Kiểm duyệt phim còn nhiều bất cập

Thứ Bảy, 26/10/2019, 08:43
Một sự kiện thuộc lĩnh vực điện ảnh đang được dư luận, báo chí đặc biệt quan tâm thời gian qua, đó là việc bộ phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" lặng lẽ rút khỏi rạp sau 10 ngày công chiếu vì để lọt hình ảnh đường đứt đoạn giống "đường lưỡi bò" phi pháp.


Những ngày qua, câu chuyện về công tác việc kiểm duyệt phim đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Việc lọt lưới để phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" (tên tiếng Anh là "Abominable") ra rạp, việc đơn vị sản xuất phim "Ròm" bị phạt 40 triệu đồng vì tự ý tham dự Liên hoan phim Busan khi chưa được cấp phép và ý kiến bức xúc của khán giả quanh việc ngập tràn cảnh nóng trong phim truyền hình... đã cho thấy, công tác kiểm duyệt phim cần được xem xét điều chỉnh một cách nghiêm túc.

Một sự kiện thuộc lĩnh vực điện ảnh đang được dư luận, báo chí đặc biệt quan tâm thời gian qua, đó là việc bộ phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" lặng lẽ rút khỏi rạp sau 10 ngày công chiếu vì để lọt hình ảnh đường đứt đoạn giống "đường lưỡi bò" phi pháp.

Phim “Thất sơn tâm linh” phải chỉnh sửa nhiều trước khi ra rạp.

Đây là bộ phim hoạt hình hợp tác giữa Dreamworks Animation và Pearl Studio - một công ty sản xuất phim của Trung Quốc. Bộ phim chỉ được rút khỏi rạp khi khán giả phát hiện và lên tiếng trước hình ảnh sai phạm đó.

Ngay sau đó, ngày 14 - 10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chỉ đạo Cục Điện ảnh kiểm điểm sai sót của cá nhân, tập thể liên quan trong quá trình thẩm định bộ phim (Everest - Người tuyết bé nhỏ). CGV - đơn vị phát hành phim đã ngay lập tức thu hồi tất cả ấn phẩm quảng cáo và cho dừng chiếu bộ phim. Bà Nguyễn Thu Hà, Cục trưởng Cục Điện ảnh - đơn vị chịu trách nhiệm về kiểm duyệt phim đã lên tiếng trên báo chí xin nhận mọi trách nhiệm khi đã để xảy ra sự việc đáng tiếc này.

"Tôi thẳng thắn nhìn nhận và cầu thị lắng nghe mọi ý kiến để khắc phục. Và chúng tôi cũng đang tiến hành kiểm tra lại một cách kỹ càng, thận trọng các bản phim để sớm có thông tin đến dư luận, những người yêu điện ảnh" - Bà Nguyễn Thu Hà cho biết.

Với tư cách là nhà phát hành, CGV nghiêm túc nhận khuyết điểm do sơ suất trong quá trình phát hành phim: "Nhận thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng, CGV chân thành gửi lời xin lỗi sâu sắc đến khán giả Việt Nam và sẽ tuần thủ ý kiến chỉ đạo từ cơ quan quản lý nhà nước".

Điều đáng nói là sự việc của phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" tương tự như trường hợp phim "Điệp vụ biển đỏ" cách đây vài năm. Bộ phim chiếu rạp trong đó có chi tiết một loạt hình ảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc đi qua một vùng biển được chú thích bằng dòng chữ "South China Sea" (tức Biển Đông), phát loa yêu cầu một chiếc tàu khác rời khỏi đây là vì vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Nhiều ý kiến khi đó cho rằng, thông điệp này không chỉ là cài cắm ý đồ xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền biển đảo Việt Nam nữa mà còn là sự ngang nhiên tuyên bố. Tuy nhiên, sơ sót nguy hiểm ấy cũng chỉ được xử lý bằng việc rút phim ra khỏi rạp mà không có bất kỳ hình thức xử lý nào nghiêm khắc hơn. Một câu hỏi đặt ra là liệu có phải với một lượng phim quá tải cho Hội đồng duyệt phim quốc gia, một quy trình thiếu khoa học hay chính vì chưa có hình thức xử lý thích đáng nên những sai sót như vậy vẫn xảy ra trong quá trình kiểm duyệt phim?

Trong khi dư luận vẫn đang bức xúc vì việc Hội đồng thẩm định đã để lọt lưới bộ phim có những hình ảnh sai sự thật, vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam thì cũng thời điểm đó, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với đơn với sản xuất phim "Ròm" vì phát hành phim khi chưa được cấp phép phổ biến. "Ròm" được phát triển từ phim ngắn "16:30" từng giành được nhiều giải thưởng trước đó nhưng bộ phim độc lập kéo dài 7 năm này chưa nhận được sự đồng ý của hộ đồng thẩm định

Theo đó, Công ty Hoan Khuê (HK film) có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã gửi bộ phim này tham dự Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) lần thứ 24 khi phim chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến. Lý giải việc chưa cấp phép cho "Ròm", phía Cục Điện ảnh cho rằng "Ròm" phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trông chờ vào con số may mắn để trúng lô, đề.

Những tệ nạn xã hội như chơi lô, đề, cho vay nặng lãi, đòi nợ, mê tín, bạo lực xuyên suốt và dày đặc trong phim. Kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn. Câu chuyện phim diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng không có sự quan tâm của chính quyền và các cơ quan chức năng...".

Tình tiết tăng nặng của sự việc này là việc HK film tiếp tục thực hiện hành vi gửi phim tham dự LHP dù đã được Cục Điện ảnh yêu cầu chấm dứt. Trong khi phía đạo diễn Trần Thanh Huy cũng như nhà sản xuất phim lại có những quan điểm khác với cơ quan quản lý.

 Việc phim Việt bị cơ quan quản lý yêu cầu chỉnh sửa hoặc không được ra rạp không phải là chuyện hiếm. Gần đây nhất, để được ra rạp, bộ phim "Thất sơn tâm linh" (tên cũ là "Thiên linh cái") đã phải chỉnh sửa rất nhiều.

Mặc dù kịch bản đã được duyệt trước khi ghi hình nhưng đến khi thành phẩm vẫn phải tiếp tục cắt gọt. Phía nhà sản xuất cũng thừa nhận, chính vì việc phải gọt để có thể ra rạp khiến cho ngoài việc phim bị lùi thời gian chiếu thì nội dung phim trở nên rời rạc, khó hiểu với khán giả.

Một cảnh trong phim “Tiếng sét trong mưa” - bộ phim đang bị dư luận cho rằng có nhiều cảnh nóng không phù hợp.

Đơn vị này cũng so sánh: Tác phẩm được dán nhãn 18+ nhưng khá nhẹ nhàng so với những phim kinh dị, ly kỳ của Hollywood chiếu rạp thời gian gần đây. Không may mắn như "Thất sơn tâm linh", một số bộ phim như "Bẫy cấp ba", "Rừng xác sống" hay "Bụi đời Chợ Lớn" cũng đã phải đắp chiếu không thể ra rạp vì không qua được khâu kiểm duyệt.

Không thể phủ nhận, việc phim cần qua khâu kiểm duyệt là cần thiết để có thể "gạn đục khơi trong", mang đến những bộ phim lành mạnh và thật sự có giá trị cho khán giả. Trong bối cảnh số lượng phim nhập vào Việt Nam mỗi năm rất lớn (hơn 200 phim/năm, tính từ 2016 đến nay) thì rõ ràng áp lực công việc với cơ quan quản lý rất lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc cơ quan này cần phải nâng cao trách nhiệm hơn bao giờ hết. Sự nhạy cảm chính trị phải luôn đặt lên hàng đều để không để xảy ra những sự việc tương tự.

Tuy nhiên, ở lĩnh vực kiểm duyệt phim điện ảnh, có ý kiến cho rằng, dường như các nhà quản lý đang nhẹ tay với phim ngoại và nặng tay với phim nội. Phim nước ngoài có nhiều cảnh giết chóc, máu me hay phản cảm có khi vẫn được ra rạp trong khi những phim Việt lại bị soi khá kỹ điều này. Việc phim "Ròm" đạt giải thưởng quốc tế khi vẫn chưa được cấp phép tại Việt Nam còn cho thấy những mâu thuẫn về quan điểm, cách nhìn vẫn đang tồn tại hội đồng thẩm định và phía nhà sản xuất cũng như những người cầm cân này mực tại các LHP quốc tế.

Thêm một bất cập nữa trong vấn đề kiểm duyệt phim hiện nay đó là việc dường như các nhà quản lý đang mới chỉ tập trung vào lĩnh vực phim điện ảnh mà bỏ qua phim truyền hình. Trong khi, phim điện ảnh là phim thương mại, khán giả phải bỏ tiền ra để mua vé vào rạp nên lượng khán giả chắc chắn không nhiều bằng phim phát sóng trên truyền hình. Tuy nhiên, việc dư luận liên tục lên tiếng trước một loạt bộ phim truyền hình lạm dụng cảnh nóng cho thấy lĩnh vực này lại đang được thả lỏng.

Một trong những bộ phim truyền hình được khán giả "phàn nàn" nhiều nhất thời gian gần đây là "Tiếng sét trong mưa" (đạo diễn Phương Điền). Dư luận cho rằng, phim phát sóng truyền hình vào giờ vàng, có đông đảo khán giả ở nhiều lứa tuổi theo dõi, tức là có cả trẻ em nhưng phim vẫn ngập tràn cảnh nóng. Trước đó, bộ phim "Quỳnh búp bê" cũng đã bị khán giả la ó vì phim đầy ắp cảnh nóng và bạo lực.

Trước phản ứng của dư luận, Đài truyền hình đã phải đổi giờ chiếm phim "Quỳnh búp bê" sang khung giờ muộn hơn để hạn chế sự lượng khán giả trẻ em. Thực tế cho thấy các nhà sản xuất phim truyền hình vẫn mải miết chạy theo doanh thu, ngày càng lạm dụng các cảnh nóng, bạo lực để câu khách. Trong khi các phim chiếu rạp có cả một hội đồng duyệt và dán nhãn hạn chế khán giả ở 3 cấp độ thì phim truyền hình lại đang được thả lỏng một cách đáng lo ngại.

Các chuyên gia tâm lý khiến cáo: Sự trưởng thành sớm về nhận thức lẫn độ tuổi dậy thì sớm của trẻ là một nguy cơ rất lớn nếu chúng ta cứ thoải mái cho trẻ tiếp nhận những sản phẩm giải trí không đúng lứa tuổi chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy về hành vi ứng xử của trẻ sau này. Có lẽ đã đến lúc cần phải dán nhãn cho cả phim truyền hình cũng như phim chiếu rạp để phân loại người xem phù hợp. Đây cũng là việc các kênh truyền hình lớn của nước ngoài đang áp dụng.

Khánh Thảo
.
.