Kỳ thú miền biên viễn Tây Ninh

Thứ Sáu, 26/06/2020, 09:10
Người dân miền biên viễn Tây Ninh luôn tự hào với câu ca dao: "Tây Ninh danh thắng núi Bà/ Uy linh trời tạc một tòa nên thơ". Nhưng niềm tự hào của xứ sở mặt trời này còn được tôn vinh với công trình kiến trúc Tòa thánh Tây Ninh kỳ vĩ. Họ luôn mời chào du khách qua những bài hát và làn điệu quê hương trên sông Vàm Cỏ Đông. Bởi đó chính là một công trình kiến trúc có một không hai trên thế giới.


Những chuyện bí ẩn trong Tòa Thánh

Kiến trúc Tòa Thánh Tây Ninh được coi là công trình độc đáo nhất nước ta về mọi phương diện. Khu vực ngôi nhà chính cùng gần 100 công trình kiến trúc phụ nằm trong khuôn viên rộng hơn 1km2. Chu vi bao quanh chừng 4 cây số. Điều kinh ngạc nhất mà hầu hết các kiến trúc sư chuyên nghiệp trên thế giới đến đây đều phải bái phục vì Tòa Thánh xây không hề có bản vẽ thiết kế.

Một công trình lớn làm bằng trí tưởng tượng. Người chỉ huy công trình nghĩ đến đâu thì làm đến đó. Đêm hôm sau lại nghĩ tiếp. Cứ vậy hàng chục hạng mục lớn nhỏ lần lượt ra đời trong vòng 15 năm (1932-1947).

Thêm những điều kỳ diệu nữa là toàn bộ công trình xây dựng chỉ bằng kỹ thuật bê tông cốt tre. Tòa nhà chính dài 135 mét, rộng hơn 30 mét. Hai lầu chuông và trống ở trước mặt có chiều cao 36 mét. Xen kẽ là Nghinh phong đài cao 25 mét và Bát quái đài cao 30 mét. Toàn bộ công trình chính rộng 2.000 m2. Để làm được những công trình lớn như vậy việc làm bằng cốt tre quả là sự táo bạo.

Nhạc sĩ Xuân Hồng.

Việc chọn xương cốt cho việc đổ bê tông với diện tích khổng lồ không thể tùy tiện. Công trình dễ đổ sập bất kể lúc nào. Đây cũng là một điều làm các nhà xây dựng trên thế giới phải rùng mình. Những người thợ Tây Ninh đã dùng mái bê tông giả ngói tạo được dáng cong ba tầng. Các ngăn đều có hình ảnh rồng bay tạo nên sự thanh thoát bất ngờ.

Hình ảnh nổi bật trong Tòa Thánh là phù điêu hình một con mắt. Đây là biểu tượng chính của đạo Cao Đài. Hình một con mắt nằm trong hình tam giác tượng trưng cho thượng đế (nên được gọi là Thiên nhãn). Người ta quan niệm con mắt trời luôn mở để thấu đáo tất cả những gì con người làm và nghĩ. Biểu tượng "Thiên nhãn" đã làm công trình Tòa thánh mang yếu tố tâm linh huyền bí.

Kiến trúc đẹp và độc đáo bởi cả triết lý màu nhiệm thuộc lĩnh vực siêu hình. Thiên nhãn chính là sự sáng suốt tột cùng bao trùm cả càn khôn muôn loại. Nét đẹp của kiến trúc Tòa thánh đem lại cho du khách những yếu tố tâm linh sâu sắc khi tự soi lại mình mỗi khi hành động.

Điều bí ẩn cuối cùng còn được vùi lấp dưới nền nhà Tòa Thánh. Đó là một quả bom do giặc Pháp chôn còn im lặng cho đến nay? Quả bom lớn chừng 1.000 kg thuốc nổ. Theo nguồn tin trên báo chí cho biết, sau khi quân đội Pháp đóng chiếm Tòa Thánh vào những năm (1941-1945), chúng đã bí mật chôn một quả bom. Chúng sẽ cho lệnh nổ bom khi nào rút quân để đánh sập Tòa Thánh. Nhưng theo biên bản bàn giao giữa các đơn vị thì không thấy ghi chép lại sự kiện này.

Đã có lần ban chủ trì Tòa Thánh định liên hệ với một sĩ quan Pháp khi còn sống. Người này biết rõ quả bom chôn ở đâu. Nhưng việc không thành.

Vì sao quả bom không bị phát nổ? Cho đến nay vẫn là câu hỏi rất lớn. Những người dân thuộc đạo Cao đài ở chung quanh Tòa Thánh tin rằng thượng đế đã cứu chúng sinh, họ không cần đào bới để tìm ra quả bom nữa. Và câu chuyện quả bom truyền tụng hư thực như một bí ẩn để tăng thêm màu sắc tâm linh và càng trở nên huyền bí tại giáo đường. Nhưng tất cả đã có "Thiên nhãn" luôn luôn chiếu rọi và bảo vệ chúng sinh. Những bản thánh ca hàng ngày vang lên bên khu rừng xanh chung quanh.

Thành phố Tây Ninh luôn sôi động bên cửa ngõ Tây Nam của Tổ quốc. Và kia là chiến khu cách mạng trong rừng Xa Mát. Nơi đây ghi dấu những bài ca không quên của đoàn quân trong chiến dịch giải phóng miền Nam còn vang vọng từ 30-4-1975 cho đến ngày nay.

Những nhịp điệu mùa xuân

Nhạc sĩ Xuân Hồng (1928-1996) là người con của đất Tây Ninh cách mạng. Ông có tên khai sinh là Nguyễn Hồng Xuân. Ai cũng nghĩ đó là cái tên của một cô gái nên nhạc sĩ đã đổi là Xuân Hồng làm bút danh khi sáng tác. Có dịp tâm sự khi đã nổi tiếng, nhạc sĩ nói thực ra cái tên Xuân Hồng xem ra chẳng rắn rỏi cứng cáp gì hơn cái tên Hồng Xuân.

Nhưng vì gắn với những ca khúc cách mạng nên cái tên Xuân Hồng tạo nên ấn tượng lực lưỡng trai tráng hơn hẳn. Không ai có thể quên những ca khúc hay như: "Bài ca may áo", "Cây đàn của Đại đội 3", "Tiếng chày trên sóc Bom Bo", "Người mẹ của tôi"… gắn với cái tên Xuân Hồng.

Ca khúc nổi tiếng và được dựng tượng "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" là một kỷ niệm không thể nào quên với nhạc sĩ. Ông viết trong chiến dịch Phước Long-Đồng Xoài đầy khốc liệt vào năm 1965. Nhạc sĩ Xuân Hồng đã đến sống tại bản làng ở vùng Bù Đăng với đồng bào dân tộc S'tiêng. Ông thực hiện nhiệm vụ vận động bà con tiếp tế lương thực cho quân giải phóng.

Cuộc vận động của các chiến sĩ tạo nên không khí sôi động đặc biệt trong các buôn làng. Sóc Bom Bo suốt đêm người dân giã gạo để gửi ra chiến trường. Ngọn đuốc Lồ ô luôn cháy sáng cùng nhịp chày trong đêm gợi cảm hứng cho nhạc sĩ phản ánh một nhịp điệu cách mạng đầy nhiệt huyết của đồng bào S'tiêng. Bài ca "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" ra đời từ đó và trở thành nhạc phẩm tiêu biểu âm hưởng cách mạng lạc quan của nhạc sĩ Xuân Hồng.

Nhạc sĩ Xuân Hồng (hàng thứ hai, ngồi giữa) trong chiến khu.

Hơn nữa nhạc sĩ còn là người được mệnh danh là người chuyên sáng tác về mùa xuân. Trong thời gian ở chiến khu cách mạng Tây Ninh, nhạc sĩ có những bài gắn với mùa xuân như: "Xuân chiến khu" (1963), "Chiếc khăn tay" (1964) và "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" (1975). Nhưng sau giải phóng nhạc sĩ đã cho ra đời một loạt bài ca về mùa xuân.

Những bài hát của Xuân Hồng được phát liên tục trên sóng phát thanh và truyền hình. Có thể kể đến các ca khúc nổi tiếng: "Khúc xuân", "Mùa xuân bên cửa sổ", "Gương mặt mùa xuân" và "Bức ảnh mùa xuân". Gắn bó với đề tài về mùa xuân, nhạc sĩ Xuân Hồng còn có những ca khúc hay về thành phố Hồ Chí Minh đáng chú ý: "Thành phố bốn mùa hoa", "Nắng Sài Gòn"…

Vậy nên nhiều người nói cái tên Xuân Hồng đã gắn bó với dòng âm nhạc về sắc hoa và không khí mùa xuân ấm áp. Đó là những mùa tình yêu đất nước được tạo dựng cho nhạc sĩ trong suốt mấy chục năm hoạt động cách mạng và gắn bó với quê hương Tây Ninh.

Năm 2000, nhạc sĩ Xuân Hồng đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cũng với những ca khúc về mùa xuân. Đó là chùm ca khúc: "Xuân chiến khu", "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" cùng với "Tiếng chày trên sóc Bom Bo", "Bài ca may áo" và "Người mẹ của tôi".

Nụ hôn tình yêu

Nếu ta khảo sát những bài hát về mùa xuân và tình yêu của các nhạc sĩ khác vẫn còn dừng lại ở sự lãng mạn bay bổng và đẹp về thiên nhiên và giai điệu ngọt ngào. Riêng nhạc sĩ Xuân Hồng đã vượt lên trong hình ảnh về tình yêu và giai điệu. Một cảm xúc bứt thoát mang yếu tố lãng mạn và hiện đại. Đó là khi ông đưa hình ảnh nụ hôn vào ca khúc "Mùa xuân bên cửa sổ". Đây có thể nói là sự chuyển mình của nhạc sĩ Xuân Hồng vào năm 1985. Ca khúc được thể hiện giai điệu khỏe mạnh và tràn đầy tin tưởng ở cuộc sống mới cho dù còn bao khó khăn.

Hình ảnh nụ hôn được đưa vào trong bài hát như một sự khát khao và niềm tin yêu tương lai phía trước: "Cao cao bên cửa sổ/ Có hai người hôn nhau/ Đường phố ơi hãy yên lặng/ Để hai người hôn nhau…". Rồi hình ảnh nụ hôn còn được nhấn mạnh ở điệp khúc: "Ôi hạnh phúc đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng. Cuộc đời còn có cả những nụ hôn". Lắng đọng và sâu sắc. Có lẽ nhạc sĩ Xuân Hồng là người đầu tiên đưa nụ hôn vào âm nhạc rất táo bạo và ngọt ngào. Một âm hưởng nồng nàn của miền đất đầy nắng và gió Tây Ninh đã được hòa tan trong giai điệu  về nụ hôn và mùa xuân.

Vương Tâm
.
.