Không được xuyên tạc lịch sử

Thứ Hai, 08/06/2009, 10:15
Có một sự kiện xảy ra trong tuần qua ít nhiều gây được sự chú ý của công luận. Đó là việc Tổng thống Nga Dmitri Medvedev ra sắc lệnh thành lập một ủy ban đặc biệt, gọi là ủy ban Chống xuyên tạc lịch sử nhằm đối phó với những âm mưu của các thế lực muốn qua việc xuyên tạc lịch sử (đặc biệt là về Stalin và vai trò của Liên Xô trong thế chiến II) làm phương hại tới hình ảnh và lợi ích của nước Nga trên trường quốc tế.

Đây là lần đầu tiên, ở một cường quốc có một ủy ban như vậy. Điều này cho thấy vấn đề đã thực sự trở nên cấp thiết...

Thật ra, từ trước đến nay, nhiều người vẫn nghĩ một cách đơn giản rằng, sự thật lịch sử bản thân nó vốn có sức mạnh, thậm chí còn cho rằng, nó có sức mạnh vô biên, cứ thế tự nhiên tồn tại, không ai có thể phủ lấp. Kỳ thực, sự thật lịch sử cũng như nhiều giá trị to lớn khác, nó chỉ hiện lên chân xác trước hậu thế nhờ bao công sức bảo vệ, thậm chí là bằng máu và nước mắt của nhiều thế hệ.

Ai đọc sách cổ đều biết cái tích "Tăng Sâm giết người". Một bà mẹ được người ta thông báo con mình giết người (sự thật là người ta đã nhầm con bà với một người cùng tên khác). Lần đầu tiên nghe tin này, bà nói: "Chẳng khi nào con ta lại giết người", rồi điềm nhiên ngồi dệt cửi. Lần thứ hai nghe người ta thông báo điều này, bà cũng vẫn không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi. Đến lần thứ ba thì bà hốt hoảng vùng dậy, chạy như bị ma đuổi.

Thế đó, cái ý mà Goebbels - Bộ trưởng Tuyên truyền của chính quyền Đức Quốc xã trước đây từng lấy làm tâm đắc "Nếu nói dối đủ to và cứ tiếp tục lặp lại lời dối trá của mình, quần chúng rồi sẽ tin vào lời nói dối đó", là một nguyên lý cho thấy, sự thật lịch sử nhiều khi có thể bị bóp méo bởi những cách thức thật ra lđ rất đơn giản.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam trước đây, chúng ta có thể thấy, có những vấn đề, những nhân vật, những vụ việc hiện vẫn chưa qui tụ được cái nhìn tương đối đồng nhất ở các bậc thức giả. Bởi ngoài quan điểm riêng của mỗi người, thì vấn đề chính là do cách suy luận của họ hiện chủ yếu vẫn dựa vào những "nguồn tin" do họ tự mày mò sưu tầm và rất ít có cơ sở để thẩm định độ xác thực. Ngay như một nhân vật tài danh như cụ Nguyễn Trãi, mà với thảm án Lệ Chi Viên, hiện có những tình tiết vẫn tồn tại chủ yếu dưới dạng...giai thoại. Chẳng thế, đã có cuốn sách phải bị dừng phát hành vì hư cấu những điều ít người có thể chấp nhận (mặc dù không phải tất cả đều dám khẳng định là nó không có khả năng xảy ra trong thực tế).

Trở lại với vấn đề bảo vệ sự thật lịch sử. Hiện chúng ta không khỏi phiền lòng khi thấy rằng, ngoài việc chủ đích của các thế lực thù địch là không ngừng tuyên truyền phủ nhận và xuyên tạc lịch sử, đây đó ngày càng xuất hiện những người - do thiếu ý thức, cộng với sự dễ dãi, thích những gì "mới lạ", gây sốc - đã vô tình trở thành "công cụ" truyền bá những thông tin sai lạc, bịa tạc, khiến nhiều sự thật lịch sử đã có lúc bị chìm trong màn sương hư thực, làm cho những người ít trải nghiệm có thể bị lung lạc, dẫn đến những cách nhìn, cách nghĩ không đúng đắn.

Điều đáng nói là những thông tin dạng này nhiều khi được khuếch đại qua lăng kính của một số văn nghệ sĩ, trí thức với những câu chuyện mang nhiều màu sắc giai thoại, nên dễ được một số người đem ra "buôn chuyện" lúc trà dư tửu hậu, rốt cục nó ít nhiều làm ảnh hưởng tới nhận thức của lớp người đi sau.

Về mối nguy hại của việc làm này, một tác giả chuyên nghiên cứu và viết nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh như nhà văn Sơn Tùng, đã phải bức xúc thốt lên trong một bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Văn nghệ số ra hồi tháng 3 vừa qua, rằng thì "có một số người vì hận thù dai dẳng, vì thua thiệt bất mãn, hoặc vì thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, thiển cận... nên họ đã có những toan tính thiếu trong sáng". Nhà văn Sơn Tùng đã có lời khuyên với những đối tượng này là "Nếu không làm được phúc thì đừng gieo họa".

Từ phát biểu của nhà văn Sơn Tùng, thiết nghĩ, song song với việc chúng ta mạnh mẽ lên tiếng phản bác những chuyện bịa tạc gây thương tổn đến ký ức của dân tộc, thậm chí, với những trường hợp tung tin bịa đặt (kể cả nghe hóng hớt rồi loa miệng, ngoa ngôn), các nhân chứng cần phải có thái độ mạnh mẽ vấn đề nghiêm trọng thì phải yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đặc biệt chú trọng việc đăng tải những bài viết, những ý kiến của các nhân chứng có điều kiện tiếp cận và là những người góp phần làm nên những sự kiện lịch sử đó, vừa để vinh danh họ, cũng là thêm dịp để bảo vệ tính trung thực của lịch sử...

Phạm Nhật Linh
.
.