Chuyện làng văn nghệ

Kỷ niệm khó quên với ba người biên tập

Thứ Năm, 21/03/2013, 08:00

Nhớ những ngày đầu mới viết văn, gửi truyện đi rồi cứ thấp thỏm đợi chờ không biết truyện của mình có được dùng không. Nếu được dùng thì đọc săm soi từng chữ để xem người biên tập họ có cắt bỏ, có chỉnh sửa gì không, để rồi từ đó mà nghiệm ra tại sao câu đó, chữ đó lại bị cắt bỏ, câu đó chữ đó lại được thêm vào, rồi đảo các trường đoạn, thêm chi tiết... Nói chung là cái việc sáng tác văn học ngoài học kiến thức ở nhà trường, học bạn viết, học ở người đọc... thì nhà văn còn học được rất nhiều ở những biên tập viên của các tòa soạn.

Tôi nhớ có một lần khi viết được một truyện ngắn khá tâm đắc liền gửi đến cho một tòa soạn báo có biên tập viên mà tôi tâm đắc. Truyện gửi đi đã lâu mà vẫn bặt bóng chim, tăm cá. Tôi đã nghĩ rằng chắc là truyện của mình không đạt, không được in. Bẵng đi một thời gian, khi nỗi mong chờ đã lắng dịu thì một ngày đẹp trời, tôi nhận được điện thoại của nhà biên tập tâm đắc nọ, thông báo là truyện của tôi sẽ được in vào số tới. Vâng, khi đó tôi cũng chỉ biết có thế, mãi đến sau này mới biết rõ ngọn ngành của cái sự chậm trễ đó. Số là biên tập viên khi nhận được truyện của tôi gửi đến, đã biên tập rất kỹ lưỡng và đề nghị lên trên cho in ngay, nhưng trưởng ban biên tập lại nói truyện không hay, không thể in được. Thế thì thôi, chẳng lẽ lại đi cãi nhau là truyện nó hay, rồi đi phân tích, rồi lập hội đồng thẩm định vì một cái truyện ngắn à? Thôi thì đành chịu vậy! Người biên tập đáng kính ấy không cãi lại cấp trên mà đợi cơ hội và cơ hội đó đã đến khi truyện của tôi được giải cao trong một cuộc thi cấp khu vực, khi đó anh mới nhẹ nhàng đưa truyện lên cho đồng chí trưởng ban đọc lại, rồi trình bày đầu đuôi câu chuyện. Và dù muộn thì cuối cùng truyện của tôi đã được in trên tờ báo mà mình muốn được in. Từ đó tôi gọi anh là biên tập viên Ấn tượng.

Vẫn là những ngày đầu khi mới viết văn, lần này tôi trực tiếp đem truyện đến một tòa soạn khác và gặp trực tiếp biên tập viên. Khi nghe tôi giới thiệu tên tuổi và học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, biên tập viên đó cười nửa miệng, vẻ mỉa mai: "Lại Nguyễn Văn Du à? Rồi cứ để đấy sẽ xem sau nhé". Tôi ra về và biết rằng truyện của mình chắc chắn sẽ không bao giờ được nó ngàng tới. Từ đó tôi gọi anh là biên tập viên Nguyễn Văn Du.

Hôm đó tiện đường tôi lại ghé tiếp một tòa soạn báo nữa và cũng gặp trực tiếp biên tập viên. Khi nghe tôi giới thiệu, biên tập viên đã nhẹ nhàng: "Em viết được nhiều chưa? Buổi nào rảnh đưa thêm mấy truyện nữa anh đọc xem nhé, nếu được thì anh sẽ đề nghị cho in liên tục. Ai cũng vậy thôi, bước đầu khi mới vào nghề, nếu truyện chưa thật hay, nhưng tất nhiên là không dở nên chưa làm người đọc ấn tượng với truyện thì cũng để họ nhớ được cái tên của tác giả". Và đúng như biên tập viên nói, sau đó trong thời gian chỉ hơn một tháng, tên tôi cùng năm truyện ngắn được xuất hiện liên tục trên tờ báo nọ. Vâng có thể là truyện của tôi vẫn chưa hay, nhưng có thể nói tôi được người đọc biết đến nhiều hơn nhờ truyện liên tục được in trên tờ tuần báo nọ. Truyện được in là một động lực lớn cho tôi tiếp tục viết. Từ đó tôi gọi anh là biên tập viên Liên thanh.

Rồi một dịp rất tình cờ đó là buổi gặp mặt cuối năm và kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tôi lại được ngồi cùng một bàn với cả ba biên tập viên của: "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy". Điều oái ăm nữa là ngày hôm đó cũng là ngày tôi và biên tập viên Nguyễn Văn Du được kết nạp vào hội. Trong buổi tiệc, tôi có nhắc chuyện biên tập viên Ấn tượng và biên tập viên Liên thanh. Vì tế nhị tôi không nhắc đến chuyện giữa tôi và biên tập viên Nguyễn Văn Du. Nhưng tôi biết chắc rằng anh ấy đang nghĩ đến buổi gặp mặt ấy.

Bây giờ ba biên tập viên thuở ấy, có người đã nghỉ hưu, người thì lên làm lãnh đạo, người vẫn là biên tập viên và qua theo dõi của tôi, biên tập viên Ấn tượng và Liên thanh vẫn giữ được đẳng cấp của mình qua việc cùng ban biên tập xây dựng đẳng cấp của tờ báo mà các anh ấy làm biên tập

Nguyễn Thế Hùng
.
.