Chuyện đời thường

Kiện vì... tài năng?

Thứ Năm, 27/12/2012, 08:00
Một người tên là Đ. làm thơ đã lâu năm và lúc nào cũng coi thơ mình hơn hẳn… vợ mình. Điều này rất đúng với câu "văn mình vợ người" mà lâu nay, các cụ nhà ta vẫn nói.

Năm ấy, Đ. tập hợp hàng chục thi phẩm mới sáng tác và gửi dự thi cùng một lúc ở ba cuộc thi thơ khác nhau (một của tờ báo ngành, một của tờ báo địa phương và một của tờ báo trung ương) với hy vọng sẽ "bật dậy", sẽ "khẳng định", sẽ "gặt hái", sẽ "lên ngôi". Cuối cùng, ở cả ba cuộc thi, Đ. đều bị…"rớt đài".

Bực mình, Đ. bèn viết một bài rõ dài lên án cả ba ban sơ khảo, chung khảo (bài viết này sau còn được in hẳn vào một cuốn sách). Rằng, các ông đã không hiểu thơ tôi. Rằng, các ông đã không có "con mắt xanh". Rằng, các ông đã trù dập tôi. Rằng, các ông đã phủ nhận tôi…Không những thế, Đ. còn đe: Việc các ông đã bỏ qua tôi tức là các ông đã bỏ qua một tài năng thơ. Rồi có ngày, các ông sẽ phải hối tiếc…

Chưa hết, trong cơn bức xúc không giới hạn, Đ. còn lên án cả những người đoạt giải. Đ. coi thơ của những người đoạt giải không hay và những người đoạt giải là những trở ngại trên con đường công danh của mình. Và Đ. đã định viết đơn kiện.
Biết vậy, có người bảo: "Khi mình dự thi thơ tức là mình đã chấp nhận phụ thuộc vào "gu" thơ, cách định giá thơ, cách thưởng thức thơ của một ban giám khảo. Hay nói một cách khác: Mình đã tuân theo luật chơi. Nếu trúng giải thì tốt, không trúng giải cũng chẳng sao. Nay, nếu kiện cả người chấm lẫn người thi, thì muốn hay không muốn người ta cũng đánh giá mình là người cay cú, ăn thua rồi. Vậy thì hay hớm gì! Lơ tơ mơ, không biết chừng có khi mình còn bị người đời cười cho. Mà "văn chương tự cổ" đã "vô bằng cớ" rồi, vậy sẽ phải lấy cái gì ra để đấu với người ta đây? Theo tôi, tốt hơn hết là mình cứ tiếp tục làm thơ và làm cho hay. Rồi nếu như thơ mình hay thật, thì không người này công nhận, người khác sẽ công nhận, đời này không công nhận, đời khác sẽ công nhận. Xin hãy bình văn…tĩnh. Hay là ông kiện vì…tài năng?".

Năm nay, dự thi giải thưởng thơ thường niên của Hội Nhà văn thu hút cả trăm tập thơ của cả trăm tác giả của mọi miền đất nước tham dự. Qua mấy vòng đọc và xét giải, có đến 8 tập thơ được Hội đồng thơ đề cử vào chung khảo để Hội đồng chung khảo Hội Nhà văn ra quyết định cuối cùng.

Hay tin này, đã có một nhà thơ có thơ dự thi phản ứng dữ dội (tất nhiên là mới phản ứng dữ dội trong một quán bia, trong lúc "chén chú chén anh" thôi). Nhà thơ này thắc mắc với mấy bạn bia của mình: Tại sao thơ tôi viết công phu như thế, sâu sắc như thế, có nhiều tìm tòi khác lạ như thế, tầm cỡ như thế mà không được đề cử? Thật là vô lý đùng đùng.

Một bạn bia của nhà thơ này cười cười: "Đây mới là chủ quan của ông thôi! Mà người nào, đặc biệt là người viết, thường vẫn hay nghĩ mình là nhất. Thế ông đã đọc những tập thơ của những nhà thơ khác chưa? Thế nhỡ người khác cũng viết công phu, sâu sắc và cũng có nhiều tìm tòi khác lạ, tầm cỡ hơn ông thì sao? ông phải cẩn trọng kẻo bị mang tiếng là "ếch ngồi đáy giếng" đấy".

Nhà thơ này dứt khoát: "Chỉ có tôi mới hiểu tôi, mới hiểu thơ tôi. Các ông có làm thơ vất vả như tôi đâu, có bị "giời đày" như tôi đâu, mà biết. Tôi còn nhiều bằng chứng để nói về cái hay của thơ tôi mà các ông chưa biết. Có nhiều người khen thơ tôi âm thầm. Cũng đã có nhiều người khen thơ tôi ra mặt. Vả lại, tôi là người làm thơ lâu năm, có nhiều trải nghiệm và mọi trải nghiệm của tôi đều được thực chứng qua thơ một cách đậm đà, khó quên. Phen này, tôi sẽ…".

Rồi nhà thơ tiếp tục: "Phen này, tôi sẽ kiện cho ra nhẽ. Không có lý gì tập thơ của tôi lại không được đề cử, không được giải. Tôi sẽ kiện…"

Cho dù chưa được kiểm chứng, nhưng cũng giống như Đ. - người nêu ở đầu bài viết ngắn này, chắc hẳn "nhà thơ" này nhiều khả năng cũng sẽ kiện vì…tài năng

Ngọc Trản
.
.