Khúc ru trên đồi Châu Ê

Thứ Sáu, 20/03/2020, 17:23
Châu Ê thôn gồm nhiều con đồi nhấp nhô bên dòng sông Hương thuộc xã Thủy Bằng (TP Huế). Châu Ê giờ vẫn còn giữ cái tên Châu Chữ cổ kính thuộc kinh thành Huế hưng thịnh trăm năm xưa...


Châu Ê được mọi người quan tâm vì có di tích văn hóa lịch sử Lăng Khải Định kỳ vĩ. Phảng phất nét buồn thanh nhã Châu Ê thôn như một nốt nhạc trầm bên dòng sông Hương. Đúng là: “Đường vô xứ Huế quanh quanh. Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”.

Hồn xưa vọng núi Châu Ê

Châu Ê có địa hình đồi núi xen kẽ sông và hồ tạo nên nét khu biệt khác lạ của kinh thành Huế. Cách xa thành phố chỉ chừng mươi cây số nhưng Châu Ê có những rừng cây rậm rạp và đường núi hiểm trở. Chính vì thế ngay từ thời kháng chiến chống Pháp nơi đây được chọn làm căn cứ cách mạng. Châu Ê trở thành nơi hội ngộ của những người yêu nước. Lực lượng thanh niên Huế theo kháng chiến thường bí mật về đây tập luyện đánh trận và tấn công đồn bốt địch.

Tác phẩm “Đài tưởng niệm liệt sĩ” của Điềm Phùng Thị ở Hương Thủy (Huế).

Thung lũng quanh đồi núi Châu Ê còn là nơi dừng chân của những đoàn quân chuẩn bị xuất kích vào trận đánh. Khu căn cứ cách mạng mang tên Châu Chữ (Châu Ê) được hình thành vào đầu thập niên 60. Những đội quân biệt động và chiến sĩ trinh sát từ đây luôn gây khiếp vía giặc Pháp với những cách đánh chớp nhoáng bất ngờ.

Đó là đội quân xuất quỷ nhập thần trong khu chiến địa rừng xanh. Sau đó căn cứ địa Châu Ê còn là địa chỉ tập kết lực lượng tiến công giặc Mỹ suốt chặng đường dài từ 1968 đến ngày giải phóng miền Nam (1975).

Ai cũng biết sau bao cuộc trường chinh biến động tại căn cứ Châu Ê những lăng tẩm vua chúa nhà Nguyễn vẫn còn giữ được nguyên vẹn. Riêng khu di tích lăng tẩm Khải Định ở ngay trong chiến khu vẫn còn giữ được nét cổ phong với kiến trúc đặc sắc tại Huế.

Lăng Khải Định nằm trên triền núi Châu Ê nhìn về hai ngọn núi Chóp Vung và Kim Sơn tạo nên thế chân vạc cân đối bên những cánh rừng xanh bát ngát. Phía dưới chân núi là hồ sen và đồng cỏ bao la gợi sự kỳ thú sơn thủy hữu tình làm rung động lòng người.

Nhưng thật bất ngờ đối với tôi khi nghe người hướng dẫn viên nói trong số những người tham gia xây lăng mộ Khải Định có một ông quan đốc công rất tài hoa tên là Phùng Duy Cẩn. Ngài chính là cha đẻ của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (1920-2002)) nổi tiếng thế giới. Bà là Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học, Văn học và Nghệ thuật châu Âu. Tôi càng ngỡ ngàng hơn khi biết hai ngôi mộ của vợ chồng Điềm Phùng Thị cũng ở gần đây.

Sau khi rời lăng Khải Định tôi quay trở lại con đường cũ chừng non nửa cây số. Có một con đường nhỏ lên đồi Châu Ê theo mũi tên chỉ dẫn. Đó là khu mộ bằng đá ong của vợ chồng nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị. Gió từ biển đông thổi như một bài hát ru trên những hàng cây thông xanh. Một giai điệu nhẹ nhàng man mác buồn tênh. Hương khói mùi quế thơm phức tỏa lan. Vừa lên tới nơi tôi thấy một nhóm thanh niên đang thành kính chắp tay trước mộ bà Điềm Phùng Thị. Trước mặt tôi biểu tượng của hai ngôi mộ là hình phật bà đang chắp tay. Đó là nghệ thuật sắp đặt liên hoàn những “mô đun” quen thuộc mang dấu ấn đặc trưng ngôn ngữ điêu khắc Điềm Phùng Thị. 

Khi thấy tôi đến những chàng trai trẻ lùi lại phía bên rồi đưa hương cho tôi cắm lên mộ bà. Họ vẫn im lặng và thành kính nhìn về ngôi mộ Điềm Phùng Thị. Một người đưa tôi một mảnh giấy có ghi vài dòng chữ. Thì ra đây là những học trò của Điềm Phùng Thị. Họ đều là những người câm điếc được bà dậy từ bé. Sắp tới kỷ niệm ngày sinh 100 năm của bà (1920-2020) họ lên thắp hương và tưởng nhớ đến bà. Tôi mỉm cười chào họ rồi cùng chắp tay im lặng trước ngôi mộ đơn sơ bằng đá ong đỏ au trên khu đồi vắng lặng. Chỉ có tiếng gió ru cây rung lên vỗ về trong những chùm ánh sáng long lanh từ biển đông dội về Châu Ê.

Những bức tượng bên sông Hương

Ngay sau đó tôi theo nhóm họa sĩ trẻ về thành phố để vào thăm “Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị”. Thời gian 100 năm lặng lẽ trôi qua. Cuộc đời Điềm Phùng Thị là một biểu tượng rất Huế. Đó là sự dịu dàng lắng sâu trong tâm hồn. Nhìn những tác phẩm điêu khắc của bà tôi bị thu hút vì mỗi hình tượng như đang muốn nói điều gì đó. Những nỗi niềm khắc khoải hiện lên trên những chân dung người đàn bà. Đó là những tác phẩm “Người mẹ”, “Cầu nguyện”, “Thủy Thần”…

Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị.

Giọng cô gái thuyết minh trầm bổng vang lên ngọt ngào. Điềm Phùng Thị tên thật là Phùng Thị Cúc. Cô kể vì sao một tiến sĩ, bác sĩ nha khoa như Phùng Thị Cúc lại trở thành một nhà điêu khắc lừng danh ở Pháp quả là một sự bí ẩn. Một định mệnh từ kiếp trước chăng.

Tôi háo hức nghe lời giải đáp. Cô kể khi mới ba tuổi cô bé Phùng Thị Cúc đã theo cha lên sống ở miền đất Tây Nguyên gần chục năm. Có lẽ những bức tượng cổ dân gian của đồng bào Thượng đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn cô bé Cúc thuở ấy. Hằng ngày cô đã cùng các bạn nhỏ đeo gùi vào rừng ngắm những bức tượng nhà mồ. Cô đã khao khát được khám phá thế giới đầy bí ẩn này.

Sau này ở tuổi trăng rằm sống ở Huế cô Cúc xinh đẹp đã từng quen thân với họa sĩ Mai Trung Thứ. Có lẽ những bài học về màu sắc bắt đầu từ đây. Hội họa đã nhập vào máu của cô “công chúa” con quan triều Nguyễn một cách hồn nhiên. Nhưng rồi cuộc sống phong kiến nặng nề đã kéo cô về thực tại. Cô phải lao vào học hành với những gia giáo khắc nghiệt của người cha.

Do mẹ mất sớm nên bé Cúc được sự kèm cặp dạy dỗ của cha rất chu đáo. Phùng Thị Cúc đỗ vào trường Đại học Y khoa khóa một năm 1946 và trở thành một trong những bác sĩ nha khoa đầu tiên của nước ta. Cho dù sau này bảo vệ luận án tiến sĩ ở Pháp cô Phùng Thị Cúc vẫn hướng về hội họa. Giấc mộng sắc màu được ấp ủ hàng chục năm sau bỗng bùng phát khi cô xin đi học điêu khắc ở Pháp.

Mặc dù khi đó cô đã bước sang tuổi 40. Liệu có quá muộn chăng? Nhưng bác sĩ Phùng Thị Cúc không nề hà. Cô học và được chồng là tiến sĩ Bửu Điềm rất ủng hộ. Không ít thời gian ông đã cùng vợ luyện đất, đẽo gỗ và dựng tượng. Tiến sĩ Phùng Thị Cúc miệt mài vừa học vừa sáng tác không biết mệt mỏi. Cuộc tình nghệ thuật đã làm mê hoặc tâm hồn lãng mạn này.

Sáu năm sau, bác sĩ Phùng Thị Cúc mở một triển lãm đầu tiên (1966). Một cuộc trình làng ngay trên đất tổ của nghệ thuật điêu khắc châu Âu quả là táo bạo. Các báo giới nói đây là một sự kiện mang tên Điềm Phùng Thị. Bà đã gắn tên chồng cùng với họ mình để làm danh xưng nghệ thuật. Cuộc triển lãm thành công bất ngờ. Chính phủ Pháp đã mua bức tượng “Mẹ con” của bà để trưng bày trong công viên trẻ thơ (Paris).

Ngôn ngữ điêu khắc của Điềm Phùng Thị gây ấn tượng khác biệt với khuynh hướng sáng tác ở Pháp. Sau đó tác phẩm của bà liên tục xuất hiện trong các triển lãm hằng năm tạo hiệu ứng sâu rộng trong đời sống và thị trường hội họa phương Tây. Hiện có tới 36 tượng của bà được chính phủ Pháp mua trưng bày trong công viên và đường phố. Một viện sĩ Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật châu Âu viết trên một tờ báo đã đánh giá: “Sức cảm hứng nổi bật ở Điềm Phùng Thị rất bao la, hướng đến sự trầm tư, thậm chí đến một tâm linh thần bí có tính tôn giáo…”.

Bảy nốt nhạc thiên tài

Tôi đi như mộng du trong vườn tượng của Điềm Phùng Thị bên sông Hương. Những học trò của bà đều đứng lặng đi trước các tác phẩm. Có lẽ họ đang hồi tưởng lại vì sao cô giáo đã nghĩ ra một ngôn ngữ điêu khắc “mô đun” (chi tiết mẫu) cơ bản để tạo hình. Đây là giai đoạn sáng tác thứ hai của Điềm Phùng Thị ở Pháp. Dùng bảy “mô đun” mẫu lắp ghép với những bố cục khác nhau để tạo hình thể hiện một sức sáng tạo gây bất ngờ cho giới điêu khắc trên thế giới. Đặc biệt trong bảy mẫu tự có một “mô đun” hình trái tim hay quả táo.

Đáng chú ý, cả bảy mẫu tự đều có những đường cong để làm mềm các mối ghép trong quá trình tổ chức bố cục. Sinh thời giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê đặt cho những mẫu tự này là bảy nốt nhạc. Từ đó những bản nhạc hình tượng của Điềm Phùng Thị tấu lên bài ca cuộc sống đầy mơ mộng và trầm luân. Chính vì thế ngắm những bức tượng của bà lòng người bỗng lắng xuống thanh thoát thiền tự. Bởi những tác phẩm của Điềm Phùng Thị gợi nhắc người thưởng ngoạn về một thế giới tâm linh trong sâu thẳm cõi vô thường.

Vương Tâm
.
.