Khước từ nghề tình báo để theo nghiệp văn chương

Thứ Tư, 02/03/2005, 07:42
Sau khi rời nghề tình báo, John Dann McDonald đã thành công với các tác phẩm trinh thám. Bốn mươi năm cầm bút, ông đã để lại một di sản đồ sộ gồm 500 truyện ngắn, 66 tiểu thuyết, với 75 triệu bản in.

John Dann McDonald sinh ngày 24/7/1916 ở Sharon, Pensylvania (Mỹ). Năm 23 tuổi, ông đậu bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường đại học danh tiếng Harvard. Một năm sau, ông gia nhập quân đội Mỹ, đeo lon Trung úy. Ba năm sau, ông được điều đi đồn trú tại tổng hành dinh New Delhi (Ấn Độ).

Ở đây, ông được Cục Tác chiến chiến lược (OSS), tiền thân của CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) đánh giá cao và đã được thăng hàm Trung tá. Trong thời gian phục vụ ở hải ngoại, nhà văn tương lai đã gửi cho vợ một số truyện ngắn (đã được kiểm duyệt cẩn thận) thay những bức thư. Bà Dorothy liền gửi chúng cho nhiều tạp chí.

Vận may đã đến. Truyện ngắn Đoản khúc Ấn Độ đã được đăng trên tờ tạp chí Truyện ngắn nổi tiếng, phát hành tháng 7/1946 với khoản nhuận bút “đầu đời” là 25 USD. Thành công này đã làm cháy  lên tham vọng trở thành nhà văn chuyên nghiệp của chàng sĩ quan 30 tuổi.

"Cơn mưa đơn độc màu bạc" - một cuốn sách ăn khách của John McDonald.

Bốn tháng sau khi giải ngũ, ông đã hăng hái viết được 80 vạn chữ thuộc nhiều thể loại văn học. Hơn 30 truyện ngắn của ông ra đời nhưng liên tục bị trả lại. Không nản chí, quyết đeo đuổi văn nghiệp, ông kiên trì cầm bút. Cố gắng của ông cuối cùng đã được đền đáp. Trong những năm 1947 - 1952, hàng loạt tạp chí thời thượng như Mặt nạ đen, Viễn tưởng khoa học kinh động, Thám tử ba xu, Truyện rùng rợn, Truyện truyền kỳ đã lần lượt đăng các tác phẩm đa thể loại của ông.

Những truyện giật gân này được đăng trên những tờ tạp chí giấy xấu, khổ to (25x17 cm), giá rẻ. McDonald viết nhiều đến nỗi “bút danh đã trở thành một nhu cầu thường xuyên”. Ít nhất ông cũng đã dùng đến 6 bút danh trong thời kỳ này. Cùng với trào lưu truyện giật gân mà hầu hết các tác gia trinh thám điển hình thời bấy giờ đều tham gia, những truyện đầu đời của ông lúc ấy vẫn được coi là hấp dẫn nhất của thể loại này.

Tuy nhiên, thị trường này cũng không tồn tại được bao lâu. Nó đã bị các phương tiện truyền thông mới như truyền hình, và đặc biệt là “cuộc cách mạng sách bìa mềm” do các nhà xuất bản chủ xướng gạt bỏ một cách không thương tiếc. Ở giai đoạn đầu, các nhà xuất bản lớn cũng vẫn chưa chấp nhận in tác phẩm của ông. Họ phải dành đất để in và tái bản sách của các tác gia danh tiếng như Agatha Christie, James Hilton, Luke Short và Pearl S. Buck.

Phải đến khi nhà xuất bản Gold Medal Books chiếm được vị trí quan trọng trên thị trường, họ mới hướng “đôi mắt xanh” đến một số cây bút mới có triển vọng. John D. McDonald đã sớm trở thành cây bút ruột thịt của nhà xuất bản này. Sau khi truyện Cú lừa ngoạn mục - tác phẩm  được coi là một trong những đỉnh cao của loại sách bìa mềm được công bố năm 1950, Gold Medal đã trở thành nơi xuất bản hầu hết các tác phẩm của ông từ đây cho đến những năm cuối đời, với tổng số 36 tuyển tập.

Từ đây, số phận của McDonald mới chính thức an bài, từ một cây bút vất vả kiếm từng đồng trở thành một tác gia lừng lẫy có thu nhập hàng triệu đôla một năm. Sức viết dồi dào, lại đã yên tâm về việc kiếm sống, nên chỉ trong có 4 năm (1951 - 1954), ông đã cho xuất bản 7 cuốn tiểu thuyết. Điều đáng nói là sau một giai đoạn thăng trầm khoảng mười năm để tìm chỗ đứng trên văn đàn, đến khi đã có vị thế, McDonald lại trở thành đối tượng săn lùng, cạnh tranh của ít nhất là 6 nhà xuất bản hàng đầu thời bấy giờ.

Nhà Dell Books trong vòng 6 năm (1954 - 1959) đã xuất bản 9 tiểu thuyết của ông. Nhà Pan Books tái bản 3 cuốn, với trang bìa rất hấp dẫn, điển hình với chiếc khóa xích tay, được coi như biểu tượng tác phẩm của ông. Nhà Popular Library ấn hành 4 cuốn (1955 - 1957). Riêng nhà xuất bản này đã lập hẳn một Hội đồng biên tập tuyển chọn rất cẩn thận các tác phẩm có giá trị văn học và giải trí cao, trong đó có cuốn Cái bẫy rỗng của ông, xuất bản năm 1957.

Cuối cùng, cuộc giành giật tác phẩm của ông mới kết thúc khi nhà Gold Medal rút cục đã mua toàn bộ bản quyền xuất bản của các nhà Dell, Popular Library, Pocket BooksSignet - để trở thành nhà xuất bản độc quyền tác phẩm của McDonald.--PageBreak--

Dư luận lúc bấy giờ gọi sự kiện này là một “quả đấm sắt” trong giới truyền thông. Khi lĩnh vực tiểu thuyết trinh thám của ông đã có chỗ đứng vững chãi, ông đã mở thêm “mặt trận” sang thể loại tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Ông đã viết hơn 30 tác phẩm thuộc thể loại này, trong đó có 16 truyện xuất sắc được tuyển trong bộ Những thời đại khác, những thế giới khác, ấn hành năm 1978.

Trong 66 tiểu thuyết trinh thám của ông, có 21 tiểu thuyết trường thiên, xâu chuỗi một nhân vật Travis McGee. Nhân vật này được coi là “kiểu người hùng điển hình cuối cùng của thế kỷ XX”.  McGee là cựu binh, cựu cầu thủ bóng đá, tóc muối tiêu, đôi mắt xanh thẳm lạnh lùng, thường thắng trong những cuộc đánh giáp lá cà nhưng rất ghét bạo lực, cưỡi một chiếc xe Rolls Royce đời cổ (1936), xuất hiện đúng lúc dưới dạng “một hiệp sĩ tả tơi độc hành trên lưng ngựa” (lời McDonald).

Trong các tác gia trinh thám thế kỷ XX, John D. McDonald là một trong những người được nhận nhiều giải thưởng lớn về văn học. Năm 1955, ông nhận “Giải Benjamin Franklin về truyện ngắn"; năm 1964 giải lớn của Pháp về thể loại văn học trinh thám và năm 1980 giải “Sách Hoa Kỳ”. Năm 1972, ông nhận chức Chủ tịch Hội Văn bút Trinh thám Hoa Kỳ, đồng thời được suy tôn là “Bậc thầy của tiểu thuyết trinh thám”.

Tay thám tử tinh nghịch, si tình này sống gần Fort Lauderdale, bang Florida (nơi McDonald sống từ năm 1949 và đã viết hầu hết các tác phẩm của ông), trên một chiếc nhà nổi (thuyền đậu tại chỗ trên mặt sông, được trang bị làm nhà ở). Con thuyền có cái tên kỳ lạ là “Một ván ù” (sở dĩ có cái tên này là vì McGee đã mua nó nhờ thắng trong một ván bài pôkơ).

McGee là một “chuyên gia cứu khổ, cứu nạn”. Ông đòi lại tiền cho khách hàng (thường là hấp dẫn phụ nữ trẻ), những người bị rút ruột vì tin vào những trò lừa đảo chuyên nghiệp, với mức phí rất ngẫu nhiên. Ông đánh bạn với người hàng xóm Meyer - một nhà kinh tế đã về hưu ở chiếc thuyền bên cạnh, một người được McDonald mô tả là “rất giống mình”. Hai người trò chuyện triết học với nhau giữa hai đợt của “một trận đánh” của McGee.

Travis còn là một “thầy lang vườn” chữa bệnh ngoại khoa rất hiệu nghiệm, được phái yếu tín nhiệm. Nói chung, Travis McGee là loại nhân vật rất điển hình với tính cách “giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”. Travis McGee và người bạn thân thiết của ông, Meyer, giống như một sự phân thân của tác giả. Thoạt đầu, McDonald định đặt cho người hùng của mình cái tên Dallas McGee, nhưng sau vụ hạ sát Tổng thống Kennedy ở Dallas, ông đành lấy tên một căn cứ không quân Hoa Kỳ đặt cho nhân vật của mình.

John D. McDonald còn có một ý thích lạ lùng nữa. Đó là việc ông hay lấy màu sắc đặt tên cho tác phẩm. Tình huống này, theo các nhà văn học sử, chắc là ông đã lấy cảm hứng từ Lawrence Treat (1908 - 1998) - nhà văn thường đặt tên truyện trinh thám của mình theo thứ tự bảng chữ cái (a,b,c). Ông đã thực hiện cuộc phiêu lưu trên bảng màu từ màu xanh sẫm: Lời từ biệt màu xanh sẫm (1964). Rồi Cô gái trong tấm vải liệm mầu nâu trơn (1968). Hay, trước đó với Cô gái với chiếc đồng hồ vàng (1962). Hoặc Sàn khiêu vũ màu xanh da trời (1952), Cơn ác mộng màu hồng (1964), rồi Chiếc áo khoác màu chàm (1971), Nước da màu nâu vàng (1982), Cơn mưa đơn độc màu bạc (1984). Đây cũng là tiểu thuyết cuối cùng của ông.

John D. McDonald mất ngày 28/12/1986 tại Bệnh viện St. Mary ở Milwaukee, bang Wisconsin, sau một ca mổ tim. “Đại hội John D. McDonald” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1978, sau đó được tổ chức nhiều lần vào các thập niên 80 và 90 (của thế kỷ XX). Cũng như những tác gia trinh thám lừng danh khác, tác phẩm của ông đã nhiều lần được dựng thành phim

Tấn Phong
.
.