Nhà thơ Hà Văn Thể

Kiếp sau xin làm cây hoa dại

Thứ Ba, 30/06/2015, 08:05
Quen biết anh đã lâu, đọc anh cũng kha khá, nhưng để hiểu anh, hiểu về một nhà thơ trong cõi trầm luân này thì tôi phải dành thời gian để đọc hết năm tập thơ của anh: "Khi tôi trên mặt đất" (1991); "Thời bình" (1995); "Vườn cây bà ngoại" (2001); "Lạy xin mây trắng" (2005) và tập thơ mới nhất có tên "Hoa muộn" (2014). 

Sinh năm 1958, đã gần tuổi về hưu rồi, làm thơ từ ngày còn ngồi ghế nhà trường phổ thông trung học, đã từng là một trong những người chủ trương thành lập Câu lạc bộ thơ Thanh Xuân ồn ào một thuở, nhưng đến nay mới xuất bản năm tập thơ thì cũng không phải là nhiều. Vâng, nếu chỉ có liệt kê ra thế thậm chí là ít trong thời đại thông tin điện tử tràn ngập này.

Một năm chỉ in một vài bài thơ trên báo thì rất dễ bị khuất lấp sau những ồn ào sự vụ khác, nên có thể đôi khi nhắc đến tên anh, bạn đọc có nhiều người không biết. Nhưng tôi dám chắc một điều rằng, những người làm thơ chân chính, những nhà nghiên cứu thì biết về Hà Văn Thể và thơ của anh nhiều hơn. Và nếu ai đó đã đọc hết năm tập thơ của Hà Văn Thể thì mới thấy rằng, trong suốt thời gian đó, anh ra được năm tập thơ quả là một kỳ tích.

Nhà thơ Hà Văn Thể.

Ở con người nhà thơ đó, hình như trong tâm luôn trĩu nặng một nỗi buồn, như là nỗi buồn tiền kiếp để lại. Gần bốn mươi tuổi mới lập gia đình, hạnh phúc ngắn chẳng tầy gang, dù cho anh cố tình vun vén, cố tình dùng nụ cười để khỏa lấp, để che giấu bạn bè về nỗi buồn, nỗi bất hạnh của mình, nhưng làm sao giấu được bạn bè khi nhìn vào đôi mắt đượm buồn của nhà thơ và đọc những câu thơ của anh:

Sáu năm nửa tỉnh nửa mê
Chồng đi không biết, con về chẳng hay
Giữa đêm lại nghĩ là ngày
Có khi sợ cả đám mây giữa trời
Sáu năm im bặt tiếng cười
Anh em ruột thịt ra người dửng dưng
Chuyện thì toàn những viển vông
Con thơ để mặc cho chồng lo toan
Nhà neo, tật bệnh trái ngang
Khổ từ người ốm, khổ sang người lành.

                                            (Sáu năm)

Đấy, cuộc sống vợ chồng anh là thế. Sau lần sinh đứa con trai thứ hai, vợ anh lâm vào cảnh bạo bệnh, anh một mình chăm vợ, nuôi con thơ. Nhưng trời đâu chỉ bắt anh khổ một bề, trong cái bể khổ trầm luân ấy, ông trời còn bắt Hà Văn Thể phải chịu đến tận khổ khi anh thốt ra thành thơ mà tin rằng những ai đã từng trải, khi đọc đến bài thơ "Nửa đêm" của anh không khỏi trào nước mắt:

Nửa đêm sắc thuốc cho con
Thêm thang hy vọng cha dồn vào đây
Con ơi thơ dại thế này
Cớ sao tật bệnh đọa đày không tha
Hỏi trời - trời ở rất xa
Hỏi đất - như đất sắp già hụt hơi

…………….

Ngôi sao chiếu mệnh nhạt rồi
Khổ đau ngửa mặt lên trời mà mong
Kiếp người chưa hết long đong
Thuốc nào chữa được mấy vòng trần ai.

                                            (Nửa đêm)

Cả một đời nhà thơ đã bao lần "Nửa đêm", đã bao lần âm thầm ngồi ngắm vợ con an giấc lúc nửa đêm còn mình thì âm thầm nuốt nước mắt vào trong và thả lên trang giấy những câu hỏi, những câu ước ao mong người đời sẻ chia:

Con chim sinh ra trời cho tiếng hót
Con chó sinh ra đêm sủa vang nhà
Mà sao con mười năm không nói
Lặng im thành đá tảng giữa lòng cha.

                                     (Nghe con nói)

Từ bài thơ "Sáu năm" phải mất thêm bốn năm chờ đợi trong hy vọng một lần được nghe tiếng nói đầu đời của đứa con thơ. Mười năm là bao lần nửa đêm, bao lần hy vọng rồi thất vọng và Hà Văn Thể viết bài thơ "Nghe con nói". Sáu năm cộng thêm bốn năm thành mười năm mà vợ anh vẫn: "Khổ từ người ốm, khổ sang người lành".

Mặc dù cuộc sống nhọc nhằn và tai ương là thế, nhưng đọc thơ Hà Văn Thể người đọc không hề tìm thấy bất cứ một câu thơ nào giận hờn, oán trách cuộc đời và con người. Cũng như nhiều nhà thơ khác, Hà Văn Thể làm thơ về nhiều chủ đề khác nhau, nhưng đậm đà cả chất và lượng hơn cả vẫn là những bài thơ anh viết về quê hương miền trung du Phú Thọ và mảng thơ viết về gia đình của anh.

Trong mảng thơ viết về quê hương Phú Thọ anh dành phần nhiều viết về các nhà thơ, nhà văn như Bút Tre, Sao Mai, Ngô Ngọc Bội, Phạm Tiến Duật. Có nhiều nhà thơ, vì những lý do khác nhau, mà khi viết về quê hương nơi sinh ra mình không còn cái độ thuần khiết, máu thịt đậm đà chất quê để mà chắt ra những câu thơ từ chính nỗi lòng đau đáu nhớ nhung của mình. Còn Hà Văn Thể thì khác. Những câu thơ anh viết về quê, đọc lên cứ thấy một niềm yêu và niềm nhớ da diết. Và trong anh, quê hình như là cái miền quê của thời quá khứ còn lưu dấu, in đậm mãi trong tâm tưởng nhà thơ từ thời lẫm chẫm theo mẹ ra chợ, theo cha lên rừng. Anh viết về quê là để nhớ quê?

Tất nhiên! Và cũng là để tiếc nuối những gì quê hương vì sự phát triển mà không còn giữ được thuần khiết nữa.

Bây giờ quê vẫn còn có chợ, nhưng chắc không còn cái chợ quê xưa, một chợ quê miền trung du, chỉ duy nhất miền trong du mới có. Cái chợ quê luôn nằm trong tâm tưởng của nhà thơ Hà Văn Thể:

Áo chàm chen với áo nâu
Bánh khoai, bánh đúc, chè tàu… bày ra

……

Ai mua măng nứa măng giang
Nón chằm mành cọ… thì sang bên này
Ai mua bò kéo trâu cày
Lợn lai Phục Cổ nửa ngày mới ra.

………

Gà đồi quen ngủ trên cây
Ra đến chợ vẫn nhớ bầy gáy vang.

Chỉ mấy câu thơ ấy đã hiển hiện trước mắt những người xa quê một chợ phiên rộn ràng âm thanh và màu sắc. Tiếng gáy của gà đồi như một tiếng ngân của sự bình yên miền trung du đất cổ. Và nét chấm phá cuối cùng làm bừng lên chất quê cổ qua hai câu thơ:

Kìa hai chú tiểu ngẩn ngơ
Giục nhau xách đậu, gánh ngô về chùa.

                                             (Chợ quê)

Người quê chân chất bình yên nhưng người quê có tấm lòng thơm thảo và thẳng ngay. Anh ví những người dân quê mình như những dáng cọ luôn vươn thẳng lên bầu trời, sống một đời ngay thẳng và lành hiền đổ bóng vô tư lự:

Cây cọ đứng bên bờ ruộng rộc
Kiêu hãnh thả lên trời những chiếc lá xanh
Người trung du quen cuối thác đầu ghềnh
Không ngay thẳng thật thà không sống được.

Người trung du sống ngay thẳng thật thà, đậm đà tình nghĩa. Cái tình nghĩa chắt chiu của bao đời người vùng đất cổ, Đất Tổ:

Thương nhau nấu nước lá Sòi
Em đem nhuộm áo cho người mình thương.


Ân tình và sự thủy chung còn thể hiện ở:

Một lư hương giữ từ nghìn năm trước
Vẫn vẹn tròn hiếu nghĩa đến mai sau.

(Ai có về Phú Thọ)

Bìa cuốn “Hoa muộn” của nhà thơ Hà Văn Thể.

Cuộc sống của Hà Văn Thể là thế đấy, đong đầy nỗi buồn nhưng vẫn một lòng tha thiết yêu người và yêu đời. Đã mấy chục năm nay, trong sự bận rộn của một người làm báo, trong sự nhọc nhằn của một người chồng, người cha luôn thường trực trong nhà có người ốm người đau, vậy mà Hà Văn Thể vẫn sống chí tình, chí nghĩa với bạn bè anh em.

Đã có lần anh tâm sự: "Việc hỉ có thể mình vắng mặt, nhưng việc hiếu thì không thể". Phải chăng chính vì những phẩm chất đó mà người đọc khi đến với thơ Hà Văn Thể như đã chạm vào triết lý của Phật giáo, hay nói đúng hơn mỗi bài thơ đọc lên cứ thấy phảng phất tính thiền, đó cũng chính là sự bao dung, tình thương người, thương những phận đời bất hạnh:

Có bông hoa nở muộn
Rực rỡ riêng góc vườn
Cạnh bông hoa nở sớm
Đã tàn theo gió sương

………

Người đi từ năm cũ
Và người đến bây giờ
Bao chuyến đò định mệnh
Bến trần gian vẫn chờ.

(Hoa muộn)

Ngẫm đời người lắm gian truân
Dại khôn sướng khổ lần lần mà đi
Trời cao đất rộng nhường kia
Mong manh những đấng chảy về hư không

                                         (Xuân Cảm)

Nhà thơ Hà Văn Thể là thế, một đời người, một đời thơ đều đau đáu và sẻ chia với những thân phận người và có lẽ đây cũng là tuyên ngôn thơ, tuyên ngôn về lẽ sống của anh khi viết về kiếp người, chỉ là:

Những sinh linh hữu hạn, nhỏ bé, yếu ớt
Và như thế mỗi ngày âm thầm tôi viết
Thơ sẻ chia không né tránh bao giờ.

                             (Thơ viết cho mình)

Xin được kết thúc bài viết này bằng chính câu tâm sự của nhà thơ: "Đã bao người mong ước kiếp sau sẽ là cây thông, là ngọn núi, đám mây, làm con chim ca hát, thậm chí là làm vương làm tướng, riêng tôi nếu có kiếp sau, cho tôi xin được làm một cây hoa dại. Một cây hoa dại nở hoa bốn mùa bên dọc đường đi để được chào, được nghe tiếng râm ran trò chuyện của con người".

Nguyễn Thị Thúy Hằng
.
.