Kỷ lục hội họa ở làng Cổ Đô

Thứ Ba, 02/03/2010, 16:30

Cổ Đô là một ngôi làng nhỏ hiền hòa nằm nép mình bên dòng sông Hồng hùng vĩ. Chẳng biết có phải vì phong cảnh hữu tình hay không mà nơi đây từ xa xưa đã xuất hiện rất nhiều người mê hội họa. Sau này, tình yêu nghệ thuật ấy ngày càng được nhân rộng. Vì thế, Cổ Đô nay còn có một danh xưng khác là "Làng họa sĩ".

Có thể nói người đi đầu và truyền lửa tình yêu hội họa ấy cho nhiều người dân Cổ Đô chính là họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt. Họa sĩ Sỹ Tốt sinh năm 1920, trong một gia đình đông anh em. Lớn lên, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông vào quân ngũ. Chiến tranh và lửa đạn không làm mất đi niềm đam mê hội họa trong con người tài hoa này. Chắc tay súng nhưng người chiến sĩ trẻ ấy vẫn không ngừng học hỏi, rèn rũa tay cọ. Những hình ảnh anh hùng của đồng bào, chiến sĩ ta trong chiến tranh, những khắc nghiệt của cuộc chiến được ông ghi lại một cách sinh động và cặn kẽ.

Sau này, khi một nhà nông học người Nga có cơ hội xem bức tranh "Lúa non buổi sớm" của họa sĩ Sỹ Tốt đã thốt lên: "Máy bay của tôi có thể đâm thẳng vào tranh của Sỹ Tốt. Vì bức tranh ấy nó bát ngát và mênh mông quá!".

Hòa bình, trở về quê hương, Sĩ Tốt vẫn say mê cầm cọ và truyền sự say mê ấy cho con cháu của mình. Em trai của ông là họa sĩ Sỹ Tuấn, con trai của ông là họa sĩ La Vuông đều là Hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam. Tới nay gia đình ông cũng có gần chục người làm nghề mỹ thuật. Năm 2004, họa sĩ Sỹ Tốt qua đời.

Thể theo nguyện vọng của ông và được UBND Tỉnh đồng ý, tháng 9/2006, gia đình ông đã xây dựng nên một bảo tàng xinh xắn mang tên "Bảo tàng Sỹ Tốt và gia đình". Lưu giữ trong bảo tàng đó là những bức tranh tiêu biểu của họa sĩ Sỹ Tốt, em trai Sỹ Tuấn và con trai La Vuông cùng nhiều con cháu khác của ông. Giờ đây, khi họa sĩ Sỹ Tốt và ngay cả con trai ông là họa sĩ La Vuông không còn nữa thì người đảm nhiệm việc trông coi bảo tàng ấy lại là bà Nguyễn Thị Mộc, vợ của cố họa sĩ Sỹ Tốt. Bà Mộc năm nay đã bước sang tuổi 90.

Quả thật, hiếm đâu trên đất nước Việt Nam này người ta lại xây dựng được bảo tàng mỹ thuật gia đình. Đây quả là một điều đáng khích lệ, bởi tình yêu nghệ thuật cần được truyền lửa cho đời sau.

Trong ngôi làng nhỏ hiền hòa ấy, người ta rất dễ bắt gặp hình ảnh những người dân bình dị, những cụ già tóc bạc và thậm chí là những em nhỏ say sưa bên giá vẽ. Giá vẽ có thể đặt cạnh những đống rơm, những bờ tre rì rào hay trên chính những ruộng cày, ruộng lúa để chỉ cần ngơi tay làm việc là họ lại có thể vẽ ngay được. Đôi khi cũng chẳng cần giá vẽ, chất liệu vẽ cho những bức tranh ngẫu hứng ấy có thể là trên tường, hoặc trên đường. Hội họa đã ngấm vào máu người dân nơi đây. Họ coi vẽ tranh như một thú vui cũng như một cách để hòa mình hơn nữa vào phong cảnh hữu tình của quê hương.

Nói đến niềm đam mê hội họa khi đến Cổ Đô, không ai là không nhắc tới người họa sĩ thương binh Nguyễn Ngọc Cũi. Ông là cháu ruột của họa sĩ Sỹ Tốt. Tốt nghiệp lớp 8, Nguyễn Ngọc Cũi lên đường nhập ngũ. Trở về quê hương với mức thương tật 1/4, ông bị gãy xương hàm, phải đục xương chậu và tháo hết các đốt xương tay phải. Một phần sống chín phần chết. Ấy vậy mà khi thoát chết, Nguyễn Ngọc Cũi vẫn không sao từ bỏ được niềm yêu thích hội họa.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Cũi bên giá vẽ.

Tay phải coi như hỏng hoàn toàn, ông miệt mài tập vẽ bằng tay trái. Thời gian đầu, tập mãi mà không được ông cũng nản, những nét vẽ từ bàn tay trái cứ nguệch ngoạc chẳng ra hình thù gì. Nhưng rồi sự kiên trì đã giúp ông thành công. Đến nhà ông, người ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước một phòng tranh đồ sộ. Khắp nơi trong ngôi nhà ấy, từ phòng khách đến mỗi giường ngủ đều tràn ngập các bức tranh ông vẽ.

Quả không ngoa khi nói rằng, ngay đến cả nhà bếp (bếp theo kiểu quê) cũng treo tranh. Phía dưới là lủng củng nồi niêu xoong chảo, nhưng bên trên lại là những bức tranh thiên nhiên rất hữu tình. Thiên nhiên, con người và phong cảnh Cổ Đô tất thảy đều đi vào tranh của ông một cách tự nhiên. Nó mộc mạc và đáng yêu như chính tâm hồn giản dị của ông vậy. Nhờ tình yêu và sự nỗ lực không ngừng của bản thân, năm 1991, họa sĩ thương binh Nguyễn Ngọc Cũi chính thức được kết nạp vào Hội Mỹ thuật tỉnh Hà Tây (cũ), nay là Hội Mỹ thuật Hà Nội.

Dời nhà họa sĩ thương binh Nguyễn Ngọc Cũi tôi đến thăm nhà của họa sĩ Trần Hòa. Họa sĩ Trần Hòa hiện là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nghe ông kể lại thì từ ngày xưa, cái ngày mà ông còn rất nhỏ, đi vớt củi trôi trên sông Hồng, đến khi đói quá không biết phải làm sao cho đỡ đói liền nghĩ ra một cách, vẽ lên trên cát hình một đĩa xôi và con gà. Vẽ xong thì nuốt nước miếng ừng ực vì trông nó... giống quá. Cách đó chẳng những không giúp cho ông đỡ đói mà càng khiến bụng ông cồn cào hơn.

Họa sĩ Trần Hòa kể lại, hồi còn trẻ, vì ở quê nên những người thế hệ như ông không bao giờ dám mơ đến một ngày nào đó mình được ngồi học trong ngôi trường lớn như Trường Mỹ thuật Việt Nam. Nhưng ông và một số bạn bè vẫn cứ liều gửi tranh vào trường, và không ngờ, thấy đạt nhà trường đã gọi ông nhập học.

Có thể nói, họa sĩ Trần Hòa là một trong số rất ít những họa sĩ đầu tiên của làng được đào tạo một cách bài bản. Đối với một họa sĩ thì việc có tranh treo trong Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia luôn là niềm vinh dự lớn lao. Riêng với họa sĩ Trần Hòa thì niềm vinh hạnh này dường như còn lớn hơn, bởi lẽ ông không chỉ có tranh treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh mà tự hào hơn thế, người họa sĩ này còn có hẳn một bộ tranh 7 bức được lưu giữ rất trang trọng ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hà Lan. Ông tâm sự, như thế cũng là quá đủ cho một đời đam mê nghệ thuật hội họa.

Thế hệ họa sĩ trẻ của làng Cổ Đô hôm nay tuy chưa gặt hái được nhiều thành công như lớp cha anh nhưng họ đều mang trong mình tình yêu hội họa và tâm huyết giữ nghề cho Cổ Đô. Các lớp học của những thầy giáo trẻ như thầy Việt, thầy Khôi, thầy Luân không chỉ thu hút những học trò "nhí" Cổ Đô mà còn có cả những học trò của các làng lân cận cũng tìm đến học.

Người dân Cổ Đô mê hội họa. Và những người cùng có chung niềm đam mê ấy đã thành lập nên "Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô" vào năm 2002. Người có công trong việc thành lập nên câu lạc bộ ấy là họa sĩ Nguyễn La Vuông. Nhiều hội viên, sau mỗi lần hoàn thành được một bức tranh mà mình ưng ý, lại gọi anh em bạn bè trong câu lạc bộ đến cùng uống nước trà và thưởng ngoạn. Họ xem tranh rồi nhận xét, rút kinh nghiệm cho nhau. Hiện nay, Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô đã có tới trên 30 hội viên. Họ đã tổ chức được bốn cuộc triển lãm tranh, trong đó có 2 cuộc triển lãm được tổ chức tại chính UBND xã. Mỗi lần diễn ra triển lãm là một lần người dân Cổ Đô vui như trong ngày hội.

Khi tôi đến thì cũng là lúc công trình "Nhà Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô" đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trước khi đưa vào sử dụng. Đó là một khu nhà 2 tầng rộng rãi khang trang có giá trị đầu tư lên tới 5 tỉ đồng. Đây sẽ là nơi lưu giữ những bức họa quý của làng Cổ Đô qua nhiều thế hệ. Những người đam mê họa của làng Cổ Đô xem công trình này như một sự thúc đẩy cho sự phát triển hội họa của làng trong tương lai.

Dời Cổ Đô rồi mà tôi vẫn không lý giải được vì sao người dân nơi đây lại yêu hội họa đến vậy? Vì phong cảnh hữu tình hay vì tâm hồn con người Cổ Đô lãng mạn tôi cũng không biết nữa!

Ngọc Anh
.
.