Hổ phụ sinh hổ tử

Kỳ V: Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành: “Tôi yêu kính cha, nhưng luôn ý thức phải tự lập”

Thứ Bảy, 17/02/2007, 09:30
Tên tuổi của bà đã rất quen thuộc với mọi người, Đạo diễn, NSND, Tiến sĩ nghệ thuật học Phạm Thị Thành. Nhưng trên trang báo này, chúng tôi muốn nói nhiều hơn về dòng dõi “trâm anh thế phiệt” của bà.

Những người quan tâm tới lịch sử dân tộc, hẳn đều biết đến người cha kính yêu của bà, nhà trí thức yêu nước Phạm Khắc Hòe. Các anh trai của bà cũng là những tên tuổi được nể vì trong xã hội, như ông Phạm Khắc Lãm, từng làm Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, hiện là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội người Việt Nam ở nước ngoài; Tiến sĩ Phạm Khắc Chi, nguyên hiệu trưởng đầu tiên và là người sáng lập Đại học Văn Lang, đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam; Tiến sĩ tin học - Thượng tá Quân đội Phạm Khắc Di...

Thân phụ của TS-NSND Phạm Thị Thành, cụ Phạm Khắc Hòe, là người Đức Thọ, Hà Tĩnh, thành viên của một dòng tộc khoa bảng. Cố nội cụ Hòe từng đậu cử nhân, ông nội là thầy đồ dạy học trong làng và người cha của cụ Hòe  từng đậu tú tài và làm thừa phái.

Cụ Phạm Khắc Hòe từng tốt nghiệp cao đẳng và hành chính, được phân công làm tham tá tòa xứ, làm việc tại Huế và Quy Nhơn, rồi chuyển sang ngạch quan lại Nam triều. Trước Cách mạng, cụ Hòe là Ngự tiền văn phòng Đổng Lý cho Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn.

Cụ Phạm Khắc Hòe là người có công lớn trong việc vận động Hoàng đế Bảo Đại thoái vị và rất được lãnh tụ Hồ Chí Minh tin tưởng. Cụ cũng là người soạn thảo chiếu “thoái vị” cho vua Bảo Đại ngày 22/8/1945.

Nhờ có vai trò “ngoại giao” của cụ Hòe mà việc chuyển giao chính quyền từ triều đình Bảo Đại sang chính quyền cách mạng tránh được nhiều đổ máu, tổn thất… Năm 1946 cụ Phạm Khắc Hòe có mặt trong Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia cuộc đàm phán Pháp - Việt tại Đà Lạt và Phôngtennơblô trong vai trò cố vấn kiêm Tổng thư ký.

Gia đình NSND Phạm Thị Thành (ảnh chụp cách đây nửa thế kỷ).

Khi đó, chính quyền miền Nam do người Pháp điều hành đã từng mời cụ Hòe tham gia Hội đồng chính phủ, nhưng cụ Hòe từ chối và một lòng đi theo cách mạng. Cụ Hòe từng bị quân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, rồi được Việt Minh giải thoát và cụ nghe theo tiếng gọi của Cụ Hồ đi lên chiến khu Việt Bắc.

Tham gia chính quyền cách mạng, cụ Phạm Khắc Hòe đã từng giữ các chức vụ: Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ pháp chế Phủ thủ tướng... Là một nhà trí thức đau đáu nỗi lo dân nước, suốt đời mình, cụ Phạm Khắc Hòe đã một lòng đi theo ánh sáng của cách mạng, làm những việc có lợi cho đồng bào mình.

Cụ là tác giả của những cuốn sách có giá trị lịch sử như “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”, “Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn”. Cụ được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam khi đã ở tuổi ngoài 80.

Bà Phạm Thị Thành rất tự hào khi nói về người cha thân yêu, mặc dù những kỷ niệm và những năm tháng được ở cạnh cha của bà không có nhiều. Gia đình bà Thành có tới 10 anh em. Cụ Phạm Khắc Hòe lấy 3 người vợ.

Thân mẫu của NSND Phạm Thị Thành là người vợ thứ 2 của cụ Hòe, một phụ nữ xinh đẹp, là em ruột nhà thơ Ưng Bình Thúc Dạ Thị, cháu của nhà thơ Miên Thẩm và là chắt nội của Vua Minh Mạng. NSND Phạm Thị Thành được thừa hưởng từ người cha tình yêu văn chương và từ người mẹ giọng ca Huế ngọt ngào.

Chính người mẹ đã trực tiếp hướng dẫn Phạm Thị Thành chọn nghệ thuật biểu diễn để theo đuổi suốt cuộc đời. Như một niềm đam mê không thể dứt, một ám ảnh định mệnh, một khao khát mạnh mẽ từ đáy sâu trong tâm hồn, Phạm Thị Thành “quăng” toàn bộ đời sống, nghĩ suy, tâm huyết cho sân khấu.

Bà nhận về mình rất nhiều nỗi buồn, nỗi cô đơn và những mất mát không thể bày tỏ của một người phụ nữ dấn thân cho sự nghiệp. Học từ người cha cách nhìn bao quát đời sống, cách nghĩ lớn về những giá trị làm nên chân dung một con người giữa biển đời mênh mông, Phạm Thị Thành đã tự vẽ lên bức tranh của riêng mình với một màu sắc riêng, độc đáo.--PageBreak--

Làm đạo diễn, bà nổi tiếng với những vở như “Sống mãi tuổi 17”, “Nhân danh công lý”, “Người tốt nhà số 5”, “Mùa hè ở biển”, “Đỉnh cao mơ ước”, “Vũ Như Tô”, “Rừng trúc”… Bà đã dựng khoảng 200 vở diễn cho các loại kịch chủng khác nhau như chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, kịch thiếu nhi, kịch nước ngoài...

Ngoài ra bà cũng làm Tổng đạo diễn và đạo diễn cho 20 lễ hội lớn trong đó có nhiều lễ hội cấp quốc gia.

NSND Phạm Thị Thành là một phụ nữ độc lập. Đó là bài học quý bà được cha mẹ dạy cho từ tấm bé. Luôn tự lực cánh sinh, tự quyết định con đường đi của mình. Trong sáng tạo nghệ thuật bà nói: “Phải độc lập. Nếu mình còn dựa vào ai đó để gây dựng sự nghiệp, danh tiếng, là mình còn yếu.

Tôi không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đã có và cần phải làm việc nhiều hơn mỗi ngày để giành lấy tri thức, hiểu biết, để làm giàu có hơn đời sống của cá nhân mình cũng như giúp ích cho xã hội”. NSND Phạm Thị Thành đã lựa chọn cuộc sống độc thân từ rất nhiều năm tháng đã qua.

Độc thân để được làm nghề trọn vẹn, để dành toàn bộ tâm huyết cho niềm đam mê mà bà theo đuổi, đó là nghệ thuật sân khấu. Bà sống trong một ngôi nhà nhỏ, trong con hẻm nhỏ trên phố Tràng Thi yên tĩnh. Căn nhà nhỏ đến mức nó không thể có chỗ cho người thứ hai đến ở.

Trong không gian chật hẹp ấy, bà thao thức hàng đêm với những vở diễn, những dự định, những ý tưởng. Bà làm việc không ngừng. Và chỉ có công việc là niềm vui lớn lao nhất trong cuộc đời. Bao năm đi về một mình lẻ bóng, bà an phận sống cùng nỗi cô quạnh mà không hề oán trách, hờn giận. Bà thấm thía rất sâu sắc rằng, ở đời, không có gì là hoàn hảo, là tuyệt đối.

Chỉ có cái đẹp là vĩnh hằng và con người ta sẽ luôn luôn trên đường tìm kiếm cái đẹp để khai phá tận cùng ý nghĩa sự tồn tại của kiếp người. Bà nhận mình là người đàn bà “khổ sai” nhất trên hành trình tìm kiếm cái vĩnh hằng ấy. Bà bình thản đón nhận những trạng thái buồn vui của cuộc đời. Không hoang mang, chạy trốn.

Khách đến chơi thường ngắm nhìn một bức ảnh chân dung rất lớn treo trên tường, một phụ nữ ngồi im lặng hút thuốc, đôi mắt nhìn thẳm sâu vào không gian qua làn khói mỏng. Đấy chính là chân dung NSND Phạm Thị Thành trong những phút “lắng nghe” chính mình.

Hút thuốc để trò chuyện, để kiềm chế, để suy tư và để vơi bớt nỗi cô đơn (mà dù có là một người đàn bà cứng rắn, bản lĩnh tới đâu, vẫn có lúc bị cảm giác này len lén trở về, dày vò tâm trạng). Đó là những lúc công việc đã xong, được nghỉ ngơi một chút hiếm hoi để bắt đầu một công việc mới.

Sau những giờ phút im lặng đối diện với chính mình, NSND Phạm Thị Thành nhanh chóng trở lại với đời sống bận rộn của một nữ đạo diễn. Bà đi về như con thoi, nay ở vùng đất này mai đã ở vùng đất khác, nay dựng vở cho đoàn nghệ thuật này mai lại dựng vở cho đoàn nghệ thuật khác.

Bà chính là thành viên đầu tiên, cùng với nghệ sĩ Hà Nhân sáng lập ra Nhà hát Tuổi Trẻ danh tiếng hôm nay. Học trò của bà là những gương mặt sáng giá của làng kịch nghệ đương đại như Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Ngọc Huyền, Anh Tú...Là một trong những nữ Tiến sĩ Nghệ thuật học hiếm hoi của Việt Nam, Phạm Thị Thành từng ngồi ghế Ban giám khảo nhiều cuộc đua tài nghệ thuật.

Là thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu Quốc tế dành cho thiếu nhi và thanh niên ASSITEJ và là Chủ tịch Hiệp hội ASSITEJ Việt Nam, bàn chân của nghệ sĩ đã đến nhiều nơi trên thế giới, học tập những tinh hoa của sân khấu nhiều nước để làm giàu vốn liếng tri thức của mình.

Bà tham gia nhiều dự án về nghệ thuật sân khấu của nước ngoài tại Việt Nam, nỗ lực để đưa  nghệ thuật cổ truyền của dân tộc vào trong trường học. Bà còn là Phó chủ tịch Hiệp hội UNESCO Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, là đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, tham gia công tác giảng dạy tại Trường Sân khấu - Điện ảnh…

Nhìn vào những gì Đạo diễn, TS, NSND Phạm Thị Thành đã làm trong suốt cuộc đời mình, những người phụ nữ Việt Nam hôm nay có thể xem bà như một tấm gương về sự lao động, cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Bà đã gieo những hạt mầm quý giá trong đời sống, để chứng minh vai trò, vị trí, cũng như bản lĩnh của người phụ nữ đã vượt qua mọi thăng trầm của số phận để gặt hái những niềm vui không chỉ cho riêng cá nhân mình

Bình Nguyên Trang
.
.