôi ghi "Ymoan- con sói đại ngàn". Ymoan nhìn bức ảnh nói một câu rất tỉnh táo: "Tháng ba mùa Tây Nguyên đi lễ hội, mùa con ong đi lấy mật". Đó là tháng năm lịch dương, năm 1993, khi chúng tôi đi cùng nhau.

Và tất nhiên, còn rất nhiều câu chuyện nữa khác, với những cung bậc cảm xúc khác nữa…

- Câu chuyện ông kể rất xúc động, nhưng đó là câu chuyện của cá nhân, mà với người xem ảnh thông thường thì khó có thể cảm nhận hết được?

+ Ở tuổi này, tôi không phải là người đặt ra mục đích này, đưa ra một tuyên ngôn nọ mà là sống chậm và sống bằng cảm xúc của mình. Do đó triển lãm ảnh thực ra nói về tôi, về chân dung tâm hồn tôi, những câu chuyện chân thực tôi thấy và cảm nhận. Đối với tôi, sự chân thực là điều kiện hàng đầu trong nhiếp ảnh; ánh sáng, bố cục chỉ là phương tiện thể hiện. Anh không được tạo ra một hình tượng để chụp ảnh, còn từ câu chuyện thật ấy nó có thành hình tượng không thì nó lại là chuyện khác. May mắn là cho đến nay tôi đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người, quả là điều đáng quý.

Tác phẩm “Ao làng'' - 1998.  Ảnh: Hữu Bảo.

- Sử dụng ảnh đen trắng, ông có cho rằng tính chân thực phần nào bị giảm đi, trong khi nhìn bằng mắt, cuộc sống thực hiện hữu rất nhiều màu sắc?

+ Ảnh màu có màu sắc, ảnh đen trắng nó có sắc độ (độ đậm, nhạt). Cái thực của màu sắc nó khác với cái thực của đen - trắng. Nói cách khác, đen - trắng là siêu thực, màu sắc là hiện thực. Đen - trắng là thực trong tâm tưởng con người chứ không thực trên thực tế.

- Nhưng đến một lúc nào đó, cùng với sự biến chuyển của thời gian, trong tâm tưởng con người, "ký ức làng" cũng sẽ không còn là ký ức đối với nhiều người nữa?

+ Có thể, bởi vì đời sống con người cũng phải tuân theo quy luật của số phận. Nhưng những gì mình ghi lại, mình tham gia vào, thì vô tình nó cũng trở thành những tư liệu lịch sử cho xã hội.

Như một dòng chảy âm thầm, giống như mình, đã quá lâu rồi, nhìn lại một cái áo tứ thân một bà cụ già giở lại mặc trước cửa đình trước khi đi hội mà thấy cả một sự dai dẳng của truyền thống, từ đầu thế kỉ XX đã có, đến bây giờ vẫn còn. Cho dù: "Mỗi mùa xuân én mở thêm vòng lượn" như nhà thơ Việt Phương từng viết, nhận thức và cái nhìn mỗi ngày rộng mở hơn, thì vẫn có một dòng chảy nào đó trong ta.

-  Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo

- Sinh năm 1952 tại Hà Nội
- Phóng viên ảnh.
- Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
- Hội viên Hội Lịch sử Việt Nam
Triển lãm cá nhân:
- Australia - Vừa chạy vừa chụp (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, 1999)
- Các làng nghề truyền thống (Festival Huế, 2009)
- Thành Đô yêu dấu (Hà Nội, 2010)
- Ký ức làng (Hà Nội, 2015)

"Trong mắt của Nguyễn Hữu bảo, nước Việt có bốn ngôi làng: làng vùng châu thổ sông Hồng; làng biển; bản làng Tây Bắc và Đông Bắc; buôn làng Tây Nguyên… Nguyễn Hữu Bảo không đi theo lối chụp tô vẽ, sắp đặt, dàn dựng. Anh tôn trọng sự trung thực, sự trung thực nói lên tất cả…: -  Họa sĩ Lê Thiết Cương.

Hòa An (thực hiện)
.
.