Nhà văn Xuân Đức:

Không viết là thấy trống vắng

Thứ Tư, 26/08/2015, 08:10
Vừa qua, Bộ Công an đã tổ chức lễ tôn vinh 18 nhà văn có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc, trong đó có nhà văn Xuân Đức. Xuân Đức là nhà văn có nhiều mối "duyên nợ" với lực lượng Công an.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, tiểu thuyết "Người không mang họ" của ông đã nổi đình đám khắp trong Nam ngoài Bắc và từng đoạt giải thưởng văn học về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an trao tặng năm 1995.

Không chỉ nổi danh với nhiều tiểu thuyết, nhà văn Xuân Đức còn là nhà biên kịch tài ba, với nhiều vở kịch nổi tiếng về đề tài chiến tranh và những vấn đề hậu chiến. Tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ III, nhà văn Xuân Đức được Ban tổ chức mời làm giám khảo và vở kịch "Dư chấn" của ông được Nhà hát kịch Việt Nam trình diễn tại Liên hoan đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng.

Nhà văn Xuân Đức dịp này khá bận rộn. Ông ra Hà Nội một công đôi ba việc: vừa dự Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX lại vừa cấp tập làm việc với Ban tổ chức và Hội đồng Giám khảo Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an". Bận rộn nhưng mà vui. Bỏ qua những điều tiếng xung quanh việc "bầu bán" thì Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam  là cơ hội quý để gặp gỡ, giao lưu, "tán gẫu" với những bạn văn trong cả nước mà ông hằng yêu quý.

Nhà văn Xuân Đức trong ngôi nhà riêng ở Huế.

Làm xong công việc quan trọng nhất là "bỏ phiếu", nhà văn Xuân Đức vội vã trở về với cương vị Giám khảo của mình trong buổi khai mạc Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an". Rồi cứ thế làm việc liên miên ngày 3 buổi sáng, chiều, tối trong suốt 2 tuần lễ liền. Sân khấu là lĩnh vực mà ông dành nhiều tâm huyết, đam mê và trăn trở ngay từ những năm đầu cầm bút và cũng đem đến cho ông nhiều niềm vui, niềm tự hào. Nhà văn tâm sự rằng, suốt hơn 40 năm cầm bút, cho đến tận bây giờ, viết kịch bản sân khấu vẫn là cách ông trút vào đó những nỗi niềm tâm sự, những trăn trở lo âu và cả niềm hi vọng ở cuộc đời...

Nhà văn Xuân Đức cho biết, khi nhận được lời mời làm Giám khảo cho Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an" ông cảm thấy rất vui và vinh dự. Ở Hà Nội hay Sài Gòn không thiếu người am tường về sân khấu nhưng Ban tổ chức đã lựa chọn ông từ mảnh đất Quảng Trị xa xôi đã phần nào thể hiện sự tin cậy, gửi gắm cũng như sự ghi nhận với những đóng góp trước đây cũng như hiện nay của ông đối với nền sân khấu nước nhà: Nhà văn Xuân Đức từng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho kịch bản "Tổ quốc" viết chung với Đào Hồng Cẩm và đến nay có trên 50 kịch bản sân khấu đã được dàn dựng, trong đó có hàng chục vở diễn từng gây tiếng vang và đoạt giải thưởng lớn là một con số vô cùng ấn tượng. Vì thế, dù lịch làm việc khá căng thẳng: mỗi ngày 2 suất diễn sáng và tối, buổi chiều lại họp Hội đồng Giám khảo trong suốt 2 tuần, nhưng ông vẫn cảm thấy đầy hứng khởi. Bởi ông cho rằng đề tài hình tượng người chiến sĩ Công an thực sự là một mảnh đất màu mỡ cho những người sáng tạo bao gồm cả biên kịch, đạo diễn và diễn viên.

Trong Liên hoan lần này, vở kịch "Dư chấn" của ông đã được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng để tham gia dự thi. Tuy nhiên, với cương vị là Giám khảo của Liên hoan nên ông không được tham gia chấm giải cho vở diễn của mình nhưng ông rất vui vì vở diễn đã được Hội đồng giám khảo, ban tổ chức đánh giá cao và trao Huy chương Vàng. Nhiều cá nhân thể hiện xuất sắc các vai diễn đã được trao những giải thưởng cao quý. Chia sẻ về niềm vui này, nhà văn Xuân Đức tâm sự: "Đây thực sự là một thành công ngoài mong đợi của tôi cũng như của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam. Tôi cảm thấy rất vui, vì không ngờ mình lại có "duyên nợ" với ngành Công an đến thế!".

Mối "duyên nợ" mà nhà văn Xuân Đức nhắc tới ở đây bao gồm cả sức sống của tiểu thuyết "Người không mang họ" của ông ra đời cách đây đã hơn 20 năm. Tiểu thuyết này từng gây nên cơn sốt trong lĩnh vực xuất bản bởi sự hấp dẫn của câu chuyện cũng như hành trình phá án của lực lượng Công an nhân dân đối với băng nhóm trộm cướp do Trương Sỏi cầm đầu. Đặc biệt, sau khi tiểu thuyết được chuyển thể thành phim "Người không mang họ" (đạo diễn Long Vân) với sự tham gia của diễn viên điển trai Lý Hùng vào vai tên tướng cướp Trương Sỏi khiến khán giả thích thú thì tiểu thuyết này lại càng được nhiều người tìm đọc.

Có lẽ đây cũng chính là tiểu thuyết có lượng phát hành lớn nhất và được nhiều độc giả yêu thích nhất của nhà văn Xuân Đức. Tuy từng được trao giải A cho tác phẩm văn học về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, nhưng nhà văn Xuân Đức cũng không nghĩ rằng đến một ngày ông lại là một trong 18 nhà văn Việt Nam được vinh danh vì những đóng góp đặc biệt cho dòng văn học "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" của lực lượng Công an. Tên tuổi của ông được đặt bên cạnh những tên tuổi lớn của dòng văn học này như các cố nhà văn Hữu Mai, Lê Tri Kỷ và các nhà văn đương đại như Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Hữu Ước, Nguyễn Quang Thiều, Trần Diễn... là một sự ghi nhận đáng kể của lực lượng Công an đối với tác phẩm "Người không mang họ" từng làm nên tên tuổi của ông một thời. Việc làm đầy tính tri ân này đã nhắc nhở Xuân Đức về sức mạnh, sức sống mạnh mẽ của một tác phẩm văn học một khi đã để lại dấu ấn trong lòng độc giả. Nhà văn Xuân Đức dự định sẽ ấp ủ để viết tiếp một tác phẩm văn học về đề tài này vào một ngày gần nhất. Nhưng vì sợ "nói trước bước không qua" nên nhà văn không tiết lộ gì thêm.

Nhà văn Xuân Đức từng là một người lính chiến khi chiến trường Quảng Trị đang vào hồi gay go quyết liệt nhất. Ban đầu bén duyên với văn chương qua những tiểu phẩm dựng cho đại đội rồi đến những kịch bản mang đậm màu sắc chiến tranh cách mạng như "Tổ quốc", "Cái chết chẳng dễ dàng gì", "Người mất tích" "Chứng chỉ thời gian", "Ám ảnh" và sau này đạt được những thành công vang dội ở thể loại tiểu thuyết với "Người không mang họ", "Cửa gió", "Tượng đồng đen một chân" Đặc biệt là "Bến đò xưa lặng lẽ" từng đoạt giải thưởng cao nhất  trong cuộc thi viết tiểu thuyết năm 2005 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã đánh dấu sự trở lại của Xuân Đức với thể loại tiểu thuyết vốn được xem là sở trường của ông.

Tác phẩm "Bến đò xưa lặng lẽ" sau này cũng được chuyển thể thành phim truyền hình được nhiều người yêu thích. Chỉ chừng ấy thôi cũng đã đủ khẳng định nội lực mạnh mẽ của ngòi bút Xuân Đức. Ông luôn làm việc, luôn vận động, luôn đang viết dở một tác phẩm nào đó hay đang trong trạng thái tư duy về một tác phẩm nào đó sẽ ra đời trong tương lai. Ông tâm sự: "Viết lách là cái nghiệp mà tôi đã trót đeo mang. Về hưu rồi, đáng ra phải thong dong đi chơi bời, nhưng tôi vẫn thích được phiêu lưu trong thế giới của riêng mình. Cứ cậm cạch với cái máy tính, viết suốt ấy. Khi nào không viết gì là tôi lại thấy trống vắng!".

Có lẽ đúng như vậy, nhà văn Xuân Đức dường như đã viết không ngừng nghỉ suốt 40 năm qua. Từ khi còn là người lính, sau đó hoàn thành khóa học Trường viết văn Nguyễn Du (khóa 1) về công tác ở Nhà hát Kịch Quân đội nhưng lại "thường trú" ở Quảng Trị để còn tiện trồng ngô, trồng sắn mới đủ nuôi một đàn con, ông cũng vẫn viết hàng đêm. Đến năm 1990, ông chuyển ngành về làm lãnh đạo ở Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Trị (nay là Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Quảng Trị), dường như chưa bao giờ ông ngưng việc viết lách.

Người ta bảo, nhà văn phàm đã dính vào công việc quản lý hay quan chức là dễ "đứt gánh" với văn chương lắm. Nhưng với nhà văn Xuân Đức thì dường như là một ngoại lệ. Suốt 15 năm làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở kiêm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, công việc bận liên miên nhưng vẫn không cuốn được Xuân Đức ra khỏi "vòng xoáy" văn chương. Ông vẫn viết như... "bổ củi" kể cả khi còn làm việc đến lúc về hưu. Ông viết kịch bản sân khấu, kịch hát, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, hứng lên còn làm cả thơ và sau này còn lấn sân sang cả lĩnh vực kịch bản phim truyền hình với các bộ phim dài tập về đề tài chiến tranh và hậu chiến như "Đối mặt", "Bến đò xưa lặng lẽ" và "Hận thù hóa giải" (hiện đang chiếu trên VTV1).

Là người nhiều ưu tư, trăn trở và lắm nỗi "khóc mướn thương vay", nên gương mặt nhà văn Xuân Đức tuổi 70 như in hằn những nỗi niềm này. Ông có thân hình gầy gò và gương mặt lúc nào cũng như đang suy tư, trăn trở. Nhà văn tâm sự, suốt cuộc đời gắn bó với mảnh đất Quảng Trị đầy nắng gió khắc nghiệt với những người dân lam lũ và những vết thương chiến tranh vẫn chưa thể lành, ông có quá nhiều dữ liệu, trải nghiệm để viết. Và cuối cùng, viết lách dường như là cách làm duy nhất hiệu quả để một người giàu tâm tư như ông giãi bày lòng mình với cuộc đời...

Nguyệt Hà
.
.