Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam:

Không thành công như mong đợi

Thứ Bảy, 06/01/2018, 08:12
Cho đến nay, cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam lần thứ 9 (VN17) hầu như không để lại tiếng vang gì, và công chúng Việt Nam cũng rất ít người biết đến. Thật buồn!


Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9 do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) tổ chức năm 2017 đã thu hút sự tham gia của gần 1.000 tác giả từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng ảnh dự thi hơn 11.000 bức. Cuộc thi có 4 mảng đề tài: Chân dung, Tự do, Phong cảnh và Cuộc sống đời thường. Cũng như những cuộc thi quốc tế trước do VAPA tổ chức, cuộc thi lần thứ 9 này được FIAP (Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế) bảo trợ nghệ thuật; và có 2 bộ giải thưởng của VAPA và FIAP.

Hội đồng giám khảo được thành lập để chấm cho 4 mảng đề tài: Tự do, Phong cảnh, Chân dung, Cuộc sống đời thường. Giám khảo quốc tế đến Việt Nam chấm VN 17 chỉ có vẻn vẹn 2 người. Đó là: Ông David Tay Poey-Cher, người Singapore, tước hiệu MFIAP, Hon EFIAP, FRPS (ông này rất quen thuộc với Việt Nam vì đã nhiều lần sang chấm ảnh); bà Agatha Bunata, người Indonesia, tước hiệu APSA, GMPSA, EFIAP/G. Vì quá ít giám khảo quốc tế nên mỗi vị phải ngồi chấm ở 2 hội đồng. Như vậy, mỗi hội đồng giám khảo có 3 vị thì 2 vị người Việt Nam.

Cuối cùng, các hội đồng giám khảo cũng chọn ra được bộ giải gồm 88 tác phẩm để trao các bộ huy chương Vàng, Bạc, Đồng và Khuyến khích, cùng 557 tác phẩm được treo triển lãm.

Nếu nói rằng VN 17 là cuộc thi ảnh quốc tế e chưa chính xác và đúng tầm. Bởi lẽ, trong số hơn 11.000 tác phẩm dự thi thì gần 80% là ảnh của các tác giả Việt Nam. Một cuộc thi quốc tế thường thấy thì số lượng tác giả, tác phẩm dự thi nếu "yếu tố quốc tế" không trội hơn, cũng phải đạt mức 50-50%. Nhiều người đã khôi hài gọi là cuộc thi ảnh Việt Nam mở rộng. Điều các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam quan tâm nữa, đó là tại sao chỉ có 2 giám khảo nước ngoài đến chấm ảnh tại VN 17! Phải chăng Việt Nam là quốc gia quá kém về nhiếp ảnh nên nhiều giám khảo đã "không thèm" đến Việt Nam! Phải chăng còn những điều khó nói hay tế nhị…mà người ta không muốn tham gia (ở một số cuộc thi trước "yếu tố quốc tế" rất đáng phấn khởi)!

Điều quan tâm nhất của mỗi cuộc thi, đó là bộ giải. Bộ giải của VN 17 đã gây thất vọng hoàn toàn với giới nhiếp ảnh Việt Nam, đặc biệt là những giải cao nhất. Nhìn vào hai ảnh được Huy chương Vàng của FIAP và VAPA, nhiều người trong nước cười nhạt, còn người nước ngoài có lẽ sẽ không tham dự tiếp nữa. Tiêu chí cao nhất là nghệ thuật thì nhìn hai ảnh này chẳng thấy có chút nào nghệ thuật ở đây cả. Bức ảnh: "Tuyệt vời đảo Trường Sa" của Nguyễn Á (Huy chương Vàng của VAPA, thể loại Phong cảnh) và bức: "Phụ nữ Thái" của Vũ Duy Bột  (Huy chương Vàng của FIAP, thể loại Chân dung).

Tác phẩm "Phụ nữ Thái " - Huy chương Vàng của FIAP thể loại chân dung. 

Bức ảnh "Tuyệt vời đảo Trường Sa" được tác giả chụp từ trên máy bay, với tiền cảnh chiếm 1/3 bức ảnh là cánh quạt, bên dưới hiện ra toàn cảnh đảo Trường Sa. Bức ảnh này không thể gọi là ảnh nghệ thuật được. Bức ảnh chỉ có giá trị thông tấn, tư liệu; và là một trong những ảnh có cái nhìn ở góc độ khác về đảo Trường Sa mà thôi. Một đối tượng nào đấy của nhiếp ảnh được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau: nhìn trực diện, nhìn xiên hoặc chếch, nhìn từ phía sau, nhìn từ dưới lên, trên xuống… Đó mới chỉ là góc nhìn, mà nghệ thuật nhiếp ảnh đâu chỉ đơn giản là góc nhìn.

Bức ảnh "Phụ nữ Thái" mô tả người con gái với khuôn mặt ưa nhìn, trong trang phục phụ nữ Thái. Có lẽ đây là sự thất bại đau đớn về ảnh chân dung được Huy chương Vàng của FIAP. Bố cục toàn ảnh tạo cảm giác nặng trên nhẹ dưới, và bức ảnh cô gái Thái như rất mong manh, chực đổ gục bởi sự yếu đuối, mất cân bằng. 

Rõ ràng phần đầu lớn hơn phần mình. Khuôn mặt - điểm nhấn quan trọng quyết định yếu tố của ảnh chân dung, thì thật quá bình thường. Chỉ là gương mặt cô gái Việt nói chung, chưa đạt tới sự tìm tòi một gương mặt đặc trưng phụ nữ Thái ưa nhìn, không đẹp, không xấu. Và, gương mặt cô gái chưa biểu đạt được bất cứ điều gì…Nếu nói vô hồn thì không phải, nói có hồn ắt là chưa….

Trong toàn bộ bộ giải đã được chấm chọn, nếu nhặt ra phân tích, hẳn phải tới gần 50% chưa đạt tới tầm mức của giải, nếu không muốn nói còn thua một số ảnh được treo.

Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế mang tên VN… được thực hiện 2 năm một lần do Việt Nam đăng cai tổ chức, luôn luôn là hy vọng, khát vọng của các nghệ sĩ nhiếp ảnh và những người chụp ảnh nghệ thuật có tay nghề vững. Bởi lẽ đây là sân chơi nghệ thuật, nơi thi thố và khẳng định tài năng, đẳng cấp muôn vẻ của người làm nghệ thuật nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Đồng thời khẳng định uy tín nghệ thuật và uy tín tổ chức của cơ quan đứng ra tổ chức cuộc thi. Cuộc thi VN 17 đã không làm được những điều trên.

Thứ nhất, uy tín nghệ thuật đã bị giảm sút đáng kể bởi sự lựa chọn ra một bộ giải thưởng FIAP và VAPA chưa xứng với tầm vóc cuộc thi quốc tế. Số lượng tác giả, tác phẩm, giám khảo quốc tế đến với cuộc thi, đặc biệt là giám khảo quốc tế đã không đủ sức thuyết phục đây là cuộc thi ảnh quốc tế. Vì sao có hiện tượng này?

Thứ hai, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam là một trong 9 Hội văn học nghệ thuật; với tiêu chí hoạt động là khám phá, sáng tạo và tôn vinh những giá trị nghệ thuật; nhưng trong một cuộc thi mang tầm vóc quốc tế, cần giới thiệu, tôn vinh giá trị nghệ thuật đích thực do mình tổ chức thực hiện, nhằm khẳng định và tạo thêm uy tín trong con mắt nhìn nhận, đánh giá khắt khe của thế giới về nghệ thuật; đã không làm được điều này, lại minh họa thời sự, chính trị một cách khiên cưỡng (đơn cử việc trao giải nhất cho ảnh "Tuyệt vời đảo Trường Sa"). Điều này đã làm giảm uy tín của một Hội Nghệ thuật trong con mắt bạn bè quốc tế, giảm sút uy tín đối với các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và những người quan tâm, yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh.

Các hội đồng giám khảo của cuộc thi VN 17 đã không thực sự tinh tường trong việc chọn ra những tác phẩm xuất sắc để trao giải và triển lãm. Ở cuộc thi này, tư duy chấm chọn vẫn là lối tư duy cũ, đã từng tồn tại trong nhiều thập kỷ nay của giới ảnh nghệ thuật Việt Nam. Giám khảo Việt Nam hình như rất thiếu thông tin nhiếp ảnh của thế giới. Vấn đề này là trách nhiệm của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Thứ ba, nhiếp ảnh là một ngành nghệ thuật mang tính phổ biến, quần chúng rộng rãi. Ai cũng có quyền chụp, lưu giữ, phổ biến, quảng bá những hình ảnh mình đã chụp, miễn là tuân theo những quy định của luật pháp. Khi một hội, đoàn thể (do nhà nước quản lý và cấp kinh phí tổ chức, hoạt động) tổ chức một cuộc thi quốc tế, rất cần thiết sự quảng bá và phổ biến hoạt động đó rộng rãi để người dân được thưởng thức những giá trị nghệ thuật… 

Vậy nhưng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam dù được cấp kinh phí cho cuộc thi lên tới con số tiền tỷ, song hành số tiền mỗi người dự thi bắt buộc phải nộp cho 4 nội dung là 400.000đ. Với khoảng một nghìn tác giả, số tiền khoảng 400 triệu nữa. Ấy vậy, buổi khai mạc và triển lãm một số tác phẩm lại được diễn ra trong Trung tâm Lưu trữ và triển lãm ảnh của Hội, mãi Cầu Giấy, cách trung tâm thành phố khoảng 15km. Có bao nhiêu người được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật ảnh, ngoài ban tổ chức cùng dăm bảy chục nghệ sĩ đến trong buổi khai mạc! Cuộc thi và triển lãm quốc tế này để cho ai, phục vụ ai…

Vì sao không đưa ra triển lãm ở Văn Miếu hay khu tượng đài Lý Công Uẩn và đưa đi triển lãm ở các tỉnh, thành để đông đảo người dân được thưởng thức…là dấu hỏi với hầu hết các nghệ sĩ cùng những người quan tâm đến môn nghệ thuật nhiếp ảnh.

Thứ tư, qua cuộc thi thấy rõ sự ôm đồm, "vừa đá bóng vừa thổi còi" của người đứng đầu Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, cùng sự cẩu thả, luộm thuộm của một số người trong ban tổ chức. Trong cuốn sách ảnh in bộ giải của cuộc thi, người ta được biết ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội vừa là Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức lại kiêm nhiệm luôn vị trí Ban biên soạn tập sách ảnh. Như vậy, có 3 vị trí quyết định nhất, ông Chủ tịch hội đều nắm cả. 

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam có nhiều nghệ sĩ giỏi, sao phải để ông Trưởng ban chỉ đạo Vũ Quốc Khánh chỉ đạo ông Trưởng ban tổ chức Vũ Quốc Khánh; rồi cũng ông Vũ Quốc Khánh lại bắt bản thân ông phải nai lưng ra biên soạn tập sách ảnh…!!! 

Tập sách ảnh về mặt chất lượng in khá đảm bảo, tuy nhiên sự cẩu thả lộ rất rõ. Phần chú thích tác giả tác phẩm thì, người Việt Nam đọc của người Việt Nam, người nước ngoài đọc của người nước ngoài, ai không biết tiếng Anh, tiếng Việt không quan tâm. Vậy nên, người Việt không biết tác phẩm của ông, bà người nước ngoài là gì, và ngược lại. Phần mục lục các tác phẩm, tác giả được chọn treo triển lãm thì chữ quá bé (đeo kính 3 điốp mà nhìn chưa thấy đâu). Rõ ra một tập sách ảnh không xứng tầm quốc tế của cuộc thi.

Khách quan, cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế VN 17 đã chọn ra được nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật tốt của nhiều tác giả của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và Việt Nam.  Tuy nhiên,  còn nhiều điều đáng bàn về cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế VN 17. Vài nét phác trên để thấy rằng cuộc thi đã không mấy thành công và không như mong đợi.

Hà Nội, ngày 31-12-2017

Cao Minh
.
.