Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Tất cả đều vì việc chung

Thứ Ba, 25/08/2009, 16:30
Là người làm văn chương nghệ thuật, tôi thực sự xúc động khi được biết, để có một văn bản hoàn chỉnh như bản Di chúc được công bố chính thức cách đây 40 năm, Bác của chúng ta đã có tới 4 bản viết với một số đoạn hoặc được chỉnh sửa, hoặc được bổ sung, và quãng cách thời gian thực hiện có khi lên tới 4 năm (từ 1965 tới 1969). Điều này không chỉ cho thấy ở Bác một ý thức lao động nghiêm ngặt về mặt câu chữ, mà trên hết, thể hiện trách nhiệm lớn lao của Người với dân với nước.

Trong một bài viết in ra cách đây ít năm, nhân đề cập tới vấn đề này, tôi đã có đôi dòng nhận xét: "Dù có bản Di chúc mà về cấu trúc đã hoàn chỉnh, nhưng mỗi khi nảy ra ý kiến gì mới góp cho việc nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, Bác lại lấy bút ghi thêm đôi dòng ngoài bản Di chúc đã có".

Bởi vậy, với tôi, mặc dù rất tán đồng với nhiều bậc thức giả khi họ cho rằng, bản Di chúc của Bác được Trung ương Đảng công bố năm 1969 là bản hoàn thiện nhất, xứng đáng là "áng văn mẫu mực" lưu truyền mãi muôn đời, song để hiểu kích cỡ tâm hồn của một người "Nâng niu tất cả, chỉ quên mình" (thơ Tố Hữu), ta không thể không tiếp xúc với tất cả những bản Di chúc mà Người đã viết.

Điều ta có thể nhận thấy rõ nhất là mặc dù có những chỗ giai điệu câu văn rất đẹp, ngôn từ súc tích, song điều cốt yếu đối với Bác vẫn là làm sao qua các bản Di chúc này, mọi người đều thấy được trách nhiệm của mình đối với vận mệnh đất nước; cũng như qua đó, những người lãnh đạo càng phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc chăm lo, cải thiện đời sống của người dân.

Lẽ thường, khi đã đến lúc phải viết di chúc, người ta thường tập trung căn dặn những người thân gần về những việc liên quan sát sườn đối với mình. Là một người suốt đời "hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân", nên trong các bản Di chúc của Bác, ta thấy phần liên quan đến "việc riêng" rất ít. Vả chăng, Bác nhắc đến việc ấy chẳng qua cũng là để nhắc nhở mọi người "khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân". Nghĩa là nói "việc riêng" là vì việc chung.

Cũng vậy, nếu như ở bản Di chúc viết ngày 15/5/1965, Bác khiêm tốn coi việc làm của mình là "để lại mấy lời này" và "chỉ nói tóm tắt vài việc thôi", trong đó nội dung chủ yếu và trước nhất Bác dành để "nói về Đảng", và lời dặn dò chủ yếu của Bác trước sau vẫn là "Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi cuối cùng", thì ở bản viết sau đó 3 năm, Bác đã bổ sung thêm 5 trang viết tay nữa, với lý do: "Tháng 5/1968, khi xem lại thư này tôi thấy cần phải viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết".

Nói là "không đi sâu vào chi tiết" song thực tế, đọc bản viết này của Bác, ta thấy Bác rất quan tâm đến "công việc đối với con người" (chữ con người trong nguyên bản Bác gạch chân, nhấn mạnh bằng bút đỏ). Có thể nói, Bác nhắc một cách chi tiết, thậm chí là kỹ lưỡng đối với từng thành phần, tầng lớp trong xã hội mà Đảng và chính quyền cần quan tâm săn sóc, cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần (trong đó, đến như "những nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc..." cũng được Bác đặt ra các biện pháp nhằm "giúp họ trở nên những người lao động lương thiện").

Sau này, vì lý do "cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn đang gay go, ác liệt, chúng ta chưa giành được thắng lợi cuối cùng, nên việc công bố những đoạn văn nói trên lúc này chưa thích hợp", và "có một số câu Bác viết rồi lại xóa, hình như Bác đang cân nhắc, chưa coi là đã xong hẳn" (theo thông báo số 151-TB/TW ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh) nên một số đoạn bổ sung nói trên không xuất hiện trong bản Di chúc được công bố chính thức của Bác năm 1969.

Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi, chính những dòng chữ có vẻ như tách ra khỏi văn mạch chung của bản Di chúc đã được Bác viết và có chữ ký làm chứng của Bí thư Thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lê Duẩn năm 1965 đã cho ta thấy nỗi trăn trở không nguôi của Bác là làm sao cải thiện được đời sống của nhân dân. Như vậy, càng ở gần giây phút "đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin", Bác càng đau đáu lo cho hạnh phúc của cộng đồng.

Xin được mượn hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong trường ca "Theo chân Bác" để kết thúc bài viết này: "Lời Di chúc gửi, êm bên gối/ Quên nỗi mình đau, để nhớ chung". Tố Hữu thực sự đã nói thay nhiều người khi ông đọc được nỗi lòng của Bác trong các bản Di chúc mà Người đã viết...

Phạm Thành Chung
.
.